Báo Đồng Nai điện tử
En

Quốc hội thảo luận báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành

10:11, 12/11/2019

Sáng 12-11, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV thảo luận tại hội trường về Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành giai đoạn 1.

Sáng 12-11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành giai đoạn 1.

Các đại biểu Quốc hội xem sơ đồ quy hoạch xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành  trong giờ nghỉ giải lao
Các đại biểu Quốc hội xem sơ đồ quy hoạch xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành trong giờ nghỉ giải lao

[links()]Thảo luận tại hội trường, các đại biểu Quốc hội dành nhiều sự quan tâm đến các nội dung như: về quy mô đầu tư giai đoạn 1 của dự án, điều chỉnh nhu cầu sử dụng đất, giao thông kết nối, tổng mức đầu tư, hình thức đầu tư và phương án huy động vốn, hiệu quả kinh tế, hiệu quả tài chính và thời gian, tiến độ thực hiện dự án.

Kiến nghị Quốc hội ban hành nghị quyết

Bộ trưởng Bộ Giao thông - vận tải Nguyễn Văn Thể cam kết sẽ cố gắng tối đa để đảm bảo tiến độ, chất lượng dự án. Bộ sẽ làm việc với ACV xin cơ chế thuê chuyên gia, tổ chức quốc tế để tăng cường công tác hỗ trợ cho ACV, tăng cường kiểm tra giám sát, đảm bảo chất lượng công trình tốt nhất.

Qua thảo luận, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội nhất trí kiến nghị Quốc hội ban hành nghị quyết thông qua báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, chấp thuận phương án và hình thức đầu tư theo tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội. Bên cạnh đó, các đại biểu bày tỏ sự quan tâm về các nội dung Quốc hội sẽ lựa chọn để thông qua báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, thẩm quyền của Quốc hội trong việc thông qua báo cáo nghiên cứu khả thi dự án và căn cứ pháp lý về các nội dung Chính phủ trình Quốc hội.

Các đại biểu đề nghị phân định rõ những nội dung nào thuộc thẩm quyền của Quốc hội quyết định, nội dung nào thuộc thẩm quyền của Chính phủ; đề nghị Quốc hội chỉ cho ý kiến những vấn đề chính, có thay đổi so với Nghị quyết 94/2015/QH13, còn những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mà pháp luật đã quy định thì Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ thực hiện.

Đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) đề nghị làm rõ tính chất và mục tiêu ban hành nghị quyết của Quốc hội. Đại biểu nêu rõ, luật không có quy định Quốc hội phải thông qua hay phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án nhưng trên cơ sở Nghị quyết 94/2015/QH13 thì Chính phủ trình báo cáo nghiên cứu khả thi dự án có 10 nội dung quan trọng như: lựa chọn công nghệ kỹ thuật dự án, giải pháp thiết kế các hạng mục công trình, đánh giá tác động môi trường, đảm bảo an ninh - quốc phòng, hình thức đầu tư, phương án đầu tư... Đại biểu đặt vấn đề, nếu như báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đặt ra nhiều vấn đề quan trọng như vậy mà dự thảo nghị quyết của Quốc hội chỉ quyết định về tổng mức đầu tư và điều chỉnh diện tích đất thì liệu có bảo đảm tính khả thi?

* Tăng cường giám sát của Quốc hội trong quá trình thực hiện dự án

Theo báo cáo của Bộ Giao thông - vận tải, tổng mức đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành khoảng 4,779 tỷ USD (khoảng 111.689 tỷ đồng). Nguồn vốn thực hiện là từ doanh nghiệp hàng không và các loại vốn khác.

Chính phủ đề xuất giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đầu tư các hạng mục chính giai đoạn 1 dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Ước tính để làm dự án này ACV sẽ phải huy động gần 2,63 tỷ USD bên cạnh hơn 1 tỷ USD đã có.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án Cảng HKQT Long Thành, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) cho rằng, dự án này không được phép lùi và không thể lùi việc thực hiện dự án. Dự án được đưa vào mục tiêu tăng trưởng trong giai đoạn tới. Ngoài ý nghĩa về kinh tế, dự án còn nhiều ý nghĩa khác và là dấu ấn của cả một giai đoạn. Đại biểu thống nhất với việc ban hành nghị quyết của Quốc hội nhưng nội dung của nghị quyết cần phải bàn thêm, như về tổng mức đầu tư có bảo đảm số liệu chính xác. Đại biểu cho rằng, với trách nhiệm của mình, Quốc hội cần giám sát hằng năm, Chính phủ phải có báo cáo về tình hình thực hiện để Quốc hội thảo luận, qua đó kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh.

Cùng quan điểm, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.Hồ Chí Minh) cho rằng, nếu dự án làm không tốt sẽ đè nặng lên sự phát triển của đất nước. Do đó, khi thực hiện phải đảm bảo tiêu chí tăng hiệu quả kinh tế, tăng ổn định xã hội, tăng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, tăng trình độ công nghệ. Đại biểu lưu ý đến trách nhiệm cao và thận trọng khi triển khai dự án.

Đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) cho rằng, các nội dung về lựa chọn nhà đầu tư, phương thức đầu tư thuộc thẩm quyền của Chính phủ, tuy nhiên nghị quyết của Quốc hội cần đưa ra các tiêu chí định hướng thực hiện như: về quốc phòng - an ninh, việc bảo đảm tính đồng bộ trong khai thác lâu dài, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, sự chỉ đạo điều phối chủ trương chính sách của Nhà nước trong đầu tư phát triển mạng lưới hàng không, tiêu chí về năng lực nhà đầu tư về vốn, quản lý khai thác, đầu tư nâng cấp mở rộng, giải quyết khủng hoảng, xử lý sự cố.

Bày tỏ thống nhất với nhiều nội dung trình của Chính phủ như về tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án, phương án điều chỉnh diện tích đất quốc phòng, việc bổ sung hai tuyến đường giao thông kết nối vừa phát huy hiệu quả dự án cũng như phục vụ cho công tác thi công, về chọn nhà đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đại biểu Trần Hoàng Ngân
(TP.Hồ Chí Minh) kiến nghị Quốc hội và Chính phủ hỗ trợ tỉnh Đồng Nai trong quá trình đền bù, giải phóng mặt bằng để có quỹ đất sạch thi công vào cuối năm 2020. Chính phủ cần tập trung nguồn lực để đảm bảo thực hiện dự án, tránh tiêu cực và Quốc hội cần tăng cường giám sát trong quá trình thực hiện.

* Hiệu quả kinh tế của dự án Cảng HKQT Long Thành rất cao

Bộ trưởng Bộ Giao thông - vận tải Nguyễn Văn Thể cũng giải trình đối với ý kiến của các đại biểu về dự án này.

Bộ trưởng cho biết, Cảng HKQT Long Thành sẽ được áp dụng những công nghệ hiện đại nhất hiện nay. “Trong quá trình thực hiện nếu có công nghệ mới tốt hơn, chúng tôi sẽ báo cáo Chính phủ, cập nhật, đảm bảo khi sân bay vận hành, thiết bị đấy phải hiện đại nhất trong thời điểm đó” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Báo cáo nghiên cứu khả thi về dự án Cảng HKQT Long Thành giai đoạn 1, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định: Không có một sân bay nào hiệu quả tốt như Cảng HKQT Long Thành, nhất là trong giai đoạn 1, giai đoạn 2. “Hiệu quả kinh tế của dự án Cảng HKQT Long Thành rất cao. Các tổ chức nước ngoài hoàn toàn yên tâm khi hỗ trợ Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV)” - Bộ trưởng nhấn mạnh, đồng thời khẳng định sẽ tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về việc huy động nguồn lực trong nước trước - chỉ khi nào nguồn lực trong nước không đảm bảo mới tiếp cận thêm các tổ chức nước ngoài.

Bộ trưởng cho biết, khi sân bay vừa hoàn thành có thể đạt ngay 20-25 triệu khách/năm. Những sân bay khác như Cần Thơ, xây xong 10 năm mới có 1 triệu khách/năm. Lượng khách qua Sân bay Vân Đồn trong năm đầu cũng rất thấp. Riêng Cảng HKQT Long Thành vừa xây xong sẽ đảm bảo lượng khách tới 25 triệu khách/năm. Đến năm 2030, con số này sẽ là 85 triệu khách/năm. Tổng công suất của Cảng HKQT Tân Sơn Nhất và Long Thành giai đoạn 2 có thể lên tới 100 triệu khách/năm. Chính vì thế, phía tư vấn đánh giá hiệu quả kinh tế của dự án rất cao.

* Tổng hợp, tiếp thu đầy đủ ý kiến đại biểu Quốc hội

Kết luận nội dung thảo luận, ghi nhận các ý kiến của đại biểu Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, qua thảo luận cho thấy nhiều ý kiến đồng tình với chủ trương triển khai giai đoạn 1 của dự án, về quy mô và một số điều chỉnh so với Nghị quyết 94/2014/QH13. Cũng có ý kiến cho rằng, việc xây dựng báo cáo nghiên cứu khả thi dự án chưa hoàn thiện, chưa được Hội đồng thẩm định nhà nước đánh giá một cách toàn diện nên việc xem xét toàn bộ các nội dung của báo cáo nghiên cứu khả thi dự án gặp khó khăn, do vậy Quốc hội chỉ xem xét một số nội dung chủ yếu, đủ căn cứ. Bên cạnh đó, có đại biểu đề nghị xem xét toàn bộ 10 nội dung của báo cáo nghiên cứu khả thi dự án và để làm được như vậy phải lùi việc xem xét, quyết định đến Kỳ họp thứ 9.

Nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đến vấn đề tổng mức đầu tư. Về lựa chọn nhà đầu tư, phương án huy động vốn còn nhiều ý kiến khác nhau. Nhiều ý kiến đồng tình với việc điều chỉnh diện tích đất quốc phòng, bổ sung hai tuyến đường kết nối, song cũng đề nghị xem xét thêm về hệ thống giao thông kết nối đồng bộ, không nên bổ sung lắt nhắt, cũng như quan tâm đến kết nối vùng, kết nối quốc tế để bảo đảm hiệu quả của dự án. Nhiều đại biểu băn khoăn tiến độ thực hiện dự án và đặt câu hỏi liệu đến năm 2025 có thể hoàn thành được dự án hay không? Bên cạnh đó, các đại biểu cũng quan tâm đến yếu tố kỹ thuật, kỷ luật tài chính, chống tiêu cực lãng phí.

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan hữu quan tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến đại biểu Quốc hội.

Lâm Viên (tổng hợp)

Tin xem nhiều