Báo Đồng Nai điện tử
En

Biên Hòa - Đồng Nai với chiến thắng Điện Biên Phủ

05:05, 07/05/2020

Cách nay 66 năm, Quân đội nhân dân Việt Nam sau 55 ngày đêm chiến đấu đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, một mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc...

Cách nay 66 năm, Quân đội nhân dân Việt Nam sau 55 ngày đêm chiến đấu đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, một mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc.

Chiến thắng Điện Biên Phủ là một kỳ tích của quân đội ta
Chiến thắng Điện Biên Phủ là một kỳ tích của quân đội ta

Đây không chỉ là chiến thắng của nhân dân ta với thực dân Pháp mà với cả sự can thiệp của đế quốc Mỹ trong cuộc chiến. Bởi tới năm 1953, viện trợ Mỹ cả kinh tế và quân sự cho thực dân Pháp trong chiến tranh Đông Dương đã lên tới 2,7 tỷ USD; trong đó viện trợ quân sự là 1,7 tỷ USD, năm 1954, Mỹ viện trợ thêm 1,3 tỷ USD nữa. Tổng cộng Mỹ đã cung cấp cho Pháp trên 40 vạn tấn vũ khí, gồm 360 máy bay, 347 tàu thuyền các loại, 1.400 xe tăng và xe bọc thép, 16 ngàn xe vận tải, 17,5 vạn súng cá nhân. Đến năm 1954, 80% chiến phí của Pháp ở Đông Dương là do Mỹ chi trả.

Chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng của đường lối chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện của Đảng, trong đó sự đóng góp của quân dân cả nước là rất lớn, đặc biệt có quân dân Biên Hòa (nay là Đồng Nai). Đặc biệt với kỹ thuật đánh đặc công xuất phát từ Chiến khu Đ được phát triển ra cả nước, góp phần tiêu diệt các cứ điểm vững chắc của thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ.

* Biên Hòa quê hương của Đặc công

Tên đặc công, bộ đội đặc công xuất hiện từ năm 1950 trong hội nghị tổng kết chiến tranh do Bộ Tư lệnh Nam bộ tổ chức, để gọi tên một cách đánh mới và những chiến sĩ làm nhiệm vụ đánh diệt tháp canh, đồn bót của thực dân Pháp. Cách đánh đặc công hình thành trên cơ sở chiến tranh du kích phát triển cao đã được sử sách ghi nhận nơi xuất phát là Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa (nay thuộc tỉnh Bình Dương) đơn vị đầu tiên thực hành cách đánh này là Đội Du kích H.Tân Uyên nói trên. Đại đội Nguyễn Văn Nghĩa của H.Tân Uyên, được công nhận là đơn vị đặc công đầu tiên.

Với chiến thắng Điện Biên Phủ, lần đầu tiên quân đội của một nước thuộc địa châu Á đánh thắng quân đội của một cường quốc châu Âu bằng sức mạnh quân sự. Chiến thắng này có ý nghĩa quyết định đập tan kế hoạch Navarre của thực dân Pháp vào giai đoạn cuối cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, kết hợp với phong trào du kích chiến tranh trong toàn quốc buộc thực dân Pháp phải chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán chính trị và ký kết hiệp định Genève, chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Đông Dương. Chiến thắng Điện Biên Phủ còn có ý nghĩa quốc tế cổ vũ phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc của nhân dân các nước thuộc địa ở châu Phi.

Sau thất bại ở Việt Bắc, thực dân Pháp quay sang bình định Nam bộ với chiến thuật De Latour với hệ thống tháp canh được xây dựng dọc các quốc lộ, tỉnh lộ quan trọng, lấn sâu vào những vùng căn cứ, trong đó có Chiến khu Đ. Đêm 18 rạng sáng 19-3-1948, Đội Du kích Tân Uyên do Trần Văn Kìa (tức Trần Công An) chỉ huy đã bí mật, áp sát, bất ngờ đánh tháp canh cầu Bà Kiên. Từ kinh nghiệm này Bộ Tư lệnh Quân khu miền Đông chỉ đạo rút kinh nghiệm, cải tiến vũ khí đánh tháp canh.

Với trận đánh tháp canh cầu Bà Kiên lần thứ hai (tháng 3-1950), Vàm Giá trên quốc lộ 14 ngày 25-4-1950, cách đánh đặc công đã hoàn thiện cả về kỹ thuật lẫn vũ khí sử dụng. Đại đội đặc công đầu tiên được hình thành gồm 76 chiến sĩ (sau mang tên đại đội Nguyễn Văn Nghĩa). Ngày 19-3 đã được Bộ Tư lệnh Đặc công ngày nay công nhận là ngày truyền thống của binh chủng.

