Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài 2: Phát huy dân chủ, huy động sức mạnh từ nhân dân

09:05, 13/05/2019

Phó trưởng ban thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy Phạm Thị Kim Chung nhận xét, qua các cuộc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân đã góp phần tiếp tục thể chế hóa chủ trương Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ; tăng cường niềm tin, củng cố mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng với nhân dân.

[links()]Phó trưởng ban thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy Phạm Thị Kim Chung nhận xét, qua các cuộc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân đã góp phần tiếp tục thể chế hóa chủ trương Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ; tăng cường niềm tin, củng cố mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng với nhân dân.

Ông Trương Minh Phong, Bí thư Chi bộ ấp 9/4, xã Xuân Thạnh (huyện Thống Nhất) sửa chữa đèn chiếu sáng trong khu dân cư. ảnh: V.Truyên
Ông Trương Minh Phong, Bí thư Chi bộ ấp 9/4, xã Xuân Thạnh (huyện Thống Nhất) sửa chữa đèn chiếu sáng trong khu dân cư. ảnh: V.Truyên

Qua đối thoại còn giúp cấp ủy, chính quyền đánh giá được mức độ, hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân như thế nào, từ đó kịp thời phát huy hoặc điều chỉnh cho phù hợp thực tế.

Thực hiện Kế hoạch số 8000 của UBND tỉnh về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020, 6 năm qua (2012-2018) Đồng Nai đã đạt được nhiều thành quả trong giảm nghèo. Toàn tỉnh đã giảm được 13,3 ngàn hộ nghèo (tương tương 2,03%) góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo xuống mức 0,9%...

* Thay đổi vì dân

Mới đây, để nắm bắt nhu cầu thực tế, lợi ích và hạn chế của các tổ phụ nữ tiết kiệm, Thị ủy Long Khánh đã tổ chức gặp gỡ với Hội Liên hiệp phụ nữ 15 xã, phường trên địa bàn thị xã và tổ trưởng các tổ phụ nữ tiết kiệm còn duy trì hoạt động. Tại buổi gặp gỡ, Phó bí thư thường trực Thị ủy Long Khánh Nguyễn Đức Thạnh và Trưởng ban Dân vận Thị ủy Long Khánh Phạm Văn Hoàng đã lắng nghe ý kiến của những người làm công tác phụ nữ các cấp, tổ trưởng tổ tiết kiệm phụ nữ các khu phố, ấp. 

Hiện nay, trong khi hầu hết các xã, phường tại thị xã đã giải thể các tổ phụ nữ tiết kiệm thì tại phường Phú Bình mô hình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình được duy trì và thực hiện rất có hiệu quả với 3 tổ.

Theo bà Vy Thị Gái, Tổ trưởng Tổ Phụ nữ tiết kiệm số 2, KP.2, phường Phú Bình, số tiền cho vay chỉ từ 5-10 triệu đồng là không nhiều nhưng nhờ đó mà nhiều người không phải vay nóng để phải mang nợ vào thân. Do vậy mà trong khi Hội Liên hiệp phụ nữ TX.Long Khánh có văn bản yêu cầu giải thể các tổ phụ nữ tiết kiệm, bà và những phụ nữ trong khu phố vẫn duy trì.

Tại buổi gặp gỡ, Phó bí thư thường trực Thị ủy Long Khánh Nguyễn Đức Thạnh và Trưởng ban Dân vận Thị ủy Long Khánh Phạm Văn Hoàng đã thống nhất duy trì các tổ phụ nữ tiết kiệm hoạt động có hiệu quả. Với những tổ phụ nữ đã giải thể nhưng nếu xét thấy cần khôi phục thì tiếp tục cho phép hoạt động trở lại. Lãnh đạo thị xã cũng yêu cầu Hội Liên hiệp phụ nữ thị xã nghiên cứu, bàn bạc điều chỉnh, bổ sung quy chế, các loại sổ sách trên tinh thần đơn giản hóa nhưng chặt chẽ, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý sao cho phù hợp với điều kiện thực tế.

* Huy động nguồn lực từ nhân dân

Một bài học kinh nghiệm được Đồng Nai rút ra trong quá trình quản lý, điều hành thời gian qua chính là phát huy dân chủ, tạo sự đồng thuận để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, đáng chú ý mặc dù là tỉnh công nghiệp nhưng Đồng Nai luôn quan tâm đến phát triển nông nghiệp và là địa phương đi đầu trong xây dựng nông thôn mới. Đến nay toàn tỉnh có 133/133 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 26 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 11/11 đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Đây là cơ sở để hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị công nhận tỉnh Đồng Nai là địa phương đầu tiên trên cả nước hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới trong năm 2019.

Thị ủy Long Khánh tổ chức gặp gỡ, đối thoại với các tổ phụ nữ tiết kiệm
Thị ủy Long Khánh tổ chức gặp gỡ, đối thoại với các tổ phụ nữ tiết kiệm

Kết quả này có được là do Đồng Nai đã biết huy động sức mạnh từ nhân dân để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn ngày một hoàn thiện đáp ứng được những tiêu chí trong chương trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao.

5 năm qua, ông Trương Minh Phong, Bí thư Chi bộ ấp 9/4, xã Xuân Thạnh (huyện Thống Nhất) đã kết nối người dân trong ấp để làm thay đổi những con đường đất thành đường bê tông sáng đèn vào ban đêm, cảnh quan hai bên đường sạch đẹp với cây xanh, hoa. Đặc biệt, để tiết kiệm tiền cho người dân ở nông thôn còn gặp nhiều khó khăn, ông Phong đã bỏ thời gian, công sức làm việc thay vì thuê nhân công. Ông còn vận động một công ty khai thác đá hỗ trợ 400m3 đá bụi để cứng hóa con đường dài hàng trăm mét dẫn vào trường học tại ấp.

