Báo Đồng Nai điện tử
En

Nghị quyết Đại hội XIII: Kết tinh của trí tuệ và trách nhiệm với dân tộc

02:02, 02/02/2021

Trước khi bế mạc Đại hội XIII của Đảng, Chánh văn phòng Trung ương Đảng Lê Minh Hưng đã trình bày những nội dung trọng tâm của dự thảo Nghị quyết Đại hội XIII và được 100% đại biểu tham dự đại hội biểu quyết nhất trí thông qua.

Trước khi bế mạc Đại hội XIII của Đảng, Chánh văn phòng Trung ương Đảng Lê Minh Hưng đã trình bày những nội dung trọng tâm của dự thảo Nghị quyết Đại hội XIII và được 100% đại biểu tham dự đại hội biểu quyết nhất trí thông qua.

Đại biểu tham dự Đại hội XIII biểu quyết thông qua Nghị quyết Đại hội XIII. Ảnh: C.Nghĩa
Đại biểu tham dự Đại hội XIII biểu quyết thông qua Nghị quyết Đại hội XIII. Ảnh: C.Nghĩa

[links()]Nghị quyết Đại hội XIII chính là kết tinh trí tuệ, là định hướng lớn với những giải pháp cụ thể để Việt Nam sớm trở thành một đất nước phồn vinh và hạnh phúc như Đại hội XII đã xác định.

* Tầm nhìn phát triển

Nghị quyết Đại hội XIII đã khẳng định tiếp tục khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam, bồi dưỡng sức dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển nhanh và bền vững. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; nêu cao ý chí độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất.

Dự thảo nghị quyết cũng chỉ rõ cần tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phát huy bản chất giai cấp công nhân của Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, xây dựng Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; gắn với tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, gắn bó mật thiết với nhân dân là những nhân tố có ý nghĩa quyết định thành công sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Mục tiêu tổng quát là nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

* Hướng đến những mục tiêu lớn

Dự thảo Nghị quyết Đại hội XIII đã được đại biểu tham dự biểu quyết với tỷ lệ đồng ý gần như tuyệt đối với các mục tiêu cụ thể. Trong đó, Đảng ta đã xác định rõ: Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Việt Nam sẽ trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, Việt Nam sẽ trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Với tầm nhìn xa hơn là 25 năm, Đảng ta xác định, đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, Việt Nam sẽ trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Bước vào thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII với nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, đặc biệt là tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, nhưng Đảng ta cũng xác định các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 một cách rõ ràng. Cụ thể, về kinh tế phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân 5 năm đạt khoảng 6,5-7%/năm, đến năm 2025, GDP bình quân đầu người khoảng 4.700-5.000 USD. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân trên 6,5%/năm; tỷ lệ đô thị hóa khoảng 45%; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 25%; kinh tế số đạt khoảng 20% GDP.

Trên lĩnh vực xã hội, Nghị quyết Đại hội XIII chỉ rõ mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội khoảng 25%; tỷ lệ lao động qua đào tạo là 70%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị năm 2025 dưới 4%; tỷ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1-1,5% hằng năm; tuổi thọ trung bình đạt khoảng 74,5 tuổi; tỷ lệ xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới tối thiểu 80%, trong đó ít nhất 10% đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Bên cạnh đó, nghị quyết cũng đặt mục tiêu cho lĩnh vực bảo đảm vệ sinh môi trường, nước sạch sinh hoạt, tỷ lệ khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước sạch tập trung, giữ vững tỷ lệ che phủ rừng tự nhiên…

* Thực hiện các giải pháp đột phá

Trong dự thảo Nghị quyết XIII được thông qua đã xác định các nhiệm vụ đột phá, đó là phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt. Tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục, đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo. Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội. Ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu; chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số.

Trong công tác xây dựng Đảng, Nghị quyết Đại hội XIII khẳng định tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện; tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng; đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; làm tốt công tác tư tưởng, lý luận; chú trọng công tác bảo vệ Đảng, bảo vệ chính trị nội bộ; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng và công tác Dân vận của Đảng.

Đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Xây dựng đội ngũ đảng viên và cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Củng cố lòng tin, sự gắn bó của nhân dân với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa.

Thành Nam

 

Tin xem nhiều