Báo Đồng Nai điện tử
En

Hướng đến nền hành chính hiện đại, phục vụ nhân dân

03:12, 14/12/2019

Những năm qua, công tác cải cách hành chính luôn được Đồng Nai xác định là khâu đột phá để xây dựng chính quyền điện tử, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Những năm qua, công tác cải cách hành chính luôn được Đồng Nai xác định là khâu đột phá để xây dựng chính quyền điện tử, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm hành chính công tỉnh. Ảnh: Hạnh Dung
Giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm hành chính công tỉnh. Ảnh: Hạnh Dung

[links()]Với sự quyết tâm, nỗ lực của các sở, ngành, địa phương, công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực; từng bước khắc phục những khó khăn, hạn chế, hướng đến xây dựng nền hành chính hiện đại, phục vụ nhân dân.

* Đơn giản hóa nhiều thủ tục hành chính

Ông Phạm Việt Phương, Chánh văn phòng UBND tỉnh cho biết, năm 2019, UBND tỉnh đã ban hành 18 quyết định công bố thủ tục hành chính ban hành mới, thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung, thủ tục hành chính bị bãi bỏ. Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có 1.986 thủ tục hành chính, trong đó có 1.542 thủ tục cấp tỉnh, 321 thủ tục cấp huyện và 123 thủ tục cấp xã.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, việc trao đổi văn bản điện tử tại các cơ quan hành chính, các đơn vị, địa phương thông qua Trục liên thông của tỉnh cũng được đẩy mạnh. Tỉnh cũng đã chỉ đạo tập trung xây dựng chức năng thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công trực tuyến; khuyến khích người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ qua hình thức trực tuyến như: giảm thời gian xử lý đối với hồ sơ nộp trực tuyến; miễn phí phát trả kết quả tại nhà đối với hồ sơ trực tuyến; tổ chức các buổi hướng dẫn, hỗ trợ đối tượng sinh viên, công nhân thực hiện thủ tục thiết thực qua dịch vụ công trực tuyến…

Trong năm 2019, tỉnh đã tập trung công bố thủ tục mới ban hành, thủ tục được sửa chữa, thủ tục bị bãi bỏ của các ngành: Văn hóa - thể thao và du lịch, Xây dựng, Y tế,
GD-ĐT, Công thương, Thông tin - truyền thông, Giao thông - vận tải, Kế hoạch - đầu tư, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, Công an tỉnh. Đồng thời, tổng hợp, lập danh mục thủ tục các ngành dọc liên quan đến điện, nước, phòng cháy chữa cháy, công an, thuế, kho bạc đang được thực hiện tại Trung tâm hành chính công tỉnh, bộ phận một cửa cấp huyện và đề xuất Văn phòng Chính phủ xem xét, công nhận trên cơ sở dữ liệu quốc gia.

Các thủ tục hành chính sau khi công bố được cập nhật trên Cổng dịch vụ công của tỉnh và công khai tới người dân, đảm bảo thông tin tra cứu chính xác, thống nhất. Những bộ thủ tục này cũng được đóng thành cuốn để chuyển đến Trung tâm hành chính công tỉnh, các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, xã để thực hiện.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng tiếp tục triển khai liên thông các thủ tục hành chính cần thiết cho người dân và doanh nghiệp, quy định trách nhiệm phối hợp, thời gian thực hiện, quy trình luân chuyển hồ sơ để cập nhật trên phần mềm một cửa thuộc các lĩnh vực đất đai - thuế, đất đai - xây dựng, đăng ký kinh doanh - thuế, lao động - tư pháp, đầu tư - lao động - tư pháp, tư pháp - bảo hiểm xã hội - công an.

Kết quả là nhiều sở, ngành đã chủ động tham mưu UBND tỉnh phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết đối với các thủ tục hành chính. Cụ thể, Sở Kế hoạch - đầu tư đã rút ngắn thời gian làm thủ tục thẩm định và trình phê duyệt thiết kế, dự toán dự án đầu tư không có cấu phần xây dựng (nhóm B) từ 40 ngày xuống còn 35 ngày làm việc; thủ tục thẩm định và trình phê duyệt thiết kế, dự toán dự án đầu tư không có cấu phần xây dựng (nhóm A) từ 60 ngày xuống còn 55 ngày làm việc. Ngành Văn hóa - thể thao và du lịch lược bỏ thành phần giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh bằng thông tin mã số doanh nghiệp; lược bỏ thành phần giấy chứng minh sự hợp chuẩn, hợp quy của sản phẩm trong thủ tục thông báo sản phẩm quảng cáo trên băng rôn và thông báo tổ chức đoàn người quảng cáo, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục từ 5 ngày còn 4 ngày; rút ngắn thời gian cấp phép kinh doanh lữ hành nội địa, thời gian giải quyết thủ tục hành chính về điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao, thời gian xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa…

