Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuyện anh hùng Dương Quang Đông vượt ngục Tà Lài

09:02, 05/02/2020

Cách đây tròn 100 năm, anh hùng lực lượng vũ trang Dương Quang Đông từng sát cánh cùng lãnh tụ Tôn Đức Thắng thành lập Công hội Đỏ ở Sài Gòn năm 1920.

Cách đây tròn 100 năm, anh hùng lực lượng vũ trang Dương Quang Đông từng sát cánh cùng lãnh tụ Tôn Đức Thắng thành lập Công hội Đỏ ở Sài Gòn năm 1920.

Nhà cách mạng Dương Quang Đông (1901-2003). Ảnh: Tư liệu
Nhà cách mạng Dương Quang Đông (1901-2003). Ảnh: Tư liệu

Từ thất bại của Nam Kỳ khởi nghĩa năm 1940, Dương Quang Đông đã vượt ngục Tà Lài trên thượng nguồn sông Đồng Nai về lại Sài Gòn làm phu xích lô, từng bước gầy dựng lại phong trào bị tan rã vì khủng bố; đi khắp các tỉnh miền Tây vận động tổ chức lại các tỉnh ủy, rồi đứng ra triệu tập hội nghị tái lập Xứ ủy Nam kỳ…

* Một giấc ngủ ngon lành bên mộ Tả quân Lê Văn Duyệt

Dương Quang Đông còn có tên Dung Văn Phúc, nên người đương thời thường gọi là Năm Phúc, Năm Đông. Ông sinh năm Tân Sửu - 1901, nhưng giấy khai sinh đề ngày 2-5-1902 ở huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh. Rời quê lên học ở Sài Gòn, bí mật tham gia cách mạng, Dương Quang Đông tình cờ làm quen với Tôn Đức Nhung, em ruột của Tôn Đức Thắng - thần tượng của giới thanh niên yêu nước bấy giờ.

Cơ hội của Năm Đông đã đến khi ông Hai Thắng - tên gọi thân mật của đồng chí Tôn Đức Thắng về Cảng Ba Son trên chiến hạm Lamotte Picquet cùng những người lính thợ An Nam trong Quân đội Pháp tham gia Chiến tranh thế giới thứ nhất sống sót trở về quê hương cuối năm 1919. Từ đó, Năm Đông cùng các bạn công nhân thân thiết Ka Him, Mười Giao gắn chặt với mọi hoạt động của Hai Thắng ở Sài Gòn - Chợ Lớn. Họ chọn đình Bình Đông nằm khuất nẻo trên cù lao rậm rạp tận Rạch Cát làm địa điểm cất giấu tài liệu bí mật do Hai Thắng mang về cũng như những nguồn sách báo khác từ Pháp chuyển về sau đó. Đó cũng chính là bối cảnh ra đời Công hội Đỏ, tổ chức bí mật chính thức được thành lập ngày 25-2-1920 tại đình Bình Đông…

Vào đầu năm 1941, sau khi ăn cái Tết Nguyên đán đầu tiên ở giữa rừng thiêng nước độc Tà Lài thuộc miền Đông Nam bộ, một nhóm tù cộng sản đã tổ chức vượt ngục, do hai ông Trần Văn Giàu và Dương Quang Đông dẫn đầu. Đó là đêm 27-3-1941. Họ lấy cắp hai chiếc thuyền độc mộc của đồng bào dân tộc Chơro chèo ngược lên thượng nguồn sông Đồng Nai, ba ngày sau đến khúc sông có nhiều cá sấu họ bỏ thuyền lên bờ băng rừng về hướng Đà Lạt. Điều này giúp họ đánh lạc hướng kẻ thù. Biết tin hai chiếc thuyền bị lấy cắp, địch cho rằng các tù nhân vượt ngục sẽ xuôi dòng Tà Lài ra sông La Ngà để xuống Biên Hòa nên truy nã theo hướng ấy. Nhờ đó các tù nhân đủ thời gian cao chạy xa bay…

Đoàn tù gồm 8 người băng rừng gần 70km ra tới quốc lộ 20 nối Sài Gòn với Đà Lạt. Tại cây số 191, Dương Quang Đông cùng Trương Văn Nhâm đi trước dò đường, phát hiện một quán tạp hóa nhỏ, vào mua gạo nhưng gạo hết, nên phải mua đậu xanh và đường thẻ trở lại rừng nấu chè ăn đỡ đói. Nhờ còn giữ giấy thuế thân, ba ông Trương Văn Nhâm, Nguyễn Công Trung và Trần Anh Kiệt được cả đoàn nhất trí cho đón xe về Sài Gòn trước. Ba ngày sau, ông Trương Văn Nhâm cho một người bạn tên Khải đưa xe lên đón các bạn tù.

