Báo Đồng Nai điện tử
En

Văn hóa soi đường cho quốc dân đi…

07:11, 14/11/2021

Năm 1923, Nguyễn Ái Quốc 33 tuổi đã gặp nhà thơ nổi tiếng người Nga để rồi bằng mẫn cảm của một nhà thơ, Osip Emilyevich Mandelstam đã viết về Nguyễn Ái Quốc: "Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa Âu châu, mà có lẽ là một nền văn hóa của tương lai".

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn kết hợp nhuần nhuyễn giữa hoạt động chính trị với hoạt động văn hóa. Ảnh: TL
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn kết hợp nhuần nhuyễn giữa hoạt động chính trị với hoạt động văn hóa. Ảnh: TL

Năm 1923, Nguyễn Ái Quốc 33 tuổi đã gặp nhà thơ nổi tiếng người Nga để rồi bằng mẫn cảm của một nhà thơ, Osip Emilyevich Mandelstam đã viết về Nguyễn Ái Quốc: “Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa Âu châu, mà có lẽ là một nền văn hóa của tương lai”.

“Nền văn hóa của tương lai” từ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh chính là sự kế thừa và kết tinh những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam cùng tinh hoa văn hóa của nhân loại.

* Hiện thân của văn hóa tương lai

Hồ Chí Minh sinh ra trong một gia đình nhà Nho có cha đỗ Phó bảng nơi vùng đất có bề dày và chiều sâu văn hóa. Người lớn lên giữa buổi đất nước bị người Pháp đô hộ nhưng trong bối cảnh ấy, Người cũng đã sớm tiếp thu những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của gia đình, quê hương và đất nước. Ra đi tìm đường cứu nước trong bối cảnh nước mất nhà tan ấy, hành trang mà chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành mang theo có cả những giá trị văn hóa hồn cốt của dân tộc. Chính lòng yêu nước thiết tha cháy bỏng ấy đã giúp Người có những quyết định khác với các bậc tiền bối: đi sang phương Tây.

Vậy là một con người sinh ra trong một gia đình nhà Nho ở phương Đông đã sớm gặp gỡ phương Tây và kết hợp hài hòa những giá trị văn hóa phương Đông và phương Tây trong một con người. Có lẽ vì vậy mà tại hội thảo quốc tế kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, TS Modagat Ahmet, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đại diện đặc biệt của Tổng giám đốc UNESCO đã phát biểu: “Có ít nhân vật trong lịch sử trở thành một bộ phận của huyền thoại ngay khi còn sống và rõ ràng Hồ Chí Minh là một trong số đó. Người sẽ được ghi nhớ không phải chỉ là người giải phóng cho Tổ quốc và nhân dân bị đô hộ mà còn là một nhà hiền triết hiện đại đã mang lại một viễn cảnh và hy vọng mới cho những người đang đấu tranh không khoan nhượng để loại bỏ bất công, bất bình đẳng khỏi trái đất này”.

Hồ Chí Minh không chỉ là nhà tư tưởng, Người còn là nhà hành động cách mạng, là nhà chính trị với những quan điểm đem văn hóa thấm sâu vào chính trị, đó là một nền chính trị vì nước, vì dân. Chịu ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng thân dân của Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh đã đưa tư tưởng thân dân thành nét đặc sắc trong chính trị với tư tưởng “Gốc có vững cây mới bền/ Xây lầu thắng lợi trên nền Nhân dân”. Ở Hồ Chí Minh, sự kết hợp giữa lối sống cao đẹp và nhân cách văn hóa lớn là hài hòa. Nhân cách văn hóa, con người, cuộc đời, sự nghiệp hoạt động của Hồ Chí Minh là kết tinh của trí tuệ, đạo đức, tâm hồn, tình cảm, bản sắc văn hóa Việt Nam. Nhà sử học Ba Lan Helen Tourmer đã nhận định: “Hình ảnh của Hồ Chí Minh đã hoàn chỉnh với sự kết hợp đức khôn ngoan của Phật, lòng bác ái của Chúa, triết học của Mác, thiên tài cách mạng của Lênin”...

Hồ Chí Minh đã luôn kết hợp nhuần nhuyễn giữa hoạt động chính trị với hoạt động văn hóa. Mục tiêu, lý tưởng chính trị của Người mang đậm tính nhân văn cao cả, xuất phát từ tình thương yêu con người, từ tình yêu Tổ quốc. Ngay từ năm 1946, khi trả lời các nhà báo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”.

Trả lời câu hỏi của biên tập viên Báo Thời mới (Liên Xô) về mục đích cao nhất của cuộc đời mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Nhiệm vụ chính của tôi trước kia cũng như hiện nay là làm sao cho toàn thể dân tộc được giải phóng. Tôi cũng cố gắng góp vào sự nghiệp giải phóng, trước hết cho toàn thể nhân dân lao động. Đó là mục đích của tôi từ khi còn trẻ và cho tới ngày từ giã cõi đời, mục đích đó sẽ không thay đổi”.

