Báo Đồng Nai điện tử
En

Giải quyết những vấn đề cấp bách

10:05, 29/05/2019

Ngày 28-5, HĐND tỉnh đã tổ chức kỳ họp bất thường để lấy ý kiến thông qua 4 nghị quyết quan trọng và thống nhất nội dung liên quan đến hỗ trợ cho những hộ chăn nuôi bị dịch tả heo châu Phi.

Ngày 28-5, HĐND tỉnh đã tổ chức kỳ họp bất thường để lấy ý kiến thông qua 4 nghị quyết quan trọng và thống nhất nội dung liên quan đến hỗ trợ cho những hộ chăn nuôi bị dịch tả heo châu Phi. Các nội dung đưa ra tại kỳ họp này đều được các đại biểu HĐND tỉnh đồng thuận 100%.

Đồng chí Nguyễn Phú Cường, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh điều hành kỳ họp thứ 9. (Ảnh: Huy Anh)
Đồng chí Nguyễn Phú Cường, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh điều hành kỳ họp thứ 9. (Ảnh: Huy Anh)

[links()]Có 4 nghị quyết đã được thông qua và có hiệu lực từ ngày 1-6-2019 là: điều chỉnh, sáp nhập, thành lập ấp ở huyện Long Thành và huyện Tân Phú; Báo cáo kết quả thực hiện các vấn đề phát sinh từ sau kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh đến ngày 15-3-2019; Phân bổ ngân sách tỉnh để hỗ trợ các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở  các địa phương; Sửa đổi bổ sung một số điểm trong Nghị quyết 34/2016 và Nghị quyết 89/2017 của HĐND tỉnh về phân cấp nguồn thu giữ các cấp ngân sách tỉnh năm 2017, giai đoạn 2017-2020.

* Điều chỉnh hơn 10 ấp

Theo UBND tỉnh, hơn 2 năm trở lại đây, nguồn thu từ tiền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh tăng cao. Năm 2017, kế hoạch 800 tỷ đồng nhưng kết quả thu được 1.880 tỷ đồng. Năm 2018, kế hoạch là 1.500 tỷ đồng song thu được gần 2.130 tỷ đồng. Trong 4 tháng đầu năm nay, thu tiền sử dụng đất gần 985 tỷ đồng. Dự kiến năm nay sẽ thu được 2.900 tỷ đồng. Nguồn thu trên sẽ được tỉnh, các địa phương ưu tiên triển khai các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm.

Vấn đề được quan tâm nhiều trong kỳ họp bất thường của HĐND tỉnh lần này là lấy ý kiến ban hành nghị quyết cho việc điều chỉnh, sáp nhập, giải thể, thành lập các ấp ở 2 huyện Long Thành, Tân Phú.

Theo đó, có trên 10 ấp thuộc 6 xã sẽ được điều chỉnh diện tích và thành lập mới. Tuy nhiên nếu tính trên tổng thể thì toàn tỉnh chỉ tăng thêm 2 ấp, lên 964 ấp, khu phố (721 ấp và 243 khu phố).

Huyện Long Thành điều chỉnh ở 5 xã. Trong đó, xã Bình Sơn hiện có 11 ấp sẽ được điều chỉnh hơn 110 hécta và 280 người dân ở ấp 7 và ấp 11 sang ấp 1 xã Cẩm Đường; tiếp nhận các ấp thuộc 5 xã Long An, Cẩm Đường, Suối Trầu, Long Phước, Bàu Cạn có liên quan đến dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành để thành lập ấp mới.

