"Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Lê Văn Lương đã để lại những tình cảm tốt đẹp trong lòng đồng chí, đồng nghiệp và quần chúng nhân dân. Khi nhắc đến đồng chí, mọi người đều nghĩ ngay đến một người cộng sản kiên cường, dũng cảm, chân thực, một cán bộ lãnh đạo xuất sắc của Đảng, người đồng chí mẫu mực, đạo đức cách mạng trong sáng, chí công vô tư, một người con ưu tú của dân tộc Việt Nam".
Chân dung đồng chí Lê Văn Lương. Ảnh: TL |
“Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Lê Văn Lương đã để lại những tình cảm tốt đẹp trong lòng đồng chí, đồng nghiệp và quần chúng nhân dân. Khi nhắc đến đồng chí, mọi người đều nghĩ ngay đến một người cộng sản kiên cường, dũng cảm, chân thực, một cán bộ lãnh đạo xuất sắc của Đảng, người đồng chí mẫu mực, đạo đức cách mạng trong sáng, chí công vô tư, một người con ưu tú của dân tộc Việt Nam”.
Đó là một đoạn đánh giá về cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Lê Văn Lương đối với Đảng, đất nước và dân tộc trong tài liệu của Ban Tuyên giáo Trung ương.
* Tích cực tham gia cách mạng
Đồng chí Lê Văn Lương tên thật là Nguyễn Công Miều, sinh ngày 28-3-1912 tại làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, H.Văn Giang, tỉnh Hưng Yên (xưa thuộc tỉnh Bắc Ninh).
Lê Văn Lương xuất thân trong một gia đình nhà Nho thất thế. Anh ruột ông là nhà văn nổi tiếng Nguyễn Công Hoan. Lê Văn Lương theo học bậc tú tài tại Trường trung học Bưởi Hà Nội. Tại đây, Lê Văn Lương đã có những liên hệ đầu tiên với những người cộng sản nổi tiếng như: Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ (người sau này trở thành Tổng bí thư thứ 4 của Đảng Cộng sản Việt Nam). Cũng như nhiều thanh niên, học sinh đương thời, Lê Văn Lương tham gia bãi khóa để tang chí sĩ yêu nước Phan Chu Trinh.
Tháng 6-1925, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên tại Quảng Châu, Trung Quốc. Từ 9 thành viên ban đầu, Hội Việt Nam cách mạng thanh niên sau đó đã thu hút được nhiều thanh niên ưu tú tham gia tổ chức. Năm 1927, Lê Văn Lương gia nhập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên và đến tháng 1-1930, ông đã gia nhập Đông Dương Cộng sản Đảng, một trong ba tổ chức cộng sản tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Năm 1931, đồng chí Lê Văn Lương được cử vào Sài Gòn hoạt động để gây dựng cơ sở. Tại đây, vào tháng 3-1931, đồng chí bị chính quyền thực dân Pháp bắt và giam tại Khám Lớn Sài Gòn. Năm 1933, ông bị kết án tử hình cùng với 7 đồng chí khác. Do nhân dân Pháp đấu tranh mạnh đòi bỏ án tử hình và trả tự do cho tù chính trị ở Đông Dương, ông được giảm xuống chung thân và đày ra Côn Đảo. Trong tù, ông tiếp tục tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ nhà tù, cùng các đảng viên lãnh đạo đấu tranh chống lại chế độ nhà tù cho tới tháng 9-1945 khi Cách mạng Tháng Tám thành công, cùng với nhiều nhà cách mạng bị thực dân Pháp giam giữ tại Côn Đảo, đồng chí Lê Văn Lương được đón về đất liền.
* Nhiều đóng góp đối với công tác xây dựng Đảng
Ngay khi trở về đất liền, tháng 10-1945, đồng chí được cử làm Ủy viên dự khuyết Xứ ủy Nam bộ. Đầu năm 1946, đồng chí Lê Văn Lương được Đảng điều ra miền Bắc. Sau ngày Toàn quốc kháng chiến, đồng chí được cử làm Bí thư Văn phòng Thường vụ Trung ương. Tháng 2-1951, tại Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa II, Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương.
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí Lê Văn Lương đã được Đảng giao giữ nhiều trọng trách: Bí thư Văn phòng Thường vụ Trung ương Đảng năm 1947; Trưởng ban Tổ chức Trung ương từ năm 1948-1954 và 1973-1976; Giám đốc Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc Trung ương 1949-1956; Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương (1957-1959); Bí thư Thành ủy Hà Nội (1976-1986). Đồng chí Lê Văn Lương là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khóa II, III, IV, V; Ủy viên Bộ Chính trị khóa II, khóa IV; Bí thư Trung ương Đảng khóa III; là đại biểu Quốc hội khóa VI và khóa VII.
Nhiều năm làm công tác tổ chức xây dựng Đảng, đồng chí Lê Văn Lương đã có nhiều đóng góp đối với công tác xây dựng Đảng. Trong thời gian giữ cương vị phụ trách công tác tổ chức của Đảng, đồng chí đã tham mưu cho Ban Bí thư ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, thông báo về công tác tổ chức, xây dựng Đảng. Ngay từ rất sớm, đồng chí đã tham mưu cho Ban Bí thư ra Thông báo số 11-TB/TW, ngày 18-4-1975 của Ban Bí thư quy định về phân công và phân cấp quản lý cán bộ, trong đó nêu rõ trách nhiệm, mối quan hệ trong việc quản lý cán bộ, về chế độ nhận xét đối với cán bộ. Đồng chí Lê Văn Lương cũng đặc biệt quan tâm đến công tác tự phê bình và phê bình trong Đảng.
Gần 70 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Lê Văn Lương đã bị thực dân Pháp giam cầm 15 năm tù với những đòn tra tấn dã man, tàn bạo song ông vẫn luôn giữ vững khí tiết người cộng sản, nhất mực trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Trong Cải cách ruộng đất, là thành viên của Ban Cải cách Trung ương, đồng chí Lê Văn Lương đã nhận phần trách nhiệm trong những sai lầm, thiếu sót của cuộc cải cách, thể hiện tinh thần, trách nhiệm, dũng khí của một người cách mạng chân chính. |
Hồng Phúc