Báo Đồng Nai điện tử
En

Nâng chất các cuộc giám sát và phản biện xã hội

10:02, 27/02/2019

Công tác giám sát và phản biện xã hội tuy đạt những kết quả tích cực nhưng vẫn còn không ít những tồn tại, hạn chế.

Công tác giám sát và phản biện xã hội tuy đạt những kết quả tích cực nhưng vẫn còn không ít những tồn tại, hạn chế.

Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức phản biện dự thảo Nghị quyết HĐND tỉnh về chế độ, chính sách, số lượng cán bộ trung tâm văn hóa, thể thao, học tập cộng đồng cấp xã, nhà văn hóa ấp, tháng 11-2018
Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức phản biện dự thảo Nghị quyết HĐND tỉnh về chế độ, chính sách, số lượng cán bộ trung tâm văn hóa, thể thao, học tập cộng đồng cấp xã, nhà văn hóa ấp, tháng 11-2018

Phó chủ tịch thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bùi Quang Huy nhận xét, Đồng Nai có 11 đơn vị cấp huyện và 171 đơn vị cấp xã, nhưng có nơi làm tốt công tác giám sát, phản biện xã hội, nơi làm không đáng kể.

* Tránh hình thức

Ông Bùi Quang Huy cho rằng sau giám sát MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội có rất nhiều ý kiến kiến nghị gửi cơ quan được giám sát và cơ quan chức năng nhưng ít nhận được phản hồi. Bên cạnh đó, hiện nay có nhiều cuộc giám sát do MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trực tiếp làm và phối hợp thực hiện. Điều này khó tránh khỏi sự chồng chéo về nội dung giám sát. Giám sát nhiều nhưng sai phạm của các ngành, đơn vị, địa phương chưa giảm. Như vậy là giám sát hình thức, giám sát không phát hiện được sai phạm.

Tại Hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Quyết định 217 và 218 của Bộ Chính trị khóa XII về giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của hệ thống MTTQ các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội vừa diễn ra ở Hà Nội, Ban thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết sẽ tiếp tục rà soát các quy định còn bất cập trong các văn bản của Đảng, Nhà nước để đề xuất, kiến nghị phương hướng sửa đổi, bổ sung hoàn thiện cơ chế giám sát, phản biện xã hội của MTTQ trong tình hình mới.

Trong hệ thống Mặt trận, có nơi nhận thức về giám sát và phản biện xã hội chưa rõ, còn nhầm lẫn giữa góp ý với phản biện; giữa giám sát của Mặt trận với giám sát của cơ quan quyền lực của Đảng và Nhà nước. “Trong toàn bộ hệ thống Mặt trận cần tổ chức tập huấn lại một cách sâu sắc về giám sát, phản biện xã hội để không nhận thức mơ hồ về việc này; đồng thời phải đề cao vai trò người đứng đầu các cuộc giám sát, phản biện xã hội để có được những cuộc giám sát, phản biện có chất lượng” - ông Bùi Quang Huy nhấn mạnh.

Trong khi đó luật sư Nguyễn Đức, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh, Phó chủ tịch Hội đồng tư vấn dân chủ, pháp luật Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đề xuất, nên có cơ chế thuê chuyên gia tư vấn các dự án kinh tế, khoa học kỹ thuật. Ở Đồng Nai chưa phản biện được dự án nào về kinh tế, khoa học kỹ thuật. Trong nhận thức của một số ngành không muốn Mặt trận can thiệp sâu vào công việc của họ. Nhưng có rất nhiều việc cần phải tư vấn dân chủ pháp luật và phản biện xã hội để khi chính sách được ban hành, dân bớt khiếu nại. Đồng thời cần phải thay đổi quy định, không phải vấn đề nào được yêu cầu phản biện thì Mặt trận mới phản biện mà những vấn đề liên quan đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân, đến sự phát triển kinh tế địa phương, đất nước, liên quan đến thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước… thì Mặt trận phải đề nghị cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng cung cấp dự thảo để phản biện.

* Chú trọng xử lý các kiến nghị sau giám sát

Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Nhơn Trạch Nguyễn Thanh Hòa mong muốn cấp ủy quan tâm chỉ đạo các cơ quan đơn vị liên quan giải quyết những kiến nghị của Mặt trận và đoàn thể chính trị - xã hội sau giám sát. Qua giám sát, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội thấy và phát hiện được những tồn tại, hạn chế của cơ quan nhà nước nhưng có lúc cán bộ Mặt trận và đoàn thể còn ngại góp ý do nể nang, né tránh, ngại va chạm. Nhưng khi góp ý, kiến nghị thì ít nhận được phản hồi từ cơ quan nhà nước; có nơi phản hồi lại thông qua điện thoại nên có lúc hiệu quả giám sát chưa cao.

Còn Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bùi Thị Liễu cho rằng, yếu tố quan trọng nhất trong việc nâng cao chất lượng các cuộc giám sát và phản biện xã hội là trình độ năng lực và bản lĩnh của cán bộ Mặt trận. Do đó, phải đào tạo được đội ngũ cán bộ Mặt trận có kiến thức chuyên môn ở nhiều lĩnh vực thì qua giám sát mới phát hiện được vấn đề; đồng thời phải xây dựng được đội ngũ cán bộ tâm huyết với công việc, chịu khó “nhảy” vào cuộc, tìm hiểu kỹ các vấn đề thì sẽ ra việc.

Quỳnh Trang

Tin xem nhiều