Báo Đồng Nai điện tử
En

Tấm gương sáng ngời đạo đức cách mạng

09:08, 19/08/2018

Lịch sử Việt Nam hôm nay và mai sau sẽ mãi nhắc tới một cái tên thân thiết với lòng biết ơn và sự kính trọng sâu sắc: Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng - Bác Tôn.

Chủ tịch Tôn Đức Thắng (1888-2018). Ảnh: TƯ LIỆU
Chủ tịch Tôn Đức Thắng (1888-2018). Ảnh: TƯ LIỆU

Lịch sử Việt Nam hôm nay và mai sau sẽ mãi nhắc tới một cái tên thân thiết với lòng biết ơn và sự kính trọng sâu sắc: Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng - Bác Tôn.

Không chỉ là một trong những người cộng sản lớp đầu tiên có công gây dựng tổ chức, truyền bá lý tưởng cách mạng và yêu nước, cuộc đời Bác Tôn còn là hiện thân cao cả của đạo đức cách mạng cao đẹp với cuộc sống riêng giản dị và trong sáng đầy tính nhân văn cao cả; của lý tưởng suốt đời phấn đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của đồng bào.

* Khí phách kiên cường của người Cộng sản

Bằng lòng yêu nước thiết tha và cháy bỏng, năm 1912 người thanh niên sinh ở cù lao Ông Hổ, (thuộc xã Mỹ Hòa Hưng, TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang) Tôn Đức Thắng đã tham gia tổ chức cuộc bãi công của học sinh Trường Bá Nghệ Sài Gòn và công nhân Nhà máy sửa chữa tàu thủy Ba Son. Năm 1919 Tôn Đức Thắng tham gia binh biến tại Hắc Hải nhằm phản đối sự xâm lược của nước ngoài đối với nền độc lập non trẻ của nước Nga Xô - viết. Năm 1920 trở về Sài Gòn, Tôn Đức Thắng cùng những người bạn thân thiết lập ra tổ chức đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam là Công hội bí mật tại Sài Gòn - Chợ Lớn nhằm đấu tranh bênh vực quyền lợi của công nhân, đấu tranh chống đế quốc tư bản.

Cuối năm 1926, khi nhận chỉ thị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Tôn Đức Thắng nhanh chóng tán thành gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, tán thành con đường cứu nước giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng giai cấp công nhân, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Năm 1927, Kỳ bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Nam kỳ thành lập, Tôn Đức Thắng được cử là một thành viên trong ban lãnh đạo Kỳ bộ và trực tiếp phụ trách phong trào công nhân Sài Gòn - Chợ Lớn. Trên cương vị này, Tôn Đức Thắng đã tích cực tuyên truyền giác ngộ và cùng các đồng chí của mình tham gia chuẩn bị cho sự ra đời của một đảng mác-xít chân chính ở Việt Nam.

Năm 1929, Tôn Đức Thắng bị thực dân Pháp bắt đưa về khám lớn Sài Gòn. Tại đây, thực dân Pháp dùng mọi cực hình tra tấn nhưng chúng đã thất bại trước khí phách kiên cường, bất khuất của người cộng sản Tôn Đức Thắng. Trong tù, Tôn Đức Thắng thành lập chi bộ đặc biệt trong nhà tù và biến nơi đây thành trường học cách mạng. Lòng yêu nước sắt son, niềm tin sắt đá, ý chí bền gan dạ sắt và lòng tin bất diệt vào ngày toàn thắng của dân tộc đã giúp Bác Tôn chịu đựng và vượt qua 17 năm ở địa ngục trần gian Côn Đảo.

* Hiện thân của đạo đức cách mạng

Chủ tịch Tôn Đức Thắng là hiện thân của một nhà yêu nước, một chiến sĩ cộng sản kết hợp nhuần nhuyễn giữa chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế trong sáng; là hiện thân của đạo đức cách mạng suốt đời cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; một tấm gương khiêm tốn, giản dị, liêm khiết đã nhận được sự kính trọng của nhân dân và đông đảo bạn bè quốc tế.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Tôn Đức Thắng lần lượt đảm nhiệm nhiều trọng trách khác nhau như: Phó hội trưởng Hội Liên Việt, Chủ tịch Mặt trận Liên Việt, Trưởng ban Thường trực Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó chủ tịch rồi Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa và sau đó là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Trên bất kỳ cương vị công tác nào, Bác Tôn cũng luôn nêu cao phẩm chất trung thành với Tổ quốc, với dân tộc, với Đảng, hết lòng, hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Từ những ngày còn hoạt động, cả những ngày trong lao tù cho đến lúc giữ trọng trách là Chủ tịch nước, Bác Tôn luôn nêu cao tấm gương đạo đức chí công vô tư, đời tư trong sáng, giản dị, đặc biệt với cuộc sống riêng rất bình dân và cao khiết. Tất cả những người cùng sống, cùng hoạt động và gắn bó với Bác Tôn đều dành cho Bác những tình cảm trân trọng, những đánh giá, những lời cảm phục về nhân cách và đạo đức của Bác.

Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đánh giá về Bác Tôn: “Cùng với tinh thần phấn đấu không mệt mỏi, ở đồng chí Tôn Đức Thắng còn nổi bật lên lập trường vững vàng, chí khí cao cả, đức tính khiêm tốn, giản dị, đó là những gương sáng để chúng ta học tập”.

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, người sống cùng Bác Tôn tại nhà tù Côn Đảo nhiều năm dưới sự giam cầm của thực dân Pháp cho biết ở Côn Đảo, Bác Tôn là người rất hiền, Bác thương không chỉ những bạn tù chính trị như mình mà còn thương cả những tù thường phạm khác và luôn luôn động viên, an ủi họ cố gắng can đảm, chịu đựng cũng như giáo cho họ về chủ nghĩa yêu nước. Đồng chí Nguyễn Văn Linh cho biết: “Khi đã trở thành Chủ tịch nước, Bác Tôn vẫn giữ tính điềm đạm, chân thành, thương người như khi ở tù Côn Đảo năm xưa mà tôi được sống bên Bác”.

 Trong điếu văn đọc tại lễ truy điệu Bác Tôn, đồng chí Trường Chinh, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định Bác Tôn “là một trong các chiến sĩ lớp đầu của phong trào công nhân và phong trào giải phóng dân tộc ở nước ta, là một trong những người bạn chiến đấu thân thiết lâu năm của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại… Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí là một tấm gương sáng về lòng trung thành, tận tụy; về tinh thần anh dũng, bất khuất; về đức tính khiêm tốn, giản dị”.

Chủ tịch Tôn Đức Thắng (áo trắng) đến Sài Gòn dự lễ mừng chiến thắng vĩ đại của dân tộc vào sáng 13-5-1975. Ảnh: TƯ LIỆU
Chủ tịch Tôn Đức Thắng (áo trắng) đến Sài Gòn dự lễ mừng chiến thắng vĩ đại của dân tộc vào sáng 13-5-1975. Ảnh: TƯ LIỆU

Là Chủ tịch nước nhưng Bác Tôn vẫn tự tay làm những công việc cho bản thân để không làm phiền người khác, kể cả tự sửa xe đạp cho con cháu. Là Chủ tịch nước nhưng khi ở nhà, vẫn mặc áo vá, bởi theo Bác Tôn “Chủ tịch mặc áo nối thì dân mới có đủ cơm ăn”. Ngày 20-8-1958, mừng thọ Bác Tôn Đức Thắng 70 tuổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký lệnh thưởng và đích thân gắn Huân chương Sao vàng đầu tiên của Nhà nước ta cho Bác Tôn. Tại buổi lễ trao tặng, Bác Hồ đọc lời chúc mừng, ca ngợi: “Đồng chí Tôn Đức Thắng là một người con rất ưu tú của Tổ quốc, suốt 50 năm đã không ngừng hoạt động cách mạng. 17 năm bị thực dân Pháp cầm tù, 9 năm tham gia lãnh đạo kháng chiến, 4 năm phấn đấu để giữ gìn hòa bình thế giới và đấu tranh cho sự nghiệp thống nhất nước nhà… Đồng chí Tôn Đức Thắng là một gương mẫu đạo đức cách mạng: suốt đời cần, kiệm, liêm, chính; suốt đời hết lòng hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân…”. 

Là người đầu tiên được trao tặng Huân chương Sao vàng - huân chương cao quý nhất của Đảng và Nhà nước Việt Nam, Chủ tịch Tôn Đức Thắng xúc động phát biểu: “Trong buổi lễ vinh quang này, tôi nghĩ đến thời kỳ tôi còn ấu trĩ, nghĩ đến những lúc khó khăn hiểm nghèo, Đảng đã dìu dắt, giáo dục tôi, nhân dân đã rèn luyện và giúp đỡ tôi để có được ngày nay. Huân chương này là một sự chiếu cố đặc biệt đối với tôi. Sự chiếu cố đó, trong đời tôi chưa bao giờ tôi dám nghĩ tới… Huân chương này mãi mãi nhắc nhở tôi, lời Hồ Chủ tịch nói hôm nay sẽ mãi khuyến khích tôi trung thành đến phút cuối cùng trong cuộc đấu tranh cho hòa bình và thống nhất của đất nước thân yêu”.

Là Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Hòa bình thế giới, với  những đóng góp và cống hiến không mệt mỏi cho tình hữu nghị giữa các dân tộc, Chủ tịch Tôn Đức Thắng được trao tặng giải thưởng Lênin Vì hòa bình và hữu nghị giữa các dân tộc cùng với số tiền thưởng là mười vạn ruble - một số tiền rất lớn lúc bấy giờ. Thế nhưng, Người chỉ dùng một phần rất nhỏ mua tặng phu nhân chiếc cối xay tiêu, số tiền còn lại đã được Bác Tôn trao tặng cho Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam để xây dựng nhà trẻ cho các cháu thiếu nhi.

Vũ Trung Kiên

Tin xem nhiều