Báo Đồng Nai điện tử
En

Sống nghĩa tình để đền ơn người có công

08:08, 04/08/2018

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Liên (ngụ ấp Ngô Quyền, xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất). Dù không họ hàng thân thích song ông Liên cùng gia đình mình đã trực tiếp chăm sóc chu đáo Bà mẹ Việt Nam anh hùng Trịnh Thị Hoa như những người con đối với cha mẹ trong gần 10 năm cuối đời của mẹ Hoa.

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Liên (ngụ ấp Ngô Quyền, xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất). Dù không họ hàng thân thích song ông Liên cùng gia đình mình đã trực tiếp chăm sóc chu đáo Bà mẹ Việt Nam anh hùng Trịnh Thị Hoa như những người con đối với cha mẹ trong gần 10 năm cuối đời của mẹ Hoa.

Ông Nguyễn Văn Liên (ngụ ấp Ngô Quyền, xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất) bên gian thờ Bà mẹ Việt Nam anh hùng Trịnh Thị Hoa cùng 3 liệt sĩ do ông lập tại nhà để thờ phụng.
Ông Nguyễn Văn Liên (ngụ ấp Ngô Quyền, xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất) bên gian thờ Bà mẹ Việt Nam anh hùng Trịnh Thị Hoa cùng 3 liệt sĩ do ông lập tại nhà để thờ phụng.

Sau khi mẹ Hoa mất, vì không còn bà con thân thích phụng thờ, ông Liên đưa di ảnh của mẹ cùng 3 liệt sĩ là chồng và 2 con trai mẹ Hoa về hương khói suốt 12 năm qua.

* Nghĩa tình một người dưng

Vừa dọn dẹp lại bàn thờ của Bà mẹ Việt Nam anh hùng Trịnh Thị Hoa cùng 3 liệt sĩ là: Hồ Văn Phát (chồng mẹ Hoa) và 2 con trai của mẹ là Hồ Văn Chí, Hồ Văn Lợi, ông Liên cho biết mẹ Hoa mất ngày 13-4-2006. Còn 3 liệt sĩ là chồng và 2 con trai của mẹ không có ngày hy sinh rõ ràng nên mỗi năm đến ngày mẹ mất, ông làm giỗ chung cho cả 4 người. “Mâm cơm cúng giỗ lúc nào tôi làm cũng phải có đùi gà chiên, trứng cút, canh khổ qua, sầu riêng, dưa hấu. Đây là những món mà khi còn sống mẹ Hoa thích nhất. Tôi nghĩ chồng con mẹ chắc cũng thích những món này nên tôi luôn nấu nhiều thức ăn hơn để cả 4 người cùng hưởng” - ông Liên cho hay.

“Khi tôi phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam anh hùng và sau này là thờ cúng mẹ cùng các liệt sĩ, mỗi khi lễ, tết chính quyền địa phương, các đoàn thể đều đến dâng hương lên người đã khuất, đồng thời cũng thăm, hỏi động viên tôi” - ông Nguyễn Văn Liên cho biết.

Không chỉ ngày giỗ, mà dịp Ngày Thương binh - liệt sĩ 27-7 và Tết Âm lịch hằng năm, ông Liên đều cúng cơm như với người thân đã mất trong gia đình. Bà Nguyễn Thị Dung (57 tuổi, ngụ ấp Ngô Quyền), hàng xóm của ông Liên nhận xét: “Khi mẹ Hoa còn sống cũng như khi đã mất, ông Liên đều chăm sóc, hương khói chu đáo cho mẹ và những người thân đã mất”.

Nói về việc làm của mình, ông Liên cho hay đó là một sự tình cờ hay nói đúng hơn là nhân duyên của ông với mẹ Hoa. Trước năm 1996, mẹ Hoa vẫn đều đặn ra UBND xã lĩnh tiền trợ cấp và có dịp gặp ông Liên song ít khi trò chuyện. Năm 1996, sức khỏe mẹ Hoa yếu dần, nhiều đoàn thể của xã thay phiên nhau vào chăm sóc mẹ. Nhưng có lẽ do người già thường khó tính nên ai được phân công chăm sóc cũng bị mẹ thể hiện sự khó chịu ra mặt. “Lãnh đạo xã đề nghị tôi thử vào chăm mẹ xem sao. Lúc đầu thấy tôi, mẹ cũng tỏ ra khó chịu lắm, nhưng tôi cứ kiên trì. Dần dần mẹ thay đổi và rất thương tôi, chịu để tôi chăm lo từng miếng ăn giấc ngủ. Những lúc mẹ không tự chủ được trong việc vệ sinh, tôi đều dọn dẹp, thay quần áo, tắm rửa. Lúc đầu mẹ ngại không cho tôi làm, nhưng tôi nói tôi coi bà như mẹ ruột thì bà khóc và từ đó gắn bó với tôi suốt gần 10 năm” - ông Liên nói.

* Trách nhiệm với công việc

Ông Liên còn tham gia tuyên truyền việc đền ơn đáp nghĩa thông qua những bản tin được phát trên đài truyền thanh của xã do ông phụ trách.

Ông Liên có 34 năm gắn bó với Đài Truyền thanh xã. Đài Truyền thanh do ông phụ trách như đồng hồ báo giờ với người dân nơi đây. Ông Nguyễn Văn Xuân (ngụ ấp Trần Cao Vân, xã Bàu Hàm 2) cho hay: “5 giờ 30 và 17 giờ 30 là thời gian Đài Truyền thanh xã phát tin. Tôi để ý chưa lần nào đài phát trễ giờ. Những lần loa bị hư, khi người dân báo tin là ông Liên đến sửa liền dù là đêm hôm hay trời mưa gió để kịp giờ phát tin”.

Chính nhờ trách nhiệm với công việc được giao, ông Liên là một trong số rất ít người làm công tác truyền thanh ở xã liên tục nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của UBND tỉnh, UBND huyện Thống Nhất, Sở Thông tin - truyền thông vì hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Theo ông Liên, khi mới bắt đầu công việc truyền thanh tại xã vào năm 1984 thì lương ông là 120 ngàn đồng/tháng. Bây giờ mỗi tháng ông được nhận 1,9 triệu đồng. “Thấy số tiền tôi hưởng hằng tháng ít quá nên lãnh đạo xã qua nhiều thời kỳ để tôi kiêm thêm việc lao công ở UBND xã với mức lương 1,6 triệu đồng/tháng. Mà các anh, chị làm ở xã tình cảm lắm, đến tháng khi tôi nhận lương đều lấy tiền túi biếu tôi thêm vài trăm ngàn đồng. Mặc dù rất vui vì được quan tâm nhưng chưa khi nào tôi nhận” - ông Liên nói.

Nhận thêm công việc mới, ông Liên góp phần làm đẹp thêm cảnh quan, giữ gìn vệ sinh khuôn viên UBND xã. Hiện nay dù đã bước qua tuổi 62, không còn lo gánh nặng đời sống gia đình song ông Liên vẫn yêu nghề, quen việc nên chưa có ý định thôi việc ở địa phương.

Võ Tuyên

Tin xem nhiều