Như vậy sau khi điều chỉnh thì Bình Sơn có 17 ấp, trong đó có 6 ấp thành lập mới điều chỉnh từ xã khác. Xã Long An sau khi sắp xếp còn lại 8 ấp, giảm 1 ấp vì giải thể ấp Xã Hoàng. Xã Cẩm Đường giảm 1 ấp (giải thể ấp 2) còn 3 ấp. Xã Bàu Cạn có tăng giảm thêm diện tích, dân số ở một số ấp nhưng vẫn giữ nguyên 9 ấp. Xã Long Phước sau khi điều chỉnh địa giới hành chính vẫn giữ nguyên 5 ấp. Xã Suối Trầu giải thể 3 ấp phân chia về các xã lân cận.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường phát biểu tại kỳ họp lần thứ 9, kỳ họp bất thường HĐND tỉnh
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường phát biểu tại kỳ họp lần thứ 9, kỳ họp bất thường HĐND tỉnh. (Ảnh: Huy Anh)

Ông Nguyễn Văn Thuộc, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: “Đối với 6 ấp là Cẩm Đường (thuộc xã Cẩm Đường), Suối Trầu 1, Suối Trầu 2, Suối Trầu 3 (thuộc xã Suối Trầu), Xã Hoàng (thuộc xã Long An), Long Phước (thuộc xã Long Phước) nằm trong phạm vi dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành được đặt tên gắn liền với địa danh xã để thuận lợi trong việc kiểm đếm đất đai, bồi thường, hỗ trợ tái định cư”.

Huyện Tân Phú sẽ thành lập thêm ấp 7 thuộc xã Đắc Lua trên cơ sở tiếp nhận và quản lý khu vực Trạm Kiểm lâm Đabongkua có diện tích gần 669 hécta, dân số 216 hộ khoảng 1.053 người; xã Đắc Lua sẽ tăng lên 7 ấp.

Bí thư Huyện ủy Long Thành Cao Tiến Dũng cho biết: “Trước khi trình HĐND tỉnh điều chỉnh, sáp nhập, giải thể, thành lập ấp mới đã lấy ý kiến người dân và hầu hết ủng hộ. Huyện đã sắp xếp chi tiết để người dân ở các nơi có thay đổi về địa giới hành chính không bị ảnh hưởng gì trong việc giải quyết các thủ tục hồ sơ, học hành cho con em mình”.

* Tăng vốn cho nhiều dự án

Kết quả giải quyết các vấn đề phát sinh từ kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh đến ngày 15-3-2019: HĐND tỉnh thống nhất với UBND tỉnh 11 nội dung điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2018, điều chỉnh dự toán bổ sung dự toán chi ngân sách 2018, thống nhất điều chỉnh chủ trương đầu tư đường tỉnh 767 (huyện Vĩnh Cửu)... Trong đó có 1 nội dung UBND tỉnh chưa thống nhất là dự án nạo vét và kè 2 bờ suối Reo (huyện Thống Nhất) có tổng vốn đầu tư 160 tỷ đồng.

Tất cả các huyện, thị, thành đều đề xuất tỉnh tăng vốn cho các công trình dự án hạ tầng giao thông để kết nối, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế, xã hội.

Các địa phương đề nghị tỉnh phân bổ thêm 257 tỷ đồng để làm hạ tầng giao thông của 624 dự án tại các xã, phường. Những địa phương đề xuất hỗ trợ vốn cho nhiều dự án là: Cẩm Mỹ 72 dự án, Xuân Lộc 56 dự án, Trảng Bom 46 dự án, Vĩnh Cửu 46 dự án và Long Thành 40 dự án.

Ông Hồ Văn Hà, Giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư cho biết: “Ngoài đề xuất tăng vốn cho những dự án hạ tầng ở các phường, xã thì các địa phương còn xin điều chỉnh, bổ sung thêm vốn cho 8 dự án lớn khác vì giá bồi thường tăng cao, dùng vốn từ các nguồn dự phòng đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Đơn cử như dự án nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 767 đoạn qua thị trấn Vĩnh An (huyện Vĩnh Cửu); đường vào Khu công nghiệp Tân Phú (huyện Tân Phú); tuyến đường Bình Lộc - Tín Nghĩa (TX.Long Khánh)...”. Để có nguồn vốn đầu tư cho các công trình giao thông trọng điểm của tỉnh, địa phương yêu cầu thực hiện nhanh việc đấu giá các thửa đất công.

