Báo Đồng Nai điện tử
En

Báo chí và trách nhiệm thông tin trong đại dịch Covid-19

03:06, 21/06/2021

Dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam, từ đầu năm 2020 đến nay đã khiến cho nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội phải thay đổi để thích ứng, trong đó có hoạt động tác nghiệp của các nhà báo.

Dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam, từ đầu năm 2020 đến nay đã khiến cho nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội phải thay đổi để thích ứng, trong đó có hoạt động tác nghiệp của các nhà báo.

Phóng viên Báo Đồng Nai được xét nghiệm Covid-19 trước khi tham gia tuyên truyền một sự kiện lớn tại Hà Nội đầu năm 2021
Phóng viên Báo Đồng Nai được xét nghiệm Covid-19 trước khi tham gia tuyên truyền một sự kiện lớn tại Hà Nội đầu năm 2021

Dù phải đối mặt với nguy hiểm, nguy cơ lây nhiễm Covid-19 khá cao nhưng báo chí vẫn đảm bảo công việc đưa tin và phản ánh kịp thời công tác phòng, chống dịch tại mọi điểm nóng.

* Tác nghiệp trong mọi hoàn cảnh

Nhà báo Thiên Vương, thường trú Báo Nhân dân tại Đồng Nai luôn có nhiều thông tin nóng, thời sự phản ánh kịp thời các mặt hoạt động của Đồng Nai. Từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát đến nay, công việc của anh bận rộn và khó khăn hơn, tuy nhiên anh luôn xác định dù trong hoàn cảnh nào cũng phải đảm bảo thông tin, đảm bảo an toàn không chỉ cho mình mà còn cho những người xung quanh.

Nhà báo Thiên Vương cho biết: “Khi nắm thông tin ở nơi này, nơi kia của Đồng Nai có ca nhiễm Covid-19 hay những trường hợp F1 phải đi cách ly tập trung, tôi đều cảm thấy buồn và lo lắng. Tôi chỉ mong thông tin mình mới nhận được không phải là sự thật để cuộc sống của người dân luôn được an toàn”.

Để tạo thuận lợi cho đội ngũ cán bộ quản lý, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí tác nghiệp trong dịch bệnh Covid-19 đảm bảo an toàn cao, đến nay Sở Y tế phối hợp với các cơ quan báo chí của tỉnh gồm: Báo Đồng Nai, Đài PT-TH Đồng Nai và các cơ quan báo chí có phóng viên thường trú tại Đồng Nai hoàn thành cơ bản việc tiêm vaccine Covid-19 mũi 1. Dự kiến sắp tới, Sở Y tế sẽ tiếp tục tiến hành tiêm vaccine mũi 2 cho những người đã hoàn thành tiêm mũi 1. Việc được ưu tiên tiêm vaccine Covid-19 đã giúp các phóng viên yên tâm hơn khi tác nghiệp.

Chia sẻ thêm về quan điểm đưa tin bài phản ánh về dịch bệnh, nhà báo Thiên Vương cho hay, quá trình tuyên truyền về dịch bệnh, ngoài yếu tố nhanh nhạy, kịp thời, điều quan trọng hơn cả là thông tin đó phải thật chính xác để người dân nắm được thông tin đầy đủ, nhưng không hoang mang.

Còn nhà báo Ngô Phước Tuấn, thường trú Báo điện tử VnExpress cho hay, anh phụ trách thông tin của báo tại địa bàn các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Bình Phước. Từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, công việc của anh khó khăn và áp lực hơn. Trong đó, thông tin về dịch bệnh Covid-19 trở thành một trong những thông tin chủ đạo được anh quan tâm và chuyển về tòa soạn mỗi ngày. “Ở đâu có thông tin dịch bệnh Covid-19 mình đều chủ động tiếp cận nhanh để có thông tin sớm và chính xác cung cấp đến công chúng” - nhà báo Ngô Phước Tuấn nhấn mạnh.

Nói về những kỷ niệm tác nghiệp trong đại dịch Covid-19 bùng phát sau hơn 1,5 năm qua, nhà báo Ngô Phước Tuấn cho hay: “Tác nghiệp trong tình hình dịch bệnh bùng phát, phóng viên luôn trong tâm thế sẵn sàng “ra trận”, không kể thời gian nào. Chẳng hạn khi xuất hiện ca dương tính tại TP.Long Khánh vào đầu tháng 5 vừa qua, ngay lập tức trong đêm, tôi đã có mặt trước nhà của bệnh nhân để đưa tin các lực lượng phòng, chống dịch thực hiện nhiệm vụ phong tỏa, cách ly y tế tại đây. Sau khi ghi nhận tại hiện trường, tôi liền tìm một nhà nghỉ cách xa nơi đang có ca nhiễm để viết tin bài gửi về tòa soạn cho kịp thời rồi ở lại đến ngày hôm sau mới về nhà”.

