Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngày kết nạp Đảng - dấu mốc không thể nào quên

04:02, 03/02/2020

Có người kết nạp Đảng trong chiến khu, có người kết nạp Đảng trong tù, có người lại ở khu di tích lịch sử… nhưng đối với mỗi đảng viên, dù kết nạp ở đâu, trong hoàn cảnh nào thì đó cũng là dấu mốc không thể nào quên trong cuộc đời.

Có người kết nạp Đảng trong chiến khu, có người kết nạp Đảng trong tù, có người lại ở khu di tích lịch sử… nhưng đối với mỗi đảng viên, dù kết nạp ở đâu, trong hoàn cảnh nào thì đó cũng là dấu mốc không thể nào quên trong cuộc đời.

Ông Nguyễn Trùng Phương nói chuyện truyền thống với đoàn viên thanh niên tại Khu di tích Chiến khu Đ (huyện Vĩnh Cửu). Ảnh: Trường đại học Lạc Hồng cung cấp
Ông Nguyễn Trùng Phương nói chuyện truyền thống với đoàn viên thanh niên tại Khu di tích Chiến khu Đ (huyện Vĩnh Cửu). Ảnh: Trường đại học Lạc Hồng cung cấp

60 năm đã trôi qua, nhưng với ông Nguyễn Trùng Phương, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh, ngày trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn khắc sâu trong tâm trí.

* Từ khói lửa chiến tranh

11 tuổi ông Nguyễn Trùng Phương (tên thường gọi là Sáu Phương) khi ấy là học sinh đã bén duyên với cách mạng. Ông Sáu Phương kể, lúc đó tuổi còn nhỏ nên nhiệm vụ mà ông được giao chủ yếu là đi rải truyền đơn, đóng vai học trò đưa cán bộ (hóa trang làm thầy giáo) về Sài Gòn. 2 năm sau, ông nghỉ học về làm công tác văn phòng ở xã. Từ năm 1954, ông không đi tập kết ra miền Bắc mà ở lại nhận nhiệm vụ xây dựng và duy trì hoạt động tổ giao liên, phụ trách công tác Đoàn Thanh niên ở xã Phước Chỉ, huyện Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh).

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, ông luôn hăng hái, năng nổ lại sáng tạo nên năm 1957, ông được giới thiệu kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông Sáu Phương còn nhớ, trước khi kết nạp Đảng, ông được một cán bộ đưa cho Điều lệ Đảng Lao động Việt Nam (sau đổi tên là Đảng Cộng sản Việt Nam) gồm 13 chương và 71 điều, ông học thuộc lòng không thiếu chữ nào.

Thời điểm ông được giới thiệu kết nạp Đảng, ở quê ông, bọn do thám ngang ngược, chỉ cần nghi vấn có dính dáng đến cách mạng là bắt bớ, đánh đập. Vì vậy, mọi hoạt động của ta đều trong bí mật, kể cả lễ kết nạp Đảng. Tháng 7-1957, ở nhà người dân, đại diện Chi bộ xã Phước Chỉ vừa tuyên bố lễ kết nạp Đảng cho ông thì địch ập tới. Lúc đó, mọi người chỉ kịp cầm theo lá cờ Đảng và chạy mỗi người mỗi ngả. Chi bộ xã Phước Chỉ, huyện Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh) tan rã, câu chuyện kết nạp Đảng của ông Sáu Phương cũng dừng lại từ đó.

Ông Nguyễn Trùng Phương, người có 81 năm tuổi đời, 60 năm tuổi Đảng cho rằng, mỗi đảng viên dù già hay trẻ khi đã đứng vào hàng ngũ của Đảng phải kiên định mục tiêu đi theo Đảng, sẵn sàng hy sinh trong mọi hoàn cảnh. Mỗi đảng viên cần phải có phẩm chất đạo đức, có trình độ hiểu biết, luôn gương mẫu trong mọi hoạt động… Muốn làm được điều này, không có cách nào khác hơn là nỗ lực học tập, trui rèn bản thân bằng những việc làm thiết thực, gắn bó và chấp hành những nội quy, quy định mà tổ chức Đảng nơi mình sinh hoạt đề ra…

Cho đến năm 1959, sau khi ông về công tác tại Văn phòng Huyện ủy Trảng Bàng đóng ở Chiến khu Bời Lời, ông mới được tổ chức kết nạp Đảng. Ông Sáu Phương chia sẻ, thời điểm ông vào Đảng có ý nghĩa rất đặc biệt. Mỹ Diệm thi hành Luật 10/59 - lê máy chém đi khắp miền Nam. Có không ít đảng viên bị bắt, bị giết hại dã man làm ảnh hưởng đến khí tiết của một số đảng viên. “Lúc kết nạp Đảng tôi mới 20 tuổi. Tại buổi lễ kết nạp được tổ chức trang nghiêm ở chiến khu, dưới lá cờ Đảng, sự chứng kiến của các đảng viên, tôi đã xác định chỉ có Đảng Lao động Việt Nam là Đảng mà tôi phụng sự và khi đã trở thành đảng viên tôi chấp nhận dấn thân cho dù có phải hy sinh cả tính mạng” - ông Phương kể.

