Báo Đồng Nai điện tử
En

Xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ

07:10, 11/10/2018

Sáng 10-10, Ban TVTU đã tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt toàn tỉnh để thảo luận dự thảo các kế hoạch của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết hội nghị Trung ương 7 (khóa XII).

Sáng 10-10, Ban TVTU đã tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt toàn tỉnh để thảo luận dự thảo các kế hoạch của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết hội nghị Trung ương 7 (khóa XII).

Đồng chí Phạm Văn Ru, Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy chủ trì thảo luận tổ tại hội trường Tỉnh ủy.
Đồng chí Phạm Văn Ru, Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy chủ trì thảo luận tổ tại hội trường Tỉnh ủy. Ảnh: Khánh Lộc

Các đại biểu dự hội nghị đã chia thành 3 tổ do các đồng chí Ủy viên Ban TVTU: Phạm Văn Ru, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy; Võ Văn Chánh, Phó chủ tịch UBND tỉnh và Trần Văn Vĩnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng, tiến hành thảo luận 3 dự thảo Kế hoạch của Tỉnh ủy về thực hiện 3 nghị quyết của Trung ương gồm: Nghị quyết 26 về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; Nghị quyết 27 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp; Nghị quyết 28 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.

Xem Video Clip

Ý kiến thảo luận tại các tổ cơ bản nhất trí với các nội dung đã được nêu trong dự thảo Kế hoạch của Tỉnh ủy; đồng thời đóng góp bổ sung thêm từ thực tiễn ở địa phương, đặc biệt là giải pháp tổ chức thực hiện có kết quả các nghị quyết của Trung ương, nhất là nghị quyết về công tác cán bộ các cấp trong những năm tới.

* Tuyên truyền để nhận thức tốt

Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy Phạm Văn Ru cho biết, có những mục tiêu đề ra đến năm 2030 phải thực hiện xong, nên ngay từ bây giờ phải nỗ lực thực hiện, nếu không khó đạt yêu cầu đề ra. Bên cạnh đó, do có nhiều đổi mới về công tác cán bộ để đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn hiện nay nên phải thực hiện chặt chẽ quy định, quy trình về tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ. Dù quy định tới đây, bí thư cấp ủy cấp huyện không là người địa phương, nhưng địa phương vẫn phải tiến hành công tác quy hoạch cán bộ…

Trong dự thảo Kế hoạch của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của Trung ương có đề ra mục tiêu cụ thể là đến năm 2020 đẩy mạnh thực hiện chủ trương bí thư cấp ủy huyện không là người địa phương; đến năm 2025 hoàn thành bố trí bí thư cấp ủy huyện không là người địa phương, khuyến khích thực hiện đối với các chức danh khác. Đến năm 2030, đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh đảm bảo tỷ lệ cấp ủy viên dưới 40 tuổi theo quy định; có từ 15-20% cán bộ quản lý cấp tỉnh dưới 40 tuổi; từ 25-35% cán bộ đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế, trong đó các ngành trực tiếp làm việc với nước ngoài như: ngoại vụ, văn phòng UBND, kế hoạch - đầu tư, tài chính, ban quản lý các khu công nghiệp, ban quản lý khu công nghệ cao, thuế, hải quan tối thiểu phải đạt 40%.

Đối với cấp huyện, đảm bảo tỷ lệ cán bộ trẻ (dưới 35 tuổi) trong cấp ủy huyện theo quy định và có cán bộ trẻ trong các đảng ủy trực thuộc tỉnh; từ
20-25% cán bộ lãnh đạo chủ chốt và cấp ủy viên ban thường vụ cấp ủy huyện dưới 40 tuổi.

Đối với cấp ủy cơ sở, đảm bảo tỷ lệ cán bộ trẻ (dưới 35 tuổi) trong cấp ủy theo quy định; 100% cán bộ chuyên trách cấp xã có trình độ chuyên môn cao đẳng trở lên và được chuẩn hóa về lý luận chính trị, nghiệp vụ, kỹ năng công tác.

Tỷ lệ nữ cấp ủy viên cấp tỉnh, huyện đạt từ 20-25%; cấp cơ sở là 25%. Tỷ lệ nữ là đại biểu HĐND cấp huyện là trên 35%. Ở những địa bàn có đồng bào dân tộc thiểu số phải có cán bộ lãnh đạo là người dân tộc thiểu số phù hợp với cơ cấu dân cư.