Năm 2019, ấp 4, xã Núi Tượng (huyện Tân Phú) được hình thành dựa trên sự sáp nhập từ ấp 6A, 6B và ấp 4 (cũ). Theo ông Ngô Văn Tiền, Phó trưởng ấp 4, người dân trong ấp chủ yếu sống bằng nghề nông nên sau khi hình thành ấp mới, Ban ấp đã họp dân để đề ra mục tiêu xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng phục vụ cho việc tưới tiêu, chuyên chở hàng hóa. Đánh trúng vào sự mong mỏi của người dân nên ngay sau khi Ban ấp triển khai vận động, bà con trong ấp đã hiến 2.100m2 đất (3m chiều ngang theo chiều dài 700m) để mở mới 1 tuyến đường giao thông nông thôn từ đường chính của ấp ra cánh đồng. Người dân còn hiến đất thực hiện tuyến kênh mương dài 200m (chiều rộng 1m) để đưa nước đến những khu ruộng cao.

“Điều này đã giúp việc đi lại từ nhà ra đồng của người dân được dễ dàng đồng thời giúp những hộ có ruộng nằm phía trên cao giải quyết được việc thiếu nước trong trồng trọt như gia đình tôi” - bà Nguyễn Thị Y (ngụ ấp 4, xã Núi Tượng) cho hay.

* Chung tay giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa

Ấp Phúc Nhạc 2 (xã Gia Tân 3, huyện Thống Nhất) giữ vững được danh hiệu văn hóa 17 năm nay nhờ nhân dân biết đoàn kết, có tinh thần tương thân tương ái. Năm 2018, số hộ nghèo của ấp được kéo giảm hơn một nửa (từ 31 hộ nghèo vào năm 2017 xuống còn 13 hộ nghèo, trong đó có 6 hộ nghèo A, 5 hộ cận nghèo và 2 hộ nghèo B). Ngoài ra, ấp cũng không để xảy ra tình trạng trộm cắp tài sản, trọng án trong thời gian qua.

Đồng chí Nguyễn Phú Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết, một trong những bài học mà Đồng Nai rút ra khi thực hiện xây dựng nông thôn mới là nhờ biết huy động nguồn lực từ nhân dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân.  Vì thế mà diện mạo nông thôn mới ở Đồng Nai có điểm khá nổi bật, đó là kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, các thiết chế văn hóa, y tế, giáo dục… có bước phát triển rõ nét. Quan trọng hơn là chất lượng cuộc sống người dân được nâng cao.

Theo ông Vũ Văn Đức, Quyền Trưởng ấp Phúc Nhạc 2, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước thì sự đoàn kết, chung sức của nhân dân trong xây dựng đời sống văn hóa, giúp nhau vươn lên trong cuộc sống đóng vai trò quyết định. Cụ thể, để tạo nguồn lực tại chỗ giúp đỡ trường hợp khó khăn, xây sửa nhà cho người nghèo, ấp duy trì hoạt động Tổ Thiện nguyện với 70 thành viên. 3 năm qua, hằng tháng từng thành viên trong tổ góp 50 ngàn đồng, số tiền này đã kịp thời tiếp sức cho rất nhiều trường hợp yếu thế ở khu dân cư. Ngoài ra, mỗi khi trong ấp có hộ dân nào được Nhà nước, đoàn thể hỗ trợ xây nhà tình thương là tùy theo điều kiện kinh tế bà con đều thực hiện đóng góp để căn nhà tình thương thêm khang trang.

Bên cạnh giúp nhau làm kinh tế, để giữ vững an ninh trật tự nơi sinh sống, ấp Phúc Nhạc 2 còn duy trì hoạt động của Tổ Tự quản. Hằng đêm, 14 thành viên của tổ phối hợp cùng công an xã thay phiên tuần tra, canh gác đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Nhờ có tổ này mà tài sản của người dân, nhất là hoa màu, máy móc của nông dân trên ruộng đồng được bảo toàn.

Để nhà văn hóa ấp Tân Thành (xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom) phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, bà con trong ấp đã tự động đóng góp tiền để mua sắm những vật dụng cần thiết. Theo ông Ngàn Văn Ngư, Trưởng ban công tác Mặt trận ấp, sau khi nhà văn hóa ấp được xây dựng thì bàn ghế, hệ thống âm thanh, ánh sáng phục vụ cho sinh hoạt cộng đồng được trang bị từ ngân sách nhà nước và một phần nhân dân đóng góp. Do khi đến sinh hoạt tại đây người dân thấy các thành viên trong ban ấp, chi bộ không có bàn ghế riêng để làm việc, không có nơi lưu trữ tài liệu, mỗi khi soạn thảo văn bản báo cáo đều phải ra tiệm internet nên bà con đã ủng hộ máy vi tính, bàn ghế làm việc, bàn ghế ngồi họp, tủ đựng hồ sơ, bảng phân công lịch công tác… trị giá hàng chục triệu đồng. Điều này đã góp phần tạo thuận lợi cho công việc của Ban ấp và giúp nhà văn hóa ấp thêm khang trang.

Năm 2018, bà con trong ấp Tân Thành đã đóng góp giá trị đất trên 3 tỷ đồng để thực hiện mở rộng, nâng cấp 2,5 km đường giao thông nông thôn. Hệ thống đèn đường, camera an ninh cũng được bà con tự nguyện đóng góp tiền để thực hiện.

Nguyễn Phượng - Văn Truyên

Bài 3: Để không ai bị bỏ lại phía sau

Tin xem nhiều