Báo Đồng Nai điện tử
En

Xác định các nhiệm vụ đột phá để phát triển

09:07, 26/07/2020

Nhiệm kỳ 2015-2020, việc Đảng bộ huyện Tân Phú xác định 4 nhiệm vụ đột phá đã giúp cho huyện phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tạo nhiều bứt phá toàn diện trên các lĩnh vực.

Nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ H.Tân Phú xác định 4 nhiệm vụ đột phá để phát triển kinh tế - xã hội gồm: đẩy mạnh cải cách hành chính; phát triển nông nghiệp theo hướng hình thành các vùng chuyên canh, áp dụng khoa học vào sản xuất; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ và phát triển ngành Du lịch.

Với thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2020, nhân dân và cán bộ H.Tân Phú đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Trong ảnh: Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến trao Huân chương Lao động hạng Ba cho H.Tân Phú tại buổi lễ công bố tỉnh Đồng Nai hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020. Ảnh: Hải Quân
Với thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2020, nhân dân và cán bộ H.Tân Phú đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Trong ảnh: Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến trao Huân chương Lao động hạng Ba cho H.Tân Phú tại buổi lễ công bố tỉnh Đồng Nai hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020. Ảnh: Hải Quân

[links()]Việc xác định đúng các nhiệm vụ trọng tâm đã giúp cho H.Tân Phú phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tạo nhiều bứt phá toàn diện trên các lĩnh vực.

* Khơi dậy và phát huy tiềm năng, thế mạnh

Trước đây, cà phê, hồ tiêu là những loại cây trồng chủ yếu được người dân xã Tà Lài đầu tư phát triển. Tuy nhiên, do giá cả các sản phẩm này bấp bênh nên thu nhập của người dân trong xã không ổn định.

Những năm gần đây, nhận thấy giá trị của cây bưởi da xanh, người dân xã Tà Lài đã mạnh dạn chuyển đổi sang loại cây trồng này để thay thế cho các vườn cà phê, hồ tiêu già cỗi. Từ chỗ chỉ có vài hộ trồng ban đầu, đến nay, theo UBND xã Tà Lài, toàn xã đã phát triển được gần 300ha chuyên canh bưởi da xanh. Cây bưởi da xanh Tà Lài hiện nay cũng đã được đưa vào danh mục xây dựng của chương trình Mỗi xã mỗi sản phẩm của tỉnh.

Bà Lê Thị Kim Em, ấp 3, xã Tà Lài cho hay, so với việc trồng cà phê, hồ tiêu trước đây, cây bưởi da xanh hiện nay cho thu nhập cao hơn hẳn. “Trước đây với 2ha đất trồng cà phê, hồ tiêu mỗi năm gia đình tôi chỉ thu nhập khoảng 200 triệu đồng. Từ khi chuyển sang trồng cây bưởi da xanh, mỗi năm gia đình tôi có nguồn thu hơn 1 tỷ đồng” - bà Lê Thị Kim Em vui mừng cho biết.

Không chỉ có cây bưởi, hiện nay trên địa bàn H.Tân Phú cũng đã hình thành được nhiều vùng chuyên canh theo hướng sản xuất hàng hóa như: vùng chuyên canh cây sầu riêng, rau màu, dừa xiêm lùn…

Cùng với việc hình thành các vùng sản xuất lớn, H.Tân Phú cũng thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ người dân đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Do đó, đến nay dù là huyện miền núi còn gặp nhiều khó khăn nhưng trên địa bàn H.Tân Phú cũng đã hình thành nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: mô hình tưới tự động, trồng rau sạch trong nhà lưới, trồng rau thủy canh, quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP...

Trên thực tế, H.Tân Phú luôn xác định sản xuất nông nghiệp có vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Chính vì vậy, trong 5 năm qua, H.Tân Phú đã triển khai nhiều chương trình, dự án, áp dụng, vận dụng các chính sách hỗ trợ cho người dân trong phát triển sản xuất nông nghiệp. Nhờ đó, giá trị sản xuất nông nghiệp của H.Tân Phú trong 5 năm qua luôn đạt cao với mức tăng trưởng bình quân hơn 7,5%/năm. Tính đến nay, giá trị sản phẩm trên một đơn vị diện tích trên địa bàn huyện đạt 180 triệu đồng/ha.

Cùng với nông nghiệp, một điểm sáng nữa của H.Tân Phú trong phát triển kinh tế chính là sự tăng trưởng ấn tượng của ngành Du lịch.

