Báo Đồng Nai điện tử
En

Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ

08:12, 27/12/2020

Quán triệt và thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc", "Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém", trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt về công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp, đạt một số kết quả quan trọng.

Quán triệt và thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”, trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt về công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp, đạt một số kết quả quan trọng.

Thường trực Tỉnh ủy trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê chuẩn kết quả bầu bổ sung chức vụ Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, nhiệm kỳ 2016-2021 và các quyết định về công tác cán bộ của Ban TVTU và UBND tỉnh. Ảnh: Công Nghĩa
Thường trực Tỉnh ủy trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê chuẩn kết quả bầu bổ sung chức vụ Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, nhiệm kỳ 2016-2021 và các quyết định về công tác cán bộ của Ban TVTU và UBND tỉnh. Ảnh: Công Nghĩa

Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nghiên cứu, ban hành nhiều nghị quyết, quy định, quy chế nhằm tiếp tục đổi mới công tác cán bộ, qua đó đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

* Nâng cao chất lượng công tác cán bộ

Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương cho biết, tại Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII), Ban chấp hành Trung ương đã tổng kết 20 năm thực hiện Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và thống nhất ban hành Nghị quyết 26-NQ/TW về Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Nghị quyết đã khẳng định, sau hơn 20 năm thực hiện chiến lược cán bộ, đội ngũ cán bộ các cấp đã có bước trưởng thành, phát triển về nhiều mặt, chất lượng ngày càng được nâng lên. Cơ cấu độ tuổi, giới tính, dân tộc, ngành nghề, lĩnh vực công tác có sự cân đối, hợp lý hơn; nguồn cán bộ quy hoạch khá dồi dào, cơ bản bảo đảm sự chuyển tiếp giữa các thế hệ, từng bước đáp ứng yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Sự trưởng thành, lớn mạnh và phát triển của đội ngũ cán bộ là nhân tố quyết định những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới đất nước.

Bên cạnh những kết quả đạt được, nghị quyết đã chỉ rõ những khuyết điểm, yếu kém của một bộ phận cán bộ và những hạn chế, bất cập trong công tác cán bộ là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm cho đất nước phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và chậm so với một số nước trong khu vực, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Nguyên nhân của những hạn chế, khuyết điểm là do nhận thức của một số cấp ủy, tổ chức Đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị và cán bộ, đảng viên về cán bộ và công tác cán bộ chưa thật sự đầy đủ, sâu sắc, toàn diện. Chưa có cơ chế hiệu quả để đánh giá đúng cán bộ, tạo động lực, bảo vệ cán bộ và thu hút, trọng dụng nhân tài. Chính sách cán bộ còn bất cập, chưa phát huy hết tiềm năng của cán bộ. Công tác quản lý cán bộ có nơi, có lúc bị buông lỏng; chưa có cơ chế sàng lọc, thay thế kịp thời những cán bộ yếu kém, uy tín thấp...

Từ những hạn chế, khuyết điểm trên, nghị quyết đã xác định 5 quan điểm chỉ đạo nhằm đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, đồng bộ công tác cán bộ, trong đó nhấn mạnh cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Đảng. Đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ là đầu tư cho phát triển lâu dài, bền vững.

Cùng với việc ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW, trong nhiệm kỳ Đại hội XII, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã lãnh đạo, chỉ đạo nghiên cứu, ban hành nhiều quy định, quy chế khác để tiếp tục đổi mới công tác cán bộ, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm và biểu hiện tiêu cực trong công tác cán bộ. Cụ thể, Thông báo số 13-TB/TW của Ban Bí thư về Xác định tuổi công tác của đảng viên, quy định kể từ ngày 18-8-2016, đã là đảng viên thì không sửa chữa, thay đổi ngày, tháng, năm sinh mà lấy năm sinh trong hồ sơ kết nạp Đảng để tính tuổi công tác. Điều này đã chấm dứt được tình trạng “sửa tuổi”, “chạy tuổi” của cán bộ diễn ra trong nhiều năm trước đây.

Bộ Chính trị cũng đã ban hành Quy định 89-QĐ/TW, về Khung tiêu chuẩn chức danh và định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; ban hành Quy định 90-QĐ/TW về Tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý và ban hành Quy định 98-QĐ/TW về Luân chuyển cán bộ, từ đó khắc phục được một số hạn chế, bất cập trong thực tiễn.

Ngoài ra, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 102-QÐ/TW về Xử lý đảng viên vi phạm; trong quy định đã xác định rõ thời hiệu của các vi phạm để xử lý kỷ luật đảng viên, do vậy khắc phục đáng kể những biểu hiện “tư duy nhiệm kỳ” của một số cán bộ và quan niệm của nhiều người cho rằng khi đã nghỉ hưu là “hạ cánh an toàn”...