* Đẩy mạnh cơ chế một cửa, một cửa liên thông

Hoạt động của Trung tâm hành chính công tỉnh và bộ phận một cửa từ cấp huyện đến cấp xã cũng đạt được nhiều kết quả tích cực, được người dân, doanh nghiệp đánh giá cao. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm hành chính công tỉnh đã đón tiếp hơn 123,4 ngàn lượt khách, tăng hơn 16,4 ngàn lượt khách so với cùng kỳ năm ngoái. Các sở, ngành có lượt tiếp nhận hồ sơ lớn gồm: Sở Giao thông - vận tải, Sở Kế hoạch - đầu tư, Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên - môi trường. Số lượng hồ sơ giải quyết đúng hạn đạt tỷ lệ 97,7%.

Trung tâm hành chính công tỉnh đã phối hợp với Tổng đài 1022 hoàn thiện ứng dụng tích hợp thông báo kết quả giải quyết hồ sơ qua tin nhắn SMS vào phần mềm một cửa; đồng bộ hệ thống tra cứu tình trạng hồ sơ trên Cổng tra cứu dịch vụ công của tỉnh ở địa chỉ: tracuudvc.dongnai.gov.vn, ứng dụng Zalo, hệ thống tra cứu định vị bưu gửi qua bưu điện; tích hợp hệ thống quan sát camera tại 170/170 bộ phận một cửa của cấp xã và 11 bộ phận một cửa cấp huyện, hệ thống camera Trung tâm hành chính công tỉnh.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thảo, Giám đốc Trung tâm hành chính công tỉnh cho hay, ngoài việc nhận hồ sơ trực tiếp, trung tâm còn nhận hơn 49,1 ngàn hồ sơ trực tuyến trên phần mềm của tỉnh và của Bộ. Trong đó, Sở Thông tin - truyền thông, Sở Công thương, Sở Ngoại vụ, Sở Kế hoạch - đầu tư có tỷ lệ hồ sơ trực tuyến cao nhất. Một số xã thuộc huyện Xuân Lộc, TP.Biên Hòa đạt tỷ lệ hồ sơ đăng ký khai sinh trực tuyến tăng 50% so với năm 2018.

Bên cạnh đó, Trung tâm hành chính công tỉnh cũng đã phối hợp với các sở, ban, ngành rà soát các thủ tục hành chính để triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Việc tiếp nhận, trả kết quả giải quyết hồ sơ qua dịch vụ bưu chính công ích theo mô hình bưu điện là cánh tay nối dài của bộ phận một cửa cũng được chú trọng. Kết quả có gần 20 ngàn hồ sơ được thực hiện bằng hình thức này.

Để thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp, Trung tâm hành chính công còn hỗ trợ thu phí thực hiện nghĩa vụ thuế qua Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương. Kết quả, trong 10 tháng của năm 2019, trung tâm đã thực hiện thu thuế của 720 hồ sơ với tổng số tiền 3,8 tỷ đồng.

Đối với bộ phận một cửa cấp huyện, trong năm 2019, TP.Biên Hòa và huyện Cẩm Mỹ đã tiến hành nâng cấp cơ sở vật chất của bộ phận này; đồng thời rà soát, bố trí các thủ tục hành chính của các phòng chuyên môn thuộc UBND cấp huyện liên quan đến giáo dục, y tế, văn hóa, nội vụ… để tiếp nhận tại bộ phận một cửa cấp huyện. Đặc biệt, việc tiếp nhận hồ sơ cấp đổi chứng minh thư nhân dân, hồ sơ cấp đổi giấy phép lái xe được tiến hành qua dịch vụ bưu chính công ích tại 11/11 bộ phận một cửa cấp huyện.

Ở bộ phận một cửa cấp xã, các thủ tục hành chính được thực hiện nghiêm bằng cách lãnh đạo UBND cấp xã bố trí công chức có năng lực chuyên môn để tiếp nhận hồ sơ của người dân, doanh nghiệp; nâng cao trách nhiệm, thái độ phục vụ với người dân.

