Báo Đồng Nai điện tử
En

Ý Đảng, lòng dân trong xây dựng nông thôn mới

04:09, 26/09/2019

Thực hiện phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", qua 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), Đồng Nai là địa phương đầu tiên trong cả nước "về đích" với 100% đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM và 31 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Kết quả này đã phản ánh rõ nét quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, trong đó vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng và chủ thể của nhân dân được chú trọng, phát huy.

Thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, qua 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), Đồng Nai là địa phương đầu tiên trong cả nước “về đích” với 100% đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM và 31 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Kết quả này đã phản ánh rõ nét quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, trong đó vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng và chủ thể của nhân dân được chú trọng, phát huy.

 Mô hình trồng rau thủy canh tại phường Xuân Tân, TP.Long Khánh. Ảnh: B.Hân
Mô hình trồng rau thủy canh tại phường Xuân Tân, TP.Long Khánh. Ảnh: B.Hân

* Phát huy vai trò cấp ủy, người đứng đầu

Ngay từ những ngày đầu bắt tay xây dựng NTM, sự thống nhất, đồng thuận cao về tư tưởng, nhận thức và hành động của các cấp ủy, chính quyền, các tầng lớp nhân dân với sự tích cực và chủ động trong tham gia thực hiện đã được Đồng Nai xác định. Đây cũng là yếu tố tiên quyết để các tiêu chí trong xây dựng NTM được các địa phương thực hiện với quyết tâm và hiệu quả cao.

Mặc dù là tỉnh công nghiệp song Đồng Nai luôn chú trọng lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, coi đây là yếu tố quan trọng trong phát triển bền vững. Trong đó xác định rõ xây dựng NTM là chủ trương có tầm chiến lược quan trọng của Đảng, Nhà nước và của tỉnh, nhằm cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, các kế hoạch của Ban TVTU và Ban Chỉ đạo nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng NTM tỉnh, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã lãnh đạo, tổ chức triển khai thực hiện các tiêu chí NTM bám sát với đặc thù, điều kiện thực tiễn của địa phương và nguyện vọng của nhân dân.

Sau 10 năm xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn trên địa bàn Đồng Nai đã có sự chuyển biến rõ nét: sản xuất phát triển ổn định, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh từ 6,22% vào năm 2011 xuống còn 0,09% năm 2019; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2018 đạt 51,59 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 2,8 lần so với năm 2011…

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Huỳnh Thành Vinh, vai trò của cấp ủy trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng NTM  rất quan trọng. Thực tế cho thấy, nơi nào cả hệ thống chính trị vào cuộc với quyết tâm chính trị cao, quyết liệt, quyết đoán trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện một cách thống nhất, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm và phù hợp với điều kiện thực tiễn thì nơi đó đạt kết quả cao. Ngay sau khi Trung ương ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Đồng Nai đã kịp thời cụ thể hóa bằng kế hoạch, chương trình và Bộ tiêu chí NTM với số lượng và chất lượng cao hơn. Cùng với đó là ban hành Bộ tiêu chí NTM nâng cao để các địa phương tiếp tục đà phát triển, không bị cầm chừng, thậm chí tụt hậu sau khi “cán đích” NTM.

Phát huy vai trò hạt nhân của cấp ủy trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, nhất là vai trò của người đứng đầu, một số địa phương đi đầu trong xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh đã rất chú trọng công tác cán bộ. Theo đó, các Thành ủy, Huyện ủy đã nắm bắt, bố trí những cán bộ lãnh đạo đủ phẩm chất, năng lực, quyết đoán. Ngược lại, kịp thời điều chuyển những người đứng đầu thiếu năng lực, thiếu quyết liệt trong thực hiện mục tiêu xây dựng NTM nhằm xóa tư tưởng trì trệ của đội ngũ cán bộ cơ sở. Điển hình như huyện Xuân Lộc đã luân chuyển 8 chủ tịch, bí thư của 8/12 xã, TP.Long Khánh luân chuyển cán bộ lãnh đạo của 4/9 xã xây dựng NTM…

* Hiệu quả từ sự đồng thuận

Là huyện miền núi có xuất phát điểm thấp, Định Quán xác định “đột phá” từ giao thông chính là “chìa khóa” để nâng cao đời sống người nông dân và xây dựng NTM trên địa bàn. Theo Chủ tịch UBND huyện Định Quán Trần Quang Tú, bắt đầu xây dựng NTM, huyện đã chú trọng đầu tư xây dựng, củng cố hệ thống đường giao thông nông thôn, nhất là đường vào các vùng sản xuất, vùng chuyên canh, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông đi lại và vận chuyển vật tư, nông sản. Từ năm 2011 đến nay, hệ thống đường giao thông trên địa bàn toàn huyện đã được đầu tư xây mới và nâng cấp 717 tuyến, với tổng chiều dài 681km, kinh phí thực hiện trên 1,1 ngàn tỷ đồng.

