Báo Đồng Nai điện tử
En

Hạnh phúc là được sẻ chia

09:06, 10/06/2019

Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thời gian qua đã được cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp và các tổ chức trên địa bàn tỉnh triển khai nghiêm túc và đạt nhiều kết quả đáng kể.

Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thời gian qua đã được cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp và các tổ chức trên địa bàn tỉnh triển khai nghiêm túc và đạt nhiều kết quả đáng kể.

Thượng tọa Thích Minh Trí, trụ trì chùa Phúc Lâm tặng quà cho người có hoàn cảnh khó khăn ở phường Tân Tiến (TP.Biên Hòa) mới đây
Thượng tọa Thích Minh Trí, trụ trì chùa Phúc Lâm tặng quà cho người có hoàn cảnh khó khăn ở phường Tân Tiến (TP.Biên Hòa) mới đây

Nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo đã xuất hiện, tạo lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội. Trong đó có những mô hình của các tôn giáo học và làm theo Bác rất thiết thực, ý nghĩa, góp phần cùng địa phương thực hiện tốt công tác an sinh xã hội trên địa bàn.

* Chăm lo cho người có hoàn cảnh khó khăn

Mới đây, nhân dịp Đại lễ Phật đản năm 2019 và sinh nhật Bác, chùa Phúc Lâm (phường Tân Tiến, TP.Biên Hòa) đã tổ chức trao tặng 500 phần quà cho hội viên Hội Người mù, trẻ em khuyết tật và người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Minh, hội viên Hội Người mù TP.Biên Hòa chia sẻ, vào dịp lễ Phật đản, Vu lan hay các dịp lễ, tết của dân tộc, chùa Phúc Lâm đều tổ chức tặng quà cho người mù, người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh, thể hiện tinh thần từ bi hỷ xả của đạo Phật, truyền thống lá lành đùm lá rách của dân tộc và tình yêu thương con người của Bác Hồ. Sự quan tâm giúp đỡ của chùa Phúc Lâm và toàn xã hội đã tiếp thêm nghị lực cho người khiếm thị vươn lên trong cuộc sống, lạc quan và yêu đời hơn.

Linh mục Trần Xuân Thảo, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh cho biết, thời gian tới Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh tiếp tục động viên các vị chức sắc, chức việc, tu sĩ, giáo dân phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật; tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để trở thành giáo dân tốt cũng là công dân tốt.

Cùng trên địa bàn phường Tân Tiến (TP.Biên Hòa), chùa Già Lam Thiện Sanh cũng có nhiều việc làm tích cực giúp đỡ người khó khăn. Từ hàng chục năm về trước, nhà chùa đã mở các lớp dạy nghề từ thiện để dạy cho các đối tượng có nhu cầu về nghề may gia đình, may công nghiệp, thêu, giày da... Nhờ vậy, nhiều người đã có việc làm và thu nhập ổn định tại các khu công nghiệp trong tỉnh.

Vào dịp đầu năm học, nhà chùa tổ chức tặng xe đạp, học bổng cho học sinh, sinh viên. Đối tượng được sự trợ giúp của nhà chùa không chỉ là học sinh, sinh viên của Đồng Nai mà trải dài ra các tỉnh miền Trung và miền Tây Nam bộ.

Đúng vào dịp kỷ niệm 111 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-2001), chùa Già Lam Thiện Sanh khai trương quán cơm xã hội, phục vụ người lao động nghèo và thân nhân, bệnh nhân của Bệnh viện tâm thần trung ương 2. Đến nay quán cơm của nhà chùa đã cung cấp hàng chục ngàn suất ăn miễn phí.

Nhận thấy nhiều người không có tiền để chữa bệnh, phải bán nhà cửa, trở thành vô gia cư cũng vì bệnh tật, những năm gần đây chùa Già Lam Thiện Sanh còn có thêm hình thức tặng thẻ bảo hiểm y tế tự nguyện cho một số người có hoàn cảnh khó khăn trong tỉnh. Mỗi năm nhà chùa cũng xây dựng 2-3 căn nhà tình thương cho người nghèo và thực hiện các chuyến cứu trợ nhân đạo đồng bào bị thiên tai trong và ngoài tỉnh. Tổng trị giá các hoạt động nhân đạo từ thiện mà chùa Già Lam Thiện Sanh thực hiện hơn 3 tỷ đồng/năm.

Ông Bùi Văn Âu, Phó chủ tịch UBND phường Tân Tiến nhận xét: “Những việc làm từ thiện của các cơ sở tôn giáo đã góp phần cùng địa phương ngày càng chăm lo tốt hơn cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội”.

* Giúp đỡ người nghèo vươn lên

Cùng với Phật giáo, đồng bào Công giáo trong tỉnh đã có nhiều việc làm thiết thực để chăm lo cho người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn. Hiện nay toàn Giáo phận Xuân Lộc có 31 cơ sở bác ái từ thiện, trong đó 17 cơ sở chăm sóc trẻ em khuyết tật, nuôi dưỡng người già cô đơn và 14 cơ sở y tế. Hằng ngày, các cơ sở y tế của Giáo phận Xuân Lộc tiếp nhận khám và điều trị cho hàng ngàn bệnh nhân; bệnh nhân nghèo được miễn, giảm tiền chữa bệnh.

Tu sĩ Nguyễn Mạnh Hoan, phụ trách Phòng Chẩn trị y học cổ truyền Dòng Thánh Gioan Thiên Chúa (phường Tân Biên, TP.Biên Hòa) cho biết, ngoài phòng khám này, dòng đang có nhiều cơ sở y tế khác. Từ năm 2012 đến nay, các phòng khám của Dòng Thánh Gioan Thiên Chúa đã khám và điều trị cho hàng trăm ngàn lượt bệnh nhân. Bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn được miễn, giảm tiền khám và chữa bệnh. Đồng thời được phục vụ suất ăn, chỗ ở nội trú miễn phí hoặc giá chỉ 5 ngàn đồng/suất. Một số cơ sở y tế của dòng còn chăm sóc cho bệnh nhân HIV/AIDS. Nhiều người khi qua đời không có thân nhân bên cạnh, các tu sĩ đã tự tay tắm rửa cho họ và lo mai táng chu đáo.

Cùng với việc chăm sóc sức khỏe nhân dân, đồng bào Công giáo rất quan tâm lĩnh vực giáo dục - đào tạo. Hiện nay ngoài 36 trường và hơn 100 nhóm lớp mầm non do các cơ sở Công giáo thành lập, còn có Trường cao đẳng Hòa Bình Xuân Lộc.

Theo Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Vũ Đình Trung, với sự quan tâm, hướng dẫn của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, đồng bào các tôn giáo ở Đồng Nai luôn sống “tốt đời, đẹp đạo”. Trong đó, đồng bào các tôn giáo trong tỉnh đã tích cực thực hiện phong trào Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau, do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phát động.

Kết quả riêng năm 2018, các tôn giáo đã vận động tín đồ đóng góp vào Quỹ Vì người nghèo các cấp của tỉnh hơn 20 tỷ đồng, xây dựng và sửa chữa 290 căn nhà tình thương, tặng hơn 65 ngàn phần quà... với tổng trị giá hơn 20 tỷ đồng. Những đóng góp của đồng bào có đạo đã giúp tỉnh hoàn thành việc xây dựng nhà Đại đoàn kết và xóa xong nhà dột nát cho người nghèo theo tiêu chí của Chính phủ.           

Phương Hằng

Tin xem nhiều