Báo Đồng Nai điện tử
En

Chủ nghĩa Mác - Lênin: Ánh sáng soi đường cho cách mạng Việt Nam

08:04, 21/04/2020

Năm 2020, Đảng Cộng sản Việt Nam tròn 90 năm tuổi. Trong suốt 90 năm qua, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác...

Năm 2020, Đảng Cộng sản Việt Nam tròn 90 năm tuổi. Trong suốt 90 năm qua, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Thành quả này bắt nguồn từ việc Đảng Cộng sản Việt Nam luôn kiên định và vận dụng sáng tạo học thuyết Mác - Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam.

Lãnh tụ V.I.Lênin trực tiếp lãnh đạo nhân dân Nga thực hiện thành công Cách mạng tháng Mười năm 1917
Lãnh tụ V.I.Lênin trực tiếp lãnh đạo nhân dân Nga thực hiện thành công Cách mạng tháng Mười năm 1917

Để học thuyết Mác - Lênin có sức sống trường tồn, trở thành ánh sáng soi đường cho cách mạng Việt Nam, bên cạnh công lao của Các Mác, Ph. Ăngghen, không thể không nhắc đến đóng góp to lớn của Lênin - người đã có công bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác lên một tầm cao mới.

* Bảo vệ, phát triển và hiện thực hóa chủ nghĩa Mác

V.I.Lênin tên thật là Vladimir Ilyich Ulianov, sinh ngày 22-4-1870 trong một gia đình trí thức tiến bộ ở Simbirsk (nay là Ulyanovsk). Ngay từ khi còn nhỏ, qua gia đình và người thân, Lênin đã tiếp thu được những tư tưởng tiến bộ, căm ghét chế độ độc tài Nga hoàng. Năm 18 tuổi, Lênin bắt đầu nghiên cứu những tác phẩm của C.Mác, Ph.Ăngghen và G.V.Plêkhanốp, bắt đầu tham gia cách mạng, tuyên truyền tư tưởng mác xít.

Trước tình trạng vô số học thuyết xuyên tạc chủ nghĩa Mác tồn tại ở nước Nga lúc bấy giờ, Lênin đã cho ra đời những tác phẩm nhằm bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác về mặt triết học. Tác phẩm đầu tiên có thể kể đến là Những người bạn dân là thế nào và họ đấu tranh chống những người dân chủ - xã hội ra sao. Trong cuốn Vấn đề triết học trong tác phẩm của C.Mác - Ph.Ăngghen - Lênin của NXB Chính trị quốc gia năm 2008 khẳng định, đây là tác phẩm có tính luận chiến.

Trong tác phẩm này, Lênin nêu rõ bản chất của phép biện chứng duy vật thể hiện ở tính khách quan trong xem xét sự vật, hiện tượng, không dung hòa với bất kỳ phán đoán chủ quan nào. Đồng thời, phép biện chứng duy vật cũng không có tham vọng trở thành “khoa học phổ quát” mà nghiên cứu hiện thực một cách khoa học… Bên cạnh việc tranh luận với các nhà xã hội học chủ quan của phái dân túy xung quanh vấn đề tính tất yếu lịch sử và tự do, Lênin cũng đã phát triển học thuyết mác xít về hình thái xã hội. Trong đó, đóng góp của Lênin ở chỗ, ông xem quan hệ sản xuất như bản chất của hình thái, còn tổng thể các yếu tố gia nhập vào đó như nội dung của hình thái.

Hay như trong tác phẩm Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán, Lênin đã phê phán chủ nghĩa kinh nghiệm, chủ nghĩa duy tâm về vật lý và làm giàu thêm chủ nghĩa duy vật và triết học mác xít trên tất cả các lĩnh vực từ thế giới quan, nhận thức luận đến lĩnh vực lịch sử xã hội, đem lại cho triết học mác xít một diện mạo mới.

Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Lê Thị Cát Hoa cho rằng, không chỉ bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác, Lênin còn là người đầu tiên vận dụng sáng tạo những nguyên lý của chủ nghĩa Mác vào thực tiễn nước Nga. Lênin đã chuẩn bị về chính trị, tư tưởng, tổ chức cho việc thành lập Đảng Công nhân dân chủ xã hội Nga - tiền thân của Đảng Cộng sản Bolshevik Nga, một đảng vô sản kiểu mới đã lãnh đạo giai cấp công nhân và nhân dân Nga làm nên cuộc Cách mạng tháng Mười vĩ đại. Sau Cách mạng tháng Mười, Lênin đã lãnh đạo những người Bolshevik và nhân dân lao động Nga đấu tranh chống thù trong, giặc ngoài, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, bảo vệ thành công sự tồn tại của Nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới.

