Báo Đồng Nai điện tử
En

Tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của nông dân

10:12, 26/12/2019

Chiều 26-12, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường có buổi gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với nông dân trên địa bàn tỉnh. Đông đảo nông dân từ các địa phương của tỉnh đến dự buổi đối thoại.

Chiều 26-12, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường đã có buổi gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với nông dân trên địa bàn tỉnh. Đông đảo nông dân từ các địa phương của tỉnh đã đến dự buổi đối thoại.

Đông đảo nông dân tham dự buổi đối thoại. Ảnh: Bình Nguyên
Đông đảo nông dân tham dự buổi đối thoại. Ảnh: Bình Nguyên

Theo Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường, đối thoại nhằm ghi nhận ý kiến đóng góp của nông dân, cùng với chính quyền tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của nông dân, đồng thời để người dân hiểu rõ hơn những chủ trương của Tỉnh ủy, UBND về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; những khó khăn trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành để nông dân đồng thuận, chia sẻ cùng chính quyền trong hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, nâng cao chất lượng đời sống nông dân.

Mong gỡ “quy hoạch treo”

Toàn tỉnh hiện có gần 126,5 ngàn hộ nông dân; trong đó có gần 140 ngàn hội viên nông dân. Tham gia buổi đối thoại, các hội viên nông dân đã phản ảnh về nhiều vấn đề thiết thân gắn với tình hình sản xuất nông nghiệp hiện nay như: phát triển du lịch sinh thái vườn; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; quy trình sản xuất hàng hóa theo chuẩn VietGAP; bất cập về thị trường nông sản; chính sách hỗ trợ nông nghiệp; về việc cho vay trong sản xuất…

Trong đó, “quy hoạch treo” là một trong những vấn đề “nóng” được nông dân kiến nghị đầu tiên trong buổi đối thoại. Ông Lê Văn Quyết, nông dân tại thị trấn Long Thành (huyện Long Thành) cho biết, hiện nhiều dự án quy hoạch trên đất nông nghiệp đã nhiều năm nhưng chưa được triển khai thực hiện, gây khó khăn cho nông dân vì không thể chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; không dám đầu tư dài hạn trên đất và cũng không thể chuyển nhượng, có nơi để hoang hóa, lãng phí. Mong tỉnh sớm giải quyết những dự án “treo” thuộc cấp tỉnh để tạo điều kiện cho nông dân an tâm sản xuất.

Chia sẻ với bức xúc của nông dân, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường cho rằng “quy hoạch treo” gây khó khăn, hạn chế quyền của nông dân. Trong đó, một số dự án kéo dài nhiều năm gây bức xúc. Đây cũng là chuyện rất quan trọng của đất nước, của tỉnh và tỉnh đã chỉ đạo rốt ráo để giải quyết vấn đề này nhằm bảo đảm sự hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước và người dân. Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Sở Kế hoạch - đầu tư thu hồi chủ trương đầu tư những dự án chậm triển khai; đôn đốc thực hiện nhanh nhiều dự án để đảm bảo quyền lợi của nông dân.

Phó giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư Trần Vũ Hoài Hạ cho biết, việc xử lý những dự án chậm triển khai đang được tỉnh rất quan tâm. Đến nay, toàn tỉnh có 258 dự án đã thông báo hết hạn thỏa thuận địa điểm; Sở cũng đã tư vấn thu hồi 32 dự án được cấp chứng nhận đầu tư nhưng chậm triển khai.

“Nóng” sản xuất và đầu ra cho nông sản

Trong 12 ý kiến của nông dân tại buổi đối thoại, có đến 7 ý kiến phản ảnh các vấn đề về sản xuất và đầu ra cho nông sản. Trong đó, có nhiều vấn đề đang là thời sự “nóng” được nhiều nông dân quan tâm.

Quang cảnh buổi gặp gỡ, đối thoại. Ảnh: Thiên Vương
Quang cảnh buổi gặp gỡ, đối thoại. Ảnh: Thiên Vương

Ông Phạm Thành Lập, nông dân xã Trung Hòa (huyện Trảng Bom) cho biết, nhiều hộ chăn nuôi bị thiệt hại do dịch tả heo châu Phi sẽ không quay lại đầu tư cho con heo khi chưa có vaccine phòng dịch. Nông dân hiện rất lúng túng chưa biết chuyển đổi sang nuôi con gì cho phù hợp, mong được hỗ trợ kịp thời. Mong muốn sự hỗ trợ cụ thể hơn, ông Lập chia sẻ thêm, hiện một số hộ dân tại địa phương đang chuyển sang nuôi lươn không bùn. Mong tỉnh hỗ trợ cho nông dân tiếp cận kỹ thuật khi chuyển đổi sang mô hình chăn nuôi mới cũng như về đầu ra cho sản phẩm. Một số nông dân muốn tái đàn heo mong được hỗ trợ vì hiện không biết tái đàn như thế nào cho đúng với yêu cầu kỹ thuật nhằm đảm bảo an toàn sinh học để không rơi vào cảnh tái dịch.

Ông Nguyễn Văn Hoa, nông dân tại xã Trị An (huyện Vĩnh Cửu) trình bày, từ đầu năm đến nay, nhiều loại nông sản gặp khó khăn trong tiêu thụ. Nông sản của nông dân sản xuất ra, quá trình tiêu thụ hiện phải qua rất nhiều khâu trung gian, bị thương lái ép giá. Đây cũng là nguyên nhân nhiều loại nông sản từng rơi vào cảnh chờ được “giải cứu”, mong tỉnh quan tâm tháo gỡ khó khăn này cho nông dân.

