Báo Đồng Nai điện tử
En

Thương binh Đoàn Trung Ngọc: Rời khỏi chiến tranh, chúng tôi bước vào những "cuộc chiến" khác

08:07, 26/07/2018

Ông Đoàn Trung Ngọc (ấp Hưng Bình, xã Hưng Lộc, huyện Trảng Bom) khá nổi tiếng trong giới nông dân Đồng Nai. Không phải vì quy mô canh tác hay doanh thu quá lớn, mà bởi vì ông là một trong những người đầu tiên trồng cây thanh long ruột đỏ ở Đồng Nai thành công và liên tục mở rộng diện tích trồng, là lớp nông dân đầu tiên đạt chứng chỉ GlobalGAP cho trái thanh long, và mấy năm nay liên tục xuất hàng đi châu Âu với doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm từ trang trại. Năm 2015, ông Ngọc là một trong 63 nông dân cả nước được vinh danh Nông dân xuất sắc và được xem như điển hình cho những thương binh làm kinh tế giỏi.

Ông Đoàn Trung Ngọc (ấp Hưng Bình, xã Hưng Lộc, huyện Trảng Bom) khá nổi tiếng trong giới nông dân Đồng Nai. Không phải vì quy mô canh tác hay doanh thu quá lớn, mà bởi vì ông là một trong những người đầu tiên trồng cây thanh long ruột đỏ ở Đồng Nai thành công và liên tục mở rộng diện tích trồng, là lớp nông dân đầu tiên đạt chứng chỉ GlobalGAP cho trái thanh long, và mấy năm nay liên tục xuất hàng đi châu Âu với doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm từ trang trại. Năm 2015, ông Ngọc là một trong 63 nông dân cả nước được vinh danh Nông dân xuất sắc và được xem như điển hình cho những thương binh làm kinh tế giỏi.

Ông Ngọc xuất thân là thương binh bậc 3/4, từng là lính đặc công và từ năm 11 tuổi đã có công việc “bán thời gian” là chạy đi chạy lại đưa tin liên lạc khi lực lượng của ta đóng quân trong vùng địch. Ông chính thức trở thành lính đặc công năm 17 tuổi, chiến đấu cho đến ngày giải phóng. Ông Ngọc nói, ông không có gì ngoài sự chịu khó, tính gan lì để từ người cựu chiến binh tay trắng trở thành tỷ phú nông dân. Và với ông, những “cuộc chiến” ở thời bình với mục đích trở thành một người có ích cho gia đình, cộng đồng, xã hội... cũng cam go không kém những trận chiến dưới bom đạn của địch ngày xưa.

* Từ thương binh trở thành tỷ phú

 Ông trở thành một người lính như thế nào?

- Tôi sinh năm 1955, nguyên quán ở Quảng Trị, sinh ra ở Tân Uyên, Bình Dương. Ba tôi vốn là một cán bộ nằm vùng ở Bình Dương, sau đó bị địch càn quét, gia đình tôi chuyển về Đồng Nai và tiếp tục hỗ trợ cách mạng trong khả năng có thể. Từ năm 11-12 tuổi, tôi đã tham gia công tác liên lạc cho quân ta. Miền Nam lúc đó vất vả, tôi sống trong vùng “da beo”, chen giữa ta và địch, mỗi ngày chạm trán với địch nên chứng kiến sự chết chóc diễn ra thường xuyên quanh mình, trong lòng nung nấu mong muốn được tham gia cách mạng.

Những năm 1969-1970, chỗ tôi ở vẫn là xã Hưng Lộc, thuộc tỉnh Long Khánh (từ năm 2003 mới thành xã Hưng Thịnh thuộc huyện Trảng Bom), tôi được các cô, các bác lãnh đạo dìu dắt rất tận tình như: bác Tám Phường, chú Ba Sơn, cô Hai Liên... Lúc này chiến dịch Trương Tấn Bửu diễn ra trên nhiều tỉnh của miền Nam, địch dồn dân tương tự ấp chiến lược để truy quét, giám sát, triệt tiêu quân ta. Có những ngày địch đốt sạch lúa, cháy suốt mấy ngày, dân mình sau đó ăn toàn lúa khét. Tôi chính thức trở thành bộ đội đặc công năm 17 tuổi, tức là vào năm 1972, nhận nhiệm vụ đánh chất nổ. Tôi gia nhập Trung đoàn 113, Quân đoàn 2. Tôi hoạt động trực tiếp, công khai: làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí, đạn dược, chất nổ... rồi chở cán bộ ta đi lại trong vùng để yểm trợ cho chiến dịch.

