Báo Đồng Nai điện tử
En

Không né tránh hạn chế, khuyết điểm

01:07, 14/07/2018



Đồng chí Trần Văn Tư, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy cho rằng, hội nghị lần thứ 13 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh có thể xem như đợt đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết giữa nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh...



Đồng chí Trần Văn Tư, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy cho rằng, hội nghị lần thứ 13 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh có thể xem như đợt đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết giữa nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa X (2015-2020), qua đó làm cơ sở cho việc đề ra các giải pháp để thực hiện tốt các nhiệm vụ còn lại của năm 2018 cũng như nửa nhiệm kỳ tiếp theo của Đảng bộ tỉnh khóa X. Hội nghị không né tránh những vấn đề thực tế đang diễn ra ở cơ sở, địa phương, đơn vị, từ đó bàn giải pháp xử lý để tình hình tốt hơn.

Đồng chí Nguyễn Phú Cường, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Khánh Lộc
Đồng chí Nguyễn Phú Cường, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Khánh Lộc

* “Nóng” với khai thác khoáng sản

Bí thư Huyện ủy Vĩnh Cửu Trần Trung Nhân phản ánh thẳng thắn: “Hiện nay tình hình khai thác cát trái phép trên sông Đồng Nai, đoạn qua xã Bình Lợi (huyện Vĩnh Cửu) rất phức tạp. Nhiều thửa đất ven sông Đồng Nai bị sạt lở nghiêm trọng. Không ít nhà dân đã mất hàng trăm mét đất vì sạt lở do khai thác cát trái phép”.

Hằng đêm, có khoảng 5 ghe hoạt động bơm hút cát dưới sông Đồng Nai, đoạn xã Bình Lợi; các ghe luân phiên hút được 40 lượt, thu về tổng cộng hơn 200 triệu đồng/đêm. Vì lợi nhuận quá cao nên các đối tượng khai thác cát trái phép hoạt động công khai, ngày càng phức tạp. Địa phương đã ráo riết thực hiện các biện pháp nhằm ngăn chặn khai thác cát trái phép nhưng không triệt để.

Trước tình hình trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo Công an tỉnh, Sở Tài nguyên - môi trường phối hợp địa phương mở chuyên án xử lý khai thác cát trái phép.

Đại tá Nguyễn Văn Kim, Phó giám đốc Công an tỉnh, cho biết Công an tỉnh có các tổ xử lý ngay tại cơ sở. Ở huyện Vĩnh Cửu đã phát hiện được một số vụ và một số đối tượng bơm hút cát trái phép, nhưng việc xử lý các đối tượng này gặp nhiều bất cập, không xử lý được bằng pháp luật vì khó xác định khung thế nào là gây hậu quả nghiêm trọng mà chỉ xử được mặt hành chính. Mặt khác, đang có nghịch lý là nhiều điểm kinh doanh vật liệu xây dựng được cấp phép kinh doanh ngay dọc bờ sông Đồng Nai nên các đối tượng hút cát xong thì bán ngay cho các cơ sở này, không phải chở đi xa nên cơ quan chức năng rất khó xử lý.

Đồng chí Nguyễn Văn Nải Bí thư thị ủy Long Khánh phát biểu tại hội nghị
Đồng chí Nguyễn Văn Nải, Bí thư Thị ủy Long Khánh phát biểu tại hội nghị

Tuy nhiên, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Hồ Văn Năm khẳng định căn cứ vào Bộ luật Hình sự mới được sửa đổi, bổ sung, có hiệu lực từ ngày 1-1-2018, hoàn toàn xử lý hình sự được các đối tượng bơm hút cát trái phép.

Về vấn đề này, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Trần Văn Tư bày tỏ kiên quyết: “Ngành công an nói khó xử lý, vậy không lẽ công tác quản lý nhà nước bó tay, chịu thua trước tình trạng khai thác cát trái phép? Khó đến đâu cũng phải có giải pháp xử lý”.

Không chỉ “nóng” chuyện khai thác cát trái phép, công tác quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh cũng đang tồn tại nhiều bất cập bởi quy hoạch ở một số địa phương còn lỏng lẻo, tình trạng phân lô, bán nền, xây dựng trái phép diễn ra ở nhiều địa phương. Theo Bí thư Huyện ủy Long Thành Cao Tiến Dũng, huyện đang đề nghị các xã tổng hợp tất cả trường hợp phân lô, bán nền và tự đấu nối giao thông, địa phương nào làm không đúng quy hoạch dứt khoát phải trả lại hiện trạng.

