Báo Đồng Nai điện tử
En

Phát huy tinh thần Đồng khởi trong thời kỳ mới

12:01, 17/01/2020

60 năm trước, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phong trào Đồng khởi ở miền Nam mà điển hình là cuộc Đồng khởi ở Bến Tre vào ngày 17-1-1960 giành thắng lợi đã đi vào lịch sử cách mạng Việt Nam. Đây được xem là bước ngoặt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước nói riêng và lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc nói chung.

60 năm trước, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phong trào Đồng khởi ở miền Nam mà điển hình là cuộc Đồng khởi ở Bến Tre vào ngày 17-1-1960 giành thắng lợi đã đi vào lịch sử cách mạng Việt Nam. Đây được xem là bước ngoặt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước nói riêng và lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc nói chung.

Quần chúng nhân dân tham gia phong trào Đồng khởi Bến Tre năm 1960. Ảnh: tư liệu
Quần chúng nhân dân tham gia phong trào Đồng khởi Bến Tre năm 1960. Ảnh: tư liệu

Thắng lợi của phong trào Đồng khởi đã đưa các cách mạng miền Nam từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công, từ đấu tranh chính trị là chủ yếu sang kết hợp giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang.

* Bước ngoặt của cách mạng miền Nam

Th.S Trần Quang Toại, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Đồng Nai cho biết, thắng lợi của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đã buộc Chính phủ Pháp phải đi đến ký kết Hiệp định Genève lập lại hòa bình ở Đông Dương. Tuy nhiên, do âm mưu của các thế lực phản động quốc tế cũng như tương quan lực lượng và tình hình thế giới lúc bấy giờ nên Việt Nam tạm thời bị chia cắt thành hai miền với 2 chế độ chính trị khác nhau.

Tính đến cuối năm 1960, phong trào Đồng khởi đã giúp nhân dân ta giành quyền làm chủ ở 1.363 xã trên toàn miền Nam, giải phóng 5,6 triệu dân. Phong trào Đồng khởi đã huy động được hàng triệu người tham gia đấu tranh chính trị trực diện, thu lại 17 vạn hécta đất bị Mỹ - Diệm cướp trả về cho nông dân.

Ở miền Nam, lợi dụng thất bại và những khó khăn của thực dân Pháp, Mỹ “hất cẳng” Pháp, nhanh chóng dựng lên chính quyền tay sai, ra sức phá hoại Hiệp định Genève hòng chia cắt lâu dài đất nước ta, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới, thành căn cứ quân sự để tấn công miền Bắc và hệ thống xã hội chủ nghĩa, làm “con đê” ngăn chặn chủ nghĩa xã hội và không cho phong trào cách mạng tràn xuống vùng Đông Nam Á. Sau khi thiết lập chính quyền tay sai ở miền Nam, Mỹ - Diệm thi hành quốc sách “tố cộng, diệt cộng”, Luật 10/59, lập “khu trù mật”, “khu dinh điền”, dồn dân vào các khu tập trung để đàn áp phong trào yêu nước, xóa bỏ các cơ sở cách mạng của nhân dân ta. Hành động tàn bạo của Mỹ - Diệm đã thổi bùng ngọn lửa căm thù khắp 2 miền Nam - Bắc.

Trước tình thế cách mạng ở miền Nam, tháng 1-1959, Hội nghị lần thứ 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng diễn ra tại Hà Nội. Hội nghị đã chỉ ra con đường phát triển cơ bản của cách mạng ở miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Từ tình hình và yêu cầu của cách mạng, con đường đó là lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang để đánh đổ quyền thống trị của đế quốc và phong kiến, dựng lên chính quyền cách mạng của nhân dân. Cách mạng miền Nam cần có Mặt trận dân tộc thống nhất riêng cho phù hợp với tính chất, nhiệm vụ của cách mạng nhằm tập hợp tất cả các lực lượng chống đế quốc và tay sai.

Ngày 1-1-1960, tại xã Tân Trung, huyện Mỏ Cày (tỉnh Bến Tre), đồng chí Nguyễn Thị Định, Phó bí thư Tỉnh ủy truyền đạt tinh thần Nghị quyết 15 và những chủ trương cụ thể của Khu ủy cho cán bộ các huyện trong tỉnh. Hội nghị quyết định chọn 3 xã Định Thủy, Phước Hiệp, Bình Khánh thuộc huyện Mỏ Cày làm điểm để tiến hành đồng khởi trên phạm vi toàn tỉnh. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn 3 ngày 17, 18, 19 tháng 1-1960, nhân dân 3 xã trên đã giành được quyền làm chủ. Từ ngày 17 đến
24-1-1960, nhân dân 47 xã thuộc các huyện Mỏ Cày, Giồng Trôm, Châu Thành, Ba Tri, Thạnh Phú đã nhất tề nổi dậy diệt ác, phá đồn, đập tan bộ máy thống trị của địch, giải phóng quê hương.

