Báo Đồng Nai điện tử
En

Báo chí tích cực: Yêu cầu của công chúng - Trách nhiệm của nhà báo

09:06, 17/06/2020

Không chỉ yêu cầu đúng - trúng - đời, bạn đọc còn đòi hỏi thông tin trên báo chí phải đa chiều, mang tính tích cực, đưa ra nhiều giải pháp cho các vấn đề xã hội. Đó cũng chính là xu hướng báo chí tích cực mà những người làm báo phải tiếp cận và thực hiện.

Không chỉ yêu cầu đúng - trúng - đời, bạn đọc còn đòi hỏi thông tin trên báo chí phải đa chiều, mang tính tích cực, đưa ra nhiều giải pháp cho các vấn đề xã hội. Đó cũng chính là xu hướng báo chí tích cực mà những người làm báo phải tiếp cận và thực hiện.

Nhà báo Lê Hải, phóng viên Đài Truyền hình Việt Nam đang tác nghiệp. ảnh: NVCC
Nhà báo Lê Hải, phóng viên Đài Truyền hình Việt Nam đang tác nghiệp. ảnh: NVCC

* Mong muốn tiếp cận nhiều thông tin tích cực

Thông tin câu khách, “giật tít (title) câu viu (view)” là một cách tiếp cận, thu hút bạn đọc của nhiều tờ báo, nhất là các tờ báo “lá cải”, các trang tổng hợp tin tức. Phóng viên không mất nhiều công sức để khai thác thông tin, không cần chắt lọc câu chữ khi viết bài. Thậm chí, chỉ cần “lướt” Facebook, cóp nhặt thông tin giật gân ở nhiều nơi là có thể tổng hợp thành một “bài báo”. Cách tiếp cận, đưa tin này lại thu hút được không ít bạn đọc.

Anh Trần Nam Trung (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) thành thật chia sẻ: “Với những người bình dân thì thông tin tiêu cực dễ thu hút hơn là những thông tin tích cực. Tôi có lẽ thuộc tuýp người này. Ví dụ, giữa thông tin một vụ cướp giật với thông tin tuyên dương một người tốt, tôi sẽ chọn đọc tin cướp giật”.

Chị Lê Thị Hồng Nhung, chuyên viên giáo dục THCS (Phòng GD-ĐT huyện Tân Phú) có nhiều năm tiếp xúc trực tiếp với học sinh ở độ tuổi mới lớn. Chị quan sát và thấy rõ xu hướng tiếp cận thông tin của học trò. “Những thông tin tiêu cực, có nhiều lượt thích, chia sẻ trên mạng xã hội thường được học sinh chú ý hơn. Tiếp cận với những thông tin đó không những không giúp các em biết phân biệt phải - trái, đúng - sai mà còn có xu hướng khiến cho các em có những hành vi lệch chuẩn” - chị Nhung cho hay.

Theo TS Lê Minh Công, Phó trưởng Khoa Công tác xã hội (Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học quốc gia TP.HCM), với sự phát triển rộng khắp của mạng xã hội, công chúng có cơ hội tiếp cận thông tin một cách dễ dàng hơn. Những thông tin tiêu cực khi lan tỏa rộng sẽ tác động tiêu cực đến cảm xúc của người tiếp nhận, thậm chí trở thành tâm lý đám đông. Điều này có thể dẫn đến những hành động tiêu cực tức thời. Nếu tiếp xúc trong một thời gian dài, nó có thể làm thay đổi nhận thức của người tiếp nhận theo hướng tiêu cực.

“Báo chí có quyền đưa thông tin đa dạng, tùy theo tôn chỉ, mục đích của tờ báo. Tuy nhiên, về mặt tâm lý, tôi cho rằng bạn đọc cần tiếp cận được với nhiều thông tin, hình ảnh có giá trị tích cực. Trong trường hợp phản ánh các vấn đề tiêu cực của xã hội, bài viết cần phải trung thực, khách quan, phải mang tính phản biện, xây dựng” - TS Lê Minh Công phân tích.

