Báo Đồng Nai điện tử
En

Phật giáo đồng hành cùng dân tộc

10:11, 05/11/2021

Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) ra đời vào năm 1981. Trải qua 8 nhiệm kỳ, với chặng đường 40 năm, GHPGVN là đại diện duy nhất cho tăng, ni, phật tử Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài với nhiều hoạt động phật sự ích đạo, lợi đời,...

Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) ra đời vào năm 1981. Trải qua 8 nhiệm kỳ, với chặng đường 40 năm, GHPGVN là đại diện duy nhất cho tăng, ni, phật tử Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài với nhiều hoạt động phật sự ích đạo, lợi đời, đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tại Đồng Nai, Phật giáo cũng là một trong 2 tôn giáo có số lượng tín đồ lớn nhất và có những đóng góp quan trọng trong sự phát triển của tỉnh.

Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường thăm hỏi chức sắc Phật giáo. Ảnh: H.Thảo
Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường thăm hỏi chức sắc Phật giáo. Ảnh: H.Thảo

* Nêu cao tinh thần đại đoàn kết dân tộc

Cách đây 40 năm, từ ngày 4 đến 7-11-1981, Đại hội đại biểu thống nhất Phật giáo Việt Nam đã được tổ chức tại chùa Quán Sứ, thủ đô Hà Nội. Đại hội quy tụ 9 tổ chức giáo hội, hệ phái Phật giáo trong cả nước. Cũng kể từ đó, GHPGVN ra đời, đại diện cho tăng, ni, phật tử Việt Nam trong và ngoài nước, đến nay đã tròn 40 năm, trải qua 8 nhiệm kỳ.

Trong suốt quá trình ấy, GHPGVN luôn hướng dẫn tăng, ni, phật tử tu tập, thực hành đúng theo chính pháp giáo lý của Phật giáo, sống tốt đời, đẹp đạo; thực hiện nghiêm pháp luật nhà nước; phát huy tinh thần yêu nước, giữ gìn truyền thống văn hóa, nêu cao tinh thần đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết các tôn giáo...

Là một tình nguyện viên hăng hái của Phật giáo tỉnh, đại đức THÍCH NHUẬN TIẾN bộc bạch: “Tinh thần từ bi, bác ái của Phật giáo luôn thôi thúc tôi phải làm gì đó thật ý nghĩa để đóng góp sức nhỏ bé của mình. Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, nhìn thấy sự vất vả, hy sinh của đội ngũ y, bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch, tôi quyết định xung phong đăng ký tham gia chống dịch. Đã xông pha ra tuyến đầu rồi thì phải làm hết mình, kể cả không may bị lây nhiễm, tôi cũng không bao giờ hối hận”.

Cùng với đại đức Thích Nhuận Tiến, tại tuyến đầu chống dịch, các tình nguyện viên Phật giáo tỉnh đã dấn thân phục vụ, vừa tận tâm, tận tụy, nhiệt huyết với công việc, nhiệm vụ được giao, vừa đồng hành cùng y, bác sĩ động viên, an ủi, cổ vũ tinh thần để các bệnh nhân vượt qua bệnh dịch…

Theo Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN, thành tựu nổi bật sau 40 năm về công tác tổ chức Giáo hội là Giáo hội đã thành lập Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước; kiện toàn và nâng tầm hệ thống quản lý hành chính Phật giáo cấp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Giáo hội quản lý 10 Hội Phật tử Việt Nam ở nước ngoài. Tất cả đều hoạt động theo Hiến chương GHPGVN.

Trong hành trình phát triển của mình, GHPGVN đã tích cực, chủ động trong hội nhập quốc tế và mở rộng hoạt động đối ngoại, quan hệ quốc tế với các tổ chức Phật giáo các nước trên thế giới và các tổ chức tôn giáo theo phương châm đẩy mạnh ngoại giao văn hóa, ngoại giao nhân dân. Đặc biệt, GHPGVN đã 3 lần đăng cai tổ chức thành công Đại lễ Vesak LHQ vào các năm 2008, 2014, 2019 tại Việt Nam, để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp cho bạn bè quốc tế và khu vực về đất nước Việt Nam cũng như văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo Việt Nam.

Cũng theo Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN, trong suốt chặng đường qua, công tác từ thiện và sự nghiệp chăm lo an sinh xã hội đã được Giáo hội chỉ đạo tăng, ni, phật tử và các chùa, tự viện, các thành viên thực hiện thường xuyên, liên tục, kịp thời. Trong đó, công tác từ thiện tập trung vào hoạt động của các trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi, người già neo đơn, người tàn tật với hàng trăm cơ sở hoạt động. Giáo hội luôn kịp thời cứu trợ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt và tham gia tích cực ủng hộ phong trào xóa đói giảm nghèo, chăm sóc các đối tượng người có công với đất nước… Theo thống kê của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN, kết quả công tác từ thiện xã hội trong 40 năm qua ước tính khoảng gần 20 ngàn tỷ đồng.