Các đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết thống nhất các tờ trình của UBND tỉnh. (Ảnh: Hải Quân)
Các đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết thống nhất các tờ trình của UBND tỉnh. (Ảnh: Hải Quân)

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh: “Trong năm nay và 3-4 năm tới, tỉnh đều trông đợi vào việc đấu giá đất công để có vốn làm các công trình trọng điểm như: đường ven sông Cái, đường ven sông Đồng Nai, đường nối trung tâm TP Biên Hòa... Những tuyến đường này hoàn thành sẽ tạo động lực cho phát triển kinh tế của TP.Biên Hòa và tỉnh”. Các thửa đất đấu giá có giá trị trên 100 tỷ đồng sẽ chuyển về ngân sách tỉnh phân bổ cho các công trình chứ không phân chia tỷ lệ 40-60 cho các huyện, thị, thành như trước đây.

Tập trung phòng, chống dịch

Theo Phó chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Ngọc Tuấn, việc hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi bị dịch tả heo châu Phi thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh, nhưng trong kỳ họp lần này vẫn đưa ra lấy ý kiến các đại biểu HĐND tỉnh là để có sự đồng thuận cao trong công tác phòng, chống dịch. Tất cả các đại biểu HĐND tỉnh tham gia kỳ họp đều đồng ý với mức hỗ trợ của UBND tỉnh cho các hộ bị dịch.

“Dù tỉnh đã tăng cường lực lượng kiểm soát, chốt chặn các tuyến đường chính để ngăn chặn dịch tả heo châu Phi nhưng vẫn không ngăn được dịch tràn vào, gây thiệt hại cho một số hộ chăn nuôi. Hiện chưa có vaccine phòng dịch nên việc phòng, chống rất khó khăn. Hỗ trợ cho người dân phù hợp để họ không giấu dịch và cũng chú ý hơn đến việc phòng dịch” - ông Tuấn nói.

Tổng vệ sinh phòng, chống dịch tả heo châu Phi tại khu vực chợ Phan Bội Châu (xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất). (Ảnh: Hải Quân)
Tổng vệ sinh phòng, chống dịch tả heo châu Phi tại khu vực chợ Phan Bội Châu (xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất). (Ảnh: Hải Quân)

Đến thời điểm này, Đồng Nai đã xuất hiện dịch ở 10 hộ thuộc 4 huyện và số heo tiêu hủy khoảng 2.388 con. Theo Quyết định 1280/QĐ-UBND tỉnh ngày 27-4-2019, mức hỗ trợ tạm thời cho các hộ có heo bị dịch tả heo châu Phi có 5 mức. Heo con theo mẹ 300 ngàn đồng/con; heo cai sữa dưới 2 tháng tuổi 500 ngàn đồng/con; heo thịt từ 2-4 tháng tuổi 2 triệu đồng/con; heo thịt, giống hậu bị trên 4 tháng tuổi 3 triệu đồng/con; heo nái, heo đực giống đang khai thác 4,5 triệu đồng/con.

Tuy nhiên, qua diễn biến giá cả thị trường giảm nên dự kiến đến đầu tháng 6-2019 sẽ ban hành mức hỗ trợ mới cho những hộ xảy ra dịch có heo phải tiêu hủy. Dự kiến heo con theo mẹ hỗ trợ 216 ngàn đồng/con heo cai sữa dưới 2 tháng tuổi 375 ngàn đồng/con; heo thịt từ 2-4 tháng tuổi 1,44 triệu đồng/con; heo thịt, giống hậu bị trên 4 tháng tuổi 2,16 triệu đồng/con; heo nái, heo đực giống đang khai thác 3,24 triệu đồng/con.

Đồng Nai hiện có hơn 2 triệu con heo nên nếu không ngăn chặn dịch để lây lan rộng thiệt hại rất lớn đến các hộ chăn nuôi, đồng thời ảnh hưởng đến nguồn cung heo thịt cho các tỉnh phía Nam. Các trại chăn nuôi đang phòng dịch bằng cách áp dụng các quy trình chăn nuôi an toàn. Phía tỉnh thành lập 7 chốt kiểm dịch tạm thời trên các tuyến đường chính để kiểm soát heo ra vào tỉnh.