“Nào anh em nghèo đâu!”. Chiếc xe Citroen chạy tới cây số 191 liền quay đầu lại và từ trong xe vang lên câu hát ấy. Nghe mật hiệu, các tù nhân từ trong rừng xuất hiện. Ông Khải lấy thức ăn chuẩn bị sẵn từ Sài Gòn bày ra, có cả bia con cọp. Một bữa thịnh soạn giữa rừng khó quên. Ăn uống no nê, các nhà cách mạng chia làm hai đoàn. Ba ông Trần Văn Giàu, Châu Văn Giác và Tô Ký lên Đà Lạt ẩn náu một thời gian rồi sẽ tìm cách về Sài Gòn. Còn hai ông Dương Quang Đông và Nguyễn Tấn Đức đi xe ông Khải về luôn Sài Gòn. Đây là ý tưởng và cũng là sự cảnh giác mang tính lý luận của Trần Văn Giàu: không thể để tất cả trứng vào chung một giỏ ấp, nhất là trong tình hình vô cùng đen tối của cách mạng Nam kỳ lúc ấy!

Trên đường về tới Bảo Lộc, chợt có một người Pháp đứng giơ tay đề nghị dừng xe. Hai tù nhân Dương Quang Đông và Nguyễn Tấn Đức giật mình. Ông Tây này đi săn, xe bị chết máy, nên xin đi quá giang. Khi xe qua trạm gác 125, người Pháp thò đầu ra chào, lính gác chẳng xét hỏi mà liền khoát tay cho đi, nhờ đó hai tù nhân vượt ngục về tới Sài Gòn an toàn. Trời tối, họ rời xe lẩn vào trong lăng Ông Bà Chiểu, ra chỗ mộ Tả quân Lê Văn Duyệt ném mình xuống nền gạch phủ cỏ rêu nằm ngủ một giấc ngon lành sau những ngày vượt ngục mệt mỏi rã rời.

Nửa đêm về sáng, cái lạnh đầu Xuân tê tê làm Dương Quang Đông thức giấc. Lăng Ông Bà Chiểu là nơi mà Dương Quang Đông biết rõ từng viên ngói, cục gạch thuở mới rời quê hương Trà Vinh lên Sài Gòn học tập. Ông vẫn nằm gối đầu lên mấy bộ quần áo cũ từ trong tù, mắt nhìn bầu trời thành phố nhập nhòa ánh điện. Bao nhiêu kỷ niệm chợt ùa về. Lòng ông quặn thắt nhớ về những bước đường đã qua, nhất là hình ảnh cha mẹ tuổi già sức yếu mỏi mắt mong người con trai mà họ đặt nhiều kỳ vọng...

* Suốt đời trung thành với lý tưởng cứu nước, cứu dân

Thức dậy sau một đêm ngon giấc bên mộ Tả quân Lê Văn Duyệt, rũ bỏ mọi ám ảnh từ rừng sâu Tà Lài, Dương Quang Đông và Nguyễn Tấn Đức ngồi lặng nghe Trương Văn Nhâm báo cáo tình hình. Xứ ủy bị tan rã sau khởi nghĩa cuối năm 1940. Sài Gòn và cả Nam kỳ đang bị khủng bố trắng. Ở đâu chính quyền thực dân cũng dán yết thị kêu gọi dân chúng cảnh giác và chỉ bắt những thành phần nguy hiểm làm quốc sự, kèm theo tên tuổi và hình ảnh họ được phóng to. Chẳng nhà nào dám chứa chấp người lạ. Ngay cả những người đồng chí cộng sản với nhau giờ cũng không dám tin nhau.