* Đáp ứng yêu cầu đề ra

Thực hiện các nghị quyết, quy định, quy chế về công tác cán bộ, Ban TVTU Đồng Nai đã quan tâm chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị tốt, được sự tín nhiệm của đảng viên và quần chúng nhân dân.

Đồng chí Đặng Minh Nguyệt, Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết, trong những năm qua, Ban TVTU rất quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Từ năm 2015 đến nay, đã có gần 22 ngàn lượt cán bộ được cử đi đào tạo, bồi dưỡng trong và ngoài tỉnh. Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh trong thời gian qua đã góp phần nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ. Cán bộ sau khi được đào tạo đã có nhận thức chính trị vững vàng hơn, phát huy tốt kiến thức vào thực tiễn công tác, kỹ năng giao tiếp, xử lý công việc chuyên nghiệp hơn, từ đó hiệu quả công tác tại đơn vị được nâng lên rõ rệt, góp phần vào thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ chung của tỉnh.

Bên cạnh đó, Ban TVTU thường xuyên cập nhật kiến thức mới cho các đồng chí ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, cán bộ chủ chốt của tỉnh, huyện và cán bộ quy hoạch các chức danh lãnh đạo quản lý các cấp, giúp cán bộ chủ chốt của tỉnh có tầm nhìn rộng hơn, vận dụng, tham mưu công tác ngày càng tốt hơn để việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước ngày càng hiệu quả hơn.

Cùng với việc đưa cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng ở trường lớp, Ban TVTU và cấp ủy các cấp thường xuyên thực hiện công tác luân chuyển cán bộ, coi đây là một hình thức đào tạo, bồi dưỡng để cán bộ có kinh nghiệm thực tế trong quá trình công tác, lãnh đạo của mình. Trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã thực hiện luân chuyển hơn 130 cán bộ từ tỉnh về huyện, từ huyện về xã, từ xã về huyện và luân chuyển ngang giữa các xã, phường, thị trấn.

Ban TVTU cũng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới mạnh mẽ công tác đánh giá cán bộ. Để đánh giá đúng và thực chất cán bộ, từ năm 2015 đến nay, Quy chế đánh giá cán bộ của tỉnh được điều chỉnh, bổ sung 2 lần, gắn với quy chế nêu gương của cán bộ, đảng viên. Qua đó, quy trình đánh giá cán bộ được đổi mới, được cụ thể hóa thành các bước thực hiện công khai, mở rộng dân chủ, xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu cấp ủy trong đánh giá cán bộ, gắn với phân tích chất lượng đảng viên hàng năm.

Các tiêu chí đánh giá cán bộ được xây dựng cụ thể, mang tính định lượng cao, trong đó xác định tỷ lệ hoàn thành khối lượng, tiến độ công việc và hiệu quả công việc được giao và kết quả thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ là thước đo chính để đánh giá cán bộ.

Trưởng phòng Lý luận chính trị - lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trần Thị Hương Lan cho biết, vừa qua khi tỉnh thực hiện lấy ý kiến góp ý của nhân dân vào dự thảo các văn kiện Đại hội XIII của Đảng, một số ý kiến đề nghị, phải thực sự “khách quan, dân chủ” trong công tác cán bộ, có như thế mới có thể bố trí đúng người có năng lực, trình độ và đảm bảo khách quan, không bè phái, thể hiện tinh thần “ý Đảng, lòng dân”.

Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng công tác cán bộ và kiểm soát quyền lực. Thực hiện tốt hơn nữa dân chủ trong công tác cán bộ. Một trong những điểm nghẽn của dân chủ cần được khai thông là những quy định về quy hoạch và bầu cử, vấn đề này cần rà soát, đánh giá tồn tại, vướng mắc do đâu mà dẫn đến trong quá trình thực hiện công tác cán bộ còn nhiều bất cập, số cán bộ vi phạm kỷ luật và bị kỷ luật ngày càng nhiều...

Theo ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương, một trong những đổi mới quan trọng, có tính đột phá trong nhiệm kỳ này về công tác cán bộ là đổi mới mạnh mẽ công tác đánh giá cán bộ. Việc đánh giá cán bộ được tiến hành thường xuyên, liên tục, xuyên suốt quá trình công tác. Đánh giá toàn diện về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật, năng lực, kết quả công tác và sức khỏe. Đánh giá cán bộ bằng sản phẩm cụ thể, có thể cân, đong, đo, đếm được và đánh giá có sự so sánh với các chức danh khác tương đương, công khai theo quy định và có thể đánh giá thông qua khảo sát khi thấy cần thiết; gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, tổ chức, cơ quan, đơn vị.

Phương Hằng

Tin xem nhiều