Cũng theo TS Lê Minh Công, trong cách truyền đạt, nhà báo cần cân nhắc cẩn thận câu chữ để từ tác phẩm báo chí bạn đọc có thể rút ra được những bài học bổ ích. Từ đó, bài báo sẽ có tác động kích hoạt thái độ, hành động mang tính xây dựng của con người trước những vấn đề của xã hội. Bạn đọc dễ dàng bị thu hút bởi thông tin tiêu cực nhưng đồng thời, bạn đọc cũng đang đòi hỏi những bài báo truyền tải thông điệp tích cực, đưa ra giải pháp cho những vấn đề của cuộc sống, xã hội.

Nói thêm về nhu cầu tiếp cận thông tin, anh Trần Nam Trung cho rằng, tuy thích theo dõi tin giật gân nhưng anh vẫn mong muốn đọc được những tin tức tốt lành. “Chẳng hạn, khi thấy quá nhiều tin cướp giật, tôi sẽ đặt ra câu hỏi về vai trò, năng lực của lực lượng công an. Tôi muốn biết họ sẽ có hành động, giải pháp gì để ngăn chặn tệ nạn xã hội. Lúc buồn, tôi thích đọc, xem những câu chuyện cảm động trong cuộc sống để thấy cuộc đời thật đẹp và tôi có thể sống tốt hơn” - anh Trung nói.

* Nhà báo và báo chí tích cực

Công chúng báo chí không phải là những bạn đọc dễ tính, ngây thơ. Cùng với sự phát triển của công nghệ, bạn đọc có nhiều kênh tiếp cận thông tin hơn. Tuy vậy, họ không còn dễ dàng bị thu hút bởi những thông tin giật gân, câu khách, hay bởi cách viết “giật title câu view” nữa.

Trước những vấn đề có nhiều tranh cãi, ý kiến trái chiều, bạn đọc thường sẽ tìm đến các tờ báo, các kênh truyền thông chính thống để tham khảo thông tin. Vì thế, để đưa được thông tin hữu ích, mang tính xây dựng tích cực đến công chúng, nhà báo cần phải tiếp cận thông tin một cách đa chiều.

“Tiếp cận thông tin đa chiều là một yêu cầu cơ bản trong tác nghiệp của phóng viên Đài Truyền hình Việt Nam. Để có được điều này, phóng viên phải tiếp xúc, gặp gỡ, lắng nghe các bên: người cung cấp thông tin, người có liên quan, đơn vị chức năng, chuyên gia, nhà khoa học… Chỉ khi đó, nhà báo mới đưa đến công chúng những thông tin đa chiều” - phóng viên Đài Truyền hình Việt Nam Lê Hải chia sẻ.

Để có thể làm báo theo hướng báo chí tích cực, nhà báo thậm chí phải trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực mình phụ trách. Tức là nhà báo không chỉ nắm bắt mọi vấn đề thời sự của lĩnh vực mà phải hiểu bản chất của vấn đề như người trong cuộc. Với những nhà báo trẻ, điều đó đòi hỏi họ phải có rất nhiều nỗ lực, không ngừng học hỏi.

“Tôi học được nhiều từ những nhà báo kỳ cựu. Tôi thường xuyên lắng nghe họ chia sẻ kinh nghiệm để học hỏi cách tiếp cận đề tài; xem - nghe - đọc các tác phẩm của đồng nghiệp để học hỏi cách tư duy, cách viết, cách dùng từ… Việc học từ kinh nghiệm của người đi trước thậm chí hiệu quả hơn cả việc đọc các giáo trình. Vì có khi những nội dung trong sách đã trở nên quá cũ so với thực tế luôn biến động hiện nay” - anh Lê Hải cho hay.

