Báo Đồng Nai điện tử
En

Những điều Bác dạy về đạo lý làm người

09:05, 05/05/2019

Hồ Chí Minh là kết tinh của văn hóa, của truyền thống đạo lý Việt Nam đã được hiện đại hóa và cách mạng hóa. Đạo lý làm người theo Bác là tình yêu thương, lòng nhân ái, trung thành, sống khiêm tốn, giản dị.

Hồ Chí Minh là kết tinh của văn hóa, của truyền thống đạo lý Việt Nam đã được hiện đại hóa và cách mạng hóa. Đạo lý làm người theo Bác là tình yêu thương, lòng nhân ái, trung thành, sống khiêm tốn, giản dị.

Bản Di chúc của Bác Hồ
Bản Di chúc của Bác Hồ

Đạo lý này nhất quán trong tư tưởng, thái độ và cách hành xử của Bác, từ những việc nhỏ nhất đến những điều lớn lao nhất liên quan đến nhân dân, đến vận mệnh Tổ quốc. Đạo lý đó đã thể hiện trong toàn bộ tinh thần của Di chúc mà Bác gửi lại cho toàn Đảng, toàn dân ta trước khi đi vào cõi vĩnh hằng.

* Phải có tình yêu thương lẫn nhau

Những dòng đầu của bản Di chúc đã chứa đựng tình yêu thương, nghĩa tình sâu đậm mà Bác dành cho đồng bào 2 miền Nam - Bắc. Với những lời tâm huyết, Bác viết: “Tôi có ý định đến ngày đó, tôi sẽ đi khắp hai miền Nam Bắc, để chúc mừng đồng bào, cán bộ và chiến sĩ anh hùng; thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý của chúng ta”.

Đáp lại tình yêu thương của Bác, mỗi cán bộ, đảng viên cần sống khiêm tốn, giản dị, trong sạch, trung thực, đoàn kết thương yêu nhau, sống và làm việc hết mình với niềm tin tất thắng vào sự nghiệp cách mạng, vào con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn dưới sự soi sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Trong những điều căn dặn, đầu tiên là Bác dành cho Đảng, Bác dặn: “Cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”, trong Đảng “phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Lời cuối, lại một lần nữa Bác nhắn nhủ toàn Đảng, toàn dân ta phải đoàn kết phấn đấu để “xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.

Bác không nghĩ cho riêng mình, cả cuộc đời Bác phấn đấu, hy sinh vì đất nước, vì nhân dân mà Bác còn nói “chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”. Đã là người Việt Nam, không ai không cảm động và không nhớ câu “Tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng” của Bác kính yêu. Mỗi khi đọc lại bản Di chúc của Bác, được sống trong tình yêu thương của Bác, chúng ta thấy mình được trong sáng hơn, con người nhân ái trong ta sống dậy mãnh liệt hơn.   

* Vững một niềm tin

Di chúc của Bác còn toát lên một lòng trung thành, tin tưởng tuyệt đối vào sự nghiệp cách mạng của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bác vững tin rằng “cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn”. Lòng tin sắt đá của Bác là có cơ sở khoa học và thực tiễn, đó là kết tinh của trí tuệ, trái tim và ý chí dân tộc trong con người Bác, trong đó có cả tầm nhìn chiến lược và kinh nghiệm của cả một cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác.

Lòng tin của Bác là mẫu mực cho toàn Đảng, toàn dân, là biểu tượng cho sức mạnh của ý chí dân tộc. Trong những lúc khó khăn, gian khổ, trước những bước ngoặt của cách mạng, trước những thách thức, cam go toàn Đảng, toàn dân hướng về Bác để được truyền thêm lòng tin tưởng, thêm sức mạnh. Trong Di chúc, Bác viết: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể còn kéo dài… Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”. Niềm tin tưởng của Bác, đến nay sau 50 năm đã là một sự thật lịch sử vẻ vang và đầy tự hào.

Cả cuộc đời Bác là một mẫu mực về đạo đức cách mạng, trong Di chúc Bác căn dặn Đảng: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Hiện nay trong Đảng đang xuất hiện một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Nguyên nhân của thực trạng này là do sự thiếu tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, không thường xuyên rèn luyện những điều Bác đã dạy. Đây là điều mà Đảng và nhân dân không dung túng, đã nghiêm khắc lên án và nghiêm trị. Hiện nay thực hiện lời dạy của Bác cũng là yêu cầu của cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII của Đảng.

TS.Vũ Thị Nghĩa

(Trường Chính trị tỉnh)

Tin xem nhiều