Tháng 10-1974, khi tham gia chiến đấu, tôi bị trúng mìn bị thương nặng, đến năm 1975, đất nước giải phóng, sức khỏe yếu nên tôi ra quân, quay về Hưng Lộc và trở thành một người nông dân thực thụ cho đến ngày nay.

 Những ngày đầu lập nghiệp trên đất Trảng Bom trong ký ức của ông ra sao?

- Chiến tranh qua đi, tôi bị thương mất một bàn tay, vốn liếng không có gì. Được gia đình cho 2 sào đất, vợ chồng tôi trồng dưa leo, khổ qua, mua thêm bò để đi cày thuê. Sau 10 năm, tôi tích cóp thêm được chút đất đai, vẫn trồng rau, dưa, bầu bí... Tôi cũng đi mua máy nông nghiệp bán lại cho nông dân trong vùng, song song với việc đào ao nuôi cá. Để dành được chút tiền nào, vợ chồng tôi lại mua thêm đất canh tác và cho đến nay thì được gần 10 hécta.

 Từ đâu mà ông bắt đầu “bén duyên” với cây thanh long ruột đỏ?

- Về duyên nợ với cây thanh long ruột đỏ thì cách đây gần 10 năm, tôi là một trong 3 hộ xin đăng ký trồng thử khi huyện có chương trình chuyển đổi cây trồng. Huyện hỗ trợ cây giống, kỹ thuật, phân tro... nên tôi trồng thử 500 gốc ban đầu. Cây thanh long ruột đỏ lúc đó chưa được biết đến nhiều, khi ra sản phẩm tôi đi khắp nơi tìm mối bán. Đồng thời, tôi cùng các nông dân khác giao lưu, thành lập nên tổ hợp tác để chia sẻ thông tin, thị trường tiêu thụ. Về sau, tôi kết nối được với vài người bạn ở Bình Thuận, rồi đưa trái cho họ kiểm tra, đạt chất lượng thì gom hàng chở ra cho họ tiêu thụ. Diện tích trồng thanh long cũng tăng lên.

* Bán cho ai cũng nên làm trái sạch

Rời cuộc chiến bom đạn để học cách làm nông dân, tôi nghĩ những người thương binh như chúng tôi đã rất may mắn. Biết bao đồng đội của tôi đã hy sinh, không tìm được hài cốt, biết bao nhiêu người vẫn rất khó khăn xoay xở với thân thể không trọn vẹn và đời sống kinh tế khó khăn. Tôi thấm thía những điều đó nên chưa bao giờ ngại khó, ngại khổ.

 Không dễ để trồng thanh long xuất được vào thị trường khó tính như châu Âu. Ông làm được điều đó bằng cách nào?

- Cách đây 5 năm, một đối tác ở Bình Thuận có đơn hàng xuất khẩu thanh long ruột đỏ đi châu Âu nhưng tìm chưa đủ số lượng trái đạt tiêu chuẩn châu Âu nên có chia sẻ thông tin. Tôi cho rằng đây là cơ hội để mình nâng cấp sản phẩm nên nhanh chóng nhận lời, đầu tư vốn liếng, mở rộng diện tích, hợp tác với các đơn vị hướng dẫn kỹ thuật để xin chứng nhận GlobalGAP. Tóm lại, tôi cố gắng hoàn thiện các khâu để cho ra trái thanh long ruột đỏ đủ tiêu chuẩn xuất khẩu châu Âu.

So với thanh long bán trong nước hoặc xuất đi Trung Quốc thì trồng thanh long xuất châu Âu đòi hỏi sự an toàn tuyệt đối về quy trình. Họ không đòi trái to quá hay mượt mà về hình thức, nhưng phải sạch. Chi phí sẽ cao hơn làm theo cách thông thường, nhưng giá bán cũng cao hơn. 4 năm nay, mỗi tuần tôi đều cung cấp thanh long ruột đỏ cho các đối tác xuất đi châu Âu. Tôi thành lập Trang trại Ngọc Phát và sắp tới có thể sẽ mở rộng thêm mảng dịch vụ du lịch sinh thái, vườn cây ao cá.