Nhà báo Trần Thị Ngân Triều, phóng viên, biên tập viên Phòng Thời sự, Đài PT-TH Đồng Nai là một trong 187 nhà báo tiêu biểu trong nước được tham gia hội nghị gặp mặt, tuyên dương Người làm báo tiêu biểu nhân kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Chị chia sẻ, trước một vấn đề mà dư luận xã hội đang quan tâm, nhà báo phải có trách nhiệm khai thác thông tin các bên liên quan để giải quyết các câu hỏi: tại sao vấn đề đó xảy ra, các ngành chức năng, đơn vị liên quan sẽ phải giải quyết vấn đề đó như thế nào?”. Để tìm được các câu trả lời đó, nhà báo cần có cái nhìn toàn diện, sâu sắc về vấn đề mình phản ánh.

* Cần sự hợp tác của các cơ quan chức năng

Phóng viên Lê Hải là người thường xuyên tác nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai ở các lĩnh vực như: y tế, kinh tế... Theo anh, lãnh đạo các đơn vị này khá cởi mở với báo chí. Vì thế, họ sẵn sàng chia sẻ thông tin, đối thoại với công chúng thông qua báo chí, kể cả các vấn đề nóng đang được dư luận quan tâm. Nhờ đó, người làm báo có thể tiếp cận tahông tin một cách thuận lợi, đa chiều.

Theo TS-BS Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế: “Báo chí giống như tấm gương, soi vào ngành Y tế để phản ánh bộ mặt của ngành. Qua đó, ngành Y tế tự soi lại mình, thấy mình có điểm gì tốt để phát huy, thấy điểm nào còn hạn chế để khắc phục để dần dần hoàn thiện, phục vụ cho người dân ngày càng tốt hơn”.

Vì vậy, ngành Y tế khá cởi mở trong tiếp xúc, chia sẻ thông tin với các cơ quan báo chí. Nhờ đó, người dân được cập nhật kịp thời các thông tin đổi mới của ngành. Điều này đã có tác động tích cực đến hoạt động của ngành Y tế. Nhưng không phải cơ quan, đơn vị nào cũng sẵn sàng được như ngành Y tế.

Nhà báo Nguyễn Sỹ Tuyên, Trưởng cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Đồng Nai cho rằng, nhiệm vụ của nhà báo là phải đưa đến công chúng thông tin một cách đa chiều, khách quan. Muốn làm được điều này thì cần phải có sự hợp tác của các cơ quan chức năng. Nhưng trên thực tế, tại Đồng Nai, hiện một số cơ quan, đơn vị vẫn còn e dè, không tích cực khi tiếp xúc với báo chí.

 Nhà báo Sỹ Tuyên bày tỏ: “Nếu thông tin minh bạch thì người đọc sẽ thấy được mặt tích cực của các cơ quan chức năng trong cách tiếp cận, xử lý vấn đề. Ngược lại, nếu không chịu thông tin một cách rõ ràng hoặc người có chức năng phát ngôn không trả lời phóng viên thì phóng viên buộc phải tiếp cận các nguồn tin khác. Khi đó, thông tin đưa đến bạn đọc có thể sẽ bị sai khác đi. Như vậy là bài báo đã không đạt được yêu cầu thông tin đa chiều như mong muốn của công chúng”.

Báo chí là nghề nghiệp vừa mang tính thực tế vừa mang tính lý tưởng. Nhà báo không chỉ phản ánh xã hội một cách đơn thuần mà còn góp phần cải tạo xã hội một cách chủ động. Báo chí tích cực hướng tới xây dựng một xã hội lành mạnh và bền vững thông qua việc tập trung vào khía cạnh tích cực của câu chuyện. Còn được nhắc đến với các tên gọi khác nhau như “báo chí giải pháp”, “báo chí kiến tạo”, “báo chí xây dựng”, báo chí tích cực được coi là giải pháp quan trọng cho tình trạng báo chí “nặng về mặt trái”.

PGS-TS Trương Ngọc Nam

Nguyên Giám đốc Học viện Báo chí và tuyên truyền (theo nguoilambao.vn)

Hải Yến

Tin xem nhiều