Báo Đồng Nai điện tử
En

Những thất bại của Mỹ trong cuộc chiến phi nghĩa tại Việt Nam

04:04, 30/04/2020

Thực tế cho thấy Mỹ không chỉ bắt đầu tham gia cuộc chiến tranh ở Việt Nam từ sau năm 1954 (tức sau khi có Hiệp định Genève 20-7-1954), mà họ đã can thiệp vào cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp ở Việt Nam, Đông Dương từ cuối những năm 1950 khi viện trợ quân sự cho Pháp.

* Can thiệp trực tiếp vào cuộc chiến tranh Việt Nam

Thực tế cho thấy Mỹ không chỉ bắt đầu tham gia cuộc chiến tranh ở Việt Nam từ sau năm 1954 (tức sau khi có Hiệp định Genève 20-7-1954), mà họ đã can thiệp vào cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp ở Việt Nam, Đông Dương từ cuối những năm 1950 khi viện trợ quân sự cho Pháp.

Trực thăng đang bốc người trên nóc một tòa nhà tại trung tâm Sài Gòn vào trưa ngày 29-4-1975 . (Ảnh: Phóng viên Hugh Van Es của hãng thông tấn UPI)
Trực thăng đang bốc người trên nóc một tòa nhà tại trung tâm Sài Gòn vào trưa ngày 29-4-1975 . (Ảnh: Phóng viên Hugh Van Es của hãng thông tấn UPI)

Tháng 6-1954, khi hội nghị Genève chưa kết thúc thì Mỹ đã đưa Ngô Đình Diệm về miền Nam Việt Nam và đến ngày 7-7-1954 ông chính thức trở thành Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa. Ngày 23-10-1955, chính quyền miền Nam tổ chức cuộc trưng cầu dân ý (giữa Quốc trưởng Bảo Đại và Thủ tướng Ngô Đình Diệm) để hợp thức hóa vai trò tổng thống của Ngô Đình Diệm với sự hậu thuẫn chính trị của Mỹ.

Được Mỹ hậu thuẫn và viện trợ (cả kinh tế và quân sự gồm: vũ khí, cố vấn huấn luyện quân sự…), Ngô Đình Diệm đã xây dựng bộ máy chính quyền từ Trung ương đến từng xã; loại bỏ các lực lượng vũ trang đối lập (Cao Đài, Hòa Hảo, Bình Xuyên) để xây dựng quân đội Việt Nam Cộng hòa. Cùng với đó, từ tháng 2-1955, chính quyền miền Nam đã tổ chức ủy ban tố cộng diệt cộng từ trung ương đến cấp tỉnh, huyện, xã cùng nhiều đơn vị danh nghĩa Công dân vụ, Dân ý vụ… để phát hiện những cán bộ cộng sản “nằm vùng” (tức cán bộ được Đảng Cộng sản bố trí trở lại miền Nam sau khi Hiệp định Genève được ký kết).

Sự can thiệp của Mỹ ngày càng sâu hơn vào miền Nam Việt Nam: Sau Hiệp định Genève 1954, quân Pháp phải rút khỏi Việt Nam, ngày 12-2 -1955, Chính phủ Mỹ quyết định các viện trợ quân sự của Mỹ sẽ chuyển trực tiếp cho chính phủ Ngô Đình Diệm và trách nhiệm quân sự này sẽ được chuyển giao từ người Pháp sang cho phái bộ quân sự MAAG (Military Assistance Advisory Group) với sự chỉ huy của Trung tướng John O'Daniel. Đến cuối tháng 6 -1956, số cố vấn tại MAAG ở miền Nam đã tăng lên đến 740 người và không chỉ làm nhiệm vụ giám sát, mà kể cả huấn luyện, tham gia chỉ huy đến cấp trung đoàn, tiểu đoàn quân đội Sài Gòn.

Ngoài Sài Gòn ra, ở miền Đông Nam bộ đoàn cố vấn quân sự MAAG đóng tại Văn phòng Nhà máy cưa BIF ở Biên Hòa (nhân dân trong vùng thường gọi Nhà Xanh, do tường sơn màu xanh).

