Báo Đồng Nai điện tử
En

Công đoàn tham gia xử lý nợ bảo hiểm xã hội

07:10, 25/10/2018

Thời gian qua, tình hình các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp kéo dài đã ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của người lao động.

Thời gian qua, tình hình các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp kéo dài đã ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của người lao động.

Tại cuộc họp ngày 23-10, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp yêu cầu các sở, ngành liên quan phải vào cuộc quyết liệt, tăng cường trách nhiệm trong xử lý nợ bảo hiểm.
Tại cuộc họp ngày 23-10, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp yêu cầu các sở, ngành liên quan phải vào cuộc quyết liệt, tăng cường trách nhiệm trong xử lý nợ bảo hiểm.

Cùng với cơ quan bảo hiểm xã hội và các sở, ngành, địa phương, các cấp Công đoàn trong tỉnh đã có một số giải pháp nhằm chung tay xử lý tình trạng này.

* Nợ bảo hiểm cục bộ kéo dài

Ông Phạm Minh Thành, Phó giám đốc phụ trách Bảo hiểm xã hội tỉnh cho biết, tính đến cuối tháng 9-2018 ngành Bảo hiểm xã hội tỉnh đang quản lý hơn 8,5 ngàn đơn vị, được phân theo 7 loại hình quản lý gồm: doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI), doanh nghiệp ngoài quốc doanh, doanh nghiệp nhà nước, ngoài công lập, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh cá thể, phường, xã và hành chính sự nghiệp - Đảng đoàn thể.

Trong số 7 loại hình này, khối doanh nghiệp FDI đang nợ số tiền bảo hiểm lớn nhất với hơn 234,3 tỷ đồng/tổng số hơn 550 tỷ đồng. Tiếp đến là doanh nghiệp ngoài quốc doanh.

Mặc dù Bảo hiểm xã hội tỉnh đã áp dụng nhiều biện pháp quyết liệt để đòi nợ bảo hiểm xã hội nhưng nhiều doanh nghiệp có số nợ lớn, thời gian kéo dài vẫn chậm khắc phục. Cụ thể như: Công ty cổ phần Lilama 45.1 nợ 37 tháng với số tiền 36,4 tỷ đồng, Công ty cổ phần Vietbo nợ 35 tháng với số tiền 20,6 tỷ đồng, Công ty cổ phần Lilama 45.4 nợ 46 tháng với số tiền 13 tỷ đồng, Công ty TNHH Kumsung Vina nợ 84 tháng với số tiền 12,4 tỷ đồng…

Cũng theo thống kê của Bảo hiểm xã hội tỉnh, có gần 500 đơn vị, công ty, doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội trên 100 triệu đồng với số tiền 429 tỷ đồng. Đặc biệt, trong số này có 52 đơn vị, doanh nghiệp đã giải thể, phá sản, chủ doanh nghiệp bỏ trốn với số nợ 57,4 tỷ đồng. Điều này khiến việc thu hồi nợ vô cùng khó khăn do chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể. Điển hình như Công ty TNHH KL Texwell Vina (Khu công nghiệp Bàu Xéo, huyện Trảng Bom) nợ 19,6 tỷ đồng, Công ty rượu sâm panh Matxcơva (Khu công nghiệp Biên Hòa 2) nợ 3,5 tỷ đồng.

Từ khi Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định giao quyền khởi kiện đơn vị nợ bảo hiểm xã hội cho Liên đoàn Lao động tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã cung cấp đầy đủ 12 hồ sơ đơn vị nợ bảo hiểm xã hội cho Liên đoàn Lao động tỉnh khởi kiện. Tuy nhiên, đến nay Liên đoàn Lao động tỉnh vẫn không khởi kiện được đơn vị nào do tòa án trả hồ sơ với lý do không thuộc thẩm quyền giải quyết, đồng thời thẩm quyền khởi kiện phải do Công đoàn cơ sở hoặc Công đoàn cấp trên cơ sở đối với những nơi chưa có tổ chức Công đoàn thực hiện.