Không dừng lại ở đó, Lênin còn là tác giả của những phương hướng, kế hoạch xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên bang Xô viết, nổi bật là chính sách kinh tế mới (NEP); tích cực đấu tranh cho chủ nghĩa quốc tế vô sản, thành lập Quốc tế Cộng sản để lãnh đạo phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, tập hợp mọi lực lượng cách mạng đấu tranh chống lại chủ nghĩa đế quốc.

* Tiếp tục bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Giữa năm 1920, Nguyễn Ái Quốc trong quá trình tìm đường cứu nước đã được đọc bản sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin đăng trên Báo Nhân đạo - cơ quan trung ương của Đảng Cộng sản Pháp. Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy con đường cứu nước. Người khẳng định: “Chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên toàn thế giới khỏi ách nô lệ” (trích trong tập 10 Hồ Chí Minh toàn tập của NXB Chính trị quốc gia).

Sau khi tìm được con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc, từ năm 1921 trở đi, Nguyễn Ái Quốc tiếp tục học tập để bổ sung và hoàn thiện tư tưởng cứu nước của mình, đồng thời tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào trong nước nhằm chuẩn bị tiền đề về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của chính đảng tiên phong ở Việt Nam - nhân tố cơ bản đầu tiên đảm bảo mọi thắng lợi của sự nghiệp cách mạng nước ta.

Từ khi thành lập đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đều nhất quán chủ nghĩa Mác - Lênin là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động cách mạng của mình. Thực tiễn cách mạng nước ta từ khi có Đảng lãnh đạo cho thấy, với nền tảng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin và sự vận dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện lịch sử tại Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra nhiều chủ trương, đường lối, phương pháp cách mạng đúng đắn, lãnh đạo nhân dân ta giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Cụ thể, sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã đặt ra mục tiêu giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản. Tuy nhiên, do Việt Nam là một nước thuộc địa, nông nghiệp lạc hậu, nông dân là lực lượng đông đảo nhất trong xã hội, bị đế quốc, phong kiến áp bức, bóc lột nặng nề. Vì vậy, Đảng ta đã lôi cuốn được nông dân đi theo, xây dựng được khối liên minh công nông, tập hợp được sự tham gia của các giai tầng xã hội. Bên cạnh đó, để đạt được mục tiêu đánh đổ thực dân, phong kiến, lập nên nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo quân và dân ta chuẩn bị mọi điều kiện, khi thời cơ đến đã phát động tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân.

Sau Cách mạng tháng Tám thành công, nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa non trẻ đã phải đối diện với tình trạng thù trong, giặc ngoài, nạn đói… Lúc này, chính sự kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin thể hiện ở vai trò lãnh đạo của Đảng, phát huy sức mạnh tổng hợp của quần chúng nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết, nghệ thuật chiến tranh nhân dân… đã giúp cho dân tộc Việt Nam làm nên Chiến dịch Điện Biên phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, tiếp đến là đánh cho Mỹ cút, Ngụy nhào, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, quan hệ quốc tế… được các tầng lớp nhân dân ủng hộ, tin tưởng.

Theo TS.Nguyễn Văn Long, Phó hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh, để bảo vệ vững chắc chủ nghĩa Mác - Lênin, các cấp ủy Đảng cần chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu và vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin để hiểu sâu và tin tưởng vào chủ nghĩa Mác - Lênin, vào con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn. Mỗi cán bộ, đảng viên thường xuyên tu dưỡng đạo đức cách mạng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, phòng chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống. Đồng thời chủ động phòng, chống và đấu tranh với các quan điểm sai trái, các luận điệu xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, về mục tiêu lý tưởng xã hội chủ nghĩa, chống phá Đảng, Nhà nước, thành quả của công cuộc đổi mới bằng những việc làm thiết thực…

Nga Sơn

 

Tin xem nhiều