Báo Đồng Nai điện tử
En

Chủ động trong công tác kiểm tra, giám sát

08:06, 14/06/2018

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 14-NQ/TW của Trung ương, đến nay các cấp ủy và đội ngũ cán bộ, đảng viên trong tỉnh đã nhận thức đầy đủ hơn về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát...

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 14-NQ/TW, ngày 30-7-2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, các cấp ủy, tổ chức Đảng, ủy ban kiểm tra các cấp và đội ngũ cán bộ, đảng viên trong tỉnh đã nhận thức đầy đủ hơn về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát.

Thường trực Tỉnh ủy kiểm tra việc thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Đảng 6 tháng đầu năm 2018 tại Huyện ủy Nhơn Trạch.
Thường trực Tỉnh ủy kiểm tra việc thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Đảng 6 tháng đầu năm 2018 tại Huyện ủy Nhơn Trạch.

Từ đó, các cấp ủy, tổ chức Đảng đã trách nhiệm và chủ động hơn trong lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát.

*Cấp ủy Quan tâm

Theo đồng chí Huỳnh Văn Hồng, Ủy viên Ban TVTU, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, nhiều địa phương, đơn vị trong tỉnh, người đứng đầu và từng đồng chí trong cấp ủy đã đặc biệt quan tâm công tác kiểm tra, giám sát và trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác này, tạo ra phong cách lãnh đạo sâu sát, dân chủ, phát huy sức mạnh tổng hợp ở từng cơ quan, đơn vị, địa phương.

Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Huỳnh Văn Hồng nhận định Đồng Nai là tỉnh phát triển mạnh về công nghiệp nên các hoạt động về kinh tế diễn ra sôi động, liên quan nhiều đến thủ tục hành chính, lĩnh vực tài nguyên, khoáng sản, môi trường, đất đai... Thời gian qua, những lĩnh vực này luôn có nhiều diễn biến... Trách nhiệm của cán bộ kiểm tra là phải phát hiện được những sơ hở để tham mưu cấp ủy và báo cáo chính quyền, không để xảy ra sơ hở, không để cán bộ lợi dụng làm những việc có lợi cho cá nhân.

Chỉ tính riêng các cấp ủy và cơ quan tham mưu giúp việc của cấp ủy, 10 năm qua (2008-2018) đã kiểm tra 14.420 lượt tổ chức Đảng và gần 116.690 lượt đảng viên. Nội dung kiểm tra bao gồm nhiều vấn đề như: việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ cơ sở; trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện chức trách nhiệm vụ, công tác cán bộ, phòng chống tham nhũng, việc khắc phục hạn chế, khuyết điểm sau kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII; về trách nhiệm nêu gương; sinh hoạt của tổ chức cơ sở Đảng; về công tác xây dựng Đảng; về quản lý, sử dụng nguồn tiền thưởng đối với xã đạt chuẩn nông thôn mới; việc quản lý các nguồn quỹ hỗ trợ, vận động, tài trợ…

Tuy phần lớn tổ chức Đảng, đảng viên chấp hành nghị quyết, chỉ thị của Đảng, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, giữ gìn phẩm chất, song qua kiểm tra đã phát hiện 52 tổ chức Đảng và 40 đảng viên có khuyết điểm vi phạm về những nội dung nói trên.

Không chỉ thực hiện công tác kiểm tra, cấp ủy các cấp còn quan tâm công tác giám sát, trong đó có giám sát chuyên đề về các nội dung: tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân; công tác cán bộ; việc khắc phục khuyết điểm sau kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và XII; việc thực hiện đề án nêu gương; thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh... Qua giám sát chuyên đề, đã phát hiện 7 đảng viên có dấu hiệu vi phạm, nên chuyển sang quy trình kiểm tra.

* Vào cuộc tích cực

Mặc dù đội ngũ cán bộ kiểm tra của toàn tỉnh không nhiều, có địa phương hàng chục ngàn đảng viên nhưng chỉ có vài cán bộ kiểm tra, song 10 năm qua ủy ban kiểm tra các cấp đã kiểm tra được 15.347 lượt tổ chức Đảng cấp dưới và 933 lượt đảng viên có dấu hiệu vi phạm. Kết quả, có 48 tổ chức Đảng và 709 đảng viên vi phạm, trong đó 4 tổ chức Đảng và 348 lượt đảng viên đã bị thi hành kỷ luật.

Hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát trên địa bàn tỉnh thời gian qua không chỉ được đo bằng con số, mà còn thể hiện bằng chất lượng. Công tác kiểm tra, giám sát đã chạm tới các mặt, các lĩnh vực, các vấn đề bức xúc, nhạy cảm của nhân dân.

Ban TVTU luôn lãnh đạo, chỉ đạo xử lý nghiêm những vụ việc nổi cộm liên quan đến quản lý đất đai, môi trường, xử lý rác thải, công tác cán bộ, tài chính, những sai phạm cố ý làm trái… góp phần thúc đẩy hoàn thành nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị; có sức răn đe, cảnh báo, ngăn ngừa vi phạm của cán bộ, đảng viên; góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và vai trò tiên phong gương mẫu của đảng viên.

Theo Phó giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Văn Út, để công tác kiểm tra, giám sát thời gian tới đạt kết quả tích cực hơn nữa, các cấp ủy Đảng cần kiểm tra, giám sát có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vấn đề dễ phát sinh vi phạm, đồng thời quan tâm đội ngũ làm công tác kiểm tra ở các chi, Đảng bộ của cơ quan, đơn vị. Đội ngũ này chủ yếu là kiêm nhiệm, chuyên môn nhiều, lại thường xuyên bị thay đổi.

Bí thư Đảng ủy khối các cơ quan tỉnh Nguyễn Hữu Định thì cho rằng cần công khai kết quả kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng, góp phần đấu tranh, ngăn chặn, giáo dục, răn đe, đẩy lùi các hành vi vi phạm. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng, những lĩnh vực dễ xảy ra tiêu cực, sai phạm, địa bàn có vấn đề nổi cộm, việc giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, việc thực hiện nguyên tắc trong sinh hoạt Đảng. Trong xem xét thi hành kỷ luật, phải đảm bảo tính nghiêm minh, đồng bộ giữa kỷ luật Đảng và kỷ luật hành chính, đoàn thể.

Phương Hằng

Tin xem nhiều