Báo Đồng Nai điện tử
En

Bản lĩnh, vững vàng, nguyên tắc, nhân văn

08:10, 16/10/2018

Cán bộ kiểm tra của Đảng là lực lượng nòng cốt và là nhân tố quyết định việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp.

Cán bộ kiểm tra của Đảng là lực lượng nòng cốt và là nhân tố quyết định việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp.

Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy xã Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu) Võ Văn Thường chủ trì buổi họp của Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy xã.
Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy xã Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu) Võ Văn Thường chủ trì buổi họp của Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy xã.

Điều này đặt ra cho đội ngũ cán bộ kiểm tra các cấp tiếp tục phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn thử thách, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao để xứng đáng với niềm tin, sự kỳ vọng của Đảng và nhân dân.

* Không nể nang, né tránh

Bà Dương Thị Mỹ Châu, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Nhơn Trạch chia sẻ, hiện nay các văn bản hướng dẫn của Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát tương đối đồng bộ, toàn diện nhưng khi tiếp xúc với đối tượng kiểm tra, giám sát, nhất là những trường hợp từng là đồng chí của mình, nếu cán bộ kiểm tra không có bản lĩnh thì rất khó hoàn thành được nhiệm vụ.

Nguyên Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Trần Văn Tư cho biết, hiện nay vẫn có người chưa hiểu nên có suy nghĩ công tác kiểm tra, giám sát đi đến đâu, làm chỗ nào là đem lại những bất lợi, rủi ro cho tổ chức, cá nhân; công tác kiểm tra, giám sát là bới lông tìm vết, vạch lá tìm sâu… Đội ngũ cán bộ lãnh đạo và cán bộ làm công tác kiểm tra phải hết sức tránh suy nghĩ này, phải thấm nhuần tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát, nếu e dè, ngại va chạm, né tránh thì đến giai đoạn nào đó sẽ bộc lộ mặt trái, gây ra hệ lụy lớn. Mọi người phải biết chống lại cái sai, không làm theo cái sai để bớt rủi ro cho tổ chức, cho bản thân. Khi có sai phạm thì phải xử lý nghiêm để Đảng thực sự vững mạnh, dân có niềm tin.

“Làm nghề kiểm tra thường phải va chạm với người khác. Trước đây có người từng làm chung với mình, bây giờ họ lại vi phạm, là đối tượng kiểm tra, đứng trước tình huống này, tôi cứ làm hết trách nhiệm, phân tích cho họ hiểu để họ thấy được cái sai mà sửa chữa, chứ không phải vì nể nang mà né tránh hoặc xử lý nhẹ. Ai sai đến đâu thì xử lý đến đó, xử đúng tính chất mức độ vi phạm” - bà Dương Thị Mỹ Châu nói.

 Để phát huy hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, ủy ban kiểm tra và đội ngũ cán bộ kiểm tra phải có tính độc lập, không bị chi phối từ một cơ quan, đơn vị nào trong quá trình giải quyết vụ việc. Có như thế ngành kiểm tra mới gọi là cơ quan “gác cửa” của cấp ủy, của Đảng, khẳng định được vị trí vai trò của mình trong tham mưu cho cấp ủy và thực hiện nhiệm vụ theo Điều lệ Đảng quy định về công tác kiểm tra, giám sát, góp phần quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng và bảo vệ tổ chức Đảng và đội ngũ cán bộ kiểm tra trong sạch vững mạnh.

Ông Lê Văn Chẩn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Vĩnh Cửu nhận định, nghề kiểm tra rất cần sự ổn định về đội ngũ cán bộ, vì mỗi người khi bước vào nghề phải mất một thời gian mới tiếp cận được công việc nên nghề này không nên thay đổi cán bộ liên tục mà cần sự chuyên sâu. Theo đó, nơi nào ổn định về tổ chức thì thực hiện tốt chức trách nhiệm vụ được giao. Cán bộ ngành kiểm tra phải có tâm huyết, nhiệt tình công tác, nắm vững chuyên môn nghiệp vụ và dám đương đầu với khó khăn, thách thức của nghề mà mình đã chọn. Nếu không nhiệt huyết với nghề thì không hăng say tìm hiểu kỹ những quy định trong công tác kiểm tra, giám sát. Hiện nay, mọi việc liên quan đến công tác kiểm tra, giám sát, giải quyết đơn thư tố cáo, xử lý kỷ luật đảng viên và tổ chức Đảng… đều được Trung ương hướng dẫn rất rõ, do đó khi tìm hiểu kỹ văn bản, quy định của Đảng thì sẽ thực hiện được nhiệm vụ dễ dàng hơn.

