Báo Đồng Nai điện tử
En

Thực hiện lời dạy về thi đua ái quốc

08:06, 02/06/2018

Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược bước vào giai đoạn gian khó và ác liệt nhất, để phát huy cao nhất sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân để vượt qua những khó khăn trước mắt và hướng đến thắng lợi cuối cùng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, ngày 11-6-1948 Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc và chính thức phát động phong trào trong cả nước.

Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược bước vào giai đoạn gian khó và ác liệt nhất, để phát huy cao nhất sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân để vượt qua những khó khăn trước mắt và hướng đến thắng lợi cuối cùng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, ngày 11-6-1948 Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc và chính thức phát động phong trào trong cả nước.

Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Trần Văn Tư trao cờ cho Ban Dân vận Tỉnh ủy - đơn vị xếp hạng nhất khối 1 trong phong trào thi đua yêu nước năm 2017.
Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Trần Văn Tư trao cờ cho Ban Dân vận Tỉnh ủy - đơn vị xếp hạng nhất khối 1 trong phong trào thi đua yêu nước năm 2017.

Mục đích của thi đua ái quốc, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh là để: “Toàn dân đủ ăn, đủ mặc; Toàn dân biết đọc, biết viết; Toàn bộ đội đầy đủ lương thực, khí giới để diệt ngoại xâm; Toàn quốc sẽ thống nhất độc lập hoàn toàn”. Nghĩa là mục tiêu xuất phát từ lợi ích của nhân dân, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân và độc lập tự do cho dân tộc. Vì thế, phong trào thi đua đã được nhân dân cả nước hưởng ứng tích cực ngay từ những ngày đầu phát động.

* Đa dạng hình thức thi đua

Những yêu cầu về đổi mới trong công tác thi đua - khen thưởng, đòi hỏi các cơ quan, cán bộ làm công tác thi đua - khen thưởng phải bám sát tinh thần những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh để thi đua - khen thưởng thật sự là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm chỉ đạo phong trào thi đua yêu nước. Người chủ trương phải đa dạng các hình thức thi đua - khen thưởng nhằm biểu dương và nhân rộng nhiều hơn nữa những tấm gương điển hình. Vì vậy, bên cạnh hình thức tuyên dương anh hùng, chiến sĩ thi đua, Người còn đề xuất hình thức tuyên dương gương người tốt - việc tốt, để những việc bình thường nhưng ích nước lợi dân được trân trọng và nhân rộng trong xã hội. Người cũng đề nghị xuất bản sách gương người tốt - việc tốt để phổ biến sâu rộng trong nhân dân, qua đó nhân lên nhiều tấm gương điển hình tiên tiến mới.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, thi đua và khen thưởng phải luôn gắn bó với nhau. Đã thi đua thì phải có khen thưởng vì: “Thi đua là gieo trồng, khen thưởng là thu hoạch”. Khen thưởng là sự ghi nhận của xã hội với những đóng góp của các cá nhân, tập thể cho sự nghiệp cách mạng. Khen thưởng chính xác, kịp thời, đúng người, đúng việc sẽ có tác dụng động viên khuyến khích mọi người, mọi nhà hăng hái thi đua, tạo được nhiều thành tích cho cách mạng. Nếu khen thưởng không kịp thời, không đúng người, đúng việc sẽ triệt tiêu động lực thi đua và hiệu quả của các phong trào cách mạng.

Vì vậy, ngày 26-1-1946, Bác đã ký Quốc lệnh, trong đó ban hành 10 điều thưởng  với những quy định khen thưởng rất cụ thể và rõ ràng. Đó là: Nhà nào có 3 con tòng quân sẽ được thưởng; Ai lập được quân công sẽ được thưởng; Ai vì nước hy sinh sẽ được thưởng; Ai ra trận can đảm phi thường sẽ được thưởng; Ai làm việc công một cách ngay thẳng sẽ được thưởng; Ai làm việc có ích cho nước nhà, dân tộc được dân chúng mến phục sẽ được thưởng; Ai bỏ tiền ra xây đắp cầu cống, đê, đường sẽ được thưởng; Ai bắt được nhiều kẻ phản quốc sẽ được thưởng; Ai liều mình vì việc công sẽ được thưởng; Ai cứu được người bị nạn sẽ được thưởng.

Qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giá trị thực tiễn của tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước ngày càng được khẳng định và đã đóng góp vô cùng to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Những nhân tố điển hình trong phong trào thi đua yêu nước qua 2 cuộc kháng chiến đã góp phần cổ vũ và tạo nên sức mạnh to lớn vượt qua khó khăn để chiến thắng kẻ thù, giành độc lập cho dân tộc, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

* Đổi mới theo hướng thực chất

Thực hiện lời dạy của Bác, hiện nay trên khắp đất nước, trong các ngành, các giới, các tổ chức chính trị - xã hội đã và đang dấy lên các phong trào thi đua lao động sáng tạo và rất thiết thực như: phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; xóa đói, giảm nghèo; phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế; thanh niên lập nghiệp; thanh niên tình nguyện… đang mang lại diện mạo mới cho phong trào thi đua yêu nước.

Tuy nhiên, hình thức và nội dung thi đua - khen thưởng nhiều lúc, nhiều nơi đã tỏ rõ sự bất cập, nên khi triển khai thực hiện đã không mang lại hiệu quả như mong đợi. Hình thức khen thưởng nhiều khi mang nặng tính hình thức, chưa trở thành động lực để kích thích người thi đua và đẩy mạnh phong trào thi đua. Vì vậy, những nội dung của thi đua cũng như những hình thức tổ chức phong trào thi đua trong thời gian tới cần được đổi mới theo hướng thực chất, thiết thực và dễ thực hiện. Mục tiêu thi đua phải cụ thể, hợp với lòng dân.

Thi đua không phải là ganh đua mà là hình thành động cơ thi đua trong sáng, lành mạnh, vì lợi ích của mỗi người, của tập thể và lợi ích của địa phương, đơn vị. Thi đua phải nhằm đẩy mạnh sản xuất, nâng cao hiệu quả công tác và năng suất lao động, đồng thời gắn với việc triển khai Chỉ thị 05, Nghị quyết Trung ương 4 và Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII. Thi đua là để phát huy truyền thống yêu nước; khơi dậy ý thức tự giác, sức sáng tạo của các tầng lớp nhân dân; tạo khí thế thi đua sôi nổi trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đảm bảo quốc phòng - an ninh.

Việc khen thưởng cũng phải được đổi mới để đáp ứng yêu cầu tình hình nhiệm vụ mới. Khen thưởng phải kịp thời, chính xác, công bằng, đúng người, đúng việc. Khắc phục cho bằng được tư tưởng ăn thua, ganh đua, cục bộ, chạy theo thành tích, vì lợi ích động cơ cá nhân và những biểu hiện thiếu trung thực trong thi đua.

TS.Vũ Thị Nghĩa

Tin xem nhiều