Cuộc Đồng khởi Bến Tre đã gây chấn động lớn đối với chính quyền Sài Gòn. Đích thân Ngô Đình Diệm đi thị sát Bến Tre và quyết định sử dụng lực lượng mạnh để “trừ khử cái ung độc Kiến Hòa từ đầu, tránh nguy hại về sau”. Hoảng sợ trước sức mạnh của quần chúng nhân dân, ngày 24-1-1960, ngụy quyền Sài Gòn đã huy động lực lượng mạnh về xã Phước Hiệp nhằm đàn áp phong trào. Ngày 4-2-1960, Tỉnh ủy Bến Tre huy động gần 6 ngàn phụ nữ ở Phước Hiệp và các xã lân cận kéo vào huyện lỵ Mỏ Cày đấu tranh chống khủng bố, đòi bồi thường thiệt hại. Trước sức mạnh của quần chúng nhân dân, Tỉnh trưởng Bến Tre phải lệnh cho ngụy quân rút lui.

Th.S Trần Quang Toại cho biết thêm, tại Biên Hòa, đầu năm 1960 phong trào diệt ác, phá kìm phát triển mạnh ở nhiều xã thuộc các huyện Vĩnh Cửu, Long Thành, Nhơn Trạch. Lực lượng vũ trang địa phương tiến hành nhiều trận diệt ác kết hợp với tuyên truyền, vận động binh sĩ đào ngũ. Từ sau phong trào Đồng khởi, phong trào cách mạng ở Biên Hòa vượt qua tình thế khó khăn, chuyển từ thế chống đỡ sang tiến công kẻ thù; chú trọng phát triển lực lượng vũ trang, bộ đội tỉnh, bộ đội huyện, lực lượng du kích, bao gồm cả du kích mật xuất hiện trên diện rộng, kể cả khu vực địch kiểm soát chặt chẽ.

* Phát huy sức mạnh tổng hợp từ nhân dân

Bên cạnh đường lối chính trị, quân sự đúng đắn của Đảng, một trong những nguyên nhân đưa đến thắng lợi của phong trào Đồng khởi chính là tin và dựa vào nhân dân, phát huy sức mạnh tổng hợp từ nhân dân. Nhờ có dân mà nhiều cơ sở cách mạng đã được gầy dựng. Nhờ có sức mạnh tổng hợp từ nhân dân mà Đảng ta hết lần này đến lần khác lãnh đạo đất nước vượt qua gian nan, thử thách, đưa cách mạng đi đến thắng lợi cuối cùng, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Tại Đồng Nai, minh chứng rõ nhất cho sức mạnh tổng hợp từ nhân dân hiện nay chính là “quả ngọt” mà quá trình xây dựng nông thôn mới mang lại. Nhờ làm tốt công tác Dân vận, người dân hiểu rõ xây dựng nông thôn mới chính là làm cho người dân và vì người dân nông thôn; cộng đồng dân cư vừa là chủ thể, vừa là nguồn lực, cũng vừa là đối tượng hưởng lợi khi quá trình xây dựng nông thôn mới hoàn thành. Từ đó, Đồng Nai đã về đích nông thôn mới và chuyển sang giai đoạn xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Theo Th.S Trần Quang Toại, Nghị quyết của Hội nghị lần thứ 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra đời đã đáp ứng được yêu cầu thực tế của chiến trường, đánh dấu sự chuyển hướng quan trọng của Đảng ta về chỉ đạo chiến lược. Đó là lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng, kiên quyết sử dụng bạo lực cách mạng để đập tan bạo lực phản cách mạng, xây dựng chính quyền nhân dân.

Nhận thức được tầm quan trọng của sức mạnh từ nhân dân, trong những năm qua các cấp ủy Đảng, chính quyền luôn chú trọng đến công tác vận động quần chúng nhân dân. Công tác vận động quần chúng nhân dân thường xuyên được đổi mới để phù hợp với thực tiễn ở mỗi giai đoạn lịch sử.

Thiếu tướng Đỗ Hồng Lâm, Tổng biên tập Tạp chí Quốc phòng toàn dân trong tham luận được in trong kỷ yếu hội thảo Phong trào Đồng khởi 1960 bước ngoặt của cách mạng miền Nam tổ chức vào tháng 12-2019 vừa qua lưu ý, công tác vận động quần chúng của Đảng trong những năm gần đây còn bộc lộ những hạn chế, yếu kém, làm ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân vào đường lối lãnh đạo của Đảng. Nguyên nhân chủ yếu mà Thiếu tướng Đỗ Hồng Lâm chỉ ra là do một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, quên đi trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân. Trong khi đó, việc ban hành các cơ chế, chính sách, pháp luật thích ứng với quá trình vận hành của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chưa kịp thời. Vai trò giám sát của nhân dân thông qua ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội chưa được phát huy hoặc hiệu quả chưa cao...

Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Đồng Nai Trần Quang Toại cho rằng, thời gian qua, công tác phòng chống tham nhũng được Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Đã có không ít cán bộ, đảng viên bị thi hành kỷ luật, góp phần cũng cố lòng tin của nhân dân. Tuy nhiên về lâu dài, Đảng cần tiếp tục thanh lọc, loại bỏ những “con sâu làm rầu nồi canh” để Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh. Góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, mỗi cán bộ, đảng viên mẫu mực, tuyệt đối trung thành với lợi ích của Đảng, của nhân dân, làm tốt chức năng, nhiệm vụ của mình. Bên cạnh đó, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp thường xuyên tiếp xúc, đối thoại với nhân dân, giải quyết kịp thời những yêu cầu chính đáng của nhân dân...

Nga Sơn - Hồng Phúc

Tin xem nhiều