Hướng đến xây dựng chính quyền điện tử, tỉnh Đồng Nai xác định ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng nền hành chính theo hướng hiện đại là khâu đột phá. Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh, UBND tỉnh đã phê duyệt khung kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Đồng Nai phiên bản 2.0 và đang thực hiện các thủ tục để thuê đơn vị tư vấn. 100% các cơ quan cấp tỉnh đã kết nối mạng nội bộ giữa các phòng ban trực thuộc và kết nối vào mạng truyền số liệu chuyên dùng. 100% UBND các xã, phường, thị trấn được kết nối internet và thuê riêng kênh Megawan và Metrowan để phục vụ ứng dụng công nghệ thông tin. Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh Đồng Nai giai đoạn I đã hoàn thành và đưa vào vận hành, hiện đang thực hiện giai đoạn 2. Dự kiến đến năm 2021, Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh Đồng Nai sẽ chính thức đi vào vận hành hoàn chỉnh.

* Đưa ra giải pháp thay vì viện dẫn khó khăn

Phó giám đốc Sở Nội vụ Tạ Quang Trường cho hay, trong năm 2019, các thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh đã tiếp nhận được 147 kiến nghị của đơn vị, địa phương liên quan đến những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện công tác cải cách hành chính. Trong đó, tập trung vào lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin như: nâng cấp phần mềm một cửa, hệ thống quản lý văn bản điện tử, liên thông cơ sở dữ liệu, cổng dịch vụ công trực tuyến.

“Vẫn còn tình trạng người dân phản ảnh về thái độ phục vụ của công chức, viên chức tại các sở, ban, ngành, một cửa cấp huyện, xã. Tỷ lệ hồ sơ đất đai trễ hạn tại một số địa phương như: Thống Nhất, Vĩnh Cửu, Nhơn Trạch còn cao. Hệ thống quản lý văn bản điện tử của các đơn vị trên địa bàn tỉnh. Cổng dịch vụ công của tỉnh còn chưa được chuẩn hóa theo yêu cầu kỹ thuật theo quy định của Bộ Thông tin - truyền thông, chưa có chức năng thanh toán trực tuyến. Do đó, việc tiếp nhận hồ sơ trực tuyến mức độ 4 chưa thể thực hiện. Tỉnh cũng đã bị trừ điểm tại Chỉ số cải cách hành chính năm 2018 đối với tiêu chí này”- ông Trường chia sẻ.

Lý giải nguyên nhân Cổng dịch vụ công chưa có chức năng thanh toán trực tuyến, ông Lê Hoàng Ngọc, Giám đốc Sở Thông tin - truyền thông cho biết, quy trình thanh toán trực tuyến của tỉnh có những điểm riêng về việc thu phí, lệ phí trực tuyến. Vấn đề này cũng chưa có văn bản quy định pháp lý cụ thể, rõ ràng.

Ngoài ra, quá trình thực hiện kết nối dữ liệu với Cổng dịch vụ công quốc gia gặp một số khó khăn do nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Vì thế, lãnh đạo Sở Thông tin - truyền thông đề xuất UBND tỉnh sớm xem xét và chấp thuận chủ trương cho Sở Thông tin - truyền thông thực hiện nâng cấp Trục liên thông tỉnh, Cổng dịch vụ công tỉnh và phần mềm một cửa điện tử tỉnh.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thảo, Giám đốc Trung tâm hành chính công tỉnh cho rằng, việc các sở, ngành, địa phương chưa phối hợp chặt chẽ trong việc tham mưu thực hiện công tác kiểm soát thủ tục hành chính như rà soát sửa đổi, bãi bỏ, ban hành mới bộ thủ tục hành chính đã gây chậm trễ, phiền hà cho hoạt động của người dân. Việc xây dựng quy trình chưa chính xác dẫn đến cấu hình trên phần mềm khi thao tác sai hoặc không cập nhật được dữ liệu. “Một số sở chưa kịp thời rà soát để đề xuất giải pháp, tham mưu sửa đổi bộ thủ tục hành chính hoặc đơn giản hóa thủ tục hành chính khiến doanh nghiệp, người dân còn phải đi lại nhiều lần. Một số sở, ngành và địa phương chưa chủ động trong việc có thư xin lỗi khi thời gian giải quyết hồ sơ đã trễ đối với người dân, doanh nghiệp” - bà Thảo nêu.

