Báo Đồng Nai điện tử
En

Xem xét, đánh giá nhiều nội dung quan trọng về kinh tế - xã hội

03:12, 05/12/2019

Kỳ họp thứ 13 HĐND tỉnh khóa IX nhằm đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2019 và xác định mục tiêu, nhiệm vụ năm 2020...

Ngày 4-12, HĐND tỉnh khóa IX đã khai mạc Kỳ họp thứ 13 với sự tham dự của 75/83 đại biểu HĐND tỉnh, đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương trong tỉnh. Kỳ họp nhằm đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2019 và xác định mục tiêu, nhiệm vụ năm 2020; xem xét, thông qua các nghị quyết về các vấn đề quan trọng của địa phương.

Đồng chí Nguyễn Phú Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại phiên làm việc sáng 4-12, Kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh khóa IX. Ảnh: Phạm Tùng
Đồng chí Nguyễn Phú Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại phiên làm việc sáng 4-12, Kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh khóa IX. Ảnh: Phạm Tùng

[links()]Tại kỳ họp, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh báo cáo về việc tham gia xây dựng chính quyền và những ý kiến, kiến nghị của cử tri. HĐND tỉnh báo cáo 5 nội dung liên quan đến hoạt động năm 2019 của HĐND tỉnh, báo cáo giám sát, giải quyết kiến nghị của cử tri sau kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh... Đồng thời, kỳ họp cũng xem xét 22 tờ trình của UBND tỉnh về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh.

* Kinh tế tăng trưởng ổn định

Năm 2019, Đồng Nai vẫn giữ mức tăng trưởng kinh tế cao, xã hội phát triển ổn định. Có 25/28 chỉ tiêu về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh thực hiện đạt và vượt. Trong đó có 2 chỉ tiêu vượt cao so với mục tiêu Nghị quyết gồm: đưa vào sử dụng nhà ở xã hội và xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Trong lĩnh vực kinh tế, một số điểm sáng nổi trội là GRDP tăng hơn 8%, đạt mục tiêu Nghị quyết; GRDP bình quân đầu người đạt 4.810 USD (mục tiêu Nghị quyết 4.510 - 4.600 USD). Sản xuất công nghiệp tăng 8,7%; sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng 2,7%; thương mại - dịch vụ tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2018, đạt kế hoạch năm.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh cho biết: “Tình hình kinh tế - xã hội năm 2019 trên địa bàn tỉnh tiếp tục chuyển biến tích cực, các ngành, lĩnh vực chủ yếu tiếp tục tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, còn 3 chỉ tiêu không đạt là kim ngạch xuất khẩu, giảm số vụ tội phạm hình sự, phát hiện và xử lý tội phạm ma túy”.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường đánh giá, tuy còn 3 chỉ tiêu chưa đạt nhưng năm 2019, Đồng Nai có nhiều nỗ lực trong phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh. Đặc biệt, năm 2019, Đồng Nai là một trong 2 tỉnh đầu tiên của cả nước được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

* Cử tri quan tâm nhiều vấn đề

Một số chỉ tiêu của năm 2020

Năm 2020 đóng vai trò rất quan trọng, Đồng Nai tiếp tục đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng cho từng lĩnh vực. Tỉnh nỗ lực để GRDP tăng 8-9% so với năm 2019; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 5,3 ngàn USD (tương đương khoảng 124 triệu đồng/người); kim ngạch xuất khẩu tăng 10-11% so với năm 2019; có thêm 5-7 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Về lĩnh vực xã hội tỉnh đưa ra kế hoạch tiếp tục giảm 1,5 ngàn hộ nghèo, tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề, quản lý chặt chẽ không để phát sinh dịch bệnh trên người, đảm bảo quốc phòng - an ninh và hoàn thành nhiệm vụ giao quân cho năm 2020...

Qua báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri cho thấy, năm 2019, cử tri các địa phương quan tâm và kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng, dự án chậm tiến độ kéo dài, “tín dụng đen”, “xã hội đen” còn lộng hành… Bên cạnh đó, khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ở nhiều nơi thực hiện chưa tốt, cần phải sớm điều chỉnh.

Phó chủ tịch thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng nhấn mạnh: “Qua các lần tiếp xúc cử tri, các đợt giám sát, nhiều cử tri phản ảnh liên tục tình trạng các dự án kéo dài không thực hiện làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Do đó, cử tri đề nghị chính quyền kiểm tra lại các dự án, việc giao đất, cho thuê đất với các doanh nghiệp triển khai dự án. Khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cũng còn nhiều bất cập, làm thẻ chậm, chất lượng khám chữa bệnh chưa đảm bảo...”.