Ngày 7-7-1959, khi chính quyền Sài Gòn chuẩn bị lễ 5 năm Ngô Đình Diệm chấp chính ở miền Nam thì cũng là thời điểm Liên Tỉnh ủy miền Đông chỉ đạo Ban Quân sự Miền phối hợp cùng Thị ủy Biên Hòa tổ chức trận tập kích vào phái đoàn cố vấn quân sự MAAG ở Nhà Xanh. Phân đội vũ trang C250 của Ban Quân sự Miền do Nguyễn Văn Hoa chỉ huy đã được giao nhiệm vụ này.

Đêm 7-7-1959, trận tập kích vào phái đoàn cố vấn quân sự Mỹ (MAAG) ở Nhà Xanh đã diễn ra đúng kế hoạch, kết thúc nhanh chóng. Hai cố vấn Mỹ là thiếu tá Bael Buis và trung sĩ Chester Ovmand đã chết trong trận tập kích này.

Ngày 13-9-1982, trên một diện tích 8.100m² tại thủ đô Washington, Chính phủ Mỹ đã làm lễ khánh thành Khu tưởng niệm các cựu chiến binh Chiến tranh Việt Nam (The Vietnam Veterans Memorial Wall). Đài tưởng niệm Chiến tranh Việt Nam, hay Bức tường Chiến tranh Việt Nam (tiếng Anh: Vietnam Veterans Memorial), với hình thức một bức tường dài, hình chữ V, bằng đá đen, khắc tên của hơn 58 ngàn chiến binh Mỹ đã thiệt mạng hoặc mất tích khi tham gia trong cuộc chiến tranh Việt Nam.

Đứng đầu danh sách những quân nhân Mỹ trên bức tường chiến tranh Việt Nam là tên 2 quân nhân Mỹ đã chết trong trận tập kích Nhà Xanh (Biên Hòa) ngày 7-7-1959: thiếu tá Bael Buis và trung sĩ Chester Ovmand.

* Tháo chạy khỏi Việt Nam

Ngày 9-4-1975, Bộ Tư lệnh quân giải phóng miền Nam quyết định mở chiến dịch đánh vào phòng tuyến Xuân Lộc ở phía Đông Sài Gòn, mục tiêu là giải phóng TX.Long Khánh, mở cửa để quân giải phóng tiến vào Sài Gòn, thủ phủ của chính quyền miền Nam.

Đài tưởng niệm Chiến tranh Việt Nam hay Bức tường Chiến tranh Việt Nam tại thủ đô Washington DC, trong đó có tên 4 binh sĩ Mỹ chết đầu tiên và sau cùng ở chiến trường Việt Nam là chứng nhân cho sự can thiệp của Mỹ vào cuộc chiến tranh Việt Nam (1954-1975).

Trước tình hình đã mất Tây nguyên và các tỉnh duyên hải miền Trung (Đà Nẵng, Huế…), ngày 28-3-1975, tướng Frederick Carlton Weyand, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu liên quân Mỹ, nguyên Chỉ huy MACV (Bộ Chỉ huy quân sự Mỹ ở Việt Nam) đã bay qua miền Nam thị sát chiến trường khu vực Phan Rang, Xuân Lộc, sau đó thống nhất với Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa (ngày 3-4-1975), xây dựng tuyến phòng thủ phía Đông, trong đó lấy Xuân Lộc làm trung tâm. Lực lượng phòng thủ chính ở phòng tuyến Xuân Lộc là Sư đoàn 18 quân lực Việt Nam Cộng hòa do thiếu tướng Lê Minh Đảo chỉ huy.

Từ ngày 9-4, Chiến dịch Xuân Lộc đã diễn ra hết sức quyết liệt. Quân đoàn 4, chủ lực của Miền và các lực lượng vũ trang địa phương tỉnh Bà Rịa - Long Khánh đã buộc toàn bộ lực lượng Sư đoàn 18 và các đơn vị phối thuộc của quân đội Việt Nam Cộng hòa rút chạy. TX.Long Khánh được giải phóng, đại tá Phạm Văn Phúc, Tỉnh trưởng Long Khánh bị bắt sống.

