Báo Đồng Nai điện tử
En

Hiệu quả từ giám sát, phản biện xã hội

10:02, 27/02/2019

Nhận thấy có dấu hiệu bất thường, rút ruột tiền hỗ trợ từ ngân sách tỉnh dành cho người dân bị mất mùa xoài và điều do ảnh hưởng của thời tiết năm 2017, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Thanh Sơn (huyện Định Quán) đã lập đoàn giám sát.

Nhận thấy có dấu hiệu bất thường, rút ruột tiền hỗ trợ từ ngân sách tỉnh dành cho người dân bị mất mùa xoài và điều do ảnh hưởng của thời tiết năm 2017, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Thanh Sơn (huyện Định Quán) đã lập đoàn giám sát.

Đồng chí Nguyễn Phú Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh gặp gỡ, đối thoại với thanh niên
Đồng chí Nguyễn Phú Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh gặp gỡ, đối thoại với thanh niên

Qua giám sát đã phát hiện nhiều sai phạm.

* Kịp thời phát hiện những sai phạm

 Sau khi giám sát, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Thanh Sơn đã phát hiện đất của hàng chục hộ dân không nằm trong diện được hỗ trợ nhưng vẫn được xác nhận diện tích thiệt hại để có tên trong danh sách hỗ trợ; có hộ đến thời điểm giám sát vẫn không được nhận tiền hỗ trợ; có hộ thì bị cấp thiếu tiền hỗ trợ…

Thực hiện Quyết định 217 và 218 của Bộ Chính trị khóa XI, trong những năm qua MTTQ các cấp ở Đồng Nai đã chủ trì, phối hợp cùng các tổ chức chính trị - xã hội và các ngành chức năng tiến hành hơn 10 ngàn cuộc giám sát và phản biện xã hội.

Đoàn giám sát Ủy ban MTTQ Việt Nam xã đã kiến nghị phải xử lý bộ phận chi trả tiền hỗ trợ nông dân mất mùa từ ngân sách tỉnh. Vụ việc sau đó được chuyển về huyện để thanh tra, kiểm tra nhằm làm rõ và xử lý sai phạm.

Từ những sai phạm ở xã Thanh Sơn, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Định Quán đã giám sát các xã còn lại của huyện. Kết quả đã phát hiện một số trường hợp trùng họ, trùng tên, trùng địa chỉ người được nhận tiền hỗ trợ mất mùa, từ đó Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện kiến nghị thu hồi tiền hỗ trợ về cho ngân sách tỉnh.

Ban thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam 30 phường, xã của TP.Biên Hòa thời gian qua đã thực hiện được 57 cuộc giám sát với 62 nội dung, bao gồm: giám sát các tổ chức ở địa phương; giám sát cán bộ, đảng viên, đại biểu dân cử, công chức, viên chức… Qua giám sát phát hiện 52 trường hợp là cán bộ, đảng viên vi phạm ở một số nội dung, trong đó có 8 đảng viên sinh con thứ 3 và 4. Các ban thanh tra nhân dân và ban giám sát đầu tư cộng đồng ở phường, xã phát hiện được 33 trường hợp vi phạm trong thực hiện các công trình, dự án ở phường, xã. Từ đó đã kiến nghị chủ đầu tư, nhà thầu tháo dỡ, xử lý khắc phục những sai phạm, thiếu sót để nâng cao chất lượng các công trình, dự án được triển khai ở một số phường như: Long Bình Tân, Tân Phong…

Theo Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bùi Thị Liễu, thực hiện Quyết định 217, ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị về ban hành quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, đến nay MTTQ các cấp ở Đồng Nai đã chủ trì và phối hợp thực hiện hàng ngàn cuộc giám sát và phản biện xã hội về thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước ở các tổ chức, cá nhân có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân. Trong đó, đã giám sát việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng ở tất cả các đơn vị cấp huyện; về thực hiện chế độ chính sách, chương trình dự án liên quan đến công tác dân tộc; tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo; đào tạo nghề nông thôn; chất lượng bữa ăn giữa ca và chế độ chính sách cho người lao động trong doanh nghiệp…

* Kiến nghị giải quyết những vấn đề chính đáng

Sau giám sát, MTTQ các cấp và các đoàn thể chính trị - xã hội đã tập hợp nhiều ý kiến kiến nghị để đề xuất với cơ quan có thẩm quyền giải quyết những vấn đề nổi cộm ở cơ quan đơn vị, địa phương và của nhân dân, góp phần xây dựng các chính sách phù hợp điều kiện thực tế của địa phương, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng và chính quyền.

