Báo Đồng Nai điện tử
En

Giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số

09:03, 20/03/2019

7 năm qua, chương trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh đã giúp cho hơn 40,5 ngàn lượt hộ dân thoát nghèo, trong đó có hơn 5,2 ngàn hộ là đồng bào dân tộc thiểu số.

7 năm qua, chương trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh đã giúp cho hơn 40,5 ngàn lượt hộ dân thoát nghèo, trong đó có hơn 5,2 ngàn hộ là đồng bào dân tộc thiểu số.

Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Bùi Ngọc Thanh thăm và tặng quà cho các hộ nghèo được xây nhà đoàn kết tại xã La Ngà (huyện Định Quán) vào cuối năm 2018. Ảnh: Xuân Tuyến
Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Bùi Ngọc Thanh thăm và tặng quà cho các hộ nghèo được xây nhà đoàn kết tại xã La Ngà (huyện Định Quán) vào cuối năm 2018. Ảnh: Xuân Tuyến

Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm từ 4,91% (đầu năm 2012) xuống còn 0,59% vào cuối năm 2018.

* Cải thiện đời sống cho người dân tộc thiểu số

Phó chủ tịch UBND huyện Tân Phú Nguyễn Văn Nghị cho biết, là địa phương vùng sâu, vùng xa của tỉnh nên Tân Phú được hưởng nhiều chính sách ưu đãi về giảm nghèo của cả Trung ương và địa phương. Giai đoạn 2012-2016, người dân được hưởng các chính sách như: hỗ trợ người dân vùng đặc biệt khó khăn, xây dựng tủ sách pháp luật tại các ấp đặc biệt khó khăn để người dân có cơ hội đọc, nâng cao kiến thức, hiểu biết. Ngoài ra, hàng ngàn lượt học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số đã được hỗ trợ chi phí học tập. Thực hiện đề án hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở ấp đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai của UBND tỉnh, huyện Tân Phú đã giải ngân số tiền hơn 500 triệu đồng để chuyển đổi nghề nghiệp, hỗ trợ nước sinh hoạt cho hơn 150 hộ dân tộc thiểu số.

Đánh giá cao công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bùi Xuân Thống cho rằng, tỷ lệ thoát nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số vẫn chậm và kém bền vững. Do đó, cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao hơn nữa nhận thức của người nghèo để giảm nghèo thật sự bền vững.

Sang đến giai đoạn 2016-2018, huyện Tân Phú tiếp tục có 396 hộ đồng bào dân tộc thiểu số được thụ hưởng chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt. Do đặc điểm đồng bào dân tộc thiểu số của huyện sống phân tán ở hầu hết các xã, thị trấn trên địa bàn nên huyện Tân Phú quy hoạch khu định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số ở 5 xã gồm: Phú An, Phú Trung, Phú Sơn, Phú Bình và Thanh Sơn. Đến nay, huyện đã xây dựng hoàn thành 3 khu tái định cư tại các xã Phú An, Phú Trung và Thanh Sơn với tổng mức đầu tư hơn 13,2 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, các chính sách về giáo dục, y tế, giải quyết việc làm nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số cũng được đảm bảo thực hiện tốt. Kết quả, từ năm 2012-2018, toàn huyện Tân Phú có 444 hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số/hơn 10,2 ngàn lượt hộ nghèo của huyện thoát nghèo, kéo tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện từ 20,5% năm 2012 xuống còn 1,5% cuối năm 2018.

Cũng là địa phương có số hộ nghèo thuộc diện đồng bào dân tộc thiểu số đông, thời gian qua huyện Định Quán đã hỗ trợ hàng trăm con dê, bò giống cho hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài ra, còn thực hiện các công trình xây dựng đường giao thông nội đồng, giao thông liên tổ, nâng cấp xây dựng nhà văn hóa, nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở làm công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện với tổng kinh phí hơn 3,6 tỷ đồng. Huyện cũng đã hỗ trợ cho 184 hộ nghèo 920 triệu đồng để mua sắm nông cụ, mua cây giống, con giống nhằm chuyển đổi nghề nghiệp. 103 hộ nghèo khác được vay vốn với số tiền hơn 1,5 tỷ đồng để làm ăn.

* Tháo gỡ những vướng mắc

Phó chủ tịch UBND huyện Định Quán Nguyễn Thị Diễm Châu cho hay, những hộ nghèo trên địa bàn huyện thực sự là những hộ rất khó khăn do thiếu sức lao động, dân trí thấp, con đông, hay đau ốm, thiếu vốn, thiếu tư liệu sản xuất... Mặt khác, một số hộ nghèo còn thiếu ý thức vươn lên, trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước nên công tác giảm nghèo gặp phải không ít khó khăn.

Do đó, thời gian tới huyện đề xuất các bộ, ngành trung ương tiếp tục nghiên cứu và đề xuất Chính phủ các chính sách về hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân sao cho sát thực tế. Việc hỗ trợ các hộ nghèo nên tính toán để kết quả giảm nghèo bền vững. Trong đó, nên hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế cho 100% người dân đồng bào dân tộc thiểu số và hộ cận nghèo; đẩy mạnh cho vay tín dụng, hỗ trợ giáo dục, dạy nghề cho người nghèo. Còn những chính sách mang tính trợ cấp như: hỗ trợ tiền điện, hỗ trợ tiền Tết... cho người nghèo nên giảm dần để tránh sự trông chờ, ỷ lại và không muốn ra khỏi danh sách hộ nghèo của một bộ phận người nghèo.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh, các địa phương cần rà soát lại các tiêu chí để xét duyệt hộ nghèo, tránh tình trạng người nghèo thật nhưng không được đưa vào danh sách hộ nghèo bởi thành tích xây dựng nông thôn mới. Cần phải có sự công tâm trong bình xét hộ nghèo để đưa ra những giải pháp, chính sách hỗ trợ người nghèo vươn lên, thoát nghèo bền vững. Ngoài ra, việc thực hiện các mô hình giảm nghèo còn nhiều chồng chéo, nhất là giữa dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo và dự án khuyến nông phát triển sản xuất cho người nghèo. Những đơn vị chủ quản cần ngồi lại với nhau để bàn cách thực hiện sao cho có hiệu quả hơn.

Chủ tịch UBND huyện Tân Phú Võ Tuấn Dũng thì đề nghị cần đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông về giảm nghèo để nâng cao kiến thức, thay đổi nhận thức của người nghèo. Đồng thời có những giải pháp để huy động tổng hợp nhiều nguồn lực thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, trong đó cần phát huy nguồn lực của cộng đồng và chính bản thân các hộ nghèo.

Hạnh Dung

Tin xem nhiều