Cùng với các mục tiêu trên, dự thảo đề ra các nhóm nhiệm vụ và giải pháp khá cụ thể, rõ ràng. Đóng góp thêm cho các giải pháp về thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW, Bí thư Huyện ủy Cẩm Mỹ Cao Văn Quang cho rằng phải thường xuyên quán triệt đến cán bộ, đảng viên, vì nghị quyết này liên quan trực tiếp đến quyền lợi cán bộ, đảng viên. Khi có nhận thức đúng đắn, nắm vững quan điểm mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của nghị quyết thì việc tổ chức thực hiện nghị quyết sẽ mang lại hiệu quả.

Các đại biểu thảo luận tổ dưới sự chủ trì của Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh.
Các đại biểu thảo luận tổ dưới sự chủ trì của Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh. Ảnh: Phương Hằng

Cùng ý kiến trên, Bí thư Huyện ủy Trảng Bom Phạm Xuân Hà cũng đề cao công tác tuyên truyền. Đồng chí cho rằng, trong dự thảo Kế hoạch của Tỉnh ủy nêu: “Thực hiện tốt phương châm “có lên, có xuống”, “có vào, có ra” trở thành việc bình thường trong bố trí, sử dụng cán bộ”. Để trở thành việc “bình thường” phải làm tốt công tác tuyên truyền. Vì thực tế hiện nay cứ “lên” là thích, còn đi “ngang” đã là khó chịu, chứ đừng nói đi “xuống”.

* Cho thôi chức vụ khi bị kỷ luật, năng lực yếu

Bí thư Huyện ủy Trảng Bom Phạm Xuân Hà cũng đề cập đến một nội dung trong dự thảo là: “Không điều động về các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, về địa phương hoặc sang địa phương khác những cán bộ bị kỷ luật, năng lực yếu, uy tín giảm sút”. Đồng chí Hà cho rằng đây là chủ trương đúng, nhưng giữ nguyên tại chỗ thì giải quyết ra sao? Theo đồng chí Hà, những trường hợp này nên cho thôi giữ chức vụ hoặc cho nghỉ.

Theo Bí thư Huyện ủy Vĩnh Cửu Trần Trung Nhân, con số 25-35%, thậm chí 40% cán bộ đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế là một tỷ lệ cán bộ khá lớn. Nguồn lực cán bộ của tỉnh có đáp ứng được điều này? Để thực hiện được mục tiêu cụ thể như dự thảo của Tỉnh ủy, phải có kế hoạch đào tạo chuyên môn, ngoại ngữ, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ các cấp…

Một vấn đề khác mà đồng chí Hà đề cập là, trong dự thảo kế hoạch nêu cần quan tâm bố trí cán bộ trẻ, nhưng các quy định khác về công tác cán bộ không tương thích nhau thì khó thực hiện. Ví dụ như hiện nay đang quy định cán bộ chủ chốt cấp trên phải kinh qua cán bộ chủ chốt cấp dưới. Vậy để tìm được một cán bộ trẻ thì phải kinh qua vị trí nọ, vị trí kia mới được bổ nhiệm lên cấp cao hơn. Do quy định như vậy nên khó tìm được cán bộ trẻ. Cái khó nữa là cán bộ giữ vị trí kéo dài. Cán bộ cấp huyện bổ nhiệm lần đầu là 45 tuổi, sau bổ nhiệm (nếu là nam) cán bộ này còn 15 năm công tác mới về hưu, nếu cán bộ này cứ “ngồi” ở vị trí đó suốt 15 năm thì lấy chỗ đâu cho cán bộ trẻ.

Đối với mục tiêu 25-35% cán bộ đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế, những ngành tiếp xúc trực tiếp với nước ngoài tối thiểu là 40%. Về điều này, Phó ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai Mai Văn Nhơn nêu vấn đề: “Phương pháp nào để kiểm định cán bộ đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế? Nên chăng phải xác định được các tiêu chí, ít ra thì phải có định tính sơ bộ thế nào là chuẩn cán bộ làm việc trong môi trường quốc tế”. Đồng chí Mai Văn Nhơn đưa ra kinh nghiệm: Khi doanh nghiệp muốn thu hút cán bộ có triển vọng vào các vị trí chủ chốt của doanh nghiệp, doanh nghiệp không coi trọng văn bằng, chứng chỉ, ngành học, họ chỉ cần năng động, sáng tạo, hội nhập tốt là tuyển dụng.

Trong khi đó, Giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Lê Kim Bằng cho rằng, chúng ta đặt nặng tiêu chuẩn, quy định về cán bộ, nhưng ngược lại các chế độ chính sách, việc tạo điều kiện cho cán bộ còn ít. Cho nên cần có thêm một số chính sách thu hút người tài vào bộ máy hệ thống chính trị.

Phương Hằng

 

 

 

Tin xem nhiều