Báo Đồng Nai điện tử
En

Hiệu quả mô hình Dân giúp dân thoát nghèo

10:07, 19/07/2019

Giúp đỡ người nghèo thoát nghèo và phát triển bền vững là một nhiệm vụ quan trọng của công tác Mặt trận. Nhận thức rõ điều này, thời gian qua MTTQ các cấp huyện Nhơn Trạch đã xây dựng được nhiều mô hình hay...

Giúp đỡ người nghèo thoát nghèo và phát triển bền vững là một nhiệm vụ quan trọng của công tác Mặt trận.

Ông Nguyễn Văn Hải (phải, ấp Thị Cầu, xã Phú Đông) hỗ trợ gà giống cho các hộ dân nghèo chăn nuôi. Ảnh: P.HẰNG
Ông Nguyễn Văn Hải (phải, ấp Thị Cầu, xã Phú Đông) hỗ trợ gà giống cho các hộ dân nghèo chăn nuôi. Ảnh: P.HẰNG

Nhận thức rõ điều này, thời gian qua MTTQ các cấp huyện Nhơn Trạch đã xây dựng được nhiều mô hình, cách làm hiệu quả trong việc giúp đỡ người nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững. Một trong những mô hình đó là Dân giúp dân thoát nghèo.

* Ấm áp tình người

Trong khi có người chỉ vì tranh chấp một lối đi nhỏ hay vài mét vuông đất đã dẫn đến xung đột thì tại huyện Nhơn Trạch đã có nhiều hộ gia đình sẵn sàng hiến tặng và cho mượn cả vài chục mét vuông đất, thậm chí cả hécta đất để giúp người nghèo xây dựng nhà ở, sản xuất, chăn nuôi.

Gia đình ông Trần Văn Sơn (ấp 3, xã Phú Thạnh) vừa cho bà Trần Thị Tư, 70 tuổi, cư ngụ cùng ấp 40m2 đất để MTTQ xã xây tặng cho bà căn nhà tình thương trị giá 50 triệu đồng, rất khang trang gồm: 1 phòng khách, 1 phòng ngủ, nhà bếp và công trình vệ sinh.

Ban thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Nhơn Trạch cho rằng, qua triển khai thực hiện các hoạt động chăm lo cho người nghèo trên địa bàn huyện đã tạo được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội, thể hiện được chủ trương của Đảng, ý nguyện của nhân dân, đón nhận được nhiều nghĩa cử cao đẹp của các tập thể, cá nhân thuộc mọi lứa tuổi, mọi giới, ngành nghề, dân tộc và tôn giáo trong việc chăm lo cho người nghèo.

Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ  Việt Nam xã Phú Thạnh Lê Bình Phước, trước đây bà Tư chỉ sống một mình, không nhà cửa, đi làm mướn, rồi làm ở đâu thì ngủ ở đó. Thấy hoàn cảnh của bà Tư như vậy, gia đình ông Trần Văn Sơn đã cho bà một miếng đất để MTTQ xã vận động xây tặng nhà ở cho bà.

Không những được cho đất để làm nhà riêng, bà Tư còn được gia đình ông Sơn thuê phụ giúp việc nhà nên bà không còn phải đi làm mướn bên ngoài, cuộc sống đã ổn định.

Ngoài giúp nhau về đất ở, tại huyện Nhơn Trạch, người dân còn giúp nhau về đất sản xuất. Thấy gia đình 2 ông Nguyễn Văn Hiếu và Trần Huy Thanh không có đất sản xuất, phải đi làm thuê, thu nhập bấp bênh, ông Tống Văn Sĩ (ấp 1, xã Phú Thạnh) đã cho 2 ông mượn 1 hécta đất để nuôi tôm, nuôi vịt và trồng sen. Đồng thời, ông Sĩ còn cho 2 ông Hiếu và Thanh mượn vốn không tính lãi để mua con giống về nuôi. Từ ngày có đất sản xuất, thu nhập của gia đình 2 ông Hiếu, Thanh rất ổn định, thoát nghèo, xây dựng được nhà cửa khang trang.

“Đất mình không sử dụng đến thì cho em út làm, tương trợ lẫn nhau. Em làm được, mình phấn khởi, cổ vũ tinh thần để anh em tiếp tục làm ăn có hiệu quả” - ông Sĩ nói.

* Tương trợ lẫn nhau

Gia đình ông Nguyễn Văn Hải (ấp Thị Cầu, xã Phú Đông) đang thực hiện mô hình sản xuất, chăn nuôi tổng hợp khép kín. Trong đó có 3 ngàn m2 đất trồng lúa và trồng sen, 4 ngàn m2 ao thả cá. Ngoài ra, ông còn nuôi vịt đẻ và gà đẻ. Trứng vịt ông đem bán, trứng gà để ấp lấy con giống, vừa nuôi vừa bán. Nhiều hộ nghèo không có vốn để mua gà giống, ông cho mượn con giống về nuôi, đến khi gà lớn lên, bán được mới lấy tiền trả lại tiền giống cho ông.

Trung bình mỗi năm, ông Hải giúp đỡ 10 hộ về gà giống, với tổng số hàng trăm con giống, nhờ đó nhiều hộ có điều kiện vươn lên thoát nghèo.

Song song với các mô hình cho mượn đất để xây dựng nhà ở, cho mượn đất để sản xuất và hỗ trợ con giống trong chăn nuôi, MTTQ các cấp huyện Nhơn Trạch còn xây dựng được nhiều mô hình Dân giúp dân có hiệu quả kinh tế cao như: Tổ hợp tác nuôi bò, Tổ hợp tác trồng rau, Tổ hợp tác nuôi tôm, Tổ tương trợ, Hợp tác xã sinh vật cảnh…

Qua các mô hình nói trên, MTTQ các cấp huyện Nhơn Trạch đã vận động được 6 hộ hiến tặng và cho mượn 368 m2 đất để xây dựng nhà tình thương cho hộ nghèo không có đất ở; vận động hơn 3 ngàn hộ khá và giàu cho 8.234 lượt hộ nghèo vay vốn không tính lãi, với tổng số tiền gần 5 tỷ đồng; giúp 9 con trâu và bò, 5.600 con gia cầm, 1.560 kg lúa giống… Nhờ đó đã giúp nhiều hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, từng bước ổn định cuộc sống.

Theo Ban thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Nhơn Trạch, qua các mô hình Dân giúp dân thoát nghèo và các chính sách an sinh xã hội mà các cấp, các ngành trên địa bàn huyện triển khai thực hiện giúp đỡ các đối tượng nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trong thời gian qua đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 3% (năm 2014), xuống còn 0,3% vào cuối năm 2018 theo chuẩn nghèo của tỉnh, giai đoạn 2015-2020.

Phương Hằng

Tin xem nhiều