Báo Đồng Nai điện tử
En

Người trí thức dấn thân

08:08, 14/08/2018

75 năm trước, tại nhà lao Côn Đảo, vào ngày 14-8-1943 chí sĩ yêu nước nổi tiếng Nguyễn An Ninh trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 43 kết thúc cuộc đời ngắn ngủi nhưng đầy sôi động của một trí thức dấn thân vì dân tộc.

Nguyễn An Ninh - nhà yêu nước vĩ đại.
Nguyễn An Ninh - nhà yêu nước vĩ đại.

75 năm trước, tại nhà lao Côn Đảo, vào ngày 14-8-1943 chí sĩ yêu nước nổi tiếng Nguyễn An Ninh trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 43 kết thúc cuộc đời ngắn ngủi nhưng đầy sôi động của một trí thức dấn thân vì dân tộc.

Trước khi nhắm mắt xuôi tay, Nguyễn An Ninh đã để lại bài thơ nổi tiếng Sống và chết, trong đó có những câu: “Chết đây, chỉ chết cái hình hài/ Chết vì Tổ quốc, đời khen ngợi/ Chết cho hậu thế, đẹp tương lai”.

* Tuổi trẻ sôi động

Nguyễn An Ninh quê ở Cần Giuộc, Chợ Lớn (nay thuộc tỉnh Long An), sinh vào ngày 15-9-1900 trong một gia đình trí thức. Mặc dù được tuyển thẳng ra Hà Nội học y và sau đó đã chuyển sang học luật, nhưng ông không hài lòng với chế độ giáo dục thuộc địa nên tìm đường sang Pháp. Tại Pháp, ông chỉ mất 1 năm để hoàn thành chương trình 4 năm và lấy bằng cử nhân luật hạng xuất sắc của Trường đại học Sorbonne. Đây là sự kiện gây ngạc nhiên và thích thú trong giới trí thức Pháp đương thời.

Trên đất Pháp, ông cùng các nhà trí thức và cách mạng tên tuổi tại Pháp thành lập nhóm Ngũ Long bao gồm: Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn An Ninh và Nguyễn Tất Thành (tức Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh). Năm 1923, Nguyễn Ái Quốc từ Paris sang Nga để học cách tổ chức và lãnh đạo cách mạng. Theo bà Nguyễn Thị Minh, con gái Nguyễn An Ninh, vé tàu Nguyễn Ái Quốc đi từ Pháp sang Nga năm ấy do Nguyễn An Ninh đài thọ. Kể từ cuộc chia tay ấy, bộ 3 Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn An Ninh và Nguyễn Thế Truyền (cụ Phan Chu Trinh mất sau đó và cụ Phan Văn Trường cũng bị quản thúc) thất lạc nhau.

Năm 1935, Nguyễn An Ninh móc nối đưa Nguyễn Ái Quốc về Sài Gòn hoạt động nhưng không thành. Riêng Nguyễn Thế Truyền bị người Pháp đưa đi đày, đến năm 1954 được thả và có gặp Hồ Chí Minh trước khi di cư vào Nam. Sau đó Nguyễn Thế Truyền làm báo và có ra tranh cử trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1961 nhưng thất bại. Ngày 2-9-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời tại Hà Nội. Ngày 4-9 năm ấy, Nguyễn Thế Truyền tuyên bố tuyệt thực và qua đời ngày 19-9-1969. Riêng Nguyễn An Ninh cho đến ngày hy sinh tại Côn Đảo, ông đã không gặp người bạn thân thiết của mình - Nguyễn Tất Thành.

* Đánh thức các thế hệ thanh niên Việt Nam

Mặc dù nhà cầm quyền thực dân dùng đủ mọi cách để mua chuộc, dụ dỗ ông Nguyễn An Ninh cộng tác với chính quyền thực dân với lương cao, bổng hậu, ruộng đất, thế nhưng ông đã quyết đi vào con đường tranh đấu cho dân tộc, kể cả không theo học để lấy bằng tiến sĩ.

Cuộc đời Nguyễn An Ninh đã khép lại ở tuổi 43 trong tủi hận hờn căm vì mục tiêu mà ông và các chí sĩ yêu nước của dân tộc dành cả cuộc đời tranh đấu vẫn chưa đi đến đích cuối cùng. Phải 2 năm sau, với cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại, hoài bão và khát vọng của bao lớp cha anh trong đó có những chí sĩ yêu nước nổi tiếng như Nguyễn An Ninh mới trở thành hiện thực.

GS.Trần Văn Giàu cho rằng Nguyễn An Ninh là người “đánh thức các thế hệ thanh niên Việt Nam khi ấy”. GS.Trần Văn Giàu cho biết những năm ấy các cậu ấm như ông từ Nam kỳ lục tỉnh lên Sài Gòn đi học, ăn mặc chỉn chu, đúng điệu đã bị thuyết phục và mê hoặc bởi một Nguyễn An Ninh, cử nhân luật tại Pháp, xuất thân trong một gia đình danh giá nhưng đã từ bỏ tất cả để đội nón lá đi bán dầu cù là, bán báo ở ven đường với mục đích cao nhất là thức tỉnh thanh niên về tinh thần yêu nước.