Hương Giang


Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường:

Sẽ tiếp tục rà soát, sắp xếp phù hợp

Sau nhiều lần trình Quốc hội, đến nay Đồng Nai đã được Quốc hội ban hành Nghị quyết thành lập TP.Long Khánh và đưa 5 xã thuộc địa phương này lên phường từ ngày 1-6-2019. Bên cạnh đó, từ ngày 1-7-2019, Đồng Nai sẽ có thêm 2 thị trấn gồm: Hiệp Phước (huyện Nhơn Trạch), Dầu Giây (huyện Thống Nhất) và đưa 6 xã của TP.Biên Hòa lên phường.

Đồng Nai sẽ tiếp tục rà soát, có phương án sắp xếp, sáp nhập, phân tách các xã, phường trên địa bàn một cách phù hợp, đảm bảo phát triển kinh tế, an sinh xã hội cho các địa phương. Dự kiến, trong thời gian tới tỉnh sẽ đề xuất tách 3 phường có dân số đông của TP.Biên Hòa gồm: Trảng Dài, Long Bình và Long Bình Tân…

Bí thư Huyện ủy Long Thành Cao Tiến Dũng:

Tất cả phải nhằm phục vụ người dân

Về công tác quản lý sau sáp nhập, bộ phận một cửa xã Suối Trầu vẫn trực và duy trì hoạt động phục vụ người dân, nếu phải di chuyển thì cán bộ di chuyển chứ người dân không phải di chuyển nhiều. Trạm y tế xã, trường học thuộc xã Suối Trầu vẫn tiếp tục hoạt động như bình thường cho đến khi di dời đến nơi tái định cư.

Hạ tầng giao thông ở các ấp nằm xa trung tâm xã sau khi điều chỉnh địa giới sẽ được rà soát, có kế hoạch duy tu, sửa chữa để đảm bảo đi lại về trung tâm xã… Đối với những cán bộ không chuyên trách, không có bằng cấp, huyện sẽ áp dụng hỗ trợ chính sách theo từng trường hợp phù hợp, theo đúng quy định.

Phó bí thư thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Thành Ngô Thế Ân:

Nên để các địa phương chủ động hơn

Đối với những vùng phát triển “nóng” như: TP.Biên Hòa, các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom có dân số cơ học tăng rất nhanh nên nếu chỉ dựa vào nguồn thu phân bổ về thì rất khó cho địa phương. Do đó HĐND, UBND tỉnh cần xem xét việc phân cấp về các cơ quan cấp huyện được tiến hành đấu giá đất công có diện tích nhỏ theo các trình tự phù hợp, đảm bảo quy định để có sự chủ động trong khai thác, quản lý phục vụ sự phát triển của địa phương.

 

Giám đốc Sở Tài chính Huỳnh Thanh Bình:

Sử dụng vốn ngân sách cần hiệu quả, tránh lãng phí

Thực tế thời gian qua, tỷ lệ khoản thu từ tiền đấu giá đất công trên địa bàn tỉnh tập trung nhiều ở các địa phương như: Long Thành, Nhơn Trạch... Nguồn thu này muốn sử dụng thì các địa phương phải làm dự án đầu tư, lập quy trình sử dụng theo đúng quy định. Nếu huyện chưa thể triển khai được các dự án thì khoản thu này sẽ không sử dụng được. Do đó, đối với những dự án dưới 100 tỷ đồng, địa phương vẫn giữ lại 60% của các khoản thu từ tiền đấu giá đất công; đối với những dự án lớn hơn, khoản thu này sẽ được đưa về tỉnh. Sau đó, tỉnh sẽ điều tiết có mục tiêu, đảm bảo theo đúng quy định các nguồn thu này vào đầu tư các công trình trọng điểm, đầu tư hạ tầng ở các địa phương trong tỉnh một cách phù hợp, hiệu quả hơn. Đồng thời, vẫn đảm bảo nguồn phân bổ ngân sách đến các địa phương có nhu cầu triển khai các dự án lớn để sử dụng theo dự toán, tránh lãng phí.                                                      

Hoàng Hải (ghi)


 

Tin xem nhiều