Công tác giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri trước và sau Kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh cho thấy, nhiều nội dung phản ảnh của cử tri được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo các cơ quan chức năng kịp thời giải quyết, trả lời cử tri. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn những cơ quan trả lời chưa đúng với nội dung như: xem xét không thu tiền sử dụng đất đối với các trường hợp ghi nợ trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; sớm chi trả tiền bồi thường cho các hộ dân thuộc dự án cải tạo khôi phục quốc lộ 20, dự án nạo vét suối Nước Trong; hỗ trợ cấp thẻ bảo hiểm y tế cho tổ trưởng tổ nhân dân...

Đại biểu Nguyễn Thị Cát Tiên, Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc cho biết: “Nhiều cử tri phản ảnh tình trạng “tín dụng đen” vẫn diễn ra phức tạp. Dù lực lượng chức năng đã vào cuộc, huyện Xuân Lộc phát hiện bắt giữ đường dây lớn hoạt động “tín dụng đen” nhưng vẫn chưa thể ngăn chặn được tận gốc vì luật pháp vẫn còn một số kẽ hở để các đối tượng lợi dụng”.

Tình trạng “xã hội đen” lộng hành ở một số địa bàn trong thời gian qua gây bất an cho người dân trong tỉnh. Đơn cử như vụ việc băng nhóm giang hồ vây xe công an tại phường Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa) hoặc các băng nhóm “xã hội đen” tranh chấp đất đai của người dân ở nhiều địa phương... Ngoài ra, cử tri phản ảnh gần đây nổi lên vấn đề xây dựng trái phép, phân lô bán nền đất nông nghiệp, doanh nghiệp lừa người dân bán dự án “ma”. Đặc biệt là vụ Công ty cổ phần địa ốc Alibaba (TP.Hồ Chí Minh) đã mở bán 29 dự án “ma” tại Đồng Nai lừa hơn 600 người dân mua đất với số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng...

Liên quan đến vấn đề này, trước kỳ họp Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường cho rằng, chính quyền địa phương, lực lượng công an phải tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, phát hiện các vụ việc tiêu cực trên để xử lý kịp thời. Tình trạng trên phải được giải quyết, không để tiếp tục xảy ra trong năm 2020.

* Xem xét nhiều nội dung quan trọng

Trong kỳ họp HĐND tỉnh lần này, UBND tỉnh trình 22 nội dung quan trọng. Trong đó gồm danh mục các dự án sử dụng, thu hồi đất trong năm 2020; điều chỉnh, bổ sung quy hoạch giao thông đường bộ năm 2020-2030; chủ trương đầu tư một số dự án; chủ trương đầu tư dự án nhà ở trên địa bàn tỉnh; quy định giá dịch vụ khám chữa bệnh; hỗ trợ nông dân phát triển thủy lợi nhỏ...

Giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Đặng Minh Đức cho hay: “Năm 2020, trên địa bàn tỉnh có thêm 145 dự án cần thu hồi đất với diện tích cần thu hồi hơn 700 hécta. Những dự án được đưa vào danh mục thu hồi đất trong năm tới chủ yếu là dự án hạ tầng kỹ thuật, dự án các công trình công cộng phục vụ các khu dân cư, dự án các cơ quan nhà nước, dự án các khu dân cư, khu đô thị mới”.

Năm 2020, Đồng Nai cân đối và chi gần 13,87 ngàn tỷ đồng cho đầu tư công. Nguồn vốn trên sẽ từ Trung ương phân bổ, thu xổ số kiến thiết, khai thác quỹ đất và nguồn vốn ngân sách tập trung.

Giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư Hồ Văn Hà cho biết: “Trong năm tới, nguồn vốn đầu tư công sẽ ưu tiên cho những dự án trọng điểm chuyển tiếp từ năm 2019 qua như: dự án đường kết nối vào Cảng Phước An; dự án thu hồi đất, bồi thường, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; dự án mở rộng, tu bổ tôn tạo Di tích đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh; cầu Vàm Cái Sứt, hương lộ 2... Tỉnh sẽ tập trung khai thác quỹ đất, kêu gọi xã hội hóa đầu tư các dự án trên nhiều lĩnh vực”.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường lưu ý với các đại biểu, lĩnh vực đất đai, môi trường, xây dựng vẫn còn có trường hợp vi phạm ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước trên địa bàn; tiến độ thực hiện nhiều dự án còn chậm; thu ngân sách tuy có nhiều chuyển biến nhưng cơ cấu thu chưa đảm bảo; sản xuất nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, thiếu bền vững; tình hình dịch bệnh trong chăn nuôi làm ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất của người dân; nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa vi phạm phải xử lý. Mặc dù các giải pháp phòng, chống dịch bệnh được tăng cường nhưng dịch bệnh sốt xuất huyết, sởi vẫn tăng cao so với cùng kỳ năm 2018. Bên cạnh đó, vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn còn đáng lo ngại; một số dự án của chương trình giảm nghèo triển khai chậm, chưa đạt kế hoạch đề ra; an ninh trật tự còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố gây mất ổn định, đặc biệt nổi lên một số vụ việc gây bức xúc dư luận. Những vấn đề trên sẽ được các đại biểu thảo luận trong ngày 5 và 6-12, để tìm ra nguyên nhân và đưa ra giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Hương Giang


