Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuyển biến tích cực trong công tác Đoàn

09:07, 10/07/2018

Ngày 25-7-2008, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) ban hành Nghị quyết 25 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước...

Ngày 25-7-2008, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) ban hành Nghị quyết 25 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (gọi tắt là Nghị quyết 25).

Cán bộ, đoàn viên thanh niên huyện Xuân Lộc tìm hiểu mô hình trồng hoa lan rừng. Ảnh: N.Sơn
Cán bộ, đoàn viên thanh niên huyện Xuân Lộc tìm hiểu mô hình trồng hoa lan rừng. Ảnh: N.Sơn

Nghị quyết 25 đã thể hiện sự quan tâm của các cấp ủy Đảng đối với công tác Đoàn; đồng thời huy động sự quan tâm, vào cuộc của các cấp, ngành góp phần tạo chuyển biến tích cực trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu niên.

* Cấp ủy Đảng luôn quan tâm

Anh Vy Hoài Vũ, Bí thư Đoàn Khối các cơ quan tỉnh, cho biết Đoàn Khối các cơ quan tỉnh luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của tổ chức Đoàn cấp trên và đặc biệt là của Ban Thường vụ Đảng ủy khối. định kỳ hằng quý Ban Thường vụ Đảng ủy khối làm việc với Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đoàn khối để nắm bắt tình hình; hằng năm tổ chức chương trình đối thoại, diễn đàn Thanh niên với Đảng, Đảng với thanh niên... Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Đảng ủy khối cũng ban hành nhiều văn bản đề nghị các cấp ủy cơ sở quan tâm đến hoạt động Đoàn tại cơ quan, đơn vị.

Sáng nay (10-7), Tỉnh đoàn tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Đồng Nai thực hiện Nghị quyết số 25 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) và Kế hoạch số 96 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa VIII) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Dịp này, Tỉnh đoàn khen thưởng 27 tập thể, 13 cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết 25.

Ở cấp cơ sở, được sự quan tâm của cấp ủy, lãnh đạo các đơn vị nên các tổ chức Đoàn cơ sở có nhiều thuận lợi về thời gian, kinh phí hoạt động. Nhiều đơn vị được tạo điều kiện bằng việc trích nhuận bút website, cho phép sử dụng tiền khám bệnh của đoàn viên ngày thứ bảy, giao tổ chức Đoàn các công trình, phần việc có trả phí (như: chỉnh lý hồ sơ, sắp xếp tài liệu cơ quan, chăm sóc cây cảnh…).

Xuân Lộc là huyện đầu tiên về đích nông thôn mới và đang trong quá trình thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao nên sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng đối với các phong trào của Đoàn lại càng sâu sát.

Bí thư Huyện đoàn Xuân Lộc Phạm Thanh Kiên chia sẻ, ngoài việc thường xuyên nắm bắt tình hình triển khai các phong trào hành động cách mạng, nhiệm vụ xây dựng tổ chức Đoàn vững mạnh, công tác cán bộ Đoàn luôn được Huyện đoàn quan tâm. Đội ngũ cán bộ Đoàn các cấp của huyện được quan tâm bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực và được bố trí vào các vị trí tương xứng khi hết tuổi Đoàn, góp phần tạo động lực để đội ngũ cán bộ Đoàn tiếp tục cống hiến sức trẻ.

Bên cạnh khối hành chính sự nghiệp, khối lực lượng vũ trang, khối trường học, khối địa bàn dân cư, công tác Đoàn và phong trào thanh niên khối doanh nghiệp ngày càng nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, Ban giám đốc doanh nghiệp.

Bí thư Chi đoàn Công ty xăng dầu Đồng Nai Lê Minh Đức cho hay cấp ủy, Ban giám đốc công ty luôn tạo thời gian cho cán bộ Đoàn của công ty tham gia các hoạt động do tổ chức Đoàn cấp trên tổ chức; hỗ trợ về mặt kinh phí, cho phép chi đoàn triển khai mô hình Đoàn viên, thanh niên là kênh bán hàng hiệu quả, góp phần tạo thêm kinh phí để chi đoàn tổ chức các hoạt động tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng.

* Tạo điều kiện để thanh niên phát triển

Theo Phó bí thư Thường trực Tỉnh đoàn Nguyễn Thanh Hiền, ngay sau khi Nghị quyết 25 ra đời, các cấp bộ Đoàn từ tỉnh đến cơ sở đã chủ động ký kết nhiều chương trình phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể nhằm tăng cường công tác giáo dục và chăm lo cho đoàn viên, thanh niên. Chỉ tính riêng cấp tỉnh đã phối hợp với 23 sở, ban, ngành. Thông qua các chương trình phối hợp, đã huy động được cả hệ thống chính trị cùng thực hiện nhiệm vụ về thanh niên và công tác thanh niên.

