Báo Đồng Nai điện tử
En

Hoàng Văn Thụ - người cộng sản kiên trung

04:11, 04/11/2019

Hoàng Văn Thụ thuộc lớp những nhà cách mạng tiền bối của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó là một thế hệ vàng của Việt Nam bao gồm những con người trung kiên, bất khuất đã không quản ngại gian khổ, hy sinh đấu tranh vì nền độc lập của Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân.

Hoàng Văn Thụ thuộc lớp những nhà cách mạng tiền bối của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó là một thế hệ vàng của Việt Nam bao gồm những con người trung kiên, bất khuất đã không quản ngại gian khổ, hy sinh đấu tranh vì nền độc lập của Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân.

Đồng chí Hoàng Văn Thụ bị thực dân Pháp giải từ Nhà tù Hỏa Lò ra pháp trường ngày 24-5-1944. Nguồn: Di tích Nhà tù Hỏa Lò
Đồng chí Hoàng Văn Thụ bị thực dân Pháp giải từ Nhà tù Hỏa Lò ra pháp trường ngày 24-5-1944. Nguồn: Di tích Nhà tù Hỏa Lò

1. Hoàng Văn Thụ sinh ngày 4-11-1909 trong một gia đình có truyền thống yêu nước, lao động cần cù và hiếu học tại thôn Phạc Lạn, tổng Nhân Lý, châu Văn Uyên, nay là thôn Nhân Hòa, xã Hoàng Văn Thụ, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn. Ở tuổi niên thiếu, khi còn là học sinh, ông đã tham gia các phong trào yêu nước, trong đó có những phong trào nổi tiếng như: đòi thả nhà yêu nước Phan Bội Châu (năm 1925), để tang nhà yêu nước Phan Chu Trinh (năm 1926)...

Cuối năm 1928, Hoàng Văn Thụ được kết nạp vào tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Hoàng Văn Thụ được Chi bộ Đảng phân công phụ trách để phát triển phong trào cách mạng ở tỉnh Lạng Sơn. Kể từ năm 1934, ông giữ nhiều trọng trách về chỉ đạo các phong trào cách mạng ở nhiều tỉnh, thành phía Bắc. Ngày 8-9-1939, Hội nghị Xứ ủy Bắc Kỳ mở rộng do Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ triệu tập họp tại làng Vạn Phúc (Hà Đông) bàn chủ trương chỉ đạo phong trào cách mạng trong giai đoạn mới. Tại hội nghị này, Hoàng Văn Thụ được cử và sau đó cũng tại địa điểm này năm 1940, ông chính thức được tín nhiệm bầu làm Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ.

Tháng 11 -1940, tại Hội nghị Trung ương lần thứ 7 diễn ra tại làng Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh, Hoàng Văn Thụ được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa I) và tại Hội nghị Trung ương 8 (tháng 5-1941), ông trở thành Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương. Ngày 25-8-1943, Hoàng Văn Thụ bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội và ngày 24-5-1944, ông đã bị kẻ thù xử bắn.

Trong những ngày bị giam cầm, nhà cách mạng trẻ tuổi đã làm bài thơ nhắn nhủ đồng chí, đồng bào: “Việc nước xưa nay có bại thành/ Miễn sao giữ trọn được thanh danh/ Phục thù chí lớn không hề nản/ Ngọc nát còn hơn giữ ngói lành/ Thân dẫu lao tù lâm cảnh hiểm/ Chí còn theo dõi buổi tung hoành/ Bạn hỡi xa gần hăng chiến đấu/ Trước, sau xin giữ tấm lòng thành”.

2. Cùng với các nhà lãnh đạo tiền bối của Đảng, Hoàng Văn Thụ là một trong những người có công lao to lớn trong việc xây dựng tổ chức Đảng, xây dựng và củng cố các cơ sở cách mạng của Đảng cả trong và ngoài nước. Trong những buổi đầu khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, nhiều tài liệu tuyên truyền, những truyền đơn yêu nước đã đến được với nhân dân, Hoàng Văn Thụ là người đã soạn thảo, in ấn và phát hành.

Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Hoàng Văn Thụ là dịp để ôn lại cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng kiên cường, bất khuất của đồng chí Hoàng Văn Thụ - người con ưu tú của mảnh đất Xứ Lạng đã trọn đời chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì độc lập tự do của dân tộc. Đây cũng là dịp để tuyên truyền giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào và lòng biết ơn sâu sắc đối với Đảng, Bác Hồ và các thế hệ tiền bối.

Đối với phong trào cách mạng ở các tỉnh, thành phía Bắc, Hoàng Văn Thụ đã có công lao trong việc xây dựng tổ chức, đào tạo cán bộ như: tổ chức kết nạp đảng viên, thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Lạng Sơn, Bắc Sơn, Tràng Định, Vĩnh Yên...; mở các lớp huấn luyện cách mạng đào tạo cán bộ. Các lớp huấn luyện này đã góp phần đào tạo đội ngũ cán bộ cho việc gây dựng, củng cố phong trào cách mạng của tỉnh Lạng Sơn và tỉnh Cao Bằng. Hoàng Văn Thụ cũng là lớp cán bộ tiền bối của Đảng đã triển khai và thực hiện có hiệu quả phong trào “vô sản hóa” khi đích thân ông tham gia, trở thành người thợ trong khu mỏ Hà Lầm, Quảng Ninh.

Trên cương vị Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, ông đã có nhiều công lao trong việc chỉ đạo củng cố Thành ủy Hà Nội và nhiều phong trào cách mạng tại các tỉnh, thành khi bị kẻ thù đánh phá. Trong suốt chặng đường hoạt động cách mạng, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã có nhiều đóng góp tích cực vào việc xây dựng, phát triển Đảng bộ các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng và Thái Nguyên, củng cố được nhiều cơ sở Đảng ở Hà Nội và các tỉnh Hà Đông, Vĩnh Yên, Quảng Ninh và Hải Dương... Sự phát triển vững chắc của các cơ sở Đảng ở các tỉnh đã đóng vai trò nòng cốt cho việc mở rộng phát triển phong trào cách mạng trên một địa bàn rộng lớn.

Hoạt động của đồng chí Hoàng Văn Thụ trên nhiều địa bàn, nhiều công việc khác nhau đã thể hiện quan điểm cách mạng toàn diện của một cán bộ lãnh đạo có tầm nhìn xa, hiểu rộng.     

Cảm tử cho Tổ quốc...

Trước họng súng của quân thù ngày 24-5-1944, người cộng sản kiên trung Hoàng Văn Thụ đã nói những lời cuối cùng đanh thép trước kẻ thù: “Trong cuộc đấu tranh sinh tử giữa chúng tôi, những người mất nước và các ông, những kẻ cướp nước, sự hy sinh của những người như tôi là lẽ dĩ nhiên, chỉ biết rằng cuối cùng chúng tôi sẽ thắng”.

 Những tiếng hô “Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm! Việt Nam độc lập muôn năm!” trước khi từ giã cuộc đời của ông là niềm động viên, khích lệ lớn lao đối với những chiến sĩ cộng sản đương thời đang đấu tranh vì nền độc lập tự do của Tổ quốc. 15 năm sau, vào tháng 5-1959, bạn chiến đấu của ông, người cùng với ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa I - ông Trường Chinh đã bồi hồi xúc cảm viết: Hoàng Văn Thụ là “Người cộng sản anh hùng - Đã cảm tử cho Đảng quyết sinh”.

Vũ Trung Kiên

Tin xem nhiều