* Giám sát, phối hợp đôn đốc, vận động doanh nghiệp trả nợ

Ông Nguyễn Hữu Thành, Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Long Thành cho biết, vừa qua trên địa bàn huyện có trường hợp Công ty TNHH Indo - Chine Việt Nam (vốn Ấn Độ, chuyên may mặc xuất khẩu, đóng tại xã Phước Thái, có 798 lao động) dự kiến ngưng sản xuất. Sau khi nhận được báo cáo của Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở công ty, đầu tháng 10-2018 Liên đoàn Lao động huyện Long Thành phối hợp với các ngành chức năng của huyện đã đến làm việc với Ban giám đốc công ty, được biết công ty sẽ ngưng sản xuất, đang lập thủ tục phá sản. Công ty cũng đang niêm phong các máy móc, tài sản để chuyển sang Campuchia.

Trong thời gian công ty ngưng sản xuất từ ngày 5-10-2018, công nhân vẫn được hưởng 100% lương đến khi công ty tuyên bố phá sản. Công ty cam kết trả lương tháng 9-2018 cho công nhân vào ngày 10-10-2018. Ước tính tiền trợ cấp mất việc cho người lao động mà công ty phải chi trả khoảng 5 tỷ đồng. Sau khi nghe ý kiến của phía công ty, đoàn công tác của huyện yêu cầu công ty trả dứt điểm gần 900 triệu đồng tiền còn nợ bảo hiểm xã hội; thanh toán lương tháng 9-2018 cho công nhân trước ngày 10-10-2018 và phải chuyển nộp 2% kinh phí Công đoàn theo đúng quy định của pháp luật.

Đến ngày 10-10, theo lịch hẹn Liên đoàn Lao động huyện Long Thành tiếp tục làm việc với lãnh đạo công ty. Theo đó, phía công ty đã thực hiện các yêu cầu của đoàn công tác. Trong thời gian công ty ngưng sản xuất đến khi tuyên bố phá sản, công nhân lao động vẫn được hưởng 100% lương. Ngoài ra, công ty cũng đang liên hệ với một doanh nghiệp Hàn Quốc để chuyển giao công ty và tiếp nhận người lao động.

Tuy nhiên, không có nhiều doanh nghiệp chấp hành nghiêm chỉnh những kiến nghị của đoàn công tác liên ngành về vấn đề nợ bảo hiểm xã hội như Công ty TNHH Indo - Chine Việt Nam. Có những doanh nghiệp mặc dù có đoàn công tác liên ngành của huyện đến làm việc, yêu cầu thanh toán đầy đủ các khoản nợ bảo hiểm cho người lao động nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện. Cụ thể như Công ty cổ phần VietBo (100% vốn Đài Loan, chuyên ngành dệt, đóng tại Khu công nghiệp Sông Mây, huyện Trảng Bom). Đến ngày 30-9, công ty này đang nợ 20,6 tỷ đồng tiền nợ bảo hiểm và đã cho công nhân nghỉ chờ việc.

Ông Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh (Liên đoàn Lao động tỉnh) cho hay, hệ thống Công đoàn đang rất quan tâm, bức xúc và tích cực phối hợp với các ngành chức năng để xử lý nợ bảo hiểm xã hội, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động. Chính sách tốt nhất là khởi kiện doanh nghiệp ra tòa. Tuy nhiên thời gian qua, hệ thống Công đoàn đã thực hiện hàng trăm cuộc khởi kiện nhưng đều bị tòa án trả lại hồ sơ vì không biết xử lý vụ kiện này như thế nào. Riêng tại Đồng Nai, Công đoàn đã khởi kiện 6 vụ nhưng đều không thành.

“Tôi cho rằng cần phải xử lý hình sự cứng rắn một số doanh nghiệp, sẽ là hồi chuông cảnh tỉnh cho những doanh nghiệp, đơn vị nợ bảo hiểm còn lại” - ông Hà chia sẻ.

Hạnh Dung

Tin xem nhiều