Báo Đồng Nai điện tử
En

Hiện đại hóa nền tảng công nghệ thông tin

11:02, 14/02/2020

Muốn thực hiện thành công mô hình chính quyền điện tử rất cần hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại, đội ngũ cán bộ công chức có trình độ và kỹ năng công nghệ thông tin.

Muốn thực hiện thành công mô hình chính quyền điện tử rất cần hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại, đội ngũ cán bộ công chức có trình độ và kỹ năng công nghệ thông tin.

Người dân lấy số thứ tự làm thủ tục tại Trung tâm hành chính công tỉnh
Người dân lấy số thứ tự làm thủ tục tại Trung tâm hành chính công tỉnh

[links()]Bên cạnh chính quyền điện tử thì không thể thiếu những công dân điện tử với khả năng tự trang bị các thiết bị và kỹ năng giao dịch điện tử.

* Đầu tư xứng tầm

Theo Văn phòng UBND tỉnh, đến nay tỉnh đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho việc hiện đại hóa cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ kết nối hoạt động của các cơ quan Đảng, Nhà nước trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, tỉnh đã hoàn thành và đưa vào vận hành Trung tâm tích hợp dữ liệu (Data center) giai đoạn 1, trung tâm đang hoạt động an toàn, hiệu quả 24/24 giờ. Nhiều sở, ngành cũng đã chủ động đầu tư khai thác tốt hệ thông dữ liệu của tỉnh, trong đó có Trung tâm hành chính công tỉnh và 181 bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ cấp huyện và xã.

Năm 2019, tỉnh đã cấp phát 687 bộ chứng thư số, trong đó cấp cho tổ chức 160 bộ, cho cá nhân 482 bộ, 45 bộ SIM PKI cho lãnh đạo cơ quan. Đây là những thiết bị để người đứng đầu các cơ quan, đơn vị triển khai dùng chữ ký điện tử thay cho chữ ký viết tay truyền thống trong trường hợp đi công tác xa.

Do nhu cầu điều hành, xử lý hồ sơ văn bản qua hệ thống mạng mỗi năm một lớn hơn, tránh tình trạng hệ thống bị “nghẽn” cục bộ, tỉnh đang khẩn trương thực hiện giai đoạn 2 của dự án xây dựng Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh Đồng Nai. Hiện các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn như Viettel, VNPT… đang tích cực hỗ trợ tỉnh đảm bảo dung lượng đường truyền tốt. Ngoài ra, đường truyền Mega Wan và Metro Net với băng thông 02Mbps đã kết nối vào hệ thống một cửa điện tử của tỉnh cho 100% UBND cấp xã.

Nhờ hệ thống tích hợp và truyền dẫn số liệu hoạt động tốt nên tỷ lệ hồ sơ, văn bản được gửi qua đường văn bản điện tử tăng đáng kể, tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng/năm. Trong khi đó, số lượng hồ sơ giải quyết qua Cổng dịch vụ công trực tuyến năm 2019 đạt 22.152 lượt hồ sơ, tăng 50% so với năm 2018. Nhiều đơn vị có tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận qua dịch vụ công trực tuyến đạt trên 95%, trong đó có các Sở: Kế hoạch - đầu tư, Ngoại vụ, Thông tin - truyền thông, Công thương. Một số địa phương có mức độ chuyển động khả quan từ việc nộp hồ sơ trực tiếp sang trực tuyến như huyện Xuân Lộc hay TP.Biên Hòa có tỷ lệ hồ sơ đăng ký khai sinh trực tuyến tăng 50% so với năm 2018.

Ông Phạm Việt Phương, Chánh Văn phòng UBND tỉnh cho biết, với sự đầu tư bài bản và hệ thống công nghệ thông tin của tỉnh, hiện nay từ UBND tỉnh, lãnh đạo tỉnh có thể quan sát tới 182 đơn vị tiếp nhận và trả kết quả một cửa trong toàn tỉnh gồm: Trung tâm hành chính công tỉnh, 11 bộ phận tiếp nhận và trả kết quả một cửa cấp huyện và 170 bộ phận cấp xã. Bất cứ người dân, doanh nghiệp nào có phản ảnh về tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức đều có thể trích xuất dữ liệu camera theo dõi và xử lý.

* Tạo thêm đột phá mới

Theo Giám đốc Sở Thông tin - truyền thông Lê Hoàng Ngọc, trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, Đồng Nai tiếp tục xác định đầu tư mạnh cho công nghệ thông tin nhằm tạo ra những đột phá mới trong phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có công tác cải cách thủ tục hành chính. Cụ thể, tỉnh sẽ nâng cấp khung kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Đồng Nai lên phiên bản 2.0, phù hợp với khung kiến trúc chính phủ điện tử Việt Nam. Tỉnh sẽ đưa vào vận hành giai đoạn 2 của Trung tâm tích hợp dữ liệu, đây cũng là cơ sở để hoàn thiện nền tảng chính quyền điện tử tỉnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

Để ngày càng có nhiều dịch vụ công trực tuyến được đưa vào phục vụ người dân và doanh nghiệp, tỉnh đã có kế hoạch tiếp tục nâng cấp tính năng kỹ thuật của Cổng dịch vụ công trực tuyến tập trung, phần mềm một cửa điện tử eGov của tỉnh theo quy định và yêu cầu, hướng dẫn của Bộ Thông tin - truyền thông. Thực hiện số hóa hồ sơ thủ tục hành chính và tài liệu giấy liên quan đến hoạt động giải quyết thủ tục hành chính của tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Chú trọng đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ đảm bảo trình độ, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, đồng thời tuyên truyền nâng cao ý thức và kỹ năng cho người dân tiến tới sử dụng phổ biến các dịch vụ công trực tuyến.

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ cải cách hành chính năm 2020, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh, tỉnh đang rất cần tạo ra những bước đột phá thực sự trong công tác cải cách hành chính, trong đó công nghệ thông tin phải là then chốt. Việc xây dựng chính quyền điện tử sẽ tạo ra cho tỉnh thêm nhiều động lực trong phát triển, quản lý và điều hành chuyên nghiệp hơn. Nhưng muốn có chính quyền điện tử thì các sở, ngành liên quan, người đứng đầu các đơn vị phải đi tiên phong trong công tác đào tạo, nâng cao trình độ công nghệ thông tin, tiếp thu những công nghệ mới, cách làm mới sáng tạo.

Đặng Công

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích