Báo Đồng Nai điện tử
En

Sức mạnh của sự ham học, khiêm nhường

09:11, 22/11/2019

"Chúng ta nói về các cơ hội của doanh nghiệp khi Việt Nam ký kết hàng loạt các hiệp định thương mại tự do, nhưng tôi muốn hỏi, những doanh nhân ngồi đây ai là người thực sự am hiểu tường tận lĩnh vực mà mình đang hoạt động?". Đây là câu hỏi mà ông Mai Hữu Tín đặt ra tại buổi kỷ niệm 15 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam do Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai tổ chức trong ngày 13-10 vừa qua.

“Chúng ta nói về các cơ hội của doanh nghiệp khi Việt Nam ký kết hàng loạt các hiệp định thương mại tự do, nhưng tôi muốn hỏi, những doanh nhân ngồi đây ai là người thực sự am hiểu tường tận lĩnh vực mà mình đang hoạt động?”. Đây là câu hỏi mà ông Mai Hữu Tín đặt ra tại buổi kỷ niệm 15 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam do Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai tổ chức trong ngày 13-10 vừa qua. Ông Tín từng là đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XII và  XIII; Chủ tịch hội doanh nhân trẻ Việt Nam (khóa IV, 2011-2014) và Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư U&I. Ông Tín từng là đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XII và  XIII; Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam (khóa IV, 2011-2014) và Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư U&I.

Câu hỏi của ông Tín thực ra xuất phát từ một thực tế là doanh nhân hiện nay nói chung không có nhiều thời gian “học và tự học”, khó thu xếp được thời gian và điều kiện để tự đào tạo, tái đào tạo và bổ sung kiến thức cho chính chuyên ngành, lĩnh vực mà doanh nghiệp mình đang hoạt động. Giữa bao bộn bề, khó khăn của việc làm ăn, kinh doanh: vốn liếng, nhân sự, khách hàng, truyền thông, phân phối... không phải ai cũng dành được 1-2 giờ mỗi ngày cho việc học. Trên thực tế, “chuyện học” của doanh nhân nghiêng về cập nhật những kiến thức, xu thế, hướng đi, công nghệ, chính sách... mới trong lĩnh vực của mình.

Sự tiến bộ quá nhanh, quá mạnh mẽ của thế giới ngày nay, đặc biệt dưới sự tác động của công nghệ đã làm thay đổi sâu sắc nhiều ngành nghề và hơn lúc nào hết, doanh nhân ngày nay phải “học” rất nhiều. Để tận dụng được các lợi thế của những hiệp định thương mại, phải “học”; muốn xuất khẩu hàng hóa đến các thị trường mới, cũng phải “học”; áp dụng công nghệ mới vào chính nhà máy của mình, phải “học”...

Trên thực tế, không ít doanh nghiệp vì thiếu sự cập nhật, đổi mới, thích nghi với những tri thức và xu hướng quá mới mẻ của ngành, lĩnh vực mình hoạt động mà phải thu hẹp dần quy mô, thậm chí bị sáp nhập hoặc phá sản khi bản thân doanh nghiệp không còn đủ sức cạnh tranh với những đòi hỏi của thị trường. Những ví dụ này diễn ra khá phổ biến, kể cả với những thương hiệu rất hùng mạnh một thời, trong đó có thể kể đến câu chuyện thất bại của 2 hãng điện thoại lâu đời nổi tiếng thế giới như: Nokia, Motorola, vì không “trở mình” kịp với xu hướng điện thoại thông minh ngày nay.

Trăn trở của ông Tín đã chạm đến nhiều tâm tư của doanh nhân ngày nay, khi “học và tự học” không còn thuộc phạm trù ý chí cá nhân mà đã trở thành một đòi hỏi thực sự của thời đại. Doanh nhân muốn tồn tại và lớn mạnh, càng phải chú trọng việc tái đào tạo, tự đào tạo, đặc biệt với những ngành nghề có sự chuyển biến nhanh và tính đào thải lớn. Đó cũng là điều mà ông Yamamoto Nobutane, giảng viên các khóa học kinh doanh cao cấp Keieijuku (do Cơ quan Hợp tác quốc tế JICA tài trợ) nhắn nhủ. Theo đó, dù thành công đến đâu thì doanh nhân cũng không bao giờ được quên sự khiêm nhường và sự ham học. Chừng nào còn khiêm nhường, còn ham học thì doanh nghiệp đó mới có thể lớn mạnh thêm.   

Vi Lâm

 

Tin xem nhiều