Nghiên cứu khoa học cũng là một trong những hoạt động trang bị kỹ năng cho sinh viên. Trong ảnh: Sinh viên Trường đại học công nghệ Đồng Nai đang nghiên cứu thành phần từ cỏ ngọt thay thế cho đường cát trong phòng thí nghiệm (Ảnh: Nga Sơn)
Nghiên cứu khoa học cũng là một trong những hoạt động trang bị kỹ năng cho sinh viên. Trong ảnh: Sinh viên Trường đại học công nghệ Đồng Nai đang nghiên cứu thành phần từ cỏ ngọt thay thế cho đường cát trong phòng thí nghiệm (Ảnh: Nga Sơn)

Tỉnh đoàn đã ký kết chương trình phối hợp với Sở Lao động - thương binh và xã hội, Sở Công thương, Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn hỗ trợ đoàn viên, thanh niên học nghề; trợ vốn; giải quyết việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho đoàn viên, thanh niên.

Trong số đó phải kể đến trường hợp anh Thái Thành Trung (xã Xuân Quế, huyện Cẩm Mỹ) - một thanh niên ổn định kinh tế ngay tại quê nhà nhờ mô hình chăn nuôi vịt. Anh Trung chia sẻ, anh tốt nghiệp cao đẳng ngành điện cơ nhưng vì gia đình neo người nên anh về quê nhà lập nghiệp. Qua nghiên cứu sách vở và tham dự các lớp tập huấn chăn nuôi do Huyện đoàn phối hợp với Trạm khuyến nông huyện tổ chức, anh chọn mô hình chăn nuôi vịt làm kinh tế.

Với số vốn 300 triệu đồng của gia đình và được hỗ trợ vay từ ngân hàng, anh đầu tư trang trại, mua con giống. Với 2 ngàn con giống mỗi đợt, sau vài tháng xuất chuồng, trừ đi chi phí anh thu 35-40 triệu đồng, thời điểm giá vịt cao có thể lên 50-60 triệu đồng. Nhờ đó, chỉ sau 8 tháng nuôi vịt, anh đã thu hàng trăm triệu đồng để trả nợ ngân hàng.

Đoàn thanh niên các trường đại học, cao đẳng cũng phối hợp chặt chẽ với bộ phận đào tạo, tuyển sinh trong trường tổ chức tốt các đợt tư vấn hướng nghiệp cho học sinh; phối hợp với doanh nghiệp hỗ trợ sinh viên thực tập, tìm việc làm sau khi tốt nghiệp…

Tại Trường đại học công nghệ Đồng Nai, nhằm giúp sinh viên nắm bắt được kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp và các kỹ năng khác để thích ứng với nhu cầu xã hội hiện nay sau khi ra trường, Đoàn trường đã có cách làm hiệu quả dành cho sinh viên ngay từ những năm đầu bước vào trường. Sinh viên Bùi Kim Uyên (Khoa Thực phẩm môi trường và điều dưỡng) cho biết, trong năm thứ nhất Kim Uyên được tạo điều kiện đi tham quan thực tế tại các doanh nghiệp, được định hướng công việc sau khi ra trường. Bên cạnh đó, tổ chức Đoàn và Ban giám hiệu nhà trường còn phối hợp với doanh nghiệp tổ chức các lớp kỹ năng cho sinh viên. Theo tìm hiểu của Kim Uyên, sinh viên các năm tiếp theo còn được đi thực tế tại doanh nghiệp theo các đề án ngắn hạn, dài hạn…

Chị Nguyễn Thanh Hiền, Phó bí thư thường trực Tỉnh đoàn, cho biết thêm thời gian qua các cấp bộ Đoàn ở cơ sở đã tổ chức được chương trình đối thoại giữa cấp ủy với đoàn viên thanh niên. Dự kiến trong thời gian tới, cấp tỉnh sẽ có chương trình đối thoại giữa đoàn viên, thanh niên trong tỉnh với Tỉnh ủy nhằm tạo điều kiện để đoàn viên, thanh niên nói lên tâm tư, nguyện vọng của mình; đồng thời tăng cường hơn nữa sự quan tâm của Đảng đối với công tác thanh niên.

Nga Sơn

Tin xem nhiều