Báo Đồng Nai điện tử
En

Dấu son còn mãi

10:11, 30/11/2018

Đã 62 năm kể từ ngày diễn ra Cuộc nổi dậy phá khám Tân Hiệp, nhưng sự kiện lịch sử phá nhà lao trở về với cách mạng do các tù chính trị thực hiện ngày 2-12-1956 vẫn là niềm tự hào của những người trong cuộc...

Đã 62 năm kể từ ngày diễn ra Cuộc nổi dậy phá khám Tân Hiệp, nhưng sự kiện lịch sử phá nhà lao trở về với cách mạng do các tù chính trị thực hiện vào ngày 2-12-1956 vẫn là niềm tự hào của những người trong cuộc và các thế hệ tiếp nối. 

Đài tưởng niệm Cuộc nổi dậy phá khám Tân Hiệp.
Đài tưởng niệm Cuộc nổi dậy phá khám Tân Hiệp.

Hằng năm cứ đến ngày 2-12, những cựu tù chính trị và thanh niên, học sinh lại cùng có mặt tại khuôn viên cũ của Nhà lao Tân Hiệp, nay là Khu di tích Nhà lao Tân Hiệp (phường Tân Tiến, TP.Biên Hòa) để cùng nhau ôn lại một thời đau thương nhưng hào hùng, tưởng nhớ đến những người đã ngã xuống cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

* Mốc son của những người tù yêu nước

Theo hồ sơ xếp hạng di tích được Ban Quản lý di tích tỉnh thực hiện đề nghị xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1994 đối với Nhà lao Tân Hiệp, Nhà lao Tân Hiệp được xây dựng tại ấp Tân Hiệp, xã Bình Trước, quận Đức Tu, tỉnh Biên Hòa (nay thuộc phường Tân Tiến, TP.Biên Hòa).

Tháng 3-1945, sau khi phát xít Nhật tiến hành đảo chính và lật đổ thực dân Pháp, chúng đã cho xây dựng tại đây một đồn nhỏ để kiểm soát quốc lộ 1 đoạn qua Biên Hòa. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thực dân Pháp tái chiếm Biên Hòa và củng cố, mở rộng đồn, bắt đầu biến nơi đây thành trại giam của tỉnh Biên Hòa. Sau năm 1954, đế quốc Mỹ thay chân thực dân Pháp và cải tạo đồn lính này thành Nhà lao Tân Hiệp với sức chứa khoảng 500 phạm nhân.

Trong tháng 12-2018, tại Khu di tích Nhà lao Tân Hiệp, tập thể chiến sĩ cách mạng Nhà lao Tân Hiệp sẽ đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Tuy nhiên, số lượng phạm nhân bị địch giam giữ tại đây lớn hơn gấp nhiều lần so với thiết kế ban đầu. Theo sách Cuộc nổi dậy phá khám Tân Hiệp ngày 2-12-1956 của Nhà xuất bản Đồng Nai (tái bản lần thứ 1) năm 2011 có ghi: “Đến trước ngày 2-12-1956, nhà tù Tân Hiệp có 1.872 người bị giam giữ. Phần lớn trong số này là những người yêu nước và các chiến sĩ cộng sản bị chúng bắt qua các trận càn quét lớn nhỏ từ miền Đông đến miền Tây Nam bộ, đưa về đây để chúng điều tra, phân loại trước khi đưa qua các nhà tù khác ở đất liền hoặc đày ra Côn Đảo, Phú Quốc...”.

Theo Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học - kỹ thuật tỉnh ThS.Trần Quang Toại, lúc bấy giờ hệ thống nhà tù là công cụ để chế độ Mỹ - Diệm khuất phục ý chí, tinh thần của những người hoạt động cách mạng, người Việt Nam yêu nước đấu tranh vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Còn theo bà Trần Thị Hòa, Chủ tịch Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh Đồng Nai, người từng bị giam giữ tại Nhà lao Tân Hiệp sau đó bị địch đưa ra Côn Đảo thì bản chất thực sự của Nhà lao Tân Hiệp là được địch sử dụng làm một trạm trung chuyển để phân loại tù nhân đưa đi các nhà tù Côn Đảo, Phú Quốc... Người tù cách mạng khi bị địch đưa ra Côn Đảo, Phú Quốc là xác định không có ngày trở về. Do vậy mà những người cách mạng yêu nước tại đây luôn nung nấu ý chí vượt ngục trở về hoạt động cách mạng.

Là người trực tiếp tham gia vào Cuộc nổi dậy phá khám Tân Hiệp ngày 2-12-1956, ông Lê Kim Tiến (ngụ ấp Trung Tâm, xã Xuân Lập, TX.Long Khánh) nhớ lại: đầu năm 1956, khi mới 23 tuổi trong một lần đi công tác ông bị địch bắt và đưa về giam tại Nhà lao Tân Hiệp. Khi biết Đảng ủy nhà tù có chủ trương phá nhà lao trở về với cách mạng, ông cùng những đồng chí chuẩn bị mọi việc cần thiết để vượt ngục.

Người cựu tù chính trị vừa bước qua tuổi 87 đời, 53 năm tuổi Đảng vẫn nhớ như in diễn biến của sự kiện lịch sử cách đây 62 năm, khi tên lính trực vừa đánh kẻng báo hiệu cho tù nhân vào trại lúc 17 giờ 50 phút cũng là lúc các tù nhân bắt đầu phá khám. Theo sự phân công từ trước, mọi người nhanh chóng tiến đến các mục tiêu để khống chế binh lính nhà tù, tịch thu súng, chạy về phía cổng nhà lao.

