Báo Đồng Nai điện tử
En

Mở rộng tự chủ và tăng trách nhiệm giải trình với giáo dục đại học

08:05, 31/05/2018

Thảo luận ở tổ về dự thảo Luật Cảnh sát biển Việt Nam và dự thảo Luật đặc xá (sửa đổi)

Thảo luận ở tổ về dự thảo Luật Cảnh sát biển Việt Nam và dự thảo Luật đặc xá (sửa đổi)

Đại biểu Hồ Văn Năm (đoàn Đồng Nai) phát biểu thảo luận tại tổ vào ngày 29-5.
Đại biểu Hồ Văn Năm (đoàn Đồng Nai) phát biểu thảo luận tại tổ vào ngày 29-5.

Sáng 30-5, các đại biểu Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ trình bày tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, qua 5 năm thi hành, Luật Giáo dục đại học đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, trở thành những điểm nghẽn, là nút thắt trong quá trình thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học. Việc xây dựng và ban hành dự án luật nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng và Nhà nước, khắc phục những hạn chế, bất cập về điều chỉnh pháp luật đối với giáo dục đại học thời gian qua, góp phần đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và hội nhập quốc tế.

Thẩm tra dự án luật, Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học; nhất trí với đề xuất rà soát toàn diện, nhưng lựa chọn một số vấn đề cốt lõi để sửa đổi, bổ sung như tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị nghiên cứu sửa đổi luật một cách căn cơ hơn, đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế.

Về tự chủ đại học, Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng cho rằng việc đẩy mạnh tự chủ là cần thiết và phù hợp với xu thế chung của giáo dục đại học; đi đôi với mở rộng tự chủ là tăng cường trách nhiệm giải trình, đổi mới quản trị cơ sở giáo dục đại học, đặc biệt là nâng cao vai trò, năng lực của hội đồng trường. Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng đề nghị, cần làm rõ hơn các khái niệm, nội hàm về quyền tự chủ, về năng lực tự chủ; về phạm vi, mức độ, điều kiện thực hiện quyền tự chủ phù hợp với năng lực của cơ sở giáo dục đại học và yêu cầu cụ thể về trách nhiệm giải trình.

Đối với giá dịch vụ đào tạo, Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng tán thành việc tính đúng, tính đủ chi phí cần thiết cho hoạt động đào tạo theo cơ chế giá dịch vụ và cho phép cơ sở giáo dục đại học được tự chủ quyết định mức giá dịch vụ đào tạo đối với các dịch vụ không sử dụng ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, ủy ban không nhất trí việc thay thuật ngữ “học phí” bằng “giá dịch vụ đào tạo” như thể hiện trong dự thảo luật và đề nghị vẫn sử dụng khái niệm “học phí” như quy định trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.

* Trước đó, ngày 29-5 tổ số 5 (gồm đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Đồng Nai, Bình Phước, Hưng Yên và Quảng Ninh) đã thảo luận ở tổ về 2 dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam và Luật Đặc xá (sửa đổi).

Các đại biểu đã tập trung phát biểu ý kiến một số nội dung trọng tâm của dự thảo luật về sự cần thiết phải ban hành luật để phù hợp với Hiến pháp 2013, chính sách luật liên quan tới Cảnh sát biển Việt Nam, bảo vệ biển trong giai đoạn hiện nay, luật hóa các quy định đã chứng minh qua 20 năm thực tiễn thi hành Pháp lệnh Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam.

Các vị đại biểu Quốc hội cũng kiến nghị cần lưu ý về nguyên tắc tổ chức, hoạt động, chức năng, nhiệm vụ của cảnh sát biển. Chúng ta đang dần dân sự các biện pháp vũ trang, dự thảo luật quy định cảnh sát biển thuộc lực lượng vũ trang thì thế nào là lực lượng vũ trang? Nếu xảy ra tranh chấp trên biển thì lý giải thế nào về lực lượng vũ trang để vẫn có lực lượng đấu tranh trên biển? Về tổ chức bộ máy thống nhất như hiện nay, Cảnh sát biển Việt Nam có bộ tư lệnh, vùng. Trong điều kiện cứu hộ, cứu nạn có thể hoạt động ở ngoài nhưng phải theo quy định của pháp luật quốc tế, tránh tạo khoảng trống trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ trên biển.

Phát biểu tại buổi thảo luận, đại biểu Hồ Văn Năm (đoàn Đồng Nai) cho rằng dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi) quy định thời điểm xét đặc xá là sự kiện trọng đại của đất nước nhưng chưa có giải thích sự kiện trọng đại đất nước, điều kiện xét đặc xá phạm vi hẹp hơn điều 66 của Bộ luật Hình sự nên hạn chế thời gian chấp hành án. Phạm vi có thể bó hẹp hơn như: lập công lớn, ngăn chặn các tội phạm nghiêm trọng khác, mặt khác để tuyên một người phạm tội là cả một quá trình với nhiều cơ quan tư pháp, đặc xá không theo định kỳ mà phải vào dịp đặc biệt. Nghĩa là phải thu hẹp diện đặc xá, vậy điều kiện rất cao. Đối tượng hẹp thôi không thể rộng rãi quá, giảm tần suất, nhưng nếu tăng điều kiện cao quá thì chẳng có ai để đặc xá nữa. Để đảm bảo thì mỗi lần đặc xá có thể quy định thêm điều kiện, không nên trói buộc những điều kiện cụ thể. Phải coi đặc xá là đặc ân đặc biệt, mỗi lần có những điều kiện khác nhau. Đồng thời dự thảo phải quy định những đối tượng không được đặc xá như: cướp của giết người, phản bội Tổ quốc.

L.V - Kim Thoa

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích