Báo Đồng Nai điện tử
En

Kiểm tra, giám sát góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng

10:10, 15/10/2021

Ngày 16-10-1948, Ban Thường vụ Trung ương Đảng khóa I đã quyết định thành lập Ban Kiểm tra Trung ương. Ngay từ khi mới ra đời và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng đặc biệt coi trọng công tác kiểm tra và giữ gìn kỷ cương, kỷ luật của Đảng.

Ngay từ khi mới ra đời và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng đặc biệt coi trọng công tác kiểm tra và giữ gìn kỷ cương, kỷ luật của Đảng. Trước vị trí, vai trò quan trọng của công tác kiểm tra, ngày 16-10-1948, tại Chiến khu Việt Bắc, Ban Thường vụ Trung ương Đảng khóa I đã quyết định thành lập Ban Kiểm tra Trung ương.

Thường trực Tỉnh ủy và đội ngũ cán bộ kiểm tra toàn tỉnh trao đổi các vấn đề về công tác kiểm tra giám sát, thi hành kỷ luật của Đảng tại hội nghị tổng kết năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021. Ảnh: N.Hà
Thường trực Tỉnh ủy và đội ngũ cán bộ kiểm tra toàn tỉnh trao đổi các vấn đề về công tác kiểm tra giám sát, thi hành kỷ luật của Đảng tại hội nghị tổng kết năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021. Ảnh: N.Hà

Cùng với sự ra đời và phát triển của ngành Kiểm tra Đảng, tháng 1-1976, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh lâm thời đã cử Ban Kiểm tra lâm thời gồm 3 đồng chí - sự kiện này đánh dấu việc ra đời của cơ quan kiểm tra chuyên trách đầu tiên của Tỉnh ủy Đồng Nai.

Trong suốt 45 năm qua, đội ngũ cán bộ kiểm tra trong tỉnh luôn có ý thức trách nhiệm, bản lĩnh chính trị, tính tiên phong gương mẫu, kiên định với mục tiêu, lý tưởng của Đảng; tham mưu cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát (KTGS) và thi hành kỷ luật của Đảng, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị, đặc biệt là công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng của Đảng bộ tỉnh.

* Đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của từng thời kỳ

Theo tài liệu về truyền thống ngành Kiểm tra Đảng tỉnh Đồng Nai, trong từng thời kỳ của đất nước, hoạt động của ủy ban kiểm tra (UBKT) các cấp không ngừng được đổi mới, đáp ứng yêu cầu đề ra. Trong đó, vào những năm đầu sau khi đất nước thống nhất, công tác kiểm tra của tỉnh được tập trung vào việc kiểm tra phát hiện, xử lý những cán bộ, đảng viên vi phạm chính sách của Chính phủ; có tư tưởng dao động, để kịp thời đưa ra khỏi Đảng những người bị lôi kéo, không còn tư cách đảng viên.

Những giai đoạn tiếp theo, công tác kiểm tra được tập trung vào việc xem xét tư cách đảng viên có biểu hiện sai lầm, gây cản trở cho công tác xây dựng Đảng; kiểm tra tổ chức Đảng và đảng viên trong việc chấp hành Điều lệ Đảng, nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và tư cách người đảng viên; đồng thời, kiểm tra công tác đấu tranh ngăn chặn, bài trừ tham nhũng, buôn lậu theo Chỉ thị 04-CT/TU của Ban TVTU (năm 1992) nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đảng viên theo Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VII) về đổi mới, chỉnh đốn Đảng.

Theo Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy HỒ THANH SƠN, công tác KTGS phải được tiến hành thường xuyên, đồng bộ, toàn diện, công khai, dân chủ, thận trọng; trong đó lấy cảnh báo, phòng ngừa, ngăn chặn là chính, theo phương châm “chủ động, chiến đấu, giáo dục, hiệu quả”. Phối hợp với các đơn vị liên quan để làm tốt công tác KTGS và thi hành kỷ luật của Đảng. Kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ kiểm tra đáp ứng yêu cầu, có bản lĩnh, nắm chắc cơ chế chính sách, Điều lệ Đảng, quy chế, quy định của Đảng và Nhà nước; có đạo đức, tâm huyết, trách nhiệm cao với nghề.

Từ năm 2001 và những năm sau đó, thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy về đổi mới phương thức lãnh đạo trong công tác kiểm tra và kỷ luật của Đảng, UBKT các cấp đã tăng cường kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm như kiểm tra tổ chức Đảng và đảng viên về công tác lãnh đạo và tổ chức thực hiện quy định những điều đảng viên không được làm; việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và những vụ việc có dấu hiệu vi phạm nổi cộm qua phản ảnh của dư luận, công luận.

Ngoài ra, UBKT các cấp tập trung KTGS trách nhiệm người đứng đầu trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm; việc học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; công tác cán bộ; thực hiện quy chế làm việc và nguyên tắc tổ chức của Đảng.

Đồng thời, tăng cường KTGS, nhất là những lĩnh vực dễ phát sinh sai phạm, những vấn đề nổi cộm, dư luận quan tâm và các nội dung trọng tâm như: việc khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm sau kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; việc thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt theo Quy định số 101-QĐ/TW ngày 7-6-2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quyết định số 272-QĐ/TU ngày 24-7-2012 của Ban TVTU nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và từng bước đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên.