Còn Bí thư Huyện ủy Xuân Lộc Phạm Văn Thuận cho hay, thời gian gần đây Xuân Lộc cũng xuất hiện tình trạng san lấp mặt bằng, xây dựng trái phép. Tình trạng này chưa nhiều nhưng huyện đã họp lãnh đạo các xã và cán bộ địa chính, ra “tối hậu thư” nơi nào để xảy ra san lấp mặt bằng, xây dựng trái phép là cán bộ nơi đó bị kỷ luật.

K
Khai thác cát trái phép đang là chuyện "nóng" hiện nay. Trong ảnh: Công an TP.Biên Hòa phát hiện, thu giữ ghe khai thác cát lậu trên sông Đồng Nai vào ngày 8-3 (ảnh tư liệu)

 Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh cho biết tình trạng phân lô, bán nền, xây dựng trái phép gia tăng có nhiều nguyên nhân, trong đó có giá đất tăng nhanh, tăng mạnh. Đồng Nai đã có nhiều biện pháp ngăn chặn, hạn chế thấp nhất tình trạng phân lô, bán nền ở những vùng đang có tốc độ đô thị hóa nhanh và các vùng đang triển khai thực hiện các dự án; đồng thời đã thành lập các đoàn thanh tra công tác quản lý nhà nước về sử dụng đất đai ở một số địa bàn thuộc TP.Biên Hòa và các huyện Vĩnh Cửu, Trảng Bom.

* Không chủ quan

Một số đại biểu đã đề cập đến công tác xây dựng nông thôn mới. Trong đó, Bí thư Thị ủy Long Khánh Nguyễn Văn Nải nêu tình hình nhiều xã đã được công nhận nông thôn mới từ những năm trước, nay một số công trình đã xuống cấp, cần kinh phí duy tu, sửa chữa. Tuy nhiên, khi mới bắt tay vào xây dựng nông thôn mới còn có khí thế, hiện nhiều xã rơi vào tình trạng “đuối”.

Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao có tiêu chí khá cao, nhiều tiêu chí không hợp lý, không cần thiết như ấp, khu phố nào cũng phải có nhà văn hóa là lãng phí. Trong thực tế nhà văn hóa chỉ cần thiết cho vùng sâu, vùng xa, còn ở thành thị không cần thiết, vì hiện nay không ai ra nhà văn hóa để xem tivi, nếu tổ chức sinh hoạt cộng đồng thì không đủ chỗ, không đủ quy mô diện tích.

“Đích đến cuối cùng của xây dựng nông thôn mới là đời sống người dân phải được nâng cao, xây dựng được các mô hình nâng cao giá trị sản xuất cho bà con, chứ không phải vì các tiêu chí” - Bí thư Thị ủy Long Khánh bày tỏ.

Bí thư Đảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh Trương Văn Vở nêu việc chuyển đổi công năng và di dời các doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Biên Hòa 1 quá chậm, dù tỉnh có chủ trương hơn 10 năm qua nhưng đến nay chưa triển khai. Tỉnh phải xác định rõ trách nhiệm của các ngành tham mưu; xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp di dời thật cụ thể; kêu gọi đầu tư, khi đó có vốn mới làm được.

Trong khi đó, theo Giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội Huỳnh Văn Tịnh, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang nợ bảo hiểm xã hội 562 tỷ đồng, chiếm 2,92% trong tổng số tiền phải thu bảo hiểm xã hội. Tỷ lệ này thấp so với cả nước, nhưng theo Thường trực Tỉnh ủy, số tiền này không hề nhỏ, nếu chỉ tập trung ở một vài doanh nghiệp mà đã nợ lên đến vài trăm tỷ đồng thì đáng báo động.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Để tiếp tục thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ còn lại 6 tháng cuối năm, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, lãnh đạo các sở, ngành, MTTQ và các đoàn thể rà soát, xem chỉ tiêu nào chưa đạt hoặc đạt thấp thì đôn đốc để hoàn thành nhằm thúc đẩy chuyển dịch và phát triển kinh tế của tỉnh theo hướng nâng cao chất lượng và duy trì tốc độ tăng trưởng. Thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp. Khuyến khích phát triển công nghiệp xanh, với cơ cấu ngành nghề, công nghệ tiến bộ theo hướng hiện đại, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, thực hiện hiệu quả Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn, đẩy nhanh đầu tư và đưa vào hoạt động hệ thống du lịch ven sông, khu du lịch suối Mơ, Sơn Tiên, điểm du lịch Đảo Ó - Đồng Trường. Tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới, đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn và hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Quan tâm hỗ trợ tái định cư, tổ chức lại cuộc sống cho các hộ dân có đất bị thu hồi khi triển khai các dự án. Đẩy nhanh tiến độ và thực hiện hiệu quả các đề án quan trọng, trong đó có chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa 1.

Phương Hằng

Tin xem nhiều