Báo Đồng Nai điện tử
En

Nỗ lực của những chiến sĩ lái xe chữa cháy

10:09, 13/09/2018

Đảm nhận vai trò quan trọng đưa lực lượng chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ đến hiện trường kịp thời cũng như điều khiển các thiết bị hiện đại trên xe để hỗ trợ các chiến sĩ chiến đấu với "giặc lửa" -  đó là nhiệm vụ của các cán bộ, chiến sĩ lái xe chuyên dụng Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn (PCCC) Công an tỉnh.

Đảm nhận vai trò quan trọng đưa lực lượng chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ đến hiện trường kịp thời cũng như điều khiển các thiết bị hiện đại trên xe để hỗ trợ các chiến sĩ chiến đấu với “giặc lửa” -  đó là nhiệm vụ của các cán bộ, chiến sĩ lái xe chuyên dụng Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn (PCCC) Công an tỉnh.

Trung úy Nguyễn Hữu Nam, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn Công an tỉnh điều khiển xe thang 52m. Ảnh: M.Thành
Trung úy Nguyễn Hữu Nam, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn Công an tỉnh điều khiển xe thang 52m. Ảnh: M.Thành

Không giống như những phương tiện giao thông khác, các xe chữa cháy, cứu nạn cứu hộ, xe thang... của lực lượng Cảnh sát PCCC có nhiều thiết bị hiện đại đi cùng. Do đó, lái xe ngoài việc xử lý các tình huống giao thông trên đường còn phải nắm vững cách sử dụng các thiết bị này hiệu quả, chính xác.

* Áp lực công việc cao

Để đưa được lực lượng PCCC đến hiện trường kịp thời, những người lái xe luôn chịu áp lực lớn từ thời gian gấp rút đến việc điều khiển xe đến nơi an toàn và sử dụng các thiết bị hỗ trợ trên xe sao cho nhanh chóng, chuẩn xác. Để quá trình đó diễn ra suôn sẻ, không vấp váp đòi hỏi ngoài việc nắm vững chuyên môn, quy trình chữa cháy, cán bộ, chiến sĩ lái xe còn phải bản lĩnh và vững vàng trong xử lý các tình huống diễn ra ngay trước mũi xe của mình khi di chuyển nhanh.

Trung úy Nguyễn Hữu Nam, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn Công an tỉnh chia sẻ: “Xe chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn cồng kềnh, lại nhiều thiết bị đắt tiền nên người lái phải biết giữ gìn, nếu để xảy ra va quẹt làm hỏng hóc sẽ ảnh hưởng đến quá trình làm nhiệm vụ. Khi có tình huống xảy ra, những người lái xe chúng tôi như có lửa đốt trong lòng, chỉ mong xe đến sớm, chữa cháy và cứu hộ kịp thời, không có thiệt hại lớn. Đến khi việc chữa cháy, cứu hộ thành công, đưa xe và cán bộ, chiến sĩ trở về đơn vị an toàn, chúng tôi mới thở phào nhẹ nhõm”.

Làm nhiệm vụ lái xe chuyên dụng gần 14 năm, Trung úy Nguyễn Hữu Nam (36 tuổi) hiện được giao lái xe thang 52m - là loại xe thang cao nhất của tỉnh. Trung úy Nam cho hay để sử dụng thuần thục được các loại xe, phương tiện hiện đại, đội ngũ lái xe đặc chủng được tập huấn và thực hành liên tục. Sau 6 tháng học cơ bản về các loại xe của lực lượng PCCC, các lái xe được tập huấn thêm khi về đơn vị nhận công tác.

Một trong những điểm khó khăn hiện nay của lái xe cứu hỏa chính là các xe đều có hướng dẫn sử dụng bằng tiếng nước ngoài, nên khi gặp trục trặc thì các chiến sĩ phải tự mày mò tìm hiểu tài liệu hướng dẫn hoặc hỏi những người đi trước, thậm chí có những vấn đề phải nhờ đến các chuyên gia nước ngoài hướng dẫn, tập huấn. Ngoài ra, mỗi xe đặc chủng lại có những điều ghi nhớ riêng, không xe nào giống xe nào, đòi hỏi chiến sĩ lái xe phải nắm đầy đủ, nhớ chi tiết.

