Báo Đồng Nai điện tử
En

Khơi dậy đam mê sáng tạo

07:04, 09/04/2018

Được Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh phát động từ năm 2004, phong trào Sáng tạo trẻ đã thu hút sự quan tâm của đông đảo đoàn viên, thanh niên tham gia.

Được Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh phát động từ năm 2004, phong trào Sáng tạo trẻ đã thu hút sự quan tâm của đông đảo đoàn viên, thanh niên tham gia.

Các đơn vị tham gia cuộc thi Sáng tạo tên lửa nước tại ngày hội Tuổi trẻ sáng tạo năm 2018.
Các đơn vị tham gia cuộc thi Sáng tạo tên lửa nước tại ngày hội Tuổi trẻ sáng tạo năm 2018.

Tại Đồng Nai, mỗi năm có gần 150 công trình, đề tài, sáng kiến cải tiến kỹ thuật do cán bộ, đoàn viên, thanh niên đảm nhận với giá trị ước tính gần chục tỷ đồng.

* Sáng tạo từ nhu cầu thực tiễn

Nhận thấy nhiều người có nhu cầu điều khiển thiết bị điện trong nhà từ xa, trong khi những sản phẩm này trên thị trường có giá thành cao, nhóm tác giả: Phan Kiên Cường, Phan Thiện Phước, Phan Thị Hường, Nguyễn Minh Sơn (Trường đại học Lạc Hồng) đã có ý tưởng làm ra một sản phẩm để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Chỉ trong một thời gian ngắn, thiết bị bảng điện thông minh ra đời với những tính năng độc đáo như: bật tắt các thiết bị điện qua internet, hẹn giờ tắt cho thiết bị, báo cho người dùng tình trạng hoạt động, lượng điện tiêu thụ... bất cứ lúc nào.

Tham gia chương trình ngày hội Tuổi trẻ sáng tạo do Tỉnh đoàn tổ chức mới đây, học sinh Đinh Gia Kiết Giang (lớp 10A5 Trường THPT Ngô Quyền, TP.Biên Hòa) bày tỏ mong muốn các cấp bộ Đoàn sẽ tổ chức nhiều hoạt động sáng tạo dành cho đoàn viên, thanh niên. Các hoạt động nên dành nhiều thời gian cho các tác giả, nhóm tác giả giới thiệu chi tiết về các sản phẩm sáng tạo để các đoàn viên, thanh niên khác có thể tích lũy thêm kiến thức, kinh nghiệm cho bản thân.

Thiết bị chỉ có giá khoảng 600 ngàn đồng/chiếc nên người có thu nhập thấp vẫn có thể sở hữu và trải nghiệm những tiện ích mà bảng điện thông minh mang lại nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của chính mình.

Sau thời gian đi tìm nguyên nhân của hiện tượng “sống ảo”, suy nghĩ lệch lạc của một bộ phận giới trẻ do ảnh hưởng bởi các nội dung trong tiểu thuyết ngôn tình, nhóm tác giả Vũ Thị Bích Ngọc và Nguyễn Thị Vân Kim (Trường THPT Đoàn Kết, huyện Tân Phú) đã bắt tay nghiên cứu thực trạng, hệ lụy của việc đọc tiểu thuyết ngôn tình không có chọn lọc và đưa ra những giải pháp nhằm định hướng văn hóa đọc, định hướng cho công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh trong nhà trường.

 Em Vũ Thị Bích Ngọc cho biết một trong những lý do mà nhóm chọn đối tượng học sinh để nghiên cứu bởi đây là lứa tuổi bắt đầu xuất hiện những rung động về giới tính, những câu chuyện về tình yêu luôn có sức hấp dẫn. Bằng chứng dễ thấy nhất là qua khảo sát tại trường, có trên 36% học sinh quan tâm đến tình yêu trong các tiểu thuyết ngôn tình, trong khi quan tâm đến tình bạn chỉ có gần 15% và các mối quan hệ khác là gần 31%. Đáng nói hơn, sau khi đọc tiểu thuyết ngôn tình, học sinh dễ mơ tưởng về một tình yêu không có thật, làm ảnh hưởng đến kết quả học tập. Nhóm khuyến nghị học sinh cần tạo cho mình một “màng lọc cá nhân” để chọn những ấn phẩm sách phù hợp với lứa tuổi, giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.

* Vận động nguồn lực hỗ trợ sáng tạo

Với phương châm “Mỗi đoàn viên, thanh niên một ý tưởng sáng tạo; mỗi chi đoàn là một hộp thư sáng kiến; mỗi cơ sở Đoàn là một vườn ươm sáng tạo”, phong trào Sáng tạo trẻ đã được Tỉnh đoàn triển khai đến từng nhóm đối tượng thanh niên thông qua công tác tuyên truyền, các hội thi, các lớp tập huấn kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin...

Tuy nhiên, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn cũng nhận thấy nhiều công trình, đề tài, sản phẩm sáng tạo của đoàn viên, thanh niên chưa có chiều sâu; nhiều sản phẩm sáng tạo còn mang tính học thuật, chưa bám sát nhu cầu của thực tiễn xã hội. Việc thực hiện phong trào Sáng tạo trẻ chưa đồng đều giữa các nhóm đối tượng thanh niên, chủ yếu tập trung ở đối tượng đoàn viên, thanh niên khối trường học và khu vực doanh nghiệp. Điển hình là trong 48 sản phẩm sáng tạo được tuyên dương tại ngày hội Tuổi trẻ sáng tạo năm 2018 vừa qua, có trên 40 sản phẩm của tác giả, nhóm tác giả đến từ các trường THPT, đại học và hầu hết đã đoạt giải, được khen thưởng tại các cuộc thi sáng tạo khoa học - kỹ thuật cấp tỉnh, khu vực, toàn quốc.

Năm 2018 được Ban Bí thư Trung ương Đoàn chọn  là Năm Tuổi trẻ sáng tạo. Do đó, tại Đồng Nai, chủ đề này sẽ được triển khai ở tất cả các lĩnh vực. Riêng với phong trào Sáng tạo trẻ, theo Phó bí thư thường trực Tỉnh đoàn Nguyễn Thanh Hiền, nhiệm vụ cần làm ngay lúc này là tiếp tục tăng cường các hoạt động tuyên truyền để đoàn viên, thanh niên chủ động, tự giác hơn trong nghiên cứu, sáng tạo.

Bên cạnh đó, các cấp bộ Đoàn sẽ tổ chức có hiệu quả các hoạt động đồng hành với thanh niên trong nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề; phối hợp với cấp ủy cơ sở, Công đoàn tổ chức các hoạt động thi đua lao động sáng tạo, tổ chức thi tay nghề...  Quan trọng hơn, tổ chức Đoàn sẽ tập trung vào công tác vận động các nguồn lực để hỗ trợ đoàn viên, thanh niên trong học tập, nghiên cứu khoa học, đảm nhận các công trình, đề tài mang lại giá trị thiết thực.

Nga Sơn

Tin xem nhiều