Trong chiến dịch Lê Hồng Phong ở miền Đông tháng 10-1950, phối hợp với chiến dịch Biên giới, lực lượng đặc công của hai Tiểu đoàn 302, 304 lần đầu tiên tham gia đã làm tốt nhiệm vụ mở cửa, dẫn mũi cho bộ binh, đồng thời thọc sâu đánh những mục tiêu hiểm yếu, then chốt tạo điều kiện giải quyết trận đánh. Đặc biệt bằng kỹ thuật đặc công, chiến sĩ Huỳnh Văn Rỡ bí mật đột nhập đồn Rạch Kiến phá khẩu pháo 105 ly của địch.

Từ năm 1951, Bộ Tư lệnh Phân liên khu miền Đông đã cử hai đoàn cán bộ có nhiều kinh nghiệm đánh tháp canh về miền Tây Nam bộ huấn luyện cho 150 cán bộ, chiến sĩ cách đánh đặc công. Từ đánh tháp canh, các chiến sĩ đặc công đã vận dụng kỹ thuật để đánh được cả cầu, tàu quân sự, đánh phá các kho tàng, thiết bị chiến tranh của thực dân Pháp; đánh sâu vào các cơ quan đầu não, chỉ huy của địch.

* Đóng góp vào chiến thắng Điện Biên Phủ

Đầu năm 1952, Bộ Tư lệnh Phân liên khu miền Đông cử 10 cán bộ do đồng chí Lê Đức Anh, tham mưu trưởng Phân liên khu dẫn đầu bảo vệ đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Trung ương Cục ra Trung ương. Trên đường đi, đoàn (gồm Trần Thắng Nê, Nguyễn Hữu Liêm, Nguyễn Đôi) đã phổ biến kinh nghiệm chiến đấu đặc công ở Bình Thuận (Khu 6) vào tháng 6-1952. Đến tháng 9-1952, đoàn mở lớp huấn luyện đặc công cho bộ đội Khu 5 ở Quảng Nam.

Năm 1953, tổ đặc công miền Đông ra Bắc bộ. Tháng 9-1953, hai đồng chí Nguyễn Đôi và Trần Thắng Nê mở lớp huấn luyện đầu tiên về lối đánh đặc công ở xã Dân Chủ, H.Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Sau đó hai đồng chí mở tiếp lớp huấn luyện cho 70 cán bộ, chiến sĩ ở các sư đoàn 308, 312, 316, trung đoàn 126, các tỉnh Bắc Giang, Thái Nguyên, Phúc Yên, Quảng Yên.

Trên chiến trường miền Bắc, khi chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 giành nhiều thắng lợi, Trung ương quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ đập tan tập đoàn cứ điểm của Pháp ở lòng chảo Điện Biên. Chiến dịch bắt đầu từ ngày 13-3-1954. Phối hợp với chiến dịch Điện Biên Phủ, các chiến sĩ đặc công đã tiến công các sân bay Đồ Sơn, Cát Bi (Hải Phòng), Gia Lâm (Hà Nội). Đồng thời theo chỉ đạo của Bộ Tổng tư lệnh và Bộ Chỉ huy chiến dịch, tổ giáo viên, huấn luyện viên đặc công của miền Đông đã tổ chức các lớp huấn luyện các đội dũng sĩ để đánh diệt các cứ điểm quân sự (trong đó có cứ điểm đồi A1), diệt xe tăng, pháo binh địch, hợp đồng chặt chẽ cùng với bộ binh diệt địch đạt hiệu quả, góp phần vào thắng lợi chung của Chiến dịch Điện Biên Phủ sau 56 ngày đêm tiến công.

Tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, các chiến sĩ đặc công đã có những đóng góp nhất định vào thắng lợi chung. Đồng thời qua Chiến dịch Điện Biên Phủ, lực lượng đặc công càng thêm thực tiễn sinh động để rèn luyện và nâng cao kỹ chiến thuật, phối hợp tác chiến để tiếp tục giành thắng lợi vang dội trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, góp phần vào thắng lợi chung giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Từ miền Đông, Chiến khu Đ, cách đánh đặc công của Biên Hòa đã phát triển ra cả nước và phát triển thành binh chủng đặc công của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh ngày 19-3-1967 thành lập Binh chủng Đặc công đặc biệt tinh nhuệ.

Trần Quang Toại

Tin xem nhiều