Ông Bùi Quang Huy, Phó chủ tịch thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh:

Kiên quyết thu hồi, xóa quy hoạch với các dự án chậm tiến độ, chủ đầu tư không có khả năng thực hiện

Cử tri và nhân dân tỉnh ghi nhận những nỗ lực của chính quyền trong việc tăng cường công tác quản lý đất đai, tài nguyên - môi trường. Cử tri rất phấn khởi khi trong năm 2019, UBND tỉnh đã chỉ đạo thu hồi 35 dự án treo, chậm triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, trong các cuộc tiếp xúc với đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp, cử tri và nhân dân vẫn tiếp tục phản ảnh và bức xúc trước tình trạng quy hoạch treo khiến người dân gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống.

MTTQ Việt Nam tỉnh kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng và các địa phương thực hiện rà soát các dự án và trình UBND tỉnh hướng xử lý. Đối với những dự án chậm tiến độ nhưng có tính khả thi, phù hợp quy hoạch thì công khai để người dân biết, đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Đối với những dự án chậm tiến độ, chủ đầu tư không có khả năng thực hiện thì kiên quyết thu hồi quyết định giao đất, xóa quy hoạch.

Ông Huỳnh Thành Vinh, Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn:

Cần có chính sách hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới nước tiết kiệm

Hiện nay, việc xây dựng các công trình thủy lợi nhỏ chưa được đầu tư đúng mức, hệ thống kênh mương thủy lợi nội đồng chưa hoàn chỉnh, ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác và sử dụng của công trình. Mặt khác, trong điều kiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tập trung ruộng đất, đòi hỏi kết cấu hạ tầng thủy lợi nội đồng phải được chuyển đổi, nâng cấp phù hợp đáp ứng yêu cầu của phát triển sản xuất.

Vậy nên để nâng cao hiệu quả phục vụ tưới, tiêu chủ động từ công trình thủy lợi, đồng thời phát huy hiệu quả công trình cần phải huy động sự tham gia của các tổ chức, cá nhân và cần phải có chính sách hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.

Ông Nguyễn Trí Phương, Phó giám đốc Sở Công thương:

Hỗ trợ chi phí sử dụng hạ tầng, chi phí thuê nhà xưởng tại các khu, cụm công nghiệp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ là cần thiết

Công nghiệp hỗ trợ đóng vai trò rất quan trọng trong việc tăng sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp cuối cùng (công nghiệp sản xuất lắp ráp) và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa theo hướng vừa mở rộng vừa phát triển theo chiều sâu. Công nghiệp hỗ trợ là lĩnh vực được Chính phủ chú trọng, ưu tiên phát triển. Mặc dù đã có rất nhiều chính sách ưu đãi được ban hành nhưng các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước rất khó tiếp cận.

Đặc biệt, qua thực tế làm việc với đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Chi hội Công nghiệp hỗ trợ và một số doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ khó tiếp cận được quỹ đất trong các khu, cụm công nghiệp vì doanh nghiệp có quy mô vừa chỉ có nhu cầu thuê khoảng từ 0,2-3 hécta, trong khi các khu công nghiệp cho thuê đất tương đối lớn.

Do đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tiếp cận mặt bằng sản xuất, việc hỗ trợ chi phí sử dụng hạ tầng (không bao gồm giá cho thuê lại đất, phí xử lý nước thải, điện, nước), chi phí thuê nhà xưởng (bao gồm cả phí sử dụng hạ tầng) tại các khu, cụm công nghiệp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ là cần thiết.

Ông Đinh Việt Tiến, Phó giám đốc phụ trách Sở Tài chính:

Xây dựng dự toán thu, chi ngân sách đảm bảo phát triển toàn diện và bền vững

UBND tỉnh xây dựng dự toán năm 2020 nhằm thực hiện tốt việc phát huy lợi thế, duy trì nhịp độ phát triển nhanh, toàn diện và bền vững, đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ đột phá, tăng trưởng kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường và bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Thực hiện hiệu quả công tác cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả, hiệu lực bộ máy nhà nước.

Đồng thời, cần thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng; tăng cường quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Phạm Tùng (ghi)


 

Tin xem nhiều