Sau này khi đọc các tài liệu liên quan cũng như nghe đồng đội kể lại, ông Lê Kim Tiến mới biết Cuộc nổi dậy phá khám Tân Hiệp chỉ diễn ra trong vòng 40 phút nhưng đã tạo nên một mốc son chói lọi của phong trào cách mạng Việt Nam. Tuy đã có những mất mát hy sinh khi 22 đồng đội đã vĩnh viễn ngã xuống trong quá trình phá khám, song cũng từ cuộc phá nhà lao này mà gần 500 chiến sĩ đã trở về với cách mạng, với nhân dân để tiếp tục tham gia đấu tranh giành độc lập cho dân tộc, đất nước mà ông là một trong số đó.

* “Địa chỉ đỏ” của thế hệ trẻ

Sau ngày đất nước thống nhất cuộc nổi dậy phá khám Tân Hiệp không chỉ là dấu ấn, kỷ niệm của riêng những người cựu tù chính trị từng bị địch giam cầm tại đây trong kháng chiến mà còn là dấu son chói lọi trong lịch sử cách mạng của dân tộc. Minh chứng rõ nét nhất là năm 1994, nơi đây được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.

Các cựu tù chính trị cùng nhau trò chuyện trong ngày gặp mặt tại lễ kỷ niệm 60 năm Cuộc nổi dậy phá khám Tân Hiệp (2-12-1956 – 2-12-2016).
Các cựu tù chính trị cùng nhau trò chuyện trong ngày gặp mặt tại lễ kỷ niệm 60 năm Cuộc nổi dậy phá khám Tân Hiệp (2-12-1956 – 2-12-2016).

Để thể hiện niềm tự hào, lòng biết ơn đối với những cán bộ, chiến sĩ cách mạng từng bị địch giam cầm tại Nhà lao Tân Hiệp, đặc biệt là tôn vinh tinh thần chiến đấu của người tù cách mạng qua cuộc vượt ngục diễn ra vào ngày 2-12-1956, năm 2013 Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đồng Nai đã thực hiện việc trùng tu, tôn tạo di tích Nhà lao Tân Hiệp. Việc thực hiện công trình được sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh, có tiếp thu ý kiến của các cựu tù chính trị với mục tiêu cao nhất là sau khi hoàn thành vừa bảo tồn được những gì còn sót lại của Nhà lao Tân Hiệp trước đây vừa trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Đến ngày 2-12-2016, đúng vào dịp diễn ra lễ kỷ niệm 60 năm Cuộc nổi dậy phá khám Tân Hiệp, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đồng Nai long trọng tổ chức khánh thành di tích này. Tổng kinh phí thực hiện công trình là hơn 24 tỷ đồng, trong đó nguồn xã hội hóa gần 3,5 tỷ đồng, còn lại từ nguồn ngân sách.

Không chỉ là nơi những cựu tù chính trị ôn lại truyền thống, gặp gỡ trong mỗi dịp kỷ niệm, Khu di tích Nhà lao Tân Hiệp còn là “địa chỉ đỏ” để thanh niên, học sinh trong tỉnh tìm về sinh hoạt. Theo thống kê của Ban Quản lý di tích tỉnh, từ đầu năm 2018 đến nay đã có khoảng 4 ngàn người đến tham quan di tích mà phần đông là học sinh, đoàn viên thanh niên. Có nhiều trường học chọn nơi đây là địa điểm tổ chức lễ kết nạp đoàn viên mới. Gần đây nhất, Tỉnh đoàn, Sở GD-ĐT, Sở Lao động - thương binh và xã hội đã cùng phối hợp tổ chức chương trình Hành trình về địa chỉ đỏ cho hơn 1 ngàn học sinh, đoàn viên, giáo viên tại di tích này.

Theo anh Võ Văn Trung, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Đội tỉnh, Khu di tích Nhà lao Tân Hiệp được Ban tổ chức Hành trình về địa chỉ đỏ chọn là địa điểm sinh hoạt cho học sinh, đoàn viên vì đây là nơi thể hiện lòng yêu nước, tinh thần đấu tranh bất khuất của các thế hệ cha anh trong thời kỳ kháng chiến. Sau mỗi đợt sinh hoạt tại đây, mỗi học sinh, đoàn viên đều có những bài cảm nhận về địa điểm này.

Sáng ngày 2-12, Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh và Tỉnh đoàn phối hợp tổ chức họp mặt, nói chuyện truyền thống nhân kỷ niệm 62 năm Cuộc nổi dậy phá khám Tân Hiệp (2-12-1956 - 2-12-2018). Trong chương trình, 200 cán bộ, đoàn viên, thanh niên và học sinh đại diện cho gần 400 ngàn đoàn viên, thanh niên trong tỉnh cùng nhau dâng hương, dâng hoa tại di tích Nhà lao Tân Hiệp. Cũng tại đây, cán bộ, đoàn viên, thanh niên trong tỉnh được nghe bà Trần Thị Hòa, Chủ tịch Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh, nói chuyện về lịch sử của Cuộc phá khám Tân Hiệp cách đây 62 năm.

Nguyễn Tuyết - Võ Tuyên

Tin xem nhiều