Nguyễn An Ninh đã tổ chức diễn thuyết 2 lần ở Việt Nam và đều được quần chúng hoan nghênh nhiệt liệt. Đó là cuộc diễn thuyết đầu tiên ngày 25-1-1923 khi ông từ Pháp về thăm dò phong trào quần chúng trong nước với đề tài Nền văn hóa Việt Nam, và cuộc diễn thuyết lần thứ 2 vào đêm 15-10-1923 với đề tài Lý tưởng thanh niên An Nam. Các bài diễn thuyết của ông sau đó được xem là tiếng chuông thức tỉnh đồng bào đang lầm than, mê đắm với tuyên ngôn nổi tiếng: “Dân tộc nào để cho một nền văn hóa ngoại bang ngự trị thì không thể có độc lập thực sự. Văn hóa là tâm hồn của dân tộc... Một dân tộc muốn sống, muốn độc lập, muốn rạng danh trong nhân loại, cần phải có một nền văn hóa riêng của mình”.

Sau rất nhiều chiêu bài dụ dỗ không thành, kể cả mời phu nhân của ông (bà Trương Thị Sáu, cô ruột đồng thời là mẹ nuôi ông Trương Văn Bang, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, nguyên Bí thư Xứ ủy Nam bộ) lên thuyết phục, thực dân Pháp cấm ông diễn thuyết. Không thể tranh đấu bằng lời nói, ông chuyển qua làm báo và ra báo La Cloche Fêlée (Tiếng chuông rè) nhưng đã bị tạm ngưng khi xuất bản được 19 số. La Cloche Fêlée chỉ xuất hiện trong một thời gian ngắn và số lượng có hạn, lại viết bằng tiếng Pháp nhưng được đánh giá là đã “gióng lên tiếng chuông thức tỉnh đồng bào” và lột trần bản chất của chế độ thuộc địa”.

* Tù đày và hy sinh

Trong cuộc đời tranh đấu của mình, Nguyễn An Ninh đã 5 lần bị chế độ thực dân bắt ngồi tù. Ngày 5-10-1939, Nguyễn An Ninh bị kết án tù lần thứ 5 với mức án 5 năm lưu đày Côn Đảo. Khi người Nhật vào Đông Dương đã 2 lần cho người ra Côn Đảo đặt vấn đề mời ông về nhận chức Thủ tướng của chính phủ thân Nhật do người Nhật dự kiến thành lập, nhưng ông đều từ chối.

Nguyễn An Ninh cùng vợ và con tại Sài Gòn năm 1937.
Nguyễn An Ninh cùng vợ và con tại Sài Gòn năm 1937.

Nhà văn - người tù thế kỷ Sơn Vương Trương Văn Thoại trong một bài viết của mình cho biết, ông là người gần gũi với Nguyễn An Ninh tại Côn Đảo và đã chứng kiến giây phút hy sinh lẫm liệt cuối cùng của nhà cách mạng Nguyễn An Ninh.

Theo Sơn Vương Trương Văn Thoại, tất cả những người tù Côn Đảo khi chết đều được đem về chôn ở Hàng Keo (là nơi yên nghỉ của gần 10 ngàn tù nhân yêu nước). Khi Nguyễn An Ninh bệnh nặng, tên quan tư Tisseyre có đến thăm chừng, bị ông mắng vào mặt: “Bọn thực dân các anh giết tôi là diệt được mầm mống đấu tranh có phải? Không đâu! Mất Ninh này còn có hàng trăm hàng ngàn Ninh khác liên tục ra đời. Những Ninh tương lai ấy còn tài ba vượt trội và nhiệt tình yêu nước hơn tôi, gấp bội nữa kìa”.

Sau ngày Côn Đảo giành được chính quyền, Sơn Vương trở thành Chủ tịch UBND Côn Đảo từ ngày 12-12-1945 cho đến ngày 18-6-1946 thực dân Pháp tái chiếm Côn Đảo. Chính nhà văn Sơn Vương là người đã cải táng mộ ông thành ngôi mộ khang trang và lấy tên Nguyễn An Ninh đặt cho Côn Đảo với tên gọi là An Ninh quần đảo. Lúc ông mất, viên kỹ sư nhà đèn người Pháp cùng bà vợ lai Việt có đóng cho ông một chiếc hòm bằng cây khá tốt, nhưng vì thù vặt, tên chúa ngục Tisseyre bác bỏ không cho. Xác ông bị chôn bằng 2 chiếc bao bàng như bao tù nhân bất hạnh khác.

Nhà cách mạng Trần Văn Giàu đã đánh giá về Nguyễn An Ninh: “Người anh Ninh, tóc chấm vai, mắt sáng như sao, tiếng trong như chuông. Ở đất Sài Gòn mà mặc bà ba, đi guốc, bán báo Tiếng chuông rè của mình viết. Hình ảnh đó tự nó đủ gây cảm tình sâu sắc với đồng bào... Một thuở, Nguyễn An Ninh là thần tượng của đồng bào lục tỉnh, của học sinh chúng tôi... Con người sôi nổi, đại chúng đó, hùng hồn ở diễn đàn, bén nhọn trên cột báo, không chút sợ Tây tà, vào tù như về quê, con người ấy đồng thời là một người trầm tư, mặc tưởng... Nguyễn An Ninh là một chính khách, học giả, một nhà chính trị hoạt động. Trước hết, anh là một con người của quần chúng, là con người của nhân dân... Trong mắt, trong lòng người Sài Gòn - TP.Hồ Chí Minh, chí sĩ Nguyễn An Ninh là một người cách mạng, xứng đáng được lưu danh bằng bia đá, tượng đồng”.

   Vũ Trung Kiên

Tin xem nhiều