Trong khi đó, nhà báo Minh Xuân, phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam cho biết,  có những thông tin liên quan đến dịch bệnh Covid-19 tuy có thể nắm và phản ánh thông qua điện thoại để hạn chế khả năng lây nhiễm, nhưng chị vẫn cố gắng tiếp cận gần nhất với hiện trường có thể để đưa tin thật khách quan và kịp thời. Điều này nhằm giúp cho công chúng hình dung rõ hơn về sự việc, nhất là những địa điểm đang có ca bệnh, khu vực bị cách ly, phong tỏa trên địa bàn tỉnh

* Trách nhiệm với thông tin

Nhà báo Đào Tuấn, Phó giám đốc Đài PT-TH Đồng Nai cho hay, từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, dù bị ảnh hưởng không nhỏ về nhiều mặt nhưng Đài PT-TH Đồng Nai vẫn duy trì ổn định chất lượng các chương trình phát thanh và truyền hình, trong đó nội dung có liên quan đến dịch Covid-19 được dành thời lượng nhiều hơn. Đối với đội ngũ phóng viên tác nghiệp trực tiếp, Ban giám đốc đài luôn quán triệt tinh thần phải luôn luôn đảm bảo an toàn, không chỉ an toàn cho chính mình mà còn với  đồng nghiệp và toàn cơ quan. Bên cạnh đó, Ban giám đốc đài còn áp dụng một số quy định về thực hiện khai báo và cách ly nếu có phóng viên đi từ các vùng có dịch trở về.

Ông Nguyễn Văn Tiến, cán bộ ngành bưu điện về hưu sinh sống tại P.Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa) cho hay: “Dịch bệnh Covid-19 bùng phát, những người lớn tuổi như tôi ít đi ra ngoài nhưng thông tin về dịch bệnh Covid-19 luôn nắm được qua các kênh khác nhau. Tôi vẫn giữ thói quen là đọc báo mạng của những cơ quan báo chí uy tín, hay theo dõi qua các bản tin thời sự của Đài Truyền hình Việt Nam vào mỗi buổi sáng, trưa và tối. Muốn có nhiều hơn thông tin về dịch bệnh Covid-19 ngay tại Đồng Nai, tôi chuyển sang đọc Báo Đồng Nai điện tử hoặc xem bản tin thời sự của Đài PT-TH Đồng Nai… Có thể thấy, dù trong dịch bệnh điều kiện tác nghiệp khó khăn nhưng thông tin được các nhà báo cập nhập khá nhiều và sinh động”.

Nhà báo Hạnh Dung, phóng viên y tế của Ban Chính trị - văn hóa - xã hội Báo Đồng Nai chia sẻ: “Từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát đến nay phóng viên y tế luôn trong tình trạng bận rộn, căng thẳng, phải làm việc với cường độ cao, không kể ngày đêm. Có những thông tin liên quan đến dịch bệnh, phóng viên hoàn toàn có thể khai thác được thông qua điện thoại đến nguồn tin của mình, tuy nhiên có những thông tin bắt buộc phóng viên phải có mặt tại hiện trường để có điều kiện xác minh rõ hơn thông tin trước khi cung cấp đến bạn đọc. Dù phải đối diện với nguy hiểm bởi khả năng lây nhiễm dịch bệnh là khá cao nhưng việc có mặt tại hiện trường là cách tốt nhất để thông tin đến với bạn đọc, đảm bảo độ chính xác cao, nhanh nhạy và sinh động”.

Theo nhà báo Đinh Kim Tuấn, Phó tổng biên tập Báo Đồng Nai, nghề báo là nghề đặc thù đòi hỏi phóng viên phải đi và tiếp xúc trao đổi mới có được thông tin, hình ảnh, clip…  Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, Ban biên tập Báo Đồng Nai đã thường xuyên quán triệt đội ngũ phóng viên của báo khi tác nghiệp phải chấp hành nghiêm quy định phòng chống dịch của ngành Y tế, giữ khoảng cách an toàn, hạn chế đến mức thấp nhân khả năng bị cách ly để không bị ảnh hưởng đến công việc. Dù dịch bệnh có phức tạp đến đâu thì báo vẫn phải hoàn thành nhiệm vụ chính trị của mình, đảm bảo thông tin nhanh chóng, kịp thời đến độc giả.

Công Nghĩa

Tin xem nhiều