Báo Đồng Nai điện tử
En

Nam bộ - Thành đồng Tổ quốc

09:09, 22/09/2019

 "Mùa Thu rồi ngày hăm ba/ Ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến…" - là lời bài hát Nam bộ kháng chiến của nhạc sĩ Tạ Thanh Sơn tái hiện những ngày cả Nam bộ hừng hực khí thế chống quân xâm lược. Ngày 23 -9 hằng năm đã trở thành cột mốc lịch sử trên con đường đấu tranh giành độc lập của dân tộc.

 “Mùa Thu rồi ngày hăm ba/ Ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến…” - là lời bài hát Nam bộ kháng chiến của nhạc sĩ Tạ Thanh Sơn tái hiện những ngày cả Nam bộ hừng hực khí thế chống quân xâm lược. Ngày 23 -9 hằng năm đã trở thành cột mốc lịch sử trên con đường đấu tranh giành độc lập của dân tộc.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng bào Nam bộ anh dũng đứng lên kháng chiến
Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng bào Nam bộ anh dũng đứng lên kháng chiến

Chỉ 21 ngày sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập vào ngày 2-9-1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhân dân Nam bộ lại tiếp tục cầm súng đứng lên chiến đấu. Rạng sáng 23-9-1945, với dã tâm muốn đô hộ nước ta một lần nữa, thực dân Pháp đã nổ súng tấn công Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai. Chúng hy vọng nhanh chóng bình định Nam bộ để làm bàn đạp đánh chiếm miền Trung và Bắc Việt Nam.

Giữa lúc tiếng súng của quân thù và tiếng súng đáp trả của các lực lượng võ trang nhân dân còn chát chúa trong nội thành, từ sáng sớm 23-9, Xứ ủy Nam bộ, UBND và Ủy ban Kháng chiến Nam bộ đã nhóm họp. Hội nghị thông qua Lời kêu gọi của Ủy ban Kháng chiến Nam bộ, trong đó xác định: “Từ giờ phút này, nhiệm vụ hàng đầu của chúng ta là tiêu diệt giặc Pháp và tay sai của chúng” và ra tuyên bố: “Cuộc kháng chiến bắt đầu!”.

Ngay chiều 23-9, cả Sài Gòn đình công, không hợp tác với Pháp. Các công sở, xí nghiệp, hãng buôn đều đóng cửa, chợ không họp, xe ngừng chạy, công nhân Sài Gòn - Chợ Lớn đã cắt toàn bộ điện, nước. Trên khắp các đường phố đều dựng các chiến lũy. Tất cả mọi đồ vật đều được huy động khuân ra đường dựng lên các chướng ngại vật để cản bước tiến của quân địch. Mọi sinh hoạt trong thành phố bị ngưng trệ. Các đội xung phong công đoàn cùng các đội tự vệ, thanh niên xung kích nhanh chóng triển khai chiến đấu. Nhiều máy móc, dụng cụ được công nhân và nhân dân thành phố chuyển ra ngoài, thành lập 2 binh công xưởng để sản xuất vũ khí đánh địch. Các ụ chiến đấu mọc lên khắp nơi…

Sáng hôm sau, ngày 24-9, Đài Tiếng nói Việt Nam dõng dạc truyền đi lời kêu gọi của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, động viên đồng bào Nam bộ anh dũng chiến đấu bảo vệ độc lập, tự do.

Ngày 26-9, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào Nam bộ khẳng định quyết tâm kháng chiến của Đảng, Chính phủ và nhân dân ta, chỉ rõ mục tiêu chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc.

Đáp lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, xứng đáng với lòng tin cậy và sự cổ vũ của nhân dân cả nước, nhân dân Nam bộ  dũng cảm đánh trả kẻ địch có trang bị hiện đại. Hơn 4 tháng anh dũng đánh địch (từ ngày 23-9-1945 đến  9-2-1946), quân dân Nam bộ đã tiêu diệt và làm bị thương hàng ngàn tên địch, thu nhiều súng đạn, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh, làm thất bại kế hoạch đánh nhanh, thắng nhanh, làm tiêu hao một bộ phận sinh lực địch, hoàn thành tốt nhiệm vụ kìm giữ quân địch trong thành phố và các thị xã trong một thời gian dài, góp phần to lớn vào công cuộc đấu tranh giữ vững chính quyền nhân dân, chủ quyền dân tộc. Đồng thời, tỏ rõ tinh thần yêu nước quật cường và tinh thần chiến đấu anh dũng để bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta.

Ghi nhận và biểu dương tinh thần chiến đấu kiên cường của quân dân Nam bộ, tháng 2-1946, thay mặt Chính phủ và đồng bào cả nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Nam bộ danh hiệu vẻ vang: Thành đồng
Tổ quốc.

Vũ Trung Kiên

 

Tin xem nhiều