Báo Đồng Nai điện tử
En

Một quy định được mong chờ

10:09, 27/09/2019

Ngày 23-9, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 205-QĐ/TW về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền...

Ngày 23-9, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 205-QĐ/TW về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Đây là quy định mà cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân mong chờ từ lâu.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội thảo khoa học học tập và làm theo Bác, rèn luyện phong cách, tác phong công tác của cán bộ, đảng viên trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện nay
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội thảo khoa học học tập và làm theo Bác, rèn luyện phong cách, tác phong công tác của cán bộ, đảng viên trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện nay. Ảnh: Anh Hà

Chạy chức, chạy quyền, chạy huân huy chương, chạy khen thưởng, chạy tuổi, chạy trường, chạy kỷ luật… là vấn đề được dư luận xã hội quan tâm và gây nhức nhối đối với những cán bộ, đảng viên, những công dân chân chính và có trách nhiệm với đất nước. Muôn vàn các kiểu “chạy” khác nhau mà báo chí, công luận và cả các vị lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước đã từng lên tiếng cảnh báo. Trong các loại “chạy” này, có một loại gây tác hại ghê gớm đối với xã hội, gây xói mòn niềm tin của nhân dân vào Đảng, vào chế độ, đó chính là chạy chức, chạy quyền.

Những kẻ bất tài thông qua chạy chọt lên làm lãnh đạo, giữ những cương vị cao sẽ là tai họa cho đất nước. Những câu chuyện buồn về công tác cán bộ những năm qua đã phần nào phản ánh tình trạng buồn này. Có lẽ vì vậy mà ngay khi vừa được ban hành, quy định đã ngay lập tức nhận được rất nhiều ý kiến đồng tình, ủng hộ của nhân dân, của dư luận.

Lâu nay, dư luận vẫn râm ran rằng thứ nhất tiền tệ, thứ nhì hậu duệ, thứ ba quan hệ, thứ tư trí tuệ. Dị bản có thể khác nhau nhưng rõ ràng những phát hiện gần đây của các cơ quan có trách nhiệm đã thẳng thắn nhìn nhận và chỉ ra đã và đang diễn ra tình trạng phe nhóm tìm cách đẩy nhau lên giữ những vị trí “béo bở” trong các cơ quan công quyền. Vậy thì, vấn đề đầu tiên chắc chắn phải tìm và lựa chọn được những người tài đức ra gánh vác việc nước. Muốn vậy, các quy trình về công tác cán bộ, nhất là quy hoạch, bổ nhiệm cần phải được mở rộng theo hướng dân chủ, công khai.

Thông thường, ai đó muốn chạy vào một chức vụ nào đó họ sẽ tìm cách “chạy” ngay từ khâu quy hoạch, nhất là quy hoạch cấp ủy. Vì vậy, cần mở rộng đối tượng quy hoạch. Một vấn đề không kém phần quan trọng là cần tổ chức thi tuyển công khai, minh bạch các chức danh lãnh đạo để có thể lựa chọn được người xứng đáng. Cần phải tuyên truyền và quán triệt rộng rãi trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân để mọi người cùng giám sát việc thực hiện chủ trương rất đúng đắn này. Cần công khai, minh bạch các cán bộ được dự kiến bổ nhiệm để nhân dân giám sát và góp ý. Các ý kiến phản ảnh của nhân dân phải được đảm bảo bí mật.

Công khai, minh bạch tất cả tài sản của cán bộ dự kiến được bổ nhiệm, có cơ chế để kiểm soát, giám sát tài sản của cán bộ, công chức. Cần ban hành những cơ chế, chính sách và có chế độ phụ cấp để những người đảm nhiệm các vị trí liên quan đến bổ nhiệm cán bộ sống được bằng lương và phụ cấp. Tiến tới xóa bỏ đặc quyền đặc lợi của cán bộ, đảng viên, nhất là khi đã thôi không còn giữ chức vụ.

Tất nhiên, khó có một quy định nào là hoàn hảo cũng như sẽ không thể kỳ vọng một quy định có thể bao quát và làm tốt mọi vấn đề. Thế nhưng, để cho ra đời quy định này, các cơ quan có trách nhiệm cao nhất của đất nước đã nghiên cứu, lắng nghe, tổ chức rất nhiều hội thảo, khảo sát khác nhau. Cơ chế kiểm soát quyền lực đã được quy định cơ bản rõ ràng bao gồm: nhận diện 6 hành vi chạy chức, chạy quyền; 8 hành vi bao che, tiếp tay cho chạy chức cũng như quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong chống chạy chức, chạy quyền sẽ góp phần khắc phục và hạn chế những bất cập trong công tác cán bộ thời gian tới.

Vũ Trung Kiên


PGS-TS.Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Cả, Hiệu trưởng Trường đại học Nguyễn Huệ: Tương lai đất nước phụ thuộc vào cán bộ

Không phải đến bây giờ chúng ta mới nói về công tác cán bộ mà ngay khi nước nhà vừa giành độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc đã dạy: “Cán bộ là gốc của mọi công việc; muôn việc thành công hay thất bại đều là do cán bộ tốt hay xấu”. Do vậy, công tác cán bộ là một trong những công tác quan trọng hàng đầu, có vai trò quyết định trong toàn bộ công tác xây dựng Đảng và xây dựng lực lượng cách mạng.