Trước đại dịch Covid-19, phát huy tinh thần nhân văn, bác ái của Phật giáo, bằng nhiều hình thức khác nhau, Giáo hội đã tích cực tham gia, đóng góp thiết thực vào công tác phòng, chống dịch bệnh và chăm lo an sinh xã hội trên địa bàn cả nước.

* Đóng góp vào sự phát triển

Trong chuyến đến thăm và chúc mừng GHPGVN tỉnh nhân đại lễ 40 năm thành lập Phật giáo Việt Nam mới đây, Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường cho rằng, trong mỗi giai đoạn lịch sử, dù có những thăng trầm nhưng Phật giáo luôn gắn với vận mệnh dân tộc, thể hiện là một tôn giáo yêu nước, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, xứng đáng với sự tôn vinh là một tôn giáo có truyền thống “hộ quốc an dân”. Trong suốt lịch sử dân tộc, Phật giáo đã có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Tại Đồng Nai, GHPGVN tỉnh đã đóng góp tích cực và quan trọng vào sự phát triển của tỉnh.

Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường nhấn mạnh, điển hình gần đây nhất là trong “cuộc chiến” chống đại dịch Covid-19, phát huy tinh thần nhân văn, bác ái của mình, Phật giáo tỉnh đã tích cực đồng hành với chính quyền các cấp và đóng góp thiết thực trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đặc biệt là tích cực kêu gọi, vận động các tăng, ni, phật tử thực hiện phong trào “Cởi áo cà sa, khoác áo blouse” tham gia tuyến đầu chống dịch trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh hỗ trợ kinh phí hơn 2,5 tỷ đồng cho Quỹ Vaccine phòng, chống dịch Covid-19 và trên 60 tỷ đồng cho các hoạt động phòng, chống dịch bệnh cùng hàng ngàn tấn lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, đã cử 3 đợt với gần 200 tình nguyện viên tham gia tuyến đầu hỗ trợ công tác phòng, chống dịch. Từ Thường trực Ban Trị sự GHPGVN các cấp trong tỉnh đến các chư tôn đức tăng, ni trụ trì các tự viện trực thuộc đều tích cực bằng những việc làm cụ thể, ý nghĩa đóng góp, đồng hành của cấp ủy Đảng, chính quyền trong suốt thời gian dịch bệnh.

Thượng tọa Thích Minh Trí, Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.Biên Hòa chia sẻ, thời gian qua, nhằm góp phần chung tay với chính quyền, mặt trận trong công tác an sinh xã hội, Thường trực Ban Trị sự và chư tôn đức tăng, ni trụ trì các tự viện trực thuộc đã tích cực vận động mạnh thường quân, người hảo tâm ủng hộ hàng trăm tấn lương thực, thực phẩm và rau củ quả… ước tính trị giá trên 15 tỷ đồng hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn trong dịch bệnh.

Có thể kể đến như: Thường trực Ban Trị sự đã vận động chư tôn đức trụ trì 24 tự viện ủng hộ 2,3 ngàn phần nhu yếu phẩm, trị giá gần 700 triệu đồng cho các đối tượng khó khăn do Covid-19 tại TP.Biên Hòa và các huyện: Thống Nhất, Trảng Bom; ủng hộ tiền mặt 275 triệu đồng đến lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch tại TP.Biên Hòa, H.Thống Nhất; ủng hộ Gian hàng 0 đồng của Công an tỉnh, Công an TP.Biên Hòa…

Đại đức Thích Đại Ma Chí Hải, Phó trưởng Ban Trị sự Phật giáo Việt Nam H.Long Thành cũng cho biết: “Thời gian qua, trong khó khăn từ dịch bệnh, chúng tôi nhìn thấy rõ sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương với nhân dân và với cả các tôn giáo. Là một bộ phận trong khối đại đoàn kết dân tộc, chúng tôi thấy mình cần có những việc làm ý nghĩa, sao cho xứng đáng với sự quan tâm của Nhà nước và góp sức vào sự phát triển. Do đó, chúng tôi đã đẩy mạnh các hoạt động chăm lo an sinh xã hội, giúp đỡ người dân khó khăn trong dịch bệnh. Hiện nay, Đồng Nai đang bước vào trạng thái “bình thường mới”, thực hiện phương châm thích ứng an toàn linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động tăng, ni, phật tử không được chủ quan, lơ là, tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch theo hướng dẫn…”.

Hòa thượng Thích Nhật Quang, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh cho biết: “Đại lễ kỷ niệm 40 năm thành lập GHPGVN là dịp các cấp Giáo hội nhìn lại chặng đường lịch sử đã qua, kế thừa truyền thống hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc. Trong thời gian tới, Phật giáo Đồng Nai sẽ tiếp tục phát huy tinh thần phụng đạo yêu nước, phụng sự chúng sinh là cúng dàng Chư Phật, đồng hành cùng dân tộc. Tiếp tục phát huy vai trò thành viên trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện hữu hiệu phương châm hoạt động của Giáo hội “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”.

Hồ Thảo

Tin xem nhiều