Bên cạnh đó, quá trình làm nhiệm vụ của lái xe PCCC còn gặp một điều khó khăn khác là ý thức của người tham gia giao thông hiện nay còn hạn chế, không nhường đường cho xe dù đã phát tín hiệu ưu tiên. Thượng sĩ Phạm Ngọc Ân (26 tuổi) với 4 năm kinh nghiệm làm lái xe PCCC kể lại, khi lưu thông trên đường làm nhiệm vụ, gặp trường hợp xe không chấp hành, việc nhường đường, khi đó người lái xe phải bình tĩnh, phát thêm các tín hiệu ưu tiên và chọn vị trí an toàn để vượt lên trước.

* Nỗ lực để vượt qua thử thách

Công việc lái xe PCCC hầu như ít có thời gian để nghỉ ngơi. Các đơn vị phải đảm bảo quân số trực, nhất là vào các ngày lễ, tết nên các cán bộ, chiến sĩ lái xe phải luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ.

Trung úy Bùi Anh Tài (trái) và Trung úy Nguyễn Hữu Nam, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn Công an tỉnh kiểm tra thiết bị bên trong xe cứu nạn, cứu hộ.
Trung úy Bùi Anh Tài (trái) và Trung úy Nguyễn Hữu Nam, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn Công an tỉnh kiểm tra thiết bị bên trong xe cứu nạn, cứu hộ.

“Trong các cuộc đua với “bà hỏa” đòi hỏi người lái xe phải có tâm lý vững vàng và tay nghề phải không ngừng nâng cao theo thời gian trước các cung đường “khó nhằn”. Với chiếc xe bồn chứa đầy nước hoặc xe thang cồng kềnh, khi đi qua những đoạn đường hẹp, quanh co, lái xe phải cẩn thận để tránh cua nhanh, thắng gấp rất dễ làm nghiêng xe” - Trung úy Nguyễn Hữu Nam cho biết thêm.

Với 11 năm làm lái xe chuyên dụng của lực lượng Cảnh sát PCCC, Trung úy Bùi Anh Tài (32 tuổi) kể lại điều làm mình “ngán” nhất chính là các hẻm nhỏ hoặc các con đường khu dân cư bỗng xuất hiện thanh chắn giới hạn chiều cao hoặc khối bê tông ngăn xe tải đi vào. Nếu là ban ngày thì còn có người ra mở chắn cho xe chữa cháy, còn ban đêm thì thường lực lượng cứu nạn, cứu hộ phải cắt khóa để xe vào cho nhanh; riêng với khối bê tông thì phải chờ tổ cứu nạn, cứu hộ đục bỏ thì xe mới vào được.

“Khi xe xuất phát làm nhiệm vụ thì mỗi người lái xe đã mang trên vai trọng trách nặng nề, chúng tôi xem đó là thử thách mà muốn vượt qua cần phải có sự rèn luyện không ngừng. Hiện nay, xe đặc chủng tiên tiến hơn, đem theo nhiều công nghệ hiện đại, phương tiện trang bị đầy đủ hơn, buộc người lái xe đòi hỏi phải học hỏi không ngừng, thực hành liên tục” - Trung úy Bùi Anh Tài bộc bạch.

Trong quá trình làm nhiệm vụ, có những khi gặp sự cố như hỏng hóc giữa chừng, khi đó, các lái xe có kinh nghiệm hơn sẽ nhanh chóng chạy đến giúp đỡ. Do xe đặc chủng được mua từ nhiều hãng đến từ nhiều quốc gia nên cơ chế, cách thức hoạt động không giống nhau. Do vậy, để làm chủ phương tiện, các lái xe thường xuyên được đi tập huấn, học hỏi kinh nghiệm từ các chuyên gia đến từ hãng cung cấp xe.

Minh Thành

Tin xem nhiều