Tuy nhiên trong thời gian qua, đã có một bộ phận cán bộ trong đó có cả những cán bộ cao cấp của Đảng đã bị xử lý kỷ luật nên ít nhiều làm giảm uy tín của Đảng, làm mất lòng tin của nhân dân. Với Quy định 205-QĐ/TW mà Tổng bí thư ký ban hành ngày 23-9 vừa qua cho thấy, quyết tâm cao của Đảng và cả hệ thống chính trị trong việc lựa chọn, quy hoạch cán bộ cũng như nghiêm khắc, kiên quyết trong xử lý cán bộ vi phạm, kiên quyết đưa ra khỏi Đảng những cán bộ lợi dụng chạy chức, chạy quyền, tư lợi cá nhân…

Công tác trong quân đội, chúng tôi bày tỏ niềm tin tưởng tuyệt đối vào quyết tâm cao của Đảng trong thực hiện nhiệm vụ này, nhất là vào thời điểm chuẩn bị cho đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Do vậy, tương lai của Đảng, của đất nước sẽ phụ thuộc vào việc lựa chọn nguồn cán bộ tốt hay xấu. Nếu ta lựa chọn được đội ngũ cán bộ đủ đức, tài sẽ tiếp tục lãnh đạo cách mạng đi tới thành công, tạo niềm tin của nhân dân vào Đảng và ngược lại.

Ông Huỳnh Văn Tịnh, Giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội: “Liều thuốc” cực mạnh trị hành vi chạy chức, chạy quyền

Đảng ta đã có nhiều quy định trong việc đấu tranh không khoan nhượng với các biểu hiện, hành vi chạy chức, chạy quyền, tuy nhiên vẫn còn những kẽ hở, qua đó đã để lọt vào bộ máy những con người không đủ đức, đủ tài. Quy định 205 của Bộ Chính trị ban hành lần này thực sự là một “liều thuốc” cực mạnh có thể ngăn chặn hiệu quả các hành vi trên với điều kiện phải triển khai bài bản và quyết liệt.

Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải thực sự trong sạch, phải biết giữ mình để không vi phạm các quy định của Đảng, đồng thời không để cho những thành phần cơ hội có thể lợi dụng mình để thực hiện hành vi chạy chức, chạy quyền. Hiện nay, Đảng đang có chủ trương thí điểm việc thi tuyển cán bộ lãnh đạo đối với một số chức danh, nếu sắp tới chúng ta nhân rộng triển khai thì đây cũng là một trong những hình thức để có thể chọn được những cán bộ tốt.

Ông Phạm Văn Hoàng, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Long Khánh: Phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu

Việc thời gian qua có những cán bộ, đảng viên, thậm chí là cán bộ cấp cao cũng bị xử lý nghiêm minh cho thấy Đảng ta ngày càng thể hiện rõ quan điểm không khoan nhượng với cái xấu tồn tại trong Đảng. Lần này Bộ Chính trị ban hành Quy định 205 về chống chạy chức, chạy quyền, đồng thời xử lý nghiêm với hành vi này cho thấy Đảng ta tiến thêm một bước nữa với quyết tâm rất cao, đặc biệt là sắp tới sẽ tổ chức đại hội Đảng các cấp. Quy định về các hành vi chạy chức, chạy quyền thì đã rất rõ, hình thức xử lý cũng rất nghiêm minh, tuy nhiên hành vi chạy chức, chạy quyền ngày càng tinh vi, do đó làm sao để phát hiện là điều nhân dân còn chút băn khoăn.

Do đó theo tôi, phải tiếp tục phát huy vai trò tiên phong gương mẫu của người đứng đầu, làm tốt công tác kê khai tài sản, công khai quy hoạch cán bộ, tăng cường công tác kiểm tra giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ, tăng cường sự giám sát của nhân dân thì việc thực hiện đấu tranh với hành vi chạy chức, chạy quyền mới hiệu quả.

Ông Nguyễn Viết Bo, Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Thống Nhất: Kiên quyết xử lý và công khai để nhân dân được biết

Thời gian qua, Đảng đã kiên quyết xử lý kỷ luật và đưa ra khỏi Đảng nhiều cán bộ cao cấp. Điều này từng bước củng cố lòng tin của nhân dân vào Đảng, tiếp tục nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng trong cuộc sống. Chúng tôi rất tâm đắc với khẳng định của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, việc xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm vừa qua chính là cuộc đấu tranh “lấy lại uy tín cho Đảng”, bởi “bao che cho cán bộ sai phạm mới làm mất uy tín của Đảng, làm cán bộ hư hỏng; còn xử lý cán bộ sai phạm chỉ làm cho Đảng mạnh thêm”.

Lớp cán bộ hưu trí chúng tôi rất mong muốn Đảng phải kiên quyết xử lý cán bộ vi phạm, đồng thời phải công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân được biết, như khẳng định của Tổng bí thư: công khai là thanh bảo kiếm chữa lành các vết thương. Còn che giấu, bưng bít đi thì mới mất uy tín và càng làm cán bộ hư hỏng.

Nam Anh - Đặng Công (ghi)


 

Tin xem nhiều