* Những tư tưởng đặc sắc về văn hóa còn nguyên giá trị

Sinh thời, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, người học trò gần gũi và xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết về Người: “Tư tưởng Hồ Chí Minh... là một kho tàng đầy của báu, là di sản chứa đựng biết bao giá trị, giá trị đó nói cho cùng là giá trị văn hóa”.

Ngay từ những năm 1942-1943, khi còn bị giam cầm trong các nhà tù của chế độ Tưởng Giới Thạch, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra quan niệm về văn hóa: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về ăn, mặc, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”. Hiện nay có hàng trăm định nghĩa, quan niệm về văn hóa, thế nhưng quan niệm về văn hóa này của Chủ tịch Hồ Chí Minh có thể xem là một định nghĩa, một cách hiểu về văn hóa khá đầy đủ trên hai bình diện vật chất và tinh thần.

Năm 1988, Federico Mayor, Tổng giám đốc Tổ chức UNESCO cũng nhấn mạnh bản chất sáng tạo của văn hóa, khi cho rằng: “Văn hóa là tổng thể sống động các hoạt động sáng tạo (của các cá nhân và các cộng đồng) trong quá khứ cũng như trong hiện tại. Qua các thế kỷ, hoạt động sáng tạo ấy đã hình thành nên hệ thống các giá trị, các truyền thống và các thị hiếu - những yếu tố xác định đặc tính riêng của mỗi dân tộc”. Như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm khẳng định văn hóa có bản chất căn bản là phát minh, sáng tạo của con người và văn hóa là đặc trưng riêng có của con người, chính con người là chủ thể sáng tạo của văn hóa.

Ngay từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định văn hóa phải được coi trọng và đặt ngang bằng với kinh tế, Người khẳng định: “Trong công cuộc kiến thiết nước nhà có 4 vấn đề cùng phải chú ý đến, cùng phải coi trọng ngang nhau: chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa”. Hồ Chí Minh cũng khẳng định: “Văn hóa không thể đứng ngoài mà phải trong kinh tế và chính trị”. Trong Thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa năm 1951, Hồ Chí Minh đã nêu rõ: “Văn hóa, nghệ thuật cũng là một mặt trận”. Luận điểm của Người đã khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của lĩnh vực văn hóa và mối quan hệ gắn bó khăng khít giữa mặt trận văn hóa và các mặt trận khác.

* Kế thừa tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: muốn xây dựng một nền văn hóa dân tộc cần chú trọng năm điểm lớn: một là, xây dựng tâm lý, tinh thần độc lập, tự cường; hai là, xây dựng tâm lý biết hy sinh mình, làm lợi cho quần chúng; ba là, xây dựng xã hội: mọi sự nghiệp có liên quan đến phúc lợi của dân trong xã hội; bốn là, xây dựng chính quyền dân trị và năm là, xây dựng kinh tế. Như vậy, rõ ràng nội dung về xây dựng văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh rất rộng, bao quát nhiều vấn đề của đời sống xã hội.

Chính từ quan điểm về văn hóa này của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng cộng sản Việt Nam đã kế thừa, phát triển và đưa ra những quan điểm chỉ đạo về văn hóa phù hợp với đặc điểm tình hình và thực tiễn Việt Nam.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban chấp hành Trung ương khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã xác định 5 quan điểm chỉ đạo về văn hóa của Đảng. Một là, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Hai là, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, với các đặc trưng dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Ba là, phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo. Bốn là, xây dựng đồng bộ môi trường văn hóa, trong đó chú trọng vai trò của gia đình, cộng đồng. Phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa; cần chú ý đầy đủ đến yếu tố văn hóa và con người trong phát triển kinh tế. Năm là, xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng.

Có thể khẳng định rằng, những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa là những tư tưởng có tính vượt trước và vẫn còn nguyên vẹn giá trị trong bối cảnh hiện nay.

Trong diễn văn khai mạc Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất tổ chức tại thủ đô Hà Nội ngày 24-11-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: Văn hóa phải hướng dẫn quốc dân thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ. Đây chính là kim chỉ nam xuyên suốt mọi hoạt động của ngành Văn hóa và thông tin.  Bác cũng nêu nhiệm vụ của văn hóa mới là phải lấy hạnh phúc của đồng bào, sự nghiệp đấu tranh của dân tộc làm nội dung phản ánh, đồng thời phải tiếp thu những kinh nghiệm của văn hóa xưa và nay để xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam với ba tính chất: dân tộc, khoa học, đại chúng. Người nêu rõ vị trí, ảnh hưởng của văn hóa nghệ thuật trong việc giáo dục thế hệ trẻ, xây dựng con người Việt Nam yêu nước, độc lập, tự cường, tự chủ.

Vũ Trung Kiên

Tin xem nhiều