Nằm giữa tuyến du lịch TP.HCM - Đà Lạt, H.Tân Phú được thiên nhiên “ban tặng” nhiều thác, hồ, sông, núi rừng hùng vĩ. Ngoài ra, trong những năm gần đây, trên địa bàn huyện có thêm nhiều mô hình nông nghiệp theo hướng hiện đại kết hợp du lịch miệt vườn. Đây là những tiềm năng lớn để H.Tân Phú phát triển các tour, tuyến du lịch sinh thái kết nối vườn - rừng và du lịch cộng đồng gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Ông Trương Công Vững, Giám đốc Công ty TNHH MTV Tre Xanh Nam Cát Tiên, xã Nam Cát Tiên chia sẻ, hiện nay một số mô hình du lịch khép kín từ nghỉ dưỡng đến kết hợp các tour sinh thái, cộng đồng như: đi thuyền tham quan dọc sông Đồng Nai, các tour xe đạp, trekking rừng, liên kết việc tham quan Vườn quốc gia Cát Tiên với tìm hiểu tập quán, cuộc sống thường nhật của người dân địa phương... ngày càng được nhiều du khách quan tâm, nhất là du khách nước ngoài.

Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND H.Tân Phú Võ Tuấn Dũng cho hay, các sản phẩm du lịch của huyện ngày càng được đầu tư phát triển đa dạng, chất lượng dịch vụ du lịch được củng cố và nâng cao, cùng với sự phát triển của các điểm du lịch như: Vườn quốc gia Cát Tiên, Công viên Sinh thái Suối Mơ… đã kéo theo sự phát triển của các dịch vụ du lịch như: resort Orchard Home, khu nghỉ dưỡng Cat Tien Jungle Lodge, khu nghỉ dưỡng Tre Xanh Nam Cát Tiên, homestay Núi Tượng, Nhà dài Tà Lài… được liên kết góp phần vào sự phát triển du lịch chung của toàn huyện.

Để phát huy tiềm năng, thế mạnh về sản xuất nông nghiệp và du lịch, H.Tân Phú cũng đã dành nhiều nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng như: điện, đường, trường, trạm…

Theo UBND H.Tân Phú, trong 5 năm qua, Tân Phú đã huy động hơn 8,5 ngàn tỷ đồng đầu tư phát triển hạ tầng. Đến nay, 100% đường trục xã trên địa bàn huyện đã được bê tông hóa, nhựa hóa, hơn 38,7km đường huyện ngoài đô thị được đầu tư xây dựng. Các trung tâm văn hóa - thể thao xã, nhà văn hóa ấp, trường học, bệnh viện, chợ được đầu tư xây dựng đưa vào sử dụng góp phần nâng cao đời sống của nhân dân. Hệ thống lưới điện trên địa bàn huyện cũng được quan tâm đầu tư. Đến nay, tỷ lệ hộ dân sử dụng điện đạt 99,9%.

* Tiếp tục nâng cao đời sống của người dân

Tân Phú là huyện miền núi còn gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên, trong 5 năm qua kinh tế - xã hội của địa phương đã có những bước phát triển đáng ghi nhận. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân tiếp tục được nâng cao.

Mô hình trồng dừa xiêm lùn mang lại hiệu quả kinh tế cao tại xã Phú Thịnh (H.Tân Phú). Ảnh: Hải Quân
Mô hình trồng dừa xiêm lùn mang lại hiệu quả kinh tế cao tại xã Phú Thịnh (H.Tân Phú). Ảnh: Hải Quân

Theo UBND H.Tân Phú, tính đến nay thu nhập bình quần đầu người trên địa bàn huyện đạt 60 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,75% (giảm gần 1,7 ngàn hộ so với cuối năm 2015). Đặc biệt, vào tháng 5- 2019, H.Tân Phú cũng đã được Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Trong 5 năm tới, H.Tân Phú cũng đã xác định mục tiêu quan trọng nhất là tiếp tục nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội. Do đó, địa phương cũng đã xác định 3 lĩnh vực đột phá để tiếp tục phát huy tiềm năng, nguồn lực, phát triển kinh tế theo hướng tăng tỉ trọng ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ, giảm tỉ trọng ngành nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế. Trong đó, ưu tiên phát triển nông nghiệp hiện đại, hình thành các vùng sản xuất tập trung, ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp.

Đối với 3 lĩnh vực đột phá trong 5 năm tới, H.Tân Phú cũng xác định việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của đảng viên và trách nhiệm của người đứng đầu trong các đơn vị, tổ chức là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Tân Phú xem đây là “chìa khóa” để khắc phục, giải quyết các vướng mắc, tồn tại kéo dài những năm qua.

Bí thư Huyện ủy Tân Phú Nguyễn Trung Thành cho hay, để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được nâng cao hơn nữa đời sống của người dân đạt mức ngang hoặc khá hơn so với bình quân chung của toàn tỉnh bên cạnh việc kế thừa những kết quả đã đạt được trong thời gian vừa qua thì Ban chấp hành Đảng bộ huyện đã xác định mục tiêu cho giai đoạn năm 2020-2025. Theo đó, phải tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phát huy dân chủ, củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân.

“Đặc biệt là phải nâng cao tinh thần trách nhiệm tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên xây dựng cả hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh huy động được các nguồn lực để thực hiện phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân giữ vững quốc phòng an ninh và hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao” - Bí thư Huyện ủy Tân Phú Nguyễn Trung Thành nhấn mạnh.

Đại hội Đảng bộ H.Tân Phú lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025 diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 27 đến 29-7. Đại hội có 237 đại biểu đến từ 41 tổ chức cơ sở Đảng, đại diện cho hơn 4 ngàn đảng viên trong toàn Đảng bộ huyện tham dự.

Đại hội sẽ đánh giá lại toàn diện kết quả lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ huyện về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trong nhiệm kỳ 2015-2020, đồng thời thảo luận và đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cho nhiệm kỳ 2020-2025.

Đại hội sẽ bầu Ban chấp hành Đảng bộ huyện khóa XII (nhiệm kỳ 2020-2025) và bầu đoàn đại biểu Đảng bộ H.Tân Phú tham dự Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI.

Phạm Tùng - Hải Quân


Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tân Phú Võ Tuấn Dũng: Phát triển du lịch gắn với sản xuất sạch

Trong thời gian tới, H.Tân Phú sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển dịch vụ - du lịch, nhất là du lịch sinh thái. Trong đó, huyện sẽ chú trọng đầu tư kết cấu hạ tầng để thúc đẩy giao lưu hàng hóa, xây dựng và phát triển tuyến du lịch sinh thái gắn với làng nghề truyền thống, tạo sản phẩm riêng biệt cho địa phương.

Đồng thời, địa phương sẽ đa dạng hóa các sản phẩm du lịch như: du lịch sinh thái kết hợp nghiên cứu khoa học; du lịch sinh thái kết hợp làng nghề truyền thống; du lịch tâm linh, tín ngưỡng; đề xuất cấp phép cho tuyến du lịch đường sông trên sông Đồng Nai… Đặc biệt, huyện sẽ phát triển các sản phẩm nông nghiệp như trồng rau sạch, vườn trái cây chất lượng cao, các sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) để đáp ứng nhu cầu mua sắm và kích cầu du lịch, quan tâm phát triển hơn nữa các loại hình du lịch cộng đồng, homestay tại địa phương…

Ông Lê Văn Hải, Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đắc Lua: Nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân vùng xa

Đắc Lua là một trong những xã miền núi thuộc vùng sâu, xa nhất của H.Tân Phú. Những năm gần đây, chương trình xây dựng nông thôn mới đã thay đổi diện mạo, đời sống nhân dân được nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người hằng năm đều tăng với mức tăng bình quân trong 5 năm vừa qua là 7,8%/năm, đến cuối năm 2019 đạt trên 54,2 triệu đồng/người/năm.

Trong nhiệm kỳ tới, xã tiếp tục hoàn thành các tiêu chí, chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao, phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng trạm bơm trung tâm của xã đảm bảo hệ thống tưới tiêu, triển khai các dự án sản xuất nông nghiệp sạch, nâng cao hơn nữa chất lượng cuộc sống và thu nhập của người dân. Trong đó, xã mong muốn các cơ quan, ban, ngành và chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đối với ấp 7 của xã, bởi đây là địa bàn xa nhất của huyện, được sáp nhập từ tỉnh Bình Phước về xã từ cuối năm 2017.

Ông Trần Xuân Trường, Phó chủ tịch HĐQT, Giám đốc điều hành HTX Thương mại - dịch vụ nông nghiệp Tà Lài (xã Tà Lài): Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm OCOP

Phong trào xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển về sản xuất đã góp phần làm cho địa phương không ngừng thay da đổi thịt. Cuộc sống của người dân địa phương ngày càng được cải thiện từ những vùng trồng cây ăn trái đặc sản cho hiệu quả kinh tế cao.

Đơn cử, mô hình trồng bưởi sạch theo hướng VietGAP của HTX mỗi năm cho doanh thu từ
400-500 triệu đồng/ha/năm. Nhờ sự hỗ trợ, đồng hành của chính quyền địa phương, sản phẩm bưởi sạch của HTX đã trở thành sản phẩm OCOP đầu tiên của huyện. Trong thời gian tới, HTX mong muốn các cấp, ban, ngành và chính quyền địa phương của huyện tiếp tục phát triển thêm các sản phẩm OCOP, cũng như hỗ trợ mở rộng các kênh phân phối, phát triển thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp sạch, sản phẩm OCOP…              

Hoàng Hải (ghi)


 

Tin xem nhiều