Chẳng hạn như sau giám sát kết quả triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (BHYT) tại huyện Định Quán, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và cơ quan liên quan nhận thấy công tác tuyên truyền Luật Bảo hiểm y tế từ huyện đến xã tuy có làm nhưng chưa hiệu quả, nhận thức của người dân về BHYT chưa cao, chưa hiểu hết quyền lợi và trách nhiệm cá nhân khi tham gia BHYT. Do vậy, còn một bộ phận có tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước và địa phương, không chủ động tham gia BHYT. Chất lượng khám chữa bệnh ở một số cơ sở y tế chưa tốt, thái độ phục vụ bệnh nhân chưa cao nên người dân chưa mặn mà tham gia BHYT. Cơ quan Bảo hiểm xã hội nên phối hợp các ngành liên quan có cách thức tuyên truyền và nghiên cứu để nâng cao mức hưởng lợi từ BHYT, BHXH để ngày càng có nhiều người tham gia.

Làm việc tại Đồng Nai dịp cuối năm 2018, Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn dân chủ và pháp luật của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Duy Thường cho biết, Đảng và Nhà nước vừa giao thêm cho MTTQ việc giám sát, phản biện xã hội cũng là để nâng cao vị thế của Mặt trận. Muốn nâng cao vị thế của Mặt trận, Mặt trận phải làm tốt, làm thực chất, kiên trì, đến nơi đến chốn các công việc được giao để không bị nói là hành chính hóa.

Sau giám sát, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cũng kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan tiếp tục tuyên truyền cho nhân dân, doanh nghiệp hiểu biết về vệ sinh an toàn thực phẩm, qua đó phát huy tính trung thực, đạo đức kinh doanh, ý thức trách nhiệm vì cộng đồng trong từng cơ sở sản xuất kinh doanh, từng hộ gia đình và từng người dân để đảm bảo an toàn thực phẩm.

Qua giám sát, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội còn kiến nghị cơ quan chức năng nghiên cứu có hướng giải quyết đối với những trường hợp là người có công với cách mạng nhưng không đủ giấy tờ để xác minh theo quy định. Để được thụ hưởng chính sách này, người có công với cách mạng phải có nhân chứng cùng hoạt động xác nhận hoặc có giấy tờ chứng minh hoạt động thì mới được coi là hợp pháp. Tuy nhiên, nhiều người trong quá trình hoạt động đã bị thất lạc giấy tờ hoặc đến nay đơn vị đã giải tán, đồng đội đã hy sinh hoặc mất nên khó có đầy đủ giấy tờ xác minh theo quy định để được hưởng chính sách.

Bên cạnh thực hiện các cuộc giám sát, MTTQ các cấp đã tiến hành hàng chục cuộc phản biện xã hội về dự thảo báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, xã nhiệm kỳ 2015-2020; dự thảo nghị quyết HĐND về chế độ chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã; mức hỗ trợ các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; mục tiêu và các giải pháp thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của địa phương…

Qua các ý kiến phản biện của MTTQ các cấp, đến nay một số chính sách của tỉnh và huyện, xã đã được ban hành, nhận được sự ủng hộ, đồng tình rất lớn của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Cụ thể như Nghị quyết của HĐND tỉnh về chế độ chính sách cho người hoạt động không chuyên trách cấp xã, nay đội ngũ này đã được hưởng lương theo bằng cấp chuyên môn, thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc và BHYT theo quy định, thay vì chỉ được hưởng phụ cấp như trước đây, từ đó đã động viên đội ngũ này yên tâm làm việc ở cơ sở.

MTTQ các cấp còn tổ chức các hội nghị góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và phối hợp tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân. Trong đó từ năm 2016 đến nay, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường đã có 4 lần đối thoại với nhân dân về vấn đề ngập nước ở TP.Biên Hòa; về tranh chấp đất đai của người dân ở TX.Long Khánh; về việc sửa chữa, nâng cấp chợ Sặt (TP.Biên Hòa) và đối thoại với thanh niên.

Việc đối thoại của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy với nhân dân là một việc làm từ trước đến nay mới được thực hiện, từ đây đã tạo được lòng tin rất lớn của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, phát huy được tinh thần của nhân dân trong tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh.

Phương Hằng

 

Tin xem nhiều