Cùng với đó, tập trung KTGS đối với cấp ủy viên, cán bộ thuộc diện cấp ủy cùng cấp quản lý về trách nhiệm người đứng đầu trong công tác phòng, chống tham nhũng và công tác cán bộ; KTGS việc xử lý những vụ việc nổi cộm, bức xúc trên địa bàn, qua đó kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; những biểu hiện “tự diễn biến”,“ tự chuyển hóa” trong nội bộ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và Quy định số 30-QĐi/TU ngày 5-7-2019 của Ban TVTU về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên…

Thực hiện công tác KTGS, 45 năm qua, UBKT các cấp đã giúp Ban TVTU và các cấp ủy phát hiện, xử lý nghiêm 12.685 cán bộ, đảng viên vi phạm về nguyên tắc tổ chức của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phẩm chất lối sống, những điều đảng viên không được làm, dân số kế hoạch hóa gia đình…; kiến nghị, thu hồi nộp vào ngân sách nhà nước hơn 100 tỷ đồng và tài sản trị giá trên 500 triệu đồng cùng hàng ngàn mét vuông đất các loại, qua đó giải quyết quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân, không để xảy ra bức xúc, gây bất ổn xã hội.

Qua KTGS đã cảnh báo, ngăn chặn những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của 4.355 cán bộ, đảng viên, góp phần giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên nêu cao tính tiền phong, gương mẫu trong sinh hoạt và thực thi nhiệm vụ, giảm dần tỷ lệ đảng viên vi phạm bị xử lý kỷ luật trong từng giai đoạn.

Đặc biệt, trong nhiệm kỳ X (2015-2020), UBKT Tỉnh ủy đã tham mưu cấp ủy và tổ chức Đảng kiểm tra nhiều vụ việc nổi cộm tại Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết và dịch vụ tổng hợp Đồng Nai; Sở KH-CN, Trường đại học Đồng Nai… Đồng thời, xử lý kiểm điểm đảng viên có khuyết điểm, vi phạm sau kiểm tra, thanh tra các vụ việc đa ngành, đa lĩnh vực của các cơ quan, tổ chức Đảng có thẩm quyền; trong đó, đã phê bình 72 đảng viên là cán bộ thuộc diện Tỉnh ủy quản lý.

* Nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò của công tác KTGS

Ủy viên Ban TVTU, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy Huỳnh Thanh Bình cho rằng, công tác kiểm tra đã góp phần xây dựng Đảng bộ tỉnh trong sạch vững mạnh, giúp môi trường xã hội thêm lành mạnh để phát triển kinh tế - xã hội; đấu tranh, ngăn chặn suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm; củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Toàn tỉnh hiện có 187 UBKT từ tỉnh đến cơ sở với gần 1.500 ủy viên và cán bộ UBKT; 3.661 cấp ủy viên và đảng viên phụ trách công tác kiểm tra của chi bộ.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động của UBKT các cấp có lúc, có nơi chưa chủ động tham mưu cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ KTGS có hiệu quả; chưa chủ động phát hiện dấu hiệu vi phạm nên tác dụng phòng ngừa, ngăn chặn chưa cao. Công tác phối hợp quản lý, giáo dục nâng cao ý thức chấp hành trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ của một số cấp ủy đối với đảng viên còn hạn chế; thiếu những giải pháp hiệu quả. Công tác KTGS mặc dù được tăng cường, song giám sát việc khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm sau kết luận kiểm tra, thanh tra của cấp có thẩm quyền chưa được quan tâm đúng mức. Việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật của Đảng chưa nghiêm, một số đảng viên thiếu gương mẫu, thiếu tu dưỡng, rèn luyện, để xảy ra vi phạm phải xử lý kỷ luật về mặt Đảng và cả xử lý bằng pháp luật. Từ những tồn tại, hạn chế này đã làm cho công tác KTGS và kỷ luật của Đảng có lúc, có việc chưa đủ mạnh để răn đe, giáo dục cảnh tỉnh, chưa trở thành công cụ hữu hiệu ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống…trong một số cán bộ, đảng viên.

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác KTGS năm 2021, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn đề nghị các cấp ủy, tổ chức Đảng và UBKT các cấp cần nghiêm túc quán triệt đầy đủ nghị quyết đại hội Đảng các cấp, các quy định mới sau Đại hội XIII của Đảng về công tác KTGS, qua đó nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác KTGS. Đồng thời, xây dựng chương trình, kế hoạch KTGS phù hợp tình hình nhiệm vụ chính trị của đơn vị mình và tổ chức thực hiện đúng Điều lệ Đảng quy định. Đề cao vai trò tự kiểm tra của cấp ủy, tổ chức Đảng. Chú trọng và tăng cường KTGS việc chấp hành nghị quyết, chỉ thị của Đảng; nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng; giữ gìn đoàn kết nội bộ; công tác cán bộ; việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan nhà nước, chức trách nhiệm vụ được giao của người đứng đầu, về quy chế nêu gương, về phòng, chống tham nhũng, về quản lý đất đai, xây dựng cơ bản…

Phương Hằng

Tin xem nhiều