Ngày 26-4-1975, chiến dịch giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam mang tên Hồ Chí Minh được triển khai với quyết tâm cao nhất, bằng năm cánh quân gồm tất cả 14 sư đoàn bao vây Sài Gòn, nguy cơ sụp đổ của Việt Nam Cộng hòa chỉ còn tính từng ngày.

Ngay chiều 21-4-1975, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu từ chức, giao nhiệm vụ Tổng thống lại cho Trần Văn Hương. Ngày 23-4-1975, trong bài diễn văn đọc tại Trường đại học Tulane ở TP.New Orleans, tiểu bang Louisiana, Tổng thống Mỹ Gerald Ford đã tuyên bố: “...Cuộc chiến tranh Việt Nam đã chấm dứt với Hoa Kỳ”.

Tại Sài Gòn, 20 giờ 45 ngày 27-4-1975, Quốc hội Việt Nam Cộng hòa biểu quyết chấp thuận cho Tổng thống Trần Văn Hương trao quyền tổng thống cho tướng Dương Văn Minh. Ngay trong đêm đó, tân Tổng thống Dương Văn Minh gửi văn thư chính thức yêu cầu Tòa Đại sứ Mỹ phải rút bỏ Phòng Tùy viên quân sự (DAO tức Defense Attaché’s Office) ở Tân Sơn Nhất trong vòng 24 giờ, “để vấn đề Hòa bình Việt Nam sớm được giải quyết”.

Với văn thư chính thức này, Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn là Graham A. Martin, đã chỉ đạo phối hợp cả tổ chức DAO và CIA tại miền Nam xây dựng kế hoạch di tản người Mỹ và những người Việt cộng tác trực tiếp với Mỹ ở Sài Gòn, rút bỏ Tòa Đại sứ Mỹ ra khỏi Việt Nam. Kế hoạch được mang tên là Frequent Wind (Gió thường xuyên).

Kế hoạch Frequent Wind được triển khai rất gấp rút với nhiều chi tiết, nhưng tựu trung là di tản bằng trực thăng là chủ yếu ở một số địa điểm nóc nhà các cao ốc ở Sài Gòn (trong đó có Tòa Đại sứ Mỹ) và sân trụ sở phái đoàn DAO trong sân bay Tân Sơn Nhất. Trực thăng các loại CH-53 và CH-46 từ các hàng không mẫu hạm thuộc Hạm đội 7 ngoài khơi Vũng Tàu lần lượt bay vào Sài Gòn để đưa người di tản khỏi Sài Gòn. Chiếc trực thăng cuối cùng của kế hoạch di tản rời nóc Tòa Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn vào lúc 7 giờ 53 sáng 30-4-1975, chấm dứt sự can thiệp của Mỹ vào Việt Nam từ đầu thập niên 1950.

Trong quá trình thực hiện kế hoạch di tản, Mỹ đã đưa lực lượng thủy quân lục chiến vào Sài Gòn để bảo vệ khu vực DAO (trong sân bay Tân Sơn Nhất) và Tòa Đại sứ Mỹ.

3 giờ 30 sáng 29-4-1975, pháo 122 ly, 130 ly của quân giải phóng bắt đầu bắn vào sân bay Tân Sơn Nhất và các cơ sở của DAO, tình hình sân bay bấy giờ hết sức hỗn loạn với hàng trăm người chen nhau chờ lên máy bay trực thăng của Mỹ. Hai hạ sĩ quan thủy quân lục chiến Mỹ là hạ sĩ Charles McMahon và hạ sĩ Darwin Lee Judge đã tử thương. Đây là 2 binh sĩ tử thương cuối cùng của Quân đội Mỹ trong chiến tranh Việt Nam.

Trần Quang Toại

Tin xem nhiều