Với bà Trần Thị Hòa (tên thường gọi là Ba Hòa), Chủ tịch Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh, ngày được đứng vào hàng ngũ của những người cộng sản là một ngày vô cùng đặc biệt. Bà đến với cách mạng từ năm 14 tuổi. 18 tuổi bị bắt, bị tra tấn bằng nhiều hình thức nhưng bà vẫn giữ vững khí tiết của người cộng sản. Trong khoảng thời gian bị giam cầm, bà Ba Hòa có mặt ở hầu hết các nhà tù lớn ở miền Nam. Điều đáng trân quý, cho dù ở nhà tù nào thì bà vẫn tỏ rõ lập trường cách mạng bằng việc tham gia đấu tranh đòi yêu sách, chống ly khai, chống chào cờ của địch... cùng với tập thể tù chính trị.

Bà Ba Hòa cho biết, ở trong tù cũng có tổ chức Đảng. Lúc mới được đưa về Nhà lao Tân Hiệp, có người vận động bà vào Đảng nhưng lúc đó bà cảnh giác cao độ, sợ bị mắc bẫy của địch nên không đồng ý. Sau này, nhờ bà Mười Sen vận động, thuyết phục bà vào Đảng để tăng cường sức mạnh cho Đảng trong nhà tù nhằm đẩy mạnh phong trào đấu tranh chính trị ở trong tù nên bà đồng ý. Bà Ba Hòa nhớ lại, hôm đó là ngày 7-11-1971, theo kế hoạch bà giả vờ bệnh để xuống trạm xá Nhà lao Tân Hiệp nằm để tổ chức lễ kết nạp Đảng cho bà, tránh sự chú ý của địch. Trong góc của trạm xá, cờ Đảng, cờ Tổ quốc có kích thước chỉ bằng tờ giấy đã cũ được dán tạm lên tường, đại diện Chi ủy nhà tù đã tuyên bố kết nạp Đảng cho bà. Với tư cách là đảng viên mới được kết nạp, bà đã hứa tiếp tục trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân và hoàn thành mọi nhiệm vụ mà cấp trên giao.

* Đến thế hệ sinh ra và lớn lên trong hòa bình

Ngày kết nạp Đảng Cộng sản Việt Nam không có chỉ ý nghĩa đối với thế hệ trải qua những năm tháng chiến đấu mà đối với những người sinh ra và lớn lên trong hòa bình, ngày được đứng vào hàng ngũ của Đảng cũng trở thành một ngày trọng đại, không thể nào quên trong cuộc đời.

Từ sự nỗ lực trong học tập cũng như trong các hoạt động phong trào, năm 2011, anh Huỳnh Thúc Hiếu, khi ấy là sinh viên năm 3, Khoa Quản trị kinh tế quốc tế Trường đại học Lạc Hồng vinh dự là một trong số ít sinh viên ưu tú được chọn tham gia lớp cảm tình Đảng.

Sau 3 năm phấn đấu, tháng 8- 2014, trong khi trực tiếp tham gia và chỉ huy Đội Thanh niên tình nguyện mùa hè xanh tại mặt trận xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu), anh Huỳnh Thúc Hiếu vinh dự là một trong 5 đoàn viên ưu tú được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Anh Hiếu cho hay, được đứng vào hàng ngũ của Đảng anh cảm thấy rất tự hào và càng tự hào hơn khi anh là một trong số những đoàn viên ưu tú đầu tiên được tổ chức kết nạp tại Khu di tích Căn cứ Khu ủy miền Đông (huyện Vĩnh Cửu) - địa danh được coi là trái tim của cách mạng miền Nam trong những năm tháng kháng chiến.

 “Càng vinh dự, tự hào tôi càng thấy mình cần tiếp tục phấn đấu rèn luyện, hoàn thành tốt nhiệm vụ của người đảng viên góp phần xây dựng tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam lớn mạnh” - anh Hiếu bộc bạch.

Ngày 3-12-2019, chị Phan Thị Kim Oanh, giáo viên Trường THPT Nhơn Trạch (huyện Nhơn Trạch) được đứng vào hàng ngũ Đảng. Trong giờ phút thiêng liêng, đứng trước cờ Tổ quốc, cờ Đảng và chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, chị đã dõng dạc đọc vang lời tuyên thệ của người đảng viên. Chị Kim Oanh cho hay, trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam là niềm vinh dự, tự hào của mỗi người nhưng trên hết là trách nhiệm được tiếp tục cống hiến để xứng đáng với những gì mà Đảng và các thế hệ đảng viên đã tin tưởng.

Theo chị Kim Oanh, cống hiến không phải những điều gì cao siêu mà đơn giản là phấn đấu làm tốt nhiệm vụ của mình, tích cực giúp đỡ đồng nghiệp cùng hoàn thành nhiệm vụ; luôn giữ vững phẩm chất cách mạng của người đảng viên, tích cực tham gia xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Đứng vào hàng ngũ  Đảng là cả một chặng đường dài phấn đấu không ngừng nhưng với chị Kim Oanh đây thực sự mới là điểm khởi đầu trong cả cuộc đời phấn đấu của người đảng viên.

“Tôi hứa, sẽ tiếp tục phấn đấu không ngừng để nâng cao tinh thần cách mạng, trau dồi kiến thức về Đảng Cộng sản Việt Nam, phấn đấu trở thành một đảng viên gương mẫu trong mắt quần chúng… góp phần viết tiếp truyền thống 90 năm của Đảng Cộng sản Việt Nam” - chị Kim Oanh nói.

Nga Sơn

Tin xem nhiều