Nêu lên khó khăn chung của nông dân xã Phước Khánh (huyện Nhơn Trạch), ông Nguyễn Hữu Nam chia sẻ: “Hiện nông dân trồng mía ở vùng này gặp rất nhiều khó khăn vì không cho hiệu quả kinh tế. Mong tỉnh quan tâm hỗ trợ nông dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện địa phương”.

Một nông dân huyện Tân Phú đặt câu hỏi tại buổi đối thoại. Ảnh: Bình Nguyên
Một nông dân huyện Tân Phú đặt câu hỏi tại buổi đối thoại. Ảnh: Bình Nguyên

Sản xuất nông nghiệp đô thị, làm nông nghiệp sạch là vấn đề được nông dân ở các khu đô thị ở Đồng Nai quan tâm. Theo ông Diệp Huy Trường ở phường Thống Nhất (TP.Biên Hòa), hiện sản xuất nông nghiệp tại các khu đô thị đang gặp rất nhiều khó khăn do diện tích đất còn rất ít, chi phí vốn đầu tư cao. “Mong tỉnh quan tâm, có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho nông dân phát triển nông nghiệp đô thị theo hướng sản xuất sạch, công nghệ cao” - ông Trường nói.

Một số ý kiến khác nêu lên bất cập trong sản xuất hiện nay như: nông dân gặp khó khăn vì mua phải cây giống kém chất lượng; nông dân hiện vẫn sản xuất cá nhân, đơn lẻ, chưa có tính tập trung; mong các cấp hỗ trợ để có thêm nhiều tổ hợp tác, hợp tác xã kiểu mới liên kết nông dân sản xuất theo quy mô hàng hóa lớn; hỗ trợ cho nông dân trong tiếp cận nguồn vốn; phát triển mô hình du lịch sinh thái vườn…

“Gỡ khó” cho nông dân

Những khó khăn của nông dân nêu lên đều được đại diện các sở, ngành liên quan giải đáp và đưa ra phương án hỗ trợ. Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường đã có ý kiến giải đáp cho từng vấn đề nông dân nêu lên tại buổi đối thoại.

Cụ thể ngoài ý kiến trả lời của đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn về kiến nghị của nông dân về tình trạng giống cây trồng kém chất lượng, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, giống rất quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, đề nghị ngành nông nghiệp ngoài tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở bán cây giống cũng cần quan tâm các cơ sở bán hạt giống, các cơ sở bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

Về mong muốn chuyển đổi cây mía kém hiệu quả của nông dân xã Phước Khánh (huyện Nhơn Trạch), Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường cho rằng đến năm 2020, thuế nhập khẩu đường về 0%, ngành đường trong nước sẽ hết sức khó khăn, theo đó, cây mía cũng kém hiệu quả theo. Mong muốn chuyển đổi cây mía sang cây trồng khác của nông dân là vô cùng xác đáng. Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn phối hợp với Sở Khoa học - công nghệ quan tâm nghiên cứu về các mô hình, cây trồng chịu mặn, phù hợp với vùng nước lợ để hướng dẫn cho nông dân chuyển đổi cây trồng hiệu quả. Ngoài ra, các ngành liên quan cần quan tâm hỗ trợ nông dân xây dựng chuỗi liên kết để có đầu ra. “Đầu ra bền vững là vấn đề tôi rất trăn trở. Tôi lo sau này chúng ta sẽ phải “giải cứu” bưởi da xanh vì đâu đâu cũng làm” - Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường chia sẻ.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường thông tin ngành chăn nuôi của tỉnh bị thiệt hại rất lớn do dịch tả heo châu Phi. Hiện nguồn cung heo đang thiếu, tỉnh đã chỉ đạo ngành Công thương trong công tác dự trữ nhằm kiểm soát thị trường không để giá heo dịp Tết rơi vào cảnh tăng giá quá sốc. Hiện dịch này vẫn còn tồn tại nên trong việc tái đàn, người chăn nuôi phải đảm bảo công tác an toàn sinh học; một số địa phương, nông dân đã chuyển đổi sang nuôi bò vỗ béo và các vật nuôi khác đạt hiệu quả cao.

Theo Bí thư Tỉnh ủy, nông nghiệp đô thị đang được cả thế giới quan tâm. Trước đây giai đoạn TP.Biên Hòa cấm nuôi heo trong khu đô thị, lãnh đạo TP.Biên Hòa đã chỉ đạo Phòng Kinh tế Biên Hòa hướng dẫn cho bà con nông dân chuyển sang mô hình nuôi lươn không bùn, mô hình trồng phong lan… đều có thu nhập khá. Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu ngành nông nghiệp quan tâm nghiên cứu thêm nhiều mô hình nông nghiệp đô thị và hướng dẫn cho nông dân chuyển đổi.

Trước ý kiến của nông dân về nhiều vùng chuyên canh cây ăn trái, cây lúa của Đồng Nai chưa có nhà máy chế biến, tiêu thụ; hoạt động chế biến trong các khu, cụm công nghiệp còn hạn chế, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường cho biết, tỉnh đã gặp các đơn vị đầu tư lớn trong lĩnh vực chế biến nông sản như: Tập đoàn Vingroup, Thaco… Những doanh nghiệp trên đã đi khảo sát thực tế với dự kiến đầu tư những nhà máy chế biến nông sản lớn tại Đồng Nai.

Bình Nguyên

 

 

Tin xem nhiều