Cho rằng các sở, ngành, địa phương cần phải quyết liệt trong giải quyết các khó khăn, vướng mắc chứ không nên chỉ viện dẫn những khó khăn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh nhấn mạnh: “Nhiều đơn vị còn rất thụ động trong thực hiện cải cách hành chính, gặp rắc rối gì cũng đổ cho phần mềm. Chúng ta không nên quá cầu toàn mà trong quá trình thực hiện, vướng chỗ nào gỡ chỗ đó. Việc đẩy dữ liệu lên hệ thống liên thông văn bản các sở, ngành cần ưu tiên các thủ tục hành chính trước. Đồng thời cũng cần tính toán để nâng cấp phần mềm đáp ứng việc lưu trữ văn bản điện tử với dữ liệu lớn, tránh trường hợp hệ thống bị treo vì dữ liệu quá lớn”.

Hạnh Dung


Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng:

Sẽ làm việc với các sở, ngành, địa phương bị người dân phàn nàn nhiều

Đề nghị những sở, ngành, địa phương còn vướng mắc trong công tác cải cách hành chính, bị người dân phàn nàn vì thái độ phục vụ, thủ tục hồ sơ kéo dài, rườm rà, phức tạp cần nhanh chóng tìm giải pháp khắc phục trong thời gian sớm nhất có thể. Cuối năm 2019, lãnh đạo tỉnh và Sở Nội vụ sẽ nghe những sở, ngành, địa phương này báo cáo kết quả khắc phục. Đơn vị nào thực hiện chưa hết trách nhiệm, còn lặp lại lỗi sẽ bị xử lý nghiêm.

Về những vướng mắc hiện nay trong công tác cải cách hành chính, các Sở: Thông tin - truyền thông, Nội vụ và Văn phòng UBND tỉnh phụ trách những nội dung liên quan đến đơn vị mình, tính toán đưa ra các giải pháp từ hạ tầng công nghệ thông tin, nhân sự có trình độ, am hiểu về các phần mềm… để xử lý sao cho đạt hiệu quả tốt nhất.

Ông Hồ Văn Hà, Giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư:

Phấn đấu thực hiện đạt 80% hồ sơ trực tuyến mức độ 4 vào năm 2020

Mỗi năm, Sở cấp khoảng 3,5 ngàn giấy phép kinh doanh cho cá nhân, doanh nghiệp. Chúng tôi đặt ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ thực hiện cấp giấy phép kinh doanh trực tuyến mức độ 4 đạt 80%. Để đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, vào chiều thứ sáu  hằng tuần, Chánh thanh tra Sở sẽ tổng hợp những hồ sơ tồn đọng trong tuần để sáng thứ hai công bố xem hồ sơ nào chậm ở phòng, ban nào, do ai để xử lý dứt điểm.

Tuy nhiên, một nội dung khiến nhiều doanh nghiệp chưa hài lòng đó là thẩm định hồ sơ cấp chủ đầu tư. Theo quy định, hồ sơ này được giải quyết trong vòng 49 ngày làm việc, nhưng trên thực tế có rất ít hồ sơ được giải quyết trong vòng 49 ngày, hầu hết là quá thời gian. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến vấn đề này như nhiều hồ sơ của doanh nghiệp chưa đầy đủ, Sở đề nghị doanh nghiệp bổ sung hồ sơ nhưng doanh nghiệp chưa phối hợp tích cực. Hoặc vị trí mà doanh nghiệp đề nghị cấp chủ đầu tư không đáp ứng yêu cầu về đất đai, vướng quy hoạch… cũng khiến thời gian thẩm định chậm trễ.

Bà Nguyễn Thị Nụ (74 tuổi, ngụ phường Tam Hòa, TP.Biên Hòa):

Hài lòng với thái độ của bộ phận tiếp nhận hồ sơ

Gia đình tôi thường xuyên đến các cơ quan nhà nước để giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến điện, nước, 4 lần đi làm thủ tục liên quan đến cấp giấy khai sinh cho các cháu tại UBND phường. Qua làm việc tôi thấy có sự thay đổi lớn trong cách ứng xử giữa cán bộ, công chức, viên chức với người dân. Họ nói chuyện nhẹ nhàng hơn trước nhiều, chỗ nào người dân chưa hiểu đều được giải thích cặn kẽ, không có gắt gỏng như trước kia.

An Yên (ghi)

 


 

 

Tin xem nhiều