 Làm nông sản đủ tiêu chuẩn xuất đi châu Âu dễ hay khó với ông?

- Tôi không được học hành bài bản, làm gì cũng chỉ từ đôi bàn tay trắng, gia tài duy nhất cho đến nay cũng chỉ là sự chịu thương chịu khó và sự thành thật trong sản xuất, trong bán buôn. Nói về kinh nghiệm thì tôi thua kém rất nhiều người trong nghề, nhưng tôi thấy thế này, nếu mình vẫn tiếp tục chấp nhận làm điều “dễ”, nghĩa là sản xuất theo các tiêu chuẩn giản đơn và bán cho những khách hàng dễ tính với giá rẻ, thì sau này sẽ khó cạnh tranh. Làm nông sản theo chuẩn VietGAP hay GlobalGAP rõ ràng là khó, chi phí cao, công sức nhiều, phải liên tục gửi mẫu đi kiểm tra và 2 năm/lần phải xin cấp lại chứng chỉ, nhưng lâu dần trái cây mình sẽ có thương hiệu, tiếng tăm, các đối tác tìm đến nhiều hơn và thu nhập sẽ khá hơn.

 Ông tuyên bố sẽ kiên định con đường làm nông sản sạch, có phải vì ông bán được đi châu Âu nên dễ dàng hơn so với các nông dân khác, hay vì lý do nào khác?

- Tôi nghĩ không phải mình làm sản phẩm sạch chỉ để xuất đi châu Âu, mà kể cả khi chỉ bán trong nước hay xuất đi các thị trường dễ tính, thì mình cũng nên theo đuổi quy trình sản xuất sạch. Bởi trong số những người ăn sản phẩm, có bà con làng xóm, anh chị em, có những người tâm huyết ủng hộ trái cây nội địa, lẽ nào họ không xứng đáng được ăn trái thanh long sạch?

Một khía cạnh khác tôi thấy là nếu mình không thay đổi, vẫn vin vào lý do lợi nhuận thì khi nông dân nước khác làm trái sạch bán qua cho mình, thì nông dân trong nước cạnh tranh sao nổi? Vậy nên tôi chọn làm nông theo hướng sạch là vì vậy, và tôi vẫn sẽ kiên định cách làm này ngay cả khi đối tác dừng mua.

 Với ông, cuộc chiến dưới bom đạn, hay công việc làm ăn ở thời bình cam go hơn?

- Thành thật mà nói, sống giữa thời bình, chúng ta phải đối diện với nhiều “cuộc chiến” khác cam go không kém. Nói đơn giản, khi là nông dân, ta phải chiến đấu với việc chọn làm nông sản sạch dù tốn kém tiền của công sức, hay chọn cái lợi nhất thời mà phun xịt đủ thứ chất độc hại lên sản phẩm? Là một người bình thường, cũng phải đối mặt với tất cả những cám dỗ của vật chất, những cám dỗ từ đời sống kinh tế thị trường để giữ cho mình sự trong sạch, đàng hoàng. Mặc dù sự chết chóc không thường trực quanh ta như lúc chiến tranh, nhưng có những điều tinh tế mà nếu không vững vàng, người ta dễ dàng sa ngã.

Tôi là một nông dân ít học, không sành sỏi kiến thức, nhưng tôi nghĩ trong thời đại này, nông dân chúng tôi có 2 “cuộc chiến”: một là sự so kè trực tiếp với các đối tác trong và ngoài nước để bán được hàng; và hai là phải vượt qua tính hám lợi, “ăn xổi ở thì” trong tư duy mình sẵn có để theo đuổi con đường làm nông sản sạch, dù quy mô nhỏ hay lớn. Tôi cũng không biết dễ hay khó, nhưng tôi tự tin với tinh thần người lính, tôi sẽ làm được điều này.

 Xin cảm ơn ông!

Kim Ngân (thực hiện)

Tin xem nhiều