Trong xây dựng NTM, người dân giữ vai trò chủ thể vừa làm, vừa thụ hưởng do đó việc phát huy sự chủ động, tích cực tham gia của người dân được chú trọng. Trong đó, công tác tuyên truyền trở thành cuộc vận động xã hội sâu sắc và toàn diện, bám sát phương châm dân bàn, dân làm, dân hưởng thụ. Theo UBND huyện Định Quán, qua hơn 7 năm thực hiện xây dựng NTM, chương trình đã huy động được gần 21 ngàn tỷ đồng. Trong số này, nguồn vốn do nhân dân đóng góp là hơn 8,4 ngàn tỷ đồng, chiếm hơn 40% tổng nguồn vốn xây dựng NTM.

Ngoài hiến đất làm đường, nhiều người dân địa phương đã đóng góp tiền bạc, công sức xây dựng các công trình giao thông nông thôn.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, một nông dân ở xã Gia Canh đã tích cực vận động xây dựng 7 cây cầu giao thông, góp phần “xóa” các cây cầu tạm tại các xã: Gia Canh, Ngọc Định, La Ngà và Thanh Sơn của huyện Định Quán với tổng trị giá trên 600 triệu đồng. Những chiếc cầu dân sinh kiên cố ra đời từ sức dân không chỉ tạo thuận lợi trong đi lại của người dân mà còn giúp phát triển giao thương hàng hóa, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn các xã vùng xa. “Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước và mong mỏi của bà con nên tôi ra sức vận động, giám sát quá trình xây dựng cầu. Việc này được bà con hưởng ứng và hỗ trợ rất nhiệt tình nên tôi có thêm động lực để tiếp tục vận động xây dựng những cây cầu mới, góp phần để bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc”- ông Sơn nói.

Tại huyện Tân Phú, phát triển nông nghiệp được coi là giải pháp đột phá trong xây dựng NTM. Huyện đã triển khai nhiều chính sách nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất lớn, quy mô hàng hóa, hình thành các vùng chuyên canh tập trung các loại nông sản thế mạnh. Đến nay, trên địa bàn huyện đã có vùng chuyên canh các loại cây trồng chủ lực có diện tích lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao như: cây có múi, rau màu, sầu riêng... Nhờ đó, thu nhập, đời sống của người dân, nhất là người nông dân được nâng lên đáng kể. Nếu như năm 2011, huyện Tân Phú có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh, với hơn 8,5 ngàn hộ (chiếm gần 23% tổng số hộ) thì đến tháng 6-2018, tỷ lệ này giảm xuống chỉ còn 1,44% theo chuẩn nghèo của tỉnh. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn đã tăng gấp 3 lần, từ mức 14,5 triệu đồng/người/năm 2011 lên 50,8 triệu đồng/người vào năm 2018.

Thực tiễn cho thấy, từ chỗ thụ động, trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, đến nay, đa số nông dân trên địa bàn tỉnh đã nhận thức được vai trò chủ thể của mình trong xây dựng NTM. Thể hiện qua việc chủ động thay đổi cách thức sản xuất nông nghiệp, xuất hiện ngày càng nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp hiệu quả, những nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi góp phần to lớn thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Từ 1,5 hécta vườn tạp trồng mía và chôm chôm cho năng suất thấp, ông Ðoàn Trung Ngọc (xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom) đã mạnh dạn phá bỏ và mở rộng diện tích để chuyển qua trồng thanh long ruột đỏ ứng dụng kỹ thuật cao. Ngoài ra, ông còn kết hợp thả cá và nuôi heo rừng. Mô hình kinh tế này đã mang lại cho ông Ngọc nguồn thu nhập bình quân hằng năm trên 2 tỷ đồng…

Hay như nông dân trẻ Tống Văn Tài, sau khi du học về đã quyết định mở trang trại trồng rau thủy canh ứng dụng công nghệ cao tại phường Xuân Tân, TP.Long Khánh cho thu nhập hơn 60 triệu đồng/tháng, góp phần mở ra hướng sản xuất nông nghiệp tiên tiến tại địa phương…

Chuẩn bị tổng kết 10 năm chương trình xây dựng nông thôn mới

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa có ý kiến chỉ đạo về việc chuẩn bị tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây NTM giai đoạn 2010-2020. Đây là hội nghị có ý nghĩa chính trị quan trọng, được tổ chức với quy mô lớn do Thủ tướng Chính phủ chủ trì. Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan liên quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy nhanh tiến độ triển khai, hoàn thành việc tổ chức các hội nghị vùng và các nhiệm vụ được phân công trong kế hoạch tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020 để đảm bảo tổ chức hội nghị trước ngày 20-10-2019 tại tỉnh Nam Định.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan truyền thông, báo chí ở địa phương tích cực đưa tin, tuyên truyền về hội nghị toàn quốc và thành tựu xây dựng NTM trong quá trình tổ chức hội nghị.

Tại vùng Đông Nam bộ, 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Dương có 100% xã đạt chuẩn NTM. Đặc biệt, Đồng Nai đứng đầu cả nước trong xây dựng NTM nâng cao với 31 xã được công nhận đạt chuẩn.

Bảo Hân

Tin xem nhiều