* Không có “vùng cấm”

Ông Võ Văn Thường, Phó bí thư Đảng ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy xã Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu) cho rằng làm công tác kiểm tra không chỉ để phát hiện, xử lý những sai phạm mà qua công tác kiểm tra, giám sát để thấy những gì là bất cập thì kiến nghị cấp trên xử lý. Chẳng hạn khi giám sát chất lượng sinh hoạt chi bộ, phát hiện một số trường hợp đảng viên trẻ không tham dự sinh hoạt đầy đủ, vi phạm điều lệ và nguyên tắc sinh hoạt Đảng. Nhưng xét về yếu tố của cuộc sống, do đảng viên phải đi làm ăn xa, bận làm theo ca kíp của nhà máy… nên Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy xã đã kiến nghị Huyện ủy có hướng dẫn cụ thể để tạo điều kiện cho đảng viên trẻ tham gia sinh hoạt đầy đủ, đúng quy định của Đảng mà vẫn đảm bảo được việc làm, không ảnh hưởng đến thu nhập của bản thân và gia đình.

Cán bộ kiểm tra không phải là những người “bới lông tìm vết” mà luôn hạnh phúc khi thấy đồng chí nhận biết được cái sai của mình, sửa chữa để tiến bộ, chứ không phải kiểm tra là để “dìm” người khác xuống. Ông Thường nhớ lại, có lần Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy xã phải khai trừ Đảng 1 trường hợp vì gây tai nạn giao thông nghiêm trọng. Lúc trao quyết định kỷ luật, đảng viên này đã rất ân hận về hành vi sai phạm của mình nhưng không ca thán, khiếu nại gì về hình thức kỷ luật. “Để đối tượng được kiểm tra, giám sát tâm phục, khẩu phục về những điều mà cán bộ kiểm tra đưa ra thì cán bộ kiểm tra phải phân tích rõ được sai phạm của người đó và áp dụng hình thức kỷ luật đúng đắn, không thiên vị nhưng cũng không suy diễn, áp đặt, thành kiến” - ông Thường cho hay.

Ông Nguyễn Đức Linh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy phường Xuân Thanh (TX.Long Khánh) khẳng định, trong xử lý kỷ luật của Đảng không có “vùng cấm”, ai sai đến đâu thì xử lý đến đó. Đảng đã giao trách nhiệm cho cán bộ kiểm tra là người “gác cửa” của Đảng thì phải làm tròn trách nhiệm, không được lơ là. Để làm tốt nhiệm vụ được giao, cán bộ kiểm tra phải là đội ngũ chuyên trách (hiện nay ở cấp cơ sở chỉ có phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra là chuyên trách, còn lại là kiêm nhiệm), tinh thông nghiệp vụ, am tường các lĩnh vực, ngang tầm với chức năng nhiệm vụ quyền hạn được giao.

Ông Nguyễn Đức Linh chia sẻ: “Nhiều đối tượng vi phạm rất tinh vi, nếu  không nắm chắc thông tin, không có nghiệp vụ vững vàng thì đối tượng chối lỗi ngay. Tuy nhiên, trong đấu tranh phải có tính nhân văn với tinh thần “trị bệnh cứu người” trên tình yêu thương đồng chí. Khi đó, chỉ cần dùng tình đồng chí nói chuyện với nhau, hoặc một cử chỉ nhẹ vỗ vai “đồng chí làm như thế là sai rồi, mình là đảng viên phải gương mẫu chứ, sai phải chịu trách nhiệm...”, có khi tác dụng đạt được rất lớn, đồng chí mình lập tức thức tỉnh, nhận biết được cái sai để sửa chữa ngay, không để đến lúc nặng mới xử lý”.

Phương Hằng

 

Tin xem nhiều