Dương Quang Đông, Trương Văn Nhâm và Nguyễn Tấn Đức phải giả cái bang tá túc dưới gầm cầu. Nhằm gây tiếng vang chứng tỏ cộng sản vẫn tồn tại, Dương Quang Đông vét tiền đi chợ mua khúc vải đỏ về gầm cầu may lá cờ Đảng hình búa liềm, dài bằng hai gang tay. Đêm 30 rạng ngày 1-5-1941, Trương Văn Nhâm bí mật mang cờ lên treo ở Viện Pasteur Sài Gòn (Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh ngày nay). Hôm sau nghe xe cảnh sát kéo còi inh ỏi, tỏ ra điên tiết vì lá cờ búa liềm xuất hiện giữa Sài Gòn, Năm Đông cười sảng khoái nhắc lại cho Ba Nhâm và Tấn Đức về lời của viên Tỉnh trưởng Biên Hòa Larivrière nói tại Tà Lài sau Nam kỳ khởi nghĩa rằng, 15 năm nữa cộng sản không ngóc đầu dậy nổi!

Được khích lệ từ việc treo cờ, ba nhà cách mạng quyết tâm phục hồi cơ sở Đảng. Dương Quang Đông được bầu làm Trưởng ban, phụ trách địa bàn Sài Gòn - Gia Định. Nguyễn Tấn Đức hoạt động ở phía Chợ Lớn. Trương Văn Nhâm thì xuống tỉnh Tân An (Long An ngày nay) gầy dựng phong trào. Họ cũng dần gặp được người thân kín đáo che chở, thoát khỏi cuộc sống gian truân đói khát nơi gầm cầu. Năm Đông được em gái Dương Thị Nghĩa đưa về nhà ở gần chợ Nancy sống và hoạt động. Để đỡ đần cho gia đình em gái bớt khó khăn và có cơ hội tiếp xúc bên ngoài, Năm Đông nhờ em mướn một chiếc xe kéo để mình đi làm phu xe. Nhờ đó ông tìm gặp được nhiều đồng chí cũ, tổ chức phục hồi các cơ sở Đảng.

Hàng loạt tin tức xấu về bạn tù vượt ngục Tà Lài lần lượt ùa về với Năm Đông. Đầu tiên là tin Tô Ký bị bắt ở Đà Lạt, địch đưa về bót Catinat - Sài Gòn tra tấn dã man để moi tin về Trần Văn Giàu, rồi đày lên căng Bà Rá, trong khi Trần Văn Giàu và Châu Văn Giác vẫn biệt vô âm tín. Tiếp đó là tin Trương Văn Nhâm trên đường từ Cà Mau về quê nhà Cần Giuộc đã bị bắt, còn Nguyễn Tấn Đức thì bị địch vồ hụt ở Cần Đước, Tân An. Trong lúc đó có tin Trần Anh Kiệt, tức kỹ sư Văn bị bắt ngay khi về tới Sài Gòn và bị tên cò Bazin tra tấn đến chết trong bót Catinat vì hắn biết ông là trí thức cộng sản từng du học bên Pháp và Nga. Nhà báo Nguyễn Công Trung cũng bị bắt cùng lúc với kỹ sư Văn, chưa rõ sống chết ra sao…

Biết trước sau gì cũng sẽ bị lộ trước mũi bọn mật thám, Năm Đông quyết định rời Sài Gòn - Gia Định về miền Tây, trước mắt là tìm cách xin giấy thuế thân làm bùa hộ mệnh. Ông lần lượt xuống Cần Giuộc, Sóc Trăng nhưng vẫn không xong, cuối cùng đành phải xuống tận Cà Mau làm dân cày, phát cỏ hoang, giăng câu bắt cá kiếm sống.

Thấy Năm Đông quá khổ cực, cơ sở cách mạng giới thiệu ông vào làm việc trong điền trang của Huyện Minh - em ruột bác sĩ Nguyễn Văn Thinh. Nhận thấy Năm Đông là người có học thức, Huyện Minh phân công ông làm thư ký và dạy kèm trẻ em. Nhờ vậy ba tháng sau ông có được giấy thuế thân với tên giả Trần Văn Tam ở Cà Mau, rồi tìm cách quay về Sài Gòn. Trên đường, ông tranh thủ bí mật qua Cầu Ngang thăm gia đình, mới hay mẹ mất từ lâu, cha già yếu. Thắp ba nén hương thành kính tạ tội trước mộ đấng sinh thành, lòng ông đau như cắt, hứa với mẹ suốt đời trung thành với lý tưởng cứu nước cứu dân mà ông đã sớm lựa chọn…

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Dương Quang Đông là nhà cách mạng kỳ cựu của Nam bộ, đã được Nhà nước trao tặng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất.

Nguyễn Phan Huỳnh

Tin xem nhiều