Báo Đồng Nai điện tử
En

Nâng chất sĩ quan chỉ huy để xây dựng quân đội hiện đại

07:04, 16/04/2022

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác cán bộ, coi đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong xây dựng Đảng, chính quyền. Người cho rằng: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc", "Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém"...

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác cán bộ, coi đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong xây dựng Đảng, chính quyền. Người cho rằng: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”...

Bộ trưởng Quốc phòng, đại tướng Phan Văn Giang kiểm tra lớp học tại thao trường. Ảnh: N.Hà
Bộ trưởng Quốc phòng, đại tướng Phan Văn Giang kiểm tra lớp học tại thao trường. Ảnh: N.Hà

Về thăm, làm việc và kiểm tra tại Trường Sĩ quan lục quân 2 (SQLQ2, Trường đại học Nguyễn Huệ, đóng tại P.Tam Phước, TP.Biên Hòa) mới đây, đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Quốc phòng cho biết, công tác đào tạo sĩ quan chỉ huy quân đội phải đặc biệt coi trọng. Đây là nhiệm vụ chính trị trung tâm quan trọng nhất để chăm lo, bồi dưỡng “cái gốc”, “xương sống” trong chỉ huy xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại và hiện đại từ năm 2030.

* Giỏi chuyên ngành, biết toàn diện

* Công tác cán bộ nói chung, đào tạo đội ngũ sĩ quan chỉ huy ở các nhà trường, học viện trong toàn quân hiện nay rất quan trọng. Qua kiểm tra tại Trường SQLQ2, Bộ trưởng đánh giá nhiệm vụ này như thế nào?

- Nhìn tổng thể thời gian qua, tôi đánh giá cao kết quả GD-ĐT của Trường SQLQ2 - ngôi trường mang tên người anh hùng áo vải cờ đào Quang Trung - Nguyễn Huệ. Người đã làm nên nhiều chiến thắng vĩ đại trong lịch sử dân tộc, đặc biệt trận Ngọc Hồi - Đống Đa ngày mùng 5 Tết Kỷ Dậu (năm 1789)…

Hơn 60 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, Trường SQLQ2 đã đào tạo nên đội ngũ sĩ quan chỉ huy cấp phân đội và ngày nay đào tạo các bậc cao hơn sau đại học một cách bài bản, toàn diện. Nhiều đồng chí sĩ quan cao cấp, các tướng lĩnh quân đội, lãnh đạo các tỉnh, thành phố đã trưởng thành từ ngôi trường mang tên người anh hùng Quang Trung - Nguyễn Huệ.

Riêng nhiệm kỳ 2020-2025, có hơn chục đồng chí sĩ quan cao cấp trúng cử vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Đã có nhiều tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp của quân đội trưởng thành từ Trường SQLQ2 có thể kể đến như: thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; thượng tướng Võ Minh Lương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; thiếu tướng Nguyễn Trường Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 7…

* Cùng với việc kiểm tra thực tế tại các lớp học viên, thao trường huấn luyện, trực tiếp tham gia dự giảng và cung cấp nhiều kiến thức bổ ích cho học viên trong đợt kiểm tra, đại tướng còn băn khoăn điều gì, thưa đại tướng?

- Như tôi đã nói ở trên, về cơ bản, công tác GD-ĐT đội ngũ sĩ quan chỉ huy cấp phân đội của nhà trường hoặc đào tạo sau đại học ở đây khá tốt. Tôi cũng ấn tượng với chất lượng đội ngũ các nhà giáo, giảng viên, cán bộ quản lý của trường… với trên 65% có trình độ sau đại học. Đây là điều kiện, cơ sở để nâng chất đào tạo học viên sĩ quan chỉ huy. Bởi, có thầy giỏi chắc chắn sẽ truyền thụ, giảng dạy nhiều kiến thức bổ ích cho học viên, đối tượng học tập tại đây.

Tôi đề nghị học viên hãy cố gắng để những ngày học tập thực sự là những ngày chúng ta nâng cao trình độ mọi mặt, chứ không chỉ học để hoàn thiện văn bằng, chứng chỉ. Chúng ta là “gốc, là xương sống” của quân đội, những người điều hành, tổ chức đơn vị chứ không phải là người chỉ biết thực hiện…

Tuy nhiên, khi thực tế kiểm tra cùng các thành viên trong đoàn công tác, tôi cũng lưu ý nhà trường khi xây dựng chương trình giảng dạy, cách thức bố trí các tiết học, giờ học cho các đối tượng khác nhau phải căn cứ vào thực tiễn người học để xây dựng chương trình đào tạo phù hợp. Thu hút người học tham gia nghiên cứu, học tập; nói cách khác, phải lấy người học làm “trung tâm”, nhiệm vụ quan trọng của quá trình giảng dạy.

Chẳng hạn như, khi giảng dạy môn triết học nên vận dụng kiến thức lịch sử, truyền thống dân tộc, quân đội để vừa giáo dục người chỉ huy có bản lĩnh vững vàng, vừa làm cho môn học lý luận không khô khan, khó tiếp thu… Mặt khác, đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhất là giảng viên trực tiếp đứng lớp của trường khá trẻ, nhiều người là tiến sĩ, thạc sĩ nhưng khi tôi trực tiếp yêu cầu giao tiếp bằng tiếng Anh lại không thể nói thành thạo… Trong điều kiện hội nhập hiện nay, ngoại ngữ thực sự đóng vai trò quan trọng đối với đời sống xã hội nói chung, với hoạt động quân sự nói riêng nên cán bộ, giảng viên, học viên quan tâm hơn nữa đến việc dạy và học ngoại ngữ…

Theo tôi, nhà trường phải xây dựng chương trình đào tạo một cách toàn diện, bài bản theo phương châm “Giỏi chuyên ngành, biết toàn diện” và “Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”… Có như vậy, quân đội mới có đội ngũ sĩ quan chỉ huy “thực sự chất” để lãnh đạo, chỉ huy quân đội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc…

* Nâng chất mọi mặt…

* Từ kết quả cũng như những mặt còn hạn chế mà đoàn kiểm tra, trực tiếp là Bộ trưởng đã chỉ ra, Bộ trưởng lưu ý những nội dung nào nhà trường phải tập trung thực hiện để nâng chất mọi mặt đội ngũ sĩ quan chỉ huy sau khi ra trường về công tác tại các đơn vị trong toàn quân?

- Ở trên tôi đã đề cập phương châm “tính toàn diện”; “chất lượng đào tạo của trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”…, nhà trường phải bám sát Luật GD-ĐT; các nghị quyết, chỉ thị của Đảng; của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng cùng những kế hoạch chỉ đạo của Cục Nhà trường, Bộ Tổng tham mưu và căn cứ thực tiễn của trường để xây dựng chương trình, kế hoạch đào tạo phù hợp từng đối tượng học tập. Nói tóm lại, phải căn cứ vào đối tượng học tập (lấy người học làm trung tâm) để xây dựng chương trình, kế hoạch đào tạo phù hợp…

Trong đó, chất lượng toàn diện phải nâng lên hàng đầu; chú trọng đào sâu chất lượng chuyên môn (chuyên ngành) như tham mưu chú trọng tham mưu, chính trị phải sâu sắc chính trị tư tưởng… để khi ra trường, về các đơn vị công tác đội ngũ sĩ quan sẽ vận dụng hiệu quả kiến thức vào thực tiễn, huấn luyện chỉ huy bộ đội.

* Để nâng chất toàn diện, đại tướng chỉ đạo những giải pháp hoặc nhóm giải pháp nào nhằm hỗ trợ nhà trường cũng như nhiều trường sĩ quan, học viện trong toàn quân thực hiện tốt nội dung này?

- Sau khi phân tích, chỉ rõ những nguyên nhân kết quả cũng như hạn chế, Trường đại học Nguyễn Huệ tiếp tục thực hiện tốt phương châm “Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”. Nghiên cứu, xây dựng kế hoạch khoa học, điều chỉnh nội dung chương trình đào tạo phù hợp; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, chương trình, phương pháp dạy và học theo hướng “lấy người học làm trung tâm”, phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực người học sát huấn luyện sẵn sàng chiến đấu ở đơn vị.

Cán bộ, giảng viên, học viên nhà trường phải quán triệt sâu sắc, triển khai chặt chẽ, hiệu quả chương trình hành động của Quân ủy Trung ương gắn với phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân theo tinh thần Nghị quyết 847 NQ/QUTW ngày 28-12-2021 của Quân ủy Trung ương về “Phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới”.

Cùng với đó, bố trí các giờ học, tiết học hợp lý, cân đối giữa các môn học, vận dụng nhiều phương pháp đa dạng để học viên dễ tiếp thu bài giảng. Tích cực giao lưu các nhà trường, đơn vị để học hỏi cái hay, kinh nghiệm phát huy thành quả, khắc phục hạn chế, thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo sĩ quan chỉ huy cho quân đội trong giai đoạn mới.

* Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Nguyệt Hà (thực hiện)

Tin xem nhiều