Báo Đồng Nai điện tử
En

Thấm nhuần sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc

09:03, 17/03/2019

Đối với MTTQ Việt Nam, 2019 là năm có ý nghĩa đặc biệt: các cấp tổ chức đại hội nhiệm kỳ 2019-2024. Đây là đợt sinh hoạt chính trị - xã hội rộng lớn, thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân. Ở Đồng Nai, đại hội cấp cơ sở hiện đã hoàn tất và đã có gần một nửa đơn vị cấp huyện đến nay đại hội. Qua theo dõi, khẩu hiệu cũng là chủ đề của đại hội các cấp luôn có những cụm từ chủ yếu: Đoàn kết, Dân chủ, Đồng thuận, Phát triển.

Đối với MTTQ Việt Nam, 2019 là năm có ý nghĩa đặc biệt: các cấp tổ chức đại hội nhiệm kỳ 2019-2024. Đây là đợt sinh hoạt chính trị - xã hội rộng lớn, thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân. Ở Đồng Nai, đại hội cấp cơ sở hiện đã hoàn tất và đã có gần một nửa đơn vị cấp huyện đến nay đại hội. Qua theo dõi, khẩu hiệu cũng là chủ đề của đại hội các cấp luôn có những cụm từ chủ yếu: Đoàn kết, Dân chủ, Đồng thuận, Phát triển.

Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh họp mặt chức sắc, tu sĩ tôn giáo dịp Tết Kỷ Hợi 2019
Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh họp mặt chức sắc, tu sĩ tôn giáo dịp Tết Kỷ Hợi 2019

* Không từ nào quan trọng hơn đoàn kết?

Điều này quả rất đúng trong lý luận lẫn thực tiễn. Luật MTTQ Việt Nam (2015) xác định Mặt trận là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Ở Việt Nam, ngoài Mặt trận, không có bất kỳ tổ chức nào đóng vai trò đó. Bởi vậy, trong số 7 quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam được pháp luật quy định, số một là “tập hợp, xây dựng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội” và sau chương đầu tiên về “Những quy định chung”, chương kế tiếp của Luật MTTQ Việt Nam là “Tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.

Vì sao đối với MTTQ Việt Nam, không từ nào quan trọng hơn đoàn kết? Người thanh niên Nguyễn Tất Thành đi tìm đường cứu nước cũng có nghĩa là đi tìm một nguồn sức mạnh để đoạt lấy độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân. Và, ngay từ những năm 20 của thế kỷ trước, Nguyễn Tất Thành nhận thức: “Đoàn kết... là vấn đề mà tôi quan tâm hơn hết và do đó mà tôi đã tìm ra được con đường đúng”. Từ đó trở đi, Bác Hồ đã liên tục đúc kết kinh nghiệm của dân tộc và nhân loại: “Đoàn kết là sức mạnh/ Đoàn kết là thắng lợi... là then chốt của thành công/ Đoàn kết là điểm mẹ. Điều này mà thực hiện tốt thì đẻ ra con cháu đều tốt/ Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”.

* Đại đoàn kết trên cơ sở nào?

Trong một gia đình, anh em ruột thịt, tâm tính mỗi người đã khác nhau huống chi cả đất nước, cả dân tộc. Vậy, đại đoàn kết toàn dân tộc trên cơ sở nào? Không ít lần Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn cán bộ, phải đi tìm cái chung, cái đồng nhất giữa các cá nhân, cộng đồng để cố kết. Người nói: “Năm ngón tay cũng có ngón vắn, ngón dài. Nhưng vắn dài đều họp nhau lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này người thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta... đã là con Lạc cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc”. “Con Lạc cháu Hồng”, “dòng dõi của tổ tiên” là điểm chung. Thuở nước mất nhà tan, cùng nhau đấu tranh cho độc lập, tự do là cơ sở của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Khi đất nước bị chia cắt làm 2 miền, khát vọng chung của mọi người Việt Nam yêu nước là hòa bình, thống nhất, độc lập. Những ngày đau thương đó, Bác Hồ đã kêu gọi: “Từ Nam đến Bắc, ai là người tán thành hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, thì chúng ta sẵn sàng đoàn kết với họ, thật thà hợp tác với họ, thật sự đoàn kết với họ, dù từ trước đến nay họ đã theo phe phái nào”.

Ngày nay, đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã xác định: “… lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” làm điểm tương đồng; tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia - dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước, tăng cường quan hệ mật thiết giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước, tạo sinh lực mới của khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.

Quan điểm đó không chỉ xác định cơ sở, mục tiêu mà cả phương thức xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời kỳ mới.

Cách đây 84 năm trên tờ báo Thanh Niên số đầu tiên, ra ngày 21-6-1925, Hồ Chí Minh đã viết: “Để dẫn dắt nhân dân làm một sự nghiệp vĩ đại cần phải có một sức lãnh đạo, sức lãnh đạo đó không phải có một vài người thôi, mà phát sinh ra từ sự hiệp lực của cả hàng ngàn người, hàng vạn người. Muốn vậy, họ phải đoàn kết chặt chẽ với nhau, phải cùng một ý chí như nhau, phải nuôi một kỳ vọng giống nhau. Nếu không, dẫu có hô hào đoàn kết mấy đi nữa thì cũng không thể nào đoàn kết được… Những người cách mạng phải đoàn kết với nhau để thực hiện sự nghiệp đó”. Trước lúc đi xa, Người mong mỏi: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”. Đặc biệt, Người căn dặn “phải giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.

Trong hệ thống chính trị nước ta, Đảng vừa lãnh đạo Mặt trận, vừa là một thành viên của Mặt trận. Nội bộ Đảng không có sự đoàn kết, Đảng không thể “làm gương” và lãnh đạo Mặt trận xây dựng được khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Trong đợt sinh hoạt chính trị - xã hội rộng lớn của MTTQ Việt Nam năm nay, chúng ta càng phải thấm nhuần hơn nữa tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc để cùng xây dựng, vun đắp cho “nước Việt Nam là nước chung của chúng ta” và dù “Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt” (Hồ Chí Minh).